BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1371/TM-KHTK | Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2003 |
CÔNG VĂN
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CHIẾN TẠI IRẮC TỚI KINH TẾ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM
I. TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI TRƯỚC VÀ TRONG CUỘC CHIẾN
1. Một số diễn biến chính trước khi cuộc chiến nổ ra
Giá cả của nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường thế giới liên tục tăng và đứng ở mức cao, đặc biệt là giá dầu thô (có lúc lên tới 40 USD/thùng), phôi thép (lên tới 305 USD/tấn), phân bón, nguyên liệu nhựa, nguyên liệu phụ dệt, may, giầy dép, vàng... Giá hàng hoá tăng chủ yếu do (1) tâm lý lo ngại về cuộc chiến nổ ra sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp hàng hoá và (2) giá dầu mỏ tăng tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất hàng hoá. Giá của một số loại hình dịch vụ như cước vận tải, phí bảo hiểm ... gia tăng theo khả năng xảy ra của chiến tranh (mức phí bảo hiểm trung bình đã tăng 20-50%). Giá USD giảm, EURO và Yên tăng, giá các loại cổ phiếu giảm nhẹ.
2. Một số diễn biến từ khi cuộc chiến nổ ra (20/3/2003)
Tình hình thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Sau 1 ngày nổ ra cuộc chiến, giá vàng, dầu thô, giá USD, EURO, cổ phiếu ở nhiều thị trường lớn có nhiều biến động.
Giá dầu thô diễn biến phức tạp, giao tháng 5(1) trên thị trường New York vào lúc đóng cửa, 3 ngày gần đây (theo giờ Việt Nam): 2/4 là 29,78; 3/4 là 28,32; 4/4 là 28,97 USD/thùng; (2) trên thị trường Luân Đôn, dầu thô Brent Biển Bắc, tương ứng là 26,36/25,21/25,54 USD/thùng. Các thương gia tỏ ra lo lắng trước một số tin cho rằng việc xuất khẩu trở lại nguồn dầu từ Irắc phải mất vài tháng và hiện nay các kỹ sư của quân đội Hoa Kỳ đang đánh giá mức độ hư hại tại các giếng dầu phía nam nước này, sự thiếu thốn các phụ tùng thay thế cho các giếng dầu có thể làm suy giảm sản lượng khai thác trở lại; tình hình tại Nigeria chưa trở lại bình thường, nhiều mỏ dầu của nước này đã ngừng sản xuất hơn một tuần nay, một số công ty khai thác dầu không thể tiến hành sản xuất do lo ngại về tình hình an ninh ở các vùng có giếng dầu...
Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York giảm lúc đóng cửa thị trường (vào sáng sớm 4/4 theo giờ Việt Nam) sau khi các thông số được công bố cho thấy kinh tế Hoa Kỳ vẫn trong tình trạng bấp bênh. Giá cổ phiếu của các công ty viễn thông như AT&T, SBC,... giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones giảm 44,68 điểm (0,54%) xuống còn 8.240,38 điểm; chỉ số Standard & Poo’s 500 giảm 4,45 điểm (0,51%) xuống còn 876,45 điểm, trong khi chỉ số NASDAQ giảm 0,14 điểm xuống còn 1.396,58 điểm. Cũng trong sáng 4/4 thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm giá vào lúc mở cửa. Chỉ số Nikkei giảm 0,22% xuống còn 7.999,90 điểm. Chỉ số TOPIX giảm 0,38% xuống còn 790,70 điểm.
Giá vàng vào lúc đóng cửa thị trường giao dịch ở New York (sáng sớm 4/4 theo giờ Việt Nam) giảm 4,60 USD so với hôm trước xuống còn 324,8 USD/ounce. Có ý kiến cho rằng nếu Hoa Kỳ thắng trong cuộc chiến tại Irắc thì giá vàng có thể giảm thêm đôi chút. Các yếu tố sẽ còn phải chú ý trong thời gian tới là khoản thâm hụt tài khoản, sự ổn định, mức tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và các nước khác, mối đe doạ khủng bố và một cuộc chiến có thể kéo dài trong các thành phố của Irắc. Tại thị trường Luân Đôn, giá vàng vào lúc đóng cửa đêm 3/4 ở mức 323,70 USD/ounce giảm 1USD so với buổi sáng. Giá vàng đã giảm khi diễn biến chiến sự tại Irắc sắp tới hồi kết thúc.
