BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12966/BGDĐT-CNTT | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2007 |
Kính gửi: | - Các Sở Giáo dục và Đào tạo |
Ngày 07/9/2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Công văn số 9584/BGDĐT-CNTT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các khoa sư phạm hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2007-2008 về CNTT.
Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CNTT đã đề ra tại Công văn 9584 nêu ở trên, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị cho năm học 2008-2009 là “Năm học Công nghệ thông tin”, cũng như triển khai Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kí ngày 29/11/2007 về Chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Bộ GD&ĐT hướng dẫn và yêu cầu các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện ngay một số hoạt động sau:
1. Tổ chức triển khai việc cung cấp e mail với tên miền @moet.edu.vn cho tất cả các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ tin học, các trường trung cấp chuyên nghiệp.Bộ GD&ĐT hoan nghênh các Sở, các trường ĐH, CĐ đã tích cực tham gia để hệ thống hoạt động thường xuyên, hiệu quả phục vụ trực tiếp cho công tác thông tin, liên lạc, báo cáo, chỉ đạo, Điều hành của Bộ, của ngành.
Đề nghị các Sở tiếp tục gửi danh sách để lập địa chỉ e mail với tên miền @moet.edu.vn cho tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT về Bộ theo mẫu đã hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin tại CV 11224/BGDĐT-CNTT . Kế hoạch này cần hoàn thành trước ngày 15/01/2008.
2. Triển khai việc cung cấp e mail cho mỗi học sinh, mỗi giáo viên của các trường với tên miền của Sở. Các Sở GD&ĐT cần đăng ký tên miền riêng, ví dụ như Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đăng kí tên miền là @hoabinh.edu.vn. Thống nhất sử dụng kí hiệu C1, C2, C3 trong tên e mail để chỉ các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tương ứng; C12 và C23 cho trường hỗn hợp; C0 để chỉ bậc mẫu giáo.
Trước hết, ngay trong năm học 2007-2008 này, đề nghị các Sở ưu tiên tạo ngay e mail của Sở cho học sinh THPT, đặc biệt cho học sinh lớp 12 để phục vụ cho việc nhận thông tin đăng kí thi tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2008.
3. Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục: Các Sở cần triển khai thống nhất hệ thống phần mềm quản lý trường học do Cục CNTT cung cấp miễn phí. Trên cơ sở phần mềm quản lí trường học này, Cục CNTT sẽ cung cấp các công cụ quản lý các cấp (Bộ, Sở, Phòng) để thống nhất cơ sở dữ liệu về giáo dục phổ thông gồm giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, thi... Bộ GD&ĐT thống nhất quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lí giáo dục về một đầu mối là Cục CNTT để tránh chồng chéo gây lãng phí và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn hệ thống thông tin giáo dục. Xin báo để các Sở biết chức năng nhiệm vụ của Cục CNTT và bản kết luận của Phó Thủ tướng -Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Cục CNTT (Gửi kèm theo).
Hàng năm, Cục CNTT có trách nhiệm cập nhật phần mềm theo yêu cầu mới, thu thập và xử lý dữ liệu, cung cấp lại các thông tin cần thiết và hữu ích phục vụ cho công tác quản lý của các cấp quản lý giáo dục (Bộ, Sở, Phòng).
Cục CNTT đã gửi đĩa CD chứa đầy đủ thông tin dữ liệu phân tích hai kì thi tốt nghiệp THPT và kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng của từng trường, từng hội đồng thi để các Sở tham khảo và phổ biến đến các trường, các lớp để cùng nghiên cứu rút kinh nghiệm, phục vụ cho cuộc vận động hai không.
4. Khai thác và sử dụng mã nguồn mở trong quản lý và giảng dạy
Khai thác và sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là một chủ trương lớn của Nhà nước. Vì vậy các đơn vị, cơ sở giáo dục cần triển khai ngay các phần mềm mã nguồn mở trong công tác dạy học chính thức trong trường phổ thông và trong công tác quản lý:
a) Bộ phần mềm văn phòng Open Office, do hãng SUN phát triển, có thể tải về miễn phí tại địa chỉ www.OpenOffice.Org.
Trong đó có các modun Soạn thảo văn bản (Writer), Bảng tính điện tử (Spreasheet), Đồ họa (Draw), Trình chiếu (Presentation) và Cơ sở dữ liệu (Base). Các modun này hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu sử dụng trong công tác quản lý và giảng dạy, tương đương với Microsoft Office.
Các đơn vị có thể dùng bản Star Office, (là phiên bản thương mại của Open Office), có thể tải về miễn phí tại địa chỉ của Google
http://www.google.com/intl/en/options/
Hiện nay toàn bộ các máy tính của các cơ quan Đảng đã được chuyển sang dùng bộ phần mềm văn phòng Open Office. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Hội đồng tư vấn và sẽ có hướng dẫn việc dùng Open Office trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Các đơn vị cũng có thể sử dụng bộ phần mềm King Office, bản standard, được công ty King Soft cung cấp miễn phí cho ngành giáo dục. King Office có ưu Điểm gọn nhẹ (28 MB), gài đặt nhanh chóng (3 phút) và có giao diện hoàn toàn giống Microsoft Office nên thuận tiện trong giảng dạy môn tin học văn phòng trong nhà trường (trừ phần cơ sở dữ liệu).
b) Việc mua bản quyền các phần mềm như Microsoft Office sẽ do Cục CNTT làm đầu mối quản lý và triển khai thống nhất trong toàn ngành khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước không tự mua các phần mềm này.
c) Bộ gõ tiếng Việt (mã nguồn mở) Unikey. Các đơn vị cần chuyển hẳn sang dùng bộ mã unicode theo TCVN 6909, tuyệt đối không tiếp tục sử dụng các bộ mã khác như ABC, VNI... trong giao dịch điện tử.
d) Trình duyệt web Firefox tải về miễn phí.
