BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1512 TM/XNK
| Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2002 |
Kính gửi | - Bộ Tài chính (Vụ Hợp tác quốc tế) |
Hội nghị Uỷ ban điều phối thực hiện khu vực mậu dịch tự do ASEAN CEPT/AFTA lần thứ 25 (CCCA-25) diễn ra từ ngày 5-6/6/2002 tại Jakarta/Indonesia đã thống nhất ngày tổ chức Hội nghị của Nhóm đặc trách Quy tắc xuất xứ CEPT/AFTA từ ngày 20-21/6/2002. Đoàn Việt Nam gồm các thành viên: 1 chuyên viên Vụ XNK (trưởng đoàn), 1 cán bộ chuyên trách của Phòng QLXNK Hà Nội và 1 cán bộ Công ty Giám định hàng hóa Vinacontrol đã tham dự Hội nghị này diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN - Hakarta/Indonesia với sự có mặt có 8 nước thành viên ASEAN (đoàn Lào và Philippin vắng mặt) đã thảo luận một số vấn đề cụ thể như sau:
1/ Tính toán hàm lượng xuất xứ ASEAN:
Chi phí/giá:
- Giá xuất xưởng (ex-factory price) = Chi phí sản xuất + lợi nhuận
- Giá F.O.B = Giá xuất xưởng + Chi phí vận chuyển
Giá F.O.B có thể bao gồm các Chi phí khác (Other Charges) ví dụ như: đóng gói, bảo hiểm từ nhà máy chuyển ra cảng, thủ tục, kho bãi, môi giới, bốc xếp,... Một số nước thành viên đề nghị có thể đưa ra một mức phí cố định chung đối với tất cả các Chi phí khác này.
- Chi phí sản xuất bao gồm: nguyên liệu để sản xuất (có thể mua trong nước, nhập khẩu, hay chưa xác định xuất xứ), nhân công, chi phí cố định và các chi phí khác).
+ Nguyên liệu: Nguyên liệu nhập khẩu được tính bằng USD theo giá CIF và các chi phí nhận hàng từ cảng về đến nhà máy
+ Nhân công: bao gồm chi phí trực tiếp và gián tiếp như lương, bổng, phúc lợi, quỹ dự phòng, chi phí quản lý,...
+ Chi phí cố định: bao gồm thuê đất, khấu hao máy móc, chi phí bảo trì, bảo dưỡng, điện, nước, lãi suất vay vốn, nghiên cứu và đào tạo, quảng cáo, khuyến mãi.
- Chi phí liên quan đến bản quyền, giấy phép, hỗ trợ tài chính, nhãn mác được xếp vào mục Chi phí khác, mục này được đề nghị xem xét đến khả năng đưa ra một mức phí cố định chung cho tất cả các nước thành viên.
- Lợi nhuận được tính ở mỗi nước theo những cách khác nhau (ví dụ: Brunei, Indonesia và Việt Nam theo kê khai của doanh nghiệp, Malaysia áp dụng mức cố định 20%, Singapore theo thông báo và cam kết của Ban giám đốc và kế toán, Thailand theo một mức tỷ lệ lãi hợp lý). Hội nghị cũng tính đến khả năng đưa ra một tỷ lệ lợi nhuận cố định áp dụng cho tất cả các nước thành viên. Một nước thành viên (Brunei) đề xuất ý kiến không tính lợi nhuận vào giá F.O.B.
- Hội nghị yêu cầu các nước thành viên tiếp tục nghiên cứu và trao đổi thông tin về vấn đề này để có thể thống nhất vào phiên họp lần sau.
Kiến nghị: Bản kê khai chi phí và lợi nhuận là do từng doanh nghiệp tự lập để nộp cho các Công ty giám định tính toán hàm lượng xuất xứ ASEAN của hàng hóa, hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cho các doanh nghiệp về những loại chi phí cần kê khai này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa kê khai đủ những chi phí này dẫn đến việc không thống nhất trong việc tính toán hàm lượng nội địa ASEAN. Tuy nhiên Việt Nam xuất khẩu đi các nước ASEAN chủ yếu là hàng nông sản, nếu kê khai đầy đủ chi phí thực thì e rằng không thể xuất khẩu vào ASEAN được (hiện nay, khi xin C/O mẫu D các doanh nghiệp không phải kê khai chi phí mà chỉ cần xuất trình hóa đơn thương mại do họ tự lập). Xin đề nghị Bộ Tài chính xem xét những chi phí đã nêu trên và quy định những loại chi phí cần kê khai theo mẫu thống nhất để các doanh nghiệp biết và thực hiện (có thể tham khảo thêm tài liệu của 2 Công ty tư vấn nước ngoài do Ban thư ký ASEAN lựa chọn). Các công ty giám định và các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực căn cứ các bảng kê mẫu này để cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D cho các doanh nghiệp.