Vào 6h30’ sáng ngày 4/4 tại thị trường Nhật Bản, USD giảm nhẹ so với Yên vào lúc mở cửa khi các thương gia thấy giá chứng khoán tại Hoa Kỳ giảm cùng với thông số không khả quan về nền kinh tế nước này: 1USD đổi được 119,30/35 Yên so với 119,30/43 Yên trước đó tại New York. Cũng tại thời điểm trên 1 EURO đổi được 1,0764/69 USD so với 1,0764/64 Yên trước đó tại New York. Các thương gia trên thị trường quan tâm tới việc quân đội Hoa Kỳ đang tiến nhanh tới Baghđa nhưng họ cho rằng bước tiến này có thể bị chậm lại khi vào thành phố.
Có thể nói, cuộc chiến tại Irắc đã tác động mạnh vào các hoạt động kinh tế thương mại trên thị trường thế giới, khiến cho cung, cầu, giá cả của nhiều loại hàng hoá, dịch vụ biến động bất thường khó dự đoán.
Kinh tế thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của các cuộc chiến tại Irắc xét theo 2 góc độ dưới dây:
II. TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CHIẾN THEO QUAN HỆ KINH TẾ THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU
1. Đối với kinh tế thương mại thế giới
Theo dự đoán của MF, nếu cuộc chiến kéo dài trong vòng 3 tháng, kinh tế thế giới năm 2003 chỉ tăng trưởng khoảng 3%, thấp hơn so với dự toán ban đầu là 3,7%. Các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ giảm từ 2,5% xuống còn 2%, trong đó kinh tế Hoa Kỳ giảm từ 2,6% xuống còn dưới 2%. Theo đánh giá của Liên đoàn Hàng không quốc tế, ngành Hàng không thế giới phải chịu thiệt hại lên tới 10 tỷ USD, lượng hành khách trên các chuyến bay giảm 15-20%. Ngành du lịch các nước đang chịu thiệt hại lớn do nhiều khách hàng đã hủy bỏ các chuyến du lịch quốc tế
Khu vực Châu Á - Thái bình dương, trước hết là các ngành dầu mỏ, vận tải, xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ, chịu tác động của cuộc chiến. Nếu cuộc chiến kéo dài, giá dầu mỏ tăng cộng với phí bảo hiểm tăng sẽ làm tăng chi phí vận tải hàng không và đường biển. Chiến tranh đã làm giảm số lượng hành khách và lưu lượng hàng hoá vận chuyển. Một số nền kinh tế chịu tác động đáng chú ý là:
- Nhật Bản đang lo ngại về khả năng kênh đào Xu-ê bị đóng cửa, khi đó hàng hoá sang Châu Âu sẽ phải đi qua mũi Hảo Vọng, làm cho chi phí vận tải và bảo hiểm sẽ tăng lên.
- Trung Quốc đánh giá rằng, nếu giá dầu tăng 5 USD/thùng thì mỗi ngày Trung Quốc sẽ phải chi thêm 10 triệu USD để mua dầu. Đáng lo ngại là khi cuộc chiến tiếp diễn, con đường vận chuyển dầu đến Trung Quốc bị gián đoạn, đồng thời giá cước vận chuyển gia tăng, làm giá hàng hoá xuất khẩu tăng.
2. Đối với nền kinh tế thương mại Việt Nam
Xét theo quan hệ kinh tế thương mại toàn cầu. Cuộc chiến tại Irắc làm cho sản xuất, cung, cầu, giá cả, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ diễn biến phức tạp khó lường. ước tính có 16/30 mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu tăng 6,7-30%, kéo theo giá trong nước của một số hàng hoá dịch vụ như xăng, dầu, thép, vận chuyển ... tăng từ 0,7-39%, đã làm tăng giá bán của nhiều loại hàng hoá trong nước.
Tác động từ các yếu tố của kinh tế thương mại thế giới đối với Việt Nam phụ thuộc vào độ dà của cuộc chiến, theo đó quyết định đến giá dầu mỏ, các sản phẩm hoá dầu... giá các loại dịch vụ như vận tải biển, vận tải hàng không, phí bảo hiểm... là những hàng hoá, dịch vụ Việt Nam nhập khẩu chủ yếu.