5. Triển khai hệ thống họp qua mạng điện thoại và video
Đây là hệ thống thông tin đa phương tiện được đề cập đến trong Chỉ thị 27. Trước mắt, theo Điều kiện của địa phương, các Sở có thể trang bị hệ thống họp qua điện thoại (không có hình) bằng việc mua thiết bị hội nghị thoại (audio station) như của Polycom, ClearOne, Microtel… Đây là thiết bị điện thoại phục vụ họp nhiều người từ nhiều Điểm qua thoại của Bộ đã được thiết lập bằng cách quay điện thoại về số máy 04.8684700 (Sau đó bấm thêm phòng họp số … và mật khẩu).
Việc thiết lập hệ thống họp qua video conference đối với các Sở sẽ được nghiên cứu và triển khai trong thời gian tới.
6. Triển khai hội thảo bài giảng điện tử e Learning
Phong trào làm bài giảng sử dụng phần mềm trình chiếu powerpoint những năm qua đã có nhiều kết quả. Cục CNTT sẽ chủ trì và hướng dẫn công nghệ làm bài giảng điện tử e Learning và chủ trì hội thảo khai thác thiết bị CNTT, hội thi bài giảng điện tử, sử dụng CNTT trong đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tạo bài giảng e Learning, hội thảo và dạy học online, áp dụng kết hợp với các thiết bị thí nghiệm đo lường điện tử.
7. Định hướng hoạt động thi đua về CNTT
Các hoạt động trên cùng với việc triển khai các hoạt động về CNTT khác của các đơn vị, cơ sở giáo dục nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học về CNTT, trước mắt phấn đấu nhằm đạt được một số kết quả cụ thể sau:
a) Mỗi Sở GD&ĐT có tên miền riêng của Sở để thiết lập website và hệ thống e mail quản lý. (Việc tạo e mail theo tên miền của Sở hiện nay là hoàn toàn miễn phí trên nền gmail, các Sở không cần đầu tư mua máy chủ và không mất nhân lực bảo dưỡng hệ thống).
b) Mỗi cán bộ của Sở, mỗi học sinh THCS và THPT, mỗi giáo viên có một e mail theo tên miền của Sở.
c) Các Sở có thể tạo trang web của Sở như là một trang của mạng giáo dục của Bộ. Các Sở cần cử cán bộ chuyên trách cung cấp và cập nhật thông tin cho trang web này.
d) Mỗi trường THPT có phòng máy tính (với số lượng ít nhất là 25 máy) có nối mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng ADSL. Chúng ta tiến tới đạt chỉ tiêu ít nhất 20 học sinh/máy.
đ) Đến cuối năm 2008, cố gắng phấn đấu tất cả các trường đều được kết nối Internet băng thông rộng ADSL. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, cần sử dụng kết nối Internet băng thông rộng qua chảo vệ tinh VSAT-IP.
e) Công tác biên soạn bài giảng điện tử: Khuyến khích mỗi trường THPT, THCS tạo mới nhiều thêm bài giảng điện tử của các môn học, đặc biệt cho cả các môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa, Nhạc, Họa. Khuyến khích giáo viên tham khảo các tài liệu, bài giảng điện tử của đồng nghiệp trong công tác giảng dạy song cần phát huy tính tích cực học tập thông qua thảo luận nhóm, tổ chức cho học sinh tập tự giải quyết vấn đề, khuyến khích cách suy nghĩ độc lập và suy xét, phản biện lại vấn đề. Tránh lạm dụng thái quá CNTT trong giờ giảng như dùng nhiều hiệu ứng chữ chuyển động, mầu lòe loẹt, phông chữ khó đọc, tham ghi nhiều chữ và cỡ chữ nhỏ, không có thời gian cho học sinh thảo luận ...
f) Bộ GD&ĐT đã giao cho Cục CNTT chủ trì, tổ chức hội thảo và hội thi bài giảng điện tử, khai thác thiết bị CNTT để đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng công nghệ e Learning. Hội thảo này dự kiến tổ chức vào tháng 3/2008. Đề nghị các Sở tổ chức cho các trường tham gia tích cực.
g) Sử dụng các phần mềm mã nguồn mở trong công tác quản lý và giảng dạy như Open Office, Unikey, FireFox.
h) Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục do Cục CNTT cung cấp.
Việc hoàn thành các công việc trên sẽ là những nội dung của việc đánh giá thi đua, khen thưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục các địa phương năm học 2007 – 2008 về công tác CNTT.
Như qui định tại Công văn số 9584/BGDĐT-CNTT ngày 07/9/2007, Bộ yêu cầu các Sở gửi về Bộ (qua e-mail: cucCNTT@moet.edu.vn) báo cáo kế hoạch CNTT năm học 2007-2008 và danh sách đơn vị đầu mối về CNTT của Sở.
Văn bản này chính thức chỉ được Bộ GD&ĐT gửi qua đường thư điện tử.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.