BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13209 TC/TCDN | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2004 |
Kính gửi: | - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung một số vấn đề về tài chính nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước như sau:
1. Về xử lý tài chính:
- Doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp để xử lý có hiệu quả các khoản nợ và tài sản tồn đọng trước khi cổ phần hoá.
Riêng các khoản nợ phải trả ngân hàng thương mại và Quỹ Hỗ trợ phát triển thuộc đối tượng được xử lý quy định tại Thông tư số 05/2003/TT-NHNN ngày 24/2/2003 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn xử lý nợ tồn đọng của các doanh nghiệp nhà nước tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước, Thông tư số 74/2002/TT-BTC ngày 09/09/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đánh giá lại khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm của Ngân hàng thương mại Nhà nước, Thông tư số 89/2004/TT-BTC ngày 3/9/2004 hướng dẫn xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước của Bộ Tài chính, doanh nghiệp phải lập Hồ sơ gửi ngân hàng thương mại và Quỹ Hỗ trợ phát triển để xử lý trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
- Những tài sản, công nợ loại khỏi giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá: sau khi giá trị doanh nghiệp được cấp có thẩm quyên phê duyệt, đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp phải bàn giao cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trong vòng 10 ngày làm việc.
- Đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính xấu, khi xây dựng phương án xử lý tài chính, nợ và tài sản tồn đọng theo quy định hiện hành, nếu doanh nghiệp không còn vốn nhà nước, đề nghị cơ quan quyết định cổ phần hoá chủ động có phương án chuyển đổi bằng các hình thức khác; không cấp thêm vốn để thực hiện cổ phần hoá.
2. Về quyết toán thuế:
- Căn cứ vào Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổng Công ty nhà nước dự kiến thời gian tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý và thông báo cho Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố để chỉ đạo tổ chức quyết toán thuế đối với các doanh nghiệp này.
- Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà vẫn chưa hoàn thành quyết toán thuế thì doanh nghiệp được sử dụng Báo cáo tài chính để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp (kể cả việc xác định các nghĩa vụ của doanh nghiệp về thuế và thực hiện phân phối lợi nhuận). Sau khi có quyết toán thuế, các khoản chênh lệch về nghĩa vụ thuế với Nhà nước (nếu có) sẽ được điều chỉnh ở thời điểm doanh nghiệp được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
3. Về lựa chọn tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp:
- Để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tổng Công ty nhà nước chủ động lựa chọn và chỉ định Công ty kiểm toán, tổ chức tài chính có chức năng định giá, có đủ năng lực (theo danh sách được Bộ Tài chính công bố) để ký kết hợp đồng thực hiện việc tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, không cần phải tổ chức đấu thầu lựa chọn.
- Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp phải gửi về cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp và Bộ Tài chính. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp phải thẩm tra hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp trước khi quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
- Đối với các trường hợp giảm vốn nhà nước phải có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính, đề nghị các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng Công ty phải chủ động xử lý những vấn đề tồn tại về tài chính, nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp theo thẩm quyền trước khi gửi văn bản cho Bộ Tài chính.
4. Về chi phí cổ phần hoá: trường hợp cổ phần hoá những doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp, chi phí cổ phần hoá vượt mức khống chế theo quy định tại Thông tư số 76/2002/TT-BTC ngày 9 tháng 9 năm 2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần thì cơ quan quyết định cổ phần hoá chủ động xem xét, quyết định và thông báo cho Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.