Với những tiến triển trên chiến trường, nhiều khả năng cuộc chiến chỉ diễn ra trong vòng 1-2 tháng, sẽ tác động không lớn tới kinh tế thương mại nước ta xét trên cả hai góc độ trực tiếp và gián tiếp. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dầu thô được đảm bảo, giá dầu Brent đã về khung giá mong đợi của OPEC là 22-28 USD/thùng, nên ảnh hưởng không lớn tới giá nhập khẩu các sản phẩm hoá dầu vào Việt Nam (hiện giá nhập khẩu các nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản như xăng, dầu, thép, phân bón, nguyên liệu dệt may, nhựa... bắt đầu giảm và ổn định). Ngoài ra, sự phục hồi của các thị trường chứng khoán trên thế giới và giá USD vững lên trong tuần qua đã góp phần ngăn chặn đà suy giảm của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản ... qua đó cải thiện mức cầu thị trường thế giới đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu của nước ta; đồng thời tăng được lợi ích xuất khẩu khi thu về bằng USD.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng nếu cuộc chiến kéo dài hơn 2 tháng thì tác động đáng kể tới kinh tế thương mại Việt Nam cả trong và sau cuộc chiến. Giá dầu tăng cao sẽ đẩy giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhất là các sản phẩm hoá dầu tăng theo; tác động trực tiếp đến sản xuất hàng xuất khẩu. Năm 2002 kim ngạch nhập khẩu đạt 19,733 tỷ USD, năm 2003 dự kiến kim ngạch nhập khẩu đạt 20,5 tỷ USD, trường hợp giá bình quân của tất cả các mặt hàng cả năm 2003 tăng khoảng 15% (như quý I) thì ta thiệt hại tới khoảng 3 tỷ USD (nếu không bảo đảm lượng hàng nhập khẩu như kế hoạch đã định thì tốc độ tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng).
- Trong chiến tranh, giá của các dịch vụ như vận tải biển, vận tải hàng không, phí bảo hiểm hàng hoá... tăng 1, thậm chí các hãng tàu không muốn nhận chuyên chở đến khu vực có chiến tranh, các hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho tàu chở hàng sang Irắc và các nước trong khu vực, trực tiếp tác động tới xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của ta. Đáng lưu ý là xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá với EU sẽ gặp khó khăn do việc vận chuyển hàng hoá qua kênh đào Xu-ê có thể bị đóng cửa2. Xuất khẩu lao động bị thu hẹp, đặc biệt là sang các thị trường Trung Đông, Châu Phi và các quốc gia có nguy cơ khủng bố cao.
- Sau chiến tranh, có ý kiến cho rằng, do chiến tranh kéo dài, xuất khẩu của ta có thể bị ảnh hưởng do: 1 Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hàng hoá của ta, bao gồm cả nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là thủy sản, giầy dép, hàng dệt may (nếu chưa ký được Hiệp định dệt may với Hoa Kỳ); 2 kinh tế và xuất khẩu có nhiều khó khăn, nhiều nước bạn để chen hàng của họ vào Irắc trước ta (Trung Quốc, Thái Lan...), hoặc vận động ngầm đối với các tổ chức quốc tế, các quốc gia để cung ứng hàng cho các Chương trình viện trợ, tái thiết Irắc sau chiến tranh.
Dưới đây là một số liệu ước tính và dự toán:
(1) Thiệt hại trong lĩnh vực xuất khẩu:
a. Do giảm lượng hàng (trên cơ sở kế hoạch xuất khẩu cả năm là 18 tỷ USD):
- Nếu giá dầu thô không tăng, thì mức thiệt hại khoảng 750 triệu USD.
- Nếu giá dầu thô tăng, thì mức thiệt hại khoảng 350 triệu USD.
b. Do chi phí vận tải, bảo hiểm tăng ép giá xuất khẩu FOB giảm:
Quý I/2003, xuất khẩu của ta sẽ chịu thiệt hại khoảng 140 triệu USD, cả năm 570 triệu USD.
(2) Thiệt hại trong lĩnh vực nhập khẩu:
Do giá của các nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng nên quý I/2003, nhập khẩu chịu thiệt hại khoảng 740 triệu USD và cả năm thiệt hại khoảng 3 tỷ USD.
Như vậy, tổng thiệt hại cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta năm 2003 trong khoảng 3,9-4,3 tỷ USD.
3. Phương án hạn chế tác động của cuộc chiến
3.1. Đối với một số mặt hàng thiết yếu trong nước
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định về cơ chế phối hợp và điều hành thị trường trong nước theo kiến nghị tại văn bản số 1132/TM-CSTNTN ngày 21/3/2003 của Bộ Thương mại, cụ thể :
a. Giao cho Bộ Thương mại chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ quản lý ngành hàng định kỳ đánh giá, phân tích, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu như lương thực, xăng dầu, xi măng, thép, phân bón, đường mía và muối. Cơ chế thực hiện cụ thể như sau:
- Các Bộ quản lý ngành giao trách nhiệm cho các Tổng công ty: Xăng dầu, Thép, Xi măng, Vật tư nông nghiệp, Lương thực, Mía Đường, Muối ... có trách nhiệm báo cáo bộ quản lý ngành và Bộ Thương mại tình hình nguồn hàng, thị trường, giá cả trong nước và thế giới định kỳ 10 ngày/lần và hàng tháng, đồng thời dự báo biến động thị trường, giá cả thời gian tới.