2/ Tiêu chí Chuyển đổi cơ bản:
- Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Campuchia tháng 5/2001 đã giao nhiệm vụ cho các thành viên nghiên cứu khả năng áp dụng Tiêu chí Chuyển đổi cơ bản (TCCĐCB) đối với một số sản phẩm khó đáp ứng được yêu cầu 40% hàm lượng xuất xứ ASEAN. Hội nghị thống nhất về việc áp dụng TCCĐCB này trên nguyên tắc sử dụng Quy tắc xuất xứ không ưu đãi của WTO/WCO, tuy nhiên việc thống nhất về áp dụng TCCĐCB cho tất cả các mặt hàng hay nhóm hàng hay từng sản phẩm cụ thể chưa được các nước thống nhất. Hội nghị yêu cầu các nước thành viên xin ý kiến các cơ quan hữu quan của nước mình để thống nhất về việc này và trả lời ở phiên họp sau.
- Hội nghị cũng đề nghị các nước nêu rõ những sản phẩm/nhóm sản phẩm không đáp ứng được 40% hàm lượng xuất xứ ASEAN để có thể đưa ra thảo luận áp dụng tiêu chí thay đổi mã HS hoặc TCCĐCB.
Kiến nghị: Đây là một trong những quy tắc xuất xứ hàng hóa đã được nhiều thành viên WTO áp dụng, theo ý kiến của Bộ Thương mại, ta nên đồng ý về việc áp dụng TCCĐCB này. Xin đề nghị Bộ Công nghiệp lựa chọn sản phẩm hay nhóm sản phẩm của Việt Nam có khả năng áp dụng TCCĐCB xác nhận xuất xứ hàng hóa đưa ra thảo luận trong kỳ họp tới.
3/ Yêu cầu về ngành hàng cụ thể:
- Hai (02) ngành hàng do Uỷ ban điều phối AFTA (CCCA) đề nghị xem xét là linh kiện ô tô và bán thành phẩm nhôm đồng thời ghi nhận quan điểm của Nhóm hợp tác Công nghiệp tại cuộc họp ngày 18-19/6/2002 về những đề nghị này.
- Do đây là đề xuất của Malaysia nên Hội nghị yêu cầu phía Malaysia tiếp tục liên hệ với các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp để có đề xuất cụ thể hơn và có báo cáo tại cuộc họp tới.
- Mặt hàng Bột mỳ cũng đã được các nước thành viên đề nghị áp dụng TCCĐCB (phụ lục 5) do đó đề nghị các nước tiếp tục trao đổi với các nhà công nghiệp bột mỳ để thảo luận chi tiết về vấn đề này tại cuộc họp tới.
- Thái Lan đề nghị xem xét trung thực của C/O mẫu D do Indonesia, Malaysia, và Singapore cấp đối với mặt hàng Bột mỳ xuất khẩu sang Thailand (phụ lục 6)
Kiến nghị: Hai mặt hàng trên đã được bàn bạc ở nhiều cuộc họp trước đây và Bộ Công nghiệp là đầu mối về việc này, xin đề nghị Bộ Công nghiệp tiếp tục nghiên cứu và có ý kiến chính thức ở cuộc họp tới đồng thời tham vấn các doanh nghiệp trực thuộc để có ý kiến chính thức về mặt hàng bột mỳ.
4/ Quyết định sửa đổi Quy tắc cấp C/O:
- Hội nghị thống nhất áp dụng TCCĐCB đối với ngành dệt may và sản phẩm dệt may cũng như việc kê khai nhiều mặt hàng trên cùng 1 C/O mẫu D. Ngoài ra một số quy tắc về quy trình cấp C/O mẫu D sẽ được sửa đổi khi đạt được các thoả thuận về nhóm hàng được áp dụng TCCĐCB.
