BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1349/TM-CATBD | Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ hợp tác C-K)
Trả lời văn bản số 1890 BKH/CK ngày 28/3/2002 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát cơ chế, chính sách giữa Việt Nam với Lào; Căn cứ Thoả thuận Cửa Lò 1999 về những nội dung hợp tác với Lào về mặt thương mại, Bộ Thương mại có ý kiến như sau:
1. Giảm thuế cho hàng hóa của Lào nhập khẩu vào Việt Nam:
Triển khai Thoả thuận Cửa Lò; Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, TC Hải quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 75/2001/TTLT-BTC-BTM-TCHQ ngày 24/9/2001, hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Lào, trong đó quy định điều kiện cho hàng hóa được áp dụng 50% thuế nhập khẩu gồm:
- Hàng có trong danh mục thoả thuận giữa hai Bộ Thương mại hàng năm.
- Hàng có giấy chứng nhận xuất xứ của Lào cấp.
Mặc dù hai Bộ Thương mại đã thông báo tới các doanh nghiệp của hai nước nhưng tới nay theo thông báo chính thức của TCHQ thì chưa có doanh nghiệp nào nhập khẩu hàng hóa của Lào theo chương trình ưu đãi này.
Về nguyên nhân, Bạn xác định:
- Văn bản cho giảm thuế của Ta ban hành vào ngày 24/9/2001. Sau đó, Bạn tổ chức phổ biến tới Sở Thương mại và tới doanh nghiệp đã là cuối năm 2001, vì vậy việc triển khai không kịp trong năm 2001.
- Do hiểu nhầm về việc hàng hóa thuộc diện ưu đãi chỉ có thể qua cửa khẩu Quốc tế dẫn đến việc doanh nghiệp của các tỉnh Bạn e ngại.
Theo Thoả thuận của hai Bộ Thương mại hai nước, hàng năm sẽ rà soát lại số lượng và danh mục hàng hóa của Lào trong diện được giảm thuế nhập khẩu vào Việt Nam. Trong 3 tháng cuối năm 2001, việc này chưa thực hiện được, do đó đề nghị tiếp tục áp dụng cho năm 2002, khi thực hiện hết số lượng đã thoả thuận hai Bộ sẽ tiếp tục xem xét.
Hiện nay phía Lào đang áp dụng chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu cho hàng Việt Nam là lương thực, thực phẩm, quần áo phục vụ cho đời sống hàng ngày của nhân dân những người có thu nhập thấp. Do không có danh mục cụ thể nên việc thực hiện rất tuỳ tiện. Bộ Thương mại đang nghiên cứu việc xây dựng một danh mục mặt hàng cụ thể để yêu cầu phía Lào giảm 50% thuế nhập khẩu khi vào Lào.
Riêng đối với mặt hàng gỗ, từ ngày 30/4/2001 Bạn cấm xuất khẩu gỗ tròn, tuy nhiên còn một số hợp đồng đã ký trước ngày đó nhưng đến nay chưa được giải quyết, đề nghị hai Bên phối hợp giải quyết đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
2. Quá cảnh hàng hóa:
Sau khi ký Hiệp định bổ sung Hiệp định Quá cảnh hàng hóa, Bộ Thương mại đã ban hành Quy chế cho hàng hóa Quá cảnh, hiện nay phía Lào chưa ban hành Quy chế.
3. Mở cửa hàng của Lào tại Việt Nam và của Việt Nam tại Lào:
Cửa hàng của Việt Nam tại Lào do Cty XNK Tổng hợp III mở từ năm 1998 tính đến 31/12/2000 Cty Siêu thị Hữu nghị Lào - Việt tại Viêng Chăn lỗ 165.150.000 đ USD (sau khi đã trừ số lãi do đổi hàng là: 1.295.000.000đ). Ngày 27/3/2001, Cty đã có CV đề nghị Bộ Thương mại cho thanh lý hợp đồng liên doanh với Cty đối tác Lào. Tuy vậy, Bộ Thương mại đã yêu cầu Cty tìm mọi biện pháp tiếp tục hợp tác kinh doanh với Bạn nhưng tính tới 31/12/2001, Cty Hữu nghị Lào-Việt tại Viêng Chăn mất khả năng chi trả là 110.365,61 USD.
Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của Lào tại Việt Nam hiện nay đang triển khai ở Vinh và ở Hà Nội.
Kiến nghị:
- Để cửa hàng Hữu nghị Lào - Việt tại Viêng Chăn có thể tồn tại và phát triển, kiến nghị Chính phủ bù lỗ một phần cho Cty. Đây là vấn đề rất cần thiết và cấp bách vì cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm Việt Nam tại Lào không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị.
- Đối với cửa hàng của Lào mở ở Việt Nam hiện nay đang triển khai để mở tại Nghệ An và Hà Nội. Năm 2001, Chính phủ đã hỗ trợ cho 150 triệu đồng nhưng do chưa chuẩn bị kịp để mở cửa hàng nên nam 2002 vẫn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 150 triệu đồng cho cửa hàng mở tại HN vì lý do thuê mặt bằng quá đắt.
4. Kiểm tra chống buôn lậu:
Hiện nay hàng hóa của Lào trong diện ưu đãi về thuế nhập khẩu vào Việt Nam theo đường buôn lậu nhiều gây thất thu thuế cho nhà nước, đồng thời tạo nên rào cản đối với hàng hóa nhập khẩu theo đường chính ngạch.
Để việc ưu đãi cho hàng hóa được đúng đối tượng, mang lại ý nghĩa thiết thực đề nghị phía Việt Nam và phía Lào có biện pháp phối hợp để ngăn chặn triệt để hàng hóa nhập lậu, tạo mối quan hệ thương mại lành mạnh giữa hai nước.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Thương mại, kính chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp trình Chính phủ.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.