- Các Bộ quản lý sản xuất như Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, phân tích, kiến nghị xử lý các vấn đề liên quan đến cung cầu hàng hoá, thị trường, giá cả và thông báo cho Bộ Thương mại biết.
- Bộ Thương mại chịu trách nhiệm họp với các Bộ để tổng hợp, đánh giá phân tích và dự báo tổng quan thị trường, quan hệ cung cầu, diễn biến giá cả; thống nhất các biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b. Về cơ chế điều hành giá các mặt hàng thiết yếu:
- Bộ Tài chính căn cứ Pháp lệnh giá, tăng cường việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá các mặt hàng có dấu hiệu tăng, giảm giá bất thường tại tất cả các doanh nghiệp, điểm bán hàng và các vùng, miền; xử lý nghiêm minh và thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin.
- Các cơ quan quản lý nhà nước về giá trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá bán công khai tại các điểm bán hàng theo quy định của Điều 29 của pháp lệnh giá.
3.2. Đối với công tác xuất khẩu, nhập khẩu
Để giảm thiểu các tác động gián tiếp của cuộc chiến tại Irắc đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của ta, trước mắt năm 2003, Bộ Thương mại phối hợp với các Bộ ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện các biện pháp sau:
- Chọn các nhóm, mặt hàng được ưu tiên hỗ trợ và xây dựng cơ chế hỗ trợ, trước hết là đối với những sản phẩm được hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2003. Xây dựng cơ chế thưởng khuyến khích xuất khẩu đối với phần kim ngạch xuất khẩu thực hiện năm 2002.
- Hướng dẫn việc cho phép doanh nghiệp vệ tinh (sản xuất bán thành phẩm để chuyển giao cho doanh nghiệp khác sản xuất hàng xuất khẩu hoàn chỉnh) được hưởng các ưu đãi về thuế như đối với sản xuất hàng xuất khẩu theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 26/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại có mục tiêu đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ yếu, theo đúng các nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 3781/VPCP-KHTH ngày 9/7/2002.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp sớm thực hiện công tác phát triển thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hoá.
- Triển khai thực hiện tốt các công cụ mới quản lý nhập khẩu theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1160/CP-KTTH ngày 24/12/2001 và công văn số 4015/VPCP-KTTH ngày 22/7/2002 của Văn Phòng Chính Phủ.
- Đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát lại toàn bộ hệ thống thuế để xử lý ngay các vấn đề vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh theo hướng khuyến khích xuất khẩu và sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và khuyến khích sử dụng các vật tư, nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp sản xuất trong nước cho nhu cầu sản xuất nói chung và sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng; bố trí đủ ngoại tệ cho một số doanh nghiệp nhà nước tiến hành mua trữ xăng dầu, phân bón.
- Nước ta vừa xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá dầu (như xăng dầu, phân bón, sợi các loại, nhựa, nguyên liệu...) Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, do tác động của cuộc chiến tại Irắc, giá dầu thô và các loại sản phẩm hoá dầu có biến động phức tạp theo chiều hướng tăng. Nếu Nhà nước không tăng thuế xuất khẩu dầu thô mà chỉ giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm hoá dầu thì Nhà nước không tận dụng được lợi ích do xuất khẩu đem lại để bù đắp thiệt hại từ nhập khẩu các sản phẩm hoá dầu (chủ yếu là xăng dầu). Lợi ích thu được từ chênh lệch giá xuất khẩu dầu thô được phân chia một phần quan trọng cho các đố tác ngoài nước. Vì vậy, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì cùng với Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án điều chỉnh kịp thời mức thuế xuất khẩu dầu thô3
3.3 Giải pháp đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Irắc cần chuyển hướng thị trường.
Để giảm bớt sức ép về thị trường đối với những mặt hàng xuất khẩu sang Irắc bị ngừng trệ, cần có sự chuyển hướng thị trường như sau:
a. Đối với mặt hàng gạo:
- Để xuất thêmm 250 ngàn tấn gạo vào thị trường Inđônêxia, ta cần chủ động mời Chủ tịch Bulog vào thăm Việt Nam và chuẩn bị tốt nội dung làm việc, trong đó chú trọng tăng danh mục và số lượng hàng hoá mua của bạn để đổi lại tăng lượng gạo bán vào thị trường này.