- Hội nghị ghi nhận việc chấp thuận hoá đơn của Công ty đa quốc gia nằm ngoài ASEAN hoặc tại nước có nhà nhập khẩu ASEAN được tính vào tài khoản của Công ty đa quốc gia đó miễn là hàng hoá phải thoả mãn Quy tắc 40% hàm lượng xuất xứ ASEAN và Quy tắc vận chuyển hàng trực tiếp. Điều này được thể hiện trong Quy tắc mới (Rule 21: Các trường hợp đặc biệt).
Kiến nghị: Hiện nay các quy định về việc cấp C/O thực hiện theo Quyết định số 416 TM/ĐB ngày 13/5/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại và một số văn bản sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, Bộ Thương mại đề nghị dự thảo Quyết định mới thay thế Quyết định 416/TM-ĐB .
5/ Tính xác thực của C/O mẫu D và đề xuất của Thái Lan về chống gian lận trong việc cấp C/O mẫu D:
- Hội nghị đồng ý trên nguyên tắc đối với đề xuất của Thái Lan trong trường hợp nghi ngờ những thông tin liên quan đến xuất xứ sẽ gửi đề nghị đến Cơ quan cấp mẫu D để xin phép cho phép kiểm tra tại cơ sở sản xuất.
- Hội nghị thống nhất sửa đổi Điều 21 và 22 của Quy tắc xuất xứ trên cơ sở phù hợp với Điều 16 và tuân thủ các quy định về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp ASEAN và đề nghị Ban Thư ký dự thảo các Điều mới này để các nước xem xét tại cuộc họp kỳ tới.
Hội nghị ghi nhận đề xuất của Malaysia về việc cấp C/O mẫu D có hiệu lực trong 1 năm và đề nghị Malaysia trình dự thảo chi tiết vào cuộc họp kỳ tới.
Kiến nghị: Hiện nay có một số trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của C/O mẫu D, ý kiến của Bộ Thương mại là Hải quan nước nhập khẩu có quyền yêu cầu Hải quan hoặc cơ quan cấp C/O của nước xuất khẩu kiểm tra và xác nhận trong khoảng thời gian nhất định (có thể là 6 tháng như đối với EU). Đề nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến về việc này. Ngoài ra để đánh giá chính xác lượng hàng hoá và kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mẫu D, Bộ Thương mại xin đề nghị Tổng cục Hải quan cung cấp số liệu thống kê hàng nhập khẩu mẫu D của Việt Nam từ các nước ASEAN cung cấp cho Ban Thư ký đồng thời có cơ sở phân tích đầy đủ hơn về thương mại Việt Nam - ASEAN.
6/ Tài liệu kỹ thuật của Công ty Price Waterhouse Coopers và Công ty White and Case về việc đẩy mạnh Tiêu chuẩn hoá Quy trình cấp C/O mẫu D:
- Hiện tại Ban Thư ký ASEAN đã tìm được hai công ty tư vấn là Price Waterhouse Coopes và White & Case giúp đỡ miễn phí về mặt kỹ thuật trong việc tiêu chuẩn hoá cách tính hàm lượng xuất xứ ASEAN, do đó ta nên đồng ý để các Công ty tư vấn tiếp tục nghiên cứu và đưa ra đề xuất để các nước thành viên cho ý kiến. (xin đề nghị tham khảo thêm tài liệu bằng tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt kèm theo).
7/ Thời gian và địa điểm của cuộc họp sắp tới (phiên thứ 2):
- Cuộc họp của Nhóm đặc trách phiên thứ 2 dự kiến tổ chức tại Ban Thư ký ASEAN - Jakarta/Indonesia từ ngày 24-25/9/2002.
- Hội nghị yêu cầu các nước thành viên cử đại diện của Cơ quan Hải quan trực tiếp theo dõi xuất xứ mẫu D có mặt trong các kỳ họp tới.
Khi nhận được thông báo chính thức của Ban Thư ký ASEAN về thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị lần thứ 2, Bộ Thương mại sẽ gửi tới các Bộ Ngành liên quan cử người tham gia dự Hội nghị.
Trên đây là báo cáo Hội nghị Nhóm đặc trách Quy tắc xuất xứ lần thứ nhất và một số kiến nghị về các vấn đề nêu trong Hội nghị. Bộ Thương mại xin đề nghị các Bộ Ngành liên quan sớm có ý kiến để Bộ Thương mại tổng hợp tình hình phục vụ phiên họp sắp tới.
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.