- Khai thác nhu cầu nhập khẩu tăng thêm của Philippin do có 1 triệu lao động nước này trở về từ khu vực Trung Đông. Vì Philippin đã mở rộng quyền nhập khẩu gạo đến khu vực tư nhân và các tổ chức nông dân, ta cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, các Hiệp hội và doanh nghiệp để xuất được hàng.
- Cần có giải pháp thích hợp để tăng lượng gạo xuất vào thị trường Malaysia khi Chính phủ nước này tăng chỉ tiêu nhập khẩu gạo năm 2003.
- Cần tích cực vận động hành lang đối với Chính phủ Nhật Bản để tham gia được vào các phiên đấu thầu cho Chương trình viện trợ nhân đạo.
- Có biện pháp tiếp thị tốt để xuất thêm gạo vào Ba Lan, Nga, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ thông qua chương trình viện trợ cho Irắc sau chiến tranh.
- Có phương án chuyển một phần sang thị trường Iran, Châu Phi; đặt vấn đề với EU để ta được tham gia cung cấp hàng theo Chương trình viện trợ nhân đạo cho Irắc.
Để tiếp tục củng cố, chuyển hướng và mở rộng thị trường xuất khẩu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất của Bộ Thương mại tại văn bản số 0405 TM/XNK ngày 14/2/2003, cụ thể là: “hỗ trợ về tài chính lấy từ kinh phí xúc tiến thương mại để doanh nghiệp khôi phục lại các thị trường Iran, Châu Phi và LB Nga. Riêng đối với thị trường Iran cần được đặc biệt quan tâm mở rộng, một mặt làm đối trọng cho các thị trường khác vì đây còn là một trị trường lớn, tiêu thụ nhiều gạo có phẩm chất cao…”
b, Đối với mặt hàng chè
- Tăng lượng chè xuất khẩu sang Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản bằng cách khai thác tối đa kết quả của các hoạt động xúc tiến thương mại đi đôi với nỗ lực cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân. Tăng xuất khẩu gián tiếp qua thị trường ấn Độ.
- Tích cực thúc đẩy việc ký Hiệp định Thương mại với Đài Loan, tiến hành xúc tiến thương mại với quy mô lớn, đồng thời yêu cầu phía Đài Loan tăng cường hợp tác trong kiểm dịch và an toàn thực phẩm tiến tới công nhận kết quả kiệm định của nhau. Qua đó ta sẽ mở rộng được diện mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này (không chỉ có mặt hàng chè).
- Có phương án chuyển một phần sang Pakistan, LB.Nga (khoảng 5000 tấn mỗi nước), Đông Âu. Tuy nhiên, trong thời gian chuyển đổi cần có sự hỗ trợ của Chính Phủ.
- Cố gắng để có thể tham gia cung cấp chè theo Chương trình viện trợ nhân đạo của EU.
Để hỗ trợ ngành Chè giải quyết khó khăn, bên cạnh công tác chủ động tìm thị trường thay thế, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề xuất của Bộ thương mại tại văn bản số 0781 TM/XNK ngày 2/4/2003 về “một số biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chè năm 2003 trước tác đông của cuộc chiến tranh Irắc”.
c, Đối với mặt hàng sữa
Nguồn nguyên liệu của mặt hàng này chủ yếu là hàng nhập khẩu. Trước mắt, tạm ngưng nhập khẩu nguyên liệu chế biến để giảm áp lực bán ra trong khi bị ngưng trệ xuất khẩu. Tuy nhiên cần nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia, Myanmar.
d. Các mặt hàng khác như sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ, máy phát điện và dụng cụ cơ khí có thể nghiên cứu chuyển xuất khẩu sang thị trường: Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... (đối với sản phẩm gỗ); Đài Loan, ôxtrâylia, Philippin…(đối với sản phẩm nhựa); Myanmar (đối với sản phẩm cơ khí, máy phát điện...).
3.4 Xử lý các vấn đề về chi phí các loại dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu
- Nghiên cứu hỗ trợ một phần phí bảo hiểm, cước phí vận tải đối với các hợp đồng vận chuyển hàng hoá sang Irắc hoặc các tuyến liên quan (Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thích hợp).
- Xây dựng các phương án dự phòng, điều chỉnh các tuyến vận tải phù hợp để đối phó với các diễn biến có thể xảy ra. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án cụ thể.
- Tính toán lượng xăng dầu dự trữ và cung cấp ra thị trường một cách hợp lý. Bộ Thương mại đã có đề án cụ thể và đang triển khai thực hiện.
- ổn định giá VNĐ so với USD, EURO vả Yên. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước thực hiện.
III. Tác động của cuộc chiến xét theo quan hệ kinh tế thương mại song phương Việt Nam - Irắc
Trong khi chiến sự đang tiếp diễn, Irắc không thể tiến hành xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, hàng xuất khẩu của Việt Nam không thể vào thị trường Irắc. Điều đó ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu, tới phẩm chất hàng hoá, làm phát sinh nhiều chi phí mới như lưu kho, lưu tầu, lưu cước, bảo quản, bốc dỡ… và khiến cho quá trình sản xuất, trước mắt có thể bị đình trệ, tuy nhiên những thiệt hại không lớn, nếu ta xử lý kịp thời… Song, đáng lưu ý là những khó khăn sẽ nảy sinh khi cuộc chiến kết thúc.
1. Tổng quan tình hình thương mại Việt Nam – Irắc
Năm 2002, xuất khẩu hàng hoá sang Irắc đạt 439 triệu USD, tập trung chủ yếu vầo các mặt hàng: gạo 276,2 triệu USD, sản phẩm sữa 81,6 triệu USD, chè 23 triệu USD, sản phẩm nhựa 7,9 triệu USD, dầu ăn 5,4 triệu USD, hàng dệt may 3 triệu USD, sản phẩm gỗ 2 triệu USD.
2 tháng đầu năm 2003, xuất khẩu hàng hoá sang Irắc đạt 25,34 triệu USD, chỉ bằng 31,1% cùng kỳ năm 2002, tập trung chủ yếu vào các mặt hầng: sản phẩm sữa 17,644 triệu USD, dầu ăn 3,108 triệu USD, bột giặt 2,532 triệu USD, tầu cứu thương 1,1 triệu USD, sản phẩm gỗ 0,612 triệu USD, gạch men 0,338 triệu USD. Dự kiến quý 1 năm 2003, xuất khẩu hàng hóa sang Irắc đạt khoảng 30 triệu USD chỉ bằng 40,4% quý 1 năm 2002.
Ngoài ra, một số hợp đồng Việt Nam đã ký kết với Irắc nhưng chưa giao gồm: 2 hợp đồng tàu, 400 ngàn tấn gạo, 4000 tấn bột giặt, 29 ngàn tấn sữa các loại và 1 hợp đồng trị giá 5,9 triệu EURO, 43,354 tấn dầu ăn…; và một số hợp đồng của Việt Nam đã ký kết từ cuối năm ngoái nhận sản xuất theo đơn đặt hàng của Irắc, như các sản phẩm máy nông nghiệp trị giá 2,5 triệu EURO, Pin ắc qui trị giá 2,03 triệu EURO…, đang phải tạm ngừng.
2. Dự đoán thời gian cuộc chiến và tác động của nó đến quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Irắc
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, khả năng Hoa Kỳ và đồng minh giành chiến thắng trong vòng 2 tháng khoảng 90%, trên 2 tháng khoảng 10%. Vì vậy, các dự đoán dưới đây được thiết kế theo kịch bản Hoa Kỳ và đồng minh thắng irắc (chưa tính tới khả năng hoà hoặc thua irắc). Tuy nhiên, căn cứ vào diễn biến tình hình, nhiều khả năng cuộc chiến chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 tháng.
2.1 Với khả năng đầu (trong vòng 2 tháng), phía Irắc phải chấp thuận đầu hàng vô điều kiện và chính quyền của Tổng thông Saddam Hussen hoàn toàn sụp đổ, theo đó bộ máy chính quyền mới thân đồng minh sẽ được hình thành. Theo khả năng này, tình hình thị trường hành hoá, dịch vụ khu vực Trung Đông và thế giới sẽ sớm trở về trạng thái bình thường như trước thời kỳ xẩy ra “vấn đề Irắc”, đặc biệt là các mặt hàng xăng dầu, các sản phầm hoá dầu và các mặt hàng chịu ảnh hưởng của yếu tố xăng dầu trong giá thành. Sau chiến sự, nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu để cứu trợ cho dân cư và các hàng hoá phục vụ cho nhu cầu tái thiết đất nước Irắc sẽ gia tăng.
Đối với Việt Nam, sự ngừng trệ xuất khẩu sang thị trường Irắc trong thời gian chiến sự có thể tác động không lớn. Hiện nay, trong tổng số 25 hợp đồng đã ký với tổng trị giá là 359,349 triệu EURO, ngoàI số hàng đã giao và được thanh toán (4,170 triệu USD) còn 46,345 triệu EURO chưa được thanh toán, trong đó 12,062 triệu EURO hàng đã giao, 8,308 triệu EURO hàng đã đến cảng Irắc, 25,975 triệu EURO hàng đang trên đường đi. Còn lại 288,834 triệu EURO chưa thực hiện hợp đồng.
2.2 Với khả năng thứ hai (từ 2 tháng trở lên), các cuộc xung đột kéo dài và gây nhiều thương vong cho cả hai bên. Song, Hoa Kỳ và đồng minh sẽ phải giành bằng được thắng lợi. Theo đó, ta có thể bị thiệt hại lớn do không xuất được hàng vào thị trường Irắc trong thời gian dài (không xuất khẩu được trong vòng 3 tới 6 tháng, thậm chí lâu hơn nữa).
Tóm lại, ta sẽ bị mất đáng kể khả năng xuất khẩu trực tiếp vào thị trường này cả trong và sau chiến tranh, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như gạo, sản phẩm sữa, chè, sản phẩm nhựa, dầu ăn…(riêng 5 mặt hàng này năm 2002 chiến gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nguyên nhân của những khó khăn có thể nẩy sinh trong việc khôi phục hoạt động xuất khẩu thời hậu chiến là:
Hoa Kỳ và đồng minh sẽ trực tiếp tham gia phân chia lại lợi ích từ thị trường irắc, kể cả trường hợp Chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên hợp quốc được nối lại. Chính quyền mới thân Hoa Kỳ và đồng minh tại Irắc có thể duy trì mức độ quan hệ bình thường với ta (khó có khả năng dành cho ta những ưu đãI đặc biệ như chính quyền Saddam Hussen trước đây). Trường hợp Chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hợp quốc bị huỷ bỏ, hàng hoá của ta sẽ phải cạnh tranh tự do với các nước và vùng lãnh thổ khác trong điều kiện giá xuất khẩu của ta thường cao hơn họ (như các mặ hàng gạo, chè, cà phê, dầu ăn...).
Tuy nhiên, ta có thể mở rộng được khả năng xuất khẩu gián tiếp qua các thị trường trung gian (xuất hàng cho các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ để thực hiện các chương trình viện trợ và tái thiết Irắc sau chiến tranh).
Trước những hệ quả của các khả năng trên, chúng ta cần tính kỹ các kế hoạch để chuyển hướng, thay thế các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đối với thị trường này.
3. Phương án giải quyết các vấn đề khi cuộc chiến đang tiếp diễn và khi quan hệ thương mại của Irắc với Việt Nam có chuyển hướng sau chiến tranh
3.1 Khi cuộc chiến đang tiếp diễn
Trong khi chờ hướng dẫn của Liên hợp quốc (LHQ) đối với các mặt hàng bán cho Irắc theo Chương trình đổi dầu lấy lương thực, ta cần xử lý một số tình huống sau:
- Hàng đã giao nhưng chưa được thanh toán: chờ xử lý của LHQ.
- Hàng đã đến cảng Irắc nhưng chưa dỡ và hàng đang trên đường: nếu cuộc chiến có chiều hướng kéo dài thì phải điều tầu trở về Việt Nam (vì phí phạt lưu tầu sẽ lớn) hoặc tìm cách bán cho các nước khác. Riêng các mặt hàng sữa, dầu ăn, bột giặt của ta khó có thể bán cho nước thứ 3. Tuy nhiên, LHQ mới thông báo yêu cầu các doanh nghiệp có hàng đang trên đường tới Irắc thông qua phái đoàn Thường trực của nước mình tại LHQ thông báo bằng văn bản cho Văn phòng Chương trình Irắc biết chi tiết cụ thể về lô hàng đang giao tới Irắc. Bộ Thương mại đã thông báo vấn đề này để các doanh nghiệp có hướng chủ động.
- Hàng đã có hợp đồng và đã được LHQ phê duyệt nhưng chưa giao: tầu hút bùn, tầu cứu thương. Đây là những mặt hàng sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật của Irắc. Dù LHQ đã phê duyệt nhưng chưa giao nếu để lâu sẽ đọng vốn, chịu lãi suất. Các doanh nghiệp phải có phương án xử lý tình huống này.
- Hàng đã có hợp đồng nhưng chưa được LHQ phê duyệt, đã sản xuất: máy nông nghiệp, máy phát điện…có nhiều khả năng phía LHQ và irắc không thực hiện hợp đồng. Bộ Thương mại cùng với Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp liên quan họp bàn và đề xuất giải pháp cụ thể.
3.2 Thời hậu chiến
Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam phải có phương án kịp thời có mặt và chiếm lĩnh thị trường Irắc. Công việc này đòi hỏi nỗ lực của tất cả các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và các doanh nghiệp. Cần vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức cứu trợ quốc tế để tạo cơ hội cho hàng hoá, dịch vụ Việt Nam chen chân và có chỗ đứng vững trãi trên thị trường này. Trong trường hợp Chính phủ mới của Irắc thay đổi quan hệ thương mại với Việt Nam, cần có phương án tìm thị trường thay thế, mặt hàng thay thế, đặc biệt là đối với những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào irắc. Để làm được việc này, Bộ Thương mại sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các Bộ ngành sản xuất để bàn cách thức tiến hành cụ thể.
Cách xử sự khôn ngoan nhất lúc này là “nhất cử nhất động” phải tính toán kỹ, xử lý trong mối tương quan nhiều chiều và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, giải pháp của chúng ta phải uyển chuyển, mềm mại thích ứng với tình hình hiện tại và không hoặc ít để ảnh hưởng tới quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là mục tiêu tăng kim ngạch xuất khuẩu sang Hoa Kỳ (dự kiến trên 3 tỉ USD năm 2003). Nếu xử lý không khéo, chúng ta sẽ mất cả thị trường Irắc, thị trường Hoa Kỳ, Anh, ôxtrâylia và một số đồng minh khác của Hoa Kỳ...(chỉ riêng 3 thị trường kể tên trên, năm 2002 đã đạt 4,3-4,4 tỷ USD, chiếm khoảng 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu).
Cuộc chiến tại Irắc diễn ra rất phức tạp, hình thức kết thúc va thời gian kết thúc đang còn là một ẩn số. Các nhà tạo tin trên thế giới đưa ra rất nhiều dự đoán khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Mức độ tác động của cuộc chiến này tới kinh tế thương mại toàn cầu cũng rất khó lường. Hơn nữa, vì điều kiện thời gian và thông tin hạn chế, Bộ Thương mại xin được sơ bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ như trên. Bộ Thương mại tiếp tục cập nhập thông tin, phân tích, dự đoán tác động của cuộc chiến tại Irắc.
Bộ Thương mại đang tiếp tục tổ chức các cuộc họp bàn với các Bộ, ngành , hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp liên quan để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng sớm để được xử lý kịp thời (chỉều ngày 27/3/2003 Bộ Thương mại có cuộc họp bàn về mặt hàng chè; trong hai ngàu 28-29/3/2003, Bộ Thương mại đã tổ chức Hội nghị về Mậu dịch biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia).
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
1 từ tháng 4, cước phí vận chuyển mỗi container 20 feet sẽ cộng thêm 112 USD phụ phí chiến tranh, riêng vào Trung Đông còn bị thu phí ở mức 250 USD.
2 Thông thường hàng vận chuyển từ Việt Nam sang Châu Âu sẽ đi từ biển Đông, qua khu vực Trung Đông vào biển Hồng Hải rổi qua kênh đào Xu-ê. Nếu như kênh này ngừng hoạt động thì việc vận chuyển hàng sang EU sẽ chịu nhiều rủi ro. Nếu chuyển hướng đi vòng qua các nước Nam Phi thì đường dài thêm 60.000 km và phải thêm 10 ngày mới tới EU
3 từ tháng 8 năm 2001, mức thuế xuất khẩu dầu thô của LB Nga được thay đổi theo giá thị trường thế giới:
Giá dầu thô (USD/thùng) | Thuế USD/tấn | Giá dầu thô (USD/thùng) | Thuế USD/tấn |
Từ 20,0 - 22,5 | 14 | Từ 27,5 - 30,0 | 34 |
Từ 22,5 - 25,0 | 20 | Từ 30,0 - 32,5 | 41 |
Từ 25,0 - 27,5 | 27 | Trên 32,5 | 48 |
Từ 1/4/2003 LB Nga đã áp dụng mức thuế thống nhất mức thuế xuất khẩu dầu thô là 40,3 USD/tấn tương đương 20% và Chính phủ sẽ điều chỉnh mức thuế xuất khẩu dầu thô 2 tháng một lần trên cơ sở giá trung bình trên thị trường thế giới |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.