BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1273/CV-CSPCCC TP(TM) | TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 7 năm 2008 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các sở - ngành; |
Trong 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1014 vụ cháy làm chết 16 người, thiệt hại về tài sản gần 247 tỷ đồng; riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 125 vụ cháy làm 05 người chết, 33 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 66 tỷ 024 triệu đồng (tăng 23 tỷ 146 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2007).
Hiện nay đang bước vào mùa mưa, nhưng tình hình cháy trong cả nước và thành phố Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp, nhiều vụ cháy lớn xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng, điển hình như:
- Vụ cháy vào hồi 14h36 phút ngày 15 tháng 4 năm 2008, tại Công ty liên doanh ASC-Charwie địa chỉ số 108, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức làm cháy 100% xưởng dệt và nhà kho chứa sản phẩm diện tích khoảng 2.900m2, các vật tư, nguyên liệu và thành phẩm, thiệt hại gần 50 tỷ đồng.
- Vụ cháy vào hồi 20h15 ngày 30 tháng 6 năm 2008 tại Công ty sản xuất gỗ Đài Tường thuộc Khu Công nghiệp Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh làm cháy 2.000m2 nhà xưởng và 3 container gỗ thành phẩm, thiệt hại ước tính gần 4 tỷ đồng.
- Vụ cháy vào hồi 0h00 ngày 01 tháng 7 năm 2008 tại Chợ Châu Ổ - thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm cháy 300 gian hàng, thiệt hại ước tính khoảng 30 tỷ đồng.
- Vụ cháy vào hồi 2h00 ngày 02 tháng 7 năm 2008 tại kho chứa sắn lát - Nhà máy đường Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai làm cháy 2.500m2 nhà kho và 4.730 tấn sắn lát, thiệt hại ước tính khoảng 16 tỷ đồng.
- Vụ cháy vào hồi 0h30 ngày 02 tháng 7 năm 2008 tại tầng hầm tòa nhà 17 tầng, khu nhà A, chung cư Mỹ Đình 1, thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội làm cháy hoàn toàn 03 ô tô và làm hư hỏng hàng chục ô tô khác.
- Vụ cháy vào hồi 21h30 ngày 02 tháng 7 năm 2008 tại Cửa hàng xăng dầu Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm cháy hoàn toàn khu bán hàng diện tích 78m2.
Hầu hết các vụ cháy lớn đều xảy ra vào ban đêm, nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy ban đầu không phát huy được tác dụng, lực lượng bảo vệ lúng túng không xử lý được. Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân; Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đề nghị thủ trưởng các sở - ngành thành phố, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các quận - huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Khu Công nghệ cao thành phố triển khai thực hiện các biện pháp sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, kiến thức nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy đối với các cấp lãnh đạo và mọi tầng lớp nhân dân, tránh tư tưởng cho rằng mùa mưa thì không xảy ra cháy. Công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy phải thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin nội bộ…
2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC, các đơn vị cần thành lập các đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; đối với cơ sở có khối lượng hàng hóa lớn phải có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, chống tụ khói, gia cố tăng giới hạn chịu lửa đối với các nhà khung sắt, mái tôn. Đặc biệt là kiểm tra hệ thống điện, hệ thống chống sét để đề phòng các sự cố do điện; trong các kho tàng, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị phải tách riêng hệ thống điện động lực và hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ.
3. Củng cố và tăng cường lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng; tổ chức tuần tra, canh gác đặc biệt là vào ban đêm và ngày nghỉ. Bổ sung lực lượng trong các ca trực; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ và các phương án xử lý các tình huống cho lực lượng bảo vệ.
4. Trang bị, bổ sung đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy ban đầu, kiểm tra thường xuyên chất lượng, số lượng của hệ thống chữa cháy tự động, chữa cháy vách tường, báo cháy tự động. Những nơi xa ao hồ, trụ nước chữa cháy phải đảm bảo đủ lượng nước phục vụ chữa cháy và dự trữ.
5. Xây dựng phương án chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn; tất cả các cơ sở phải có phương án chữa cháy, đối với những nơi đã có phương án chữa cháy thì phải kiểm tra bổ sung, tự thực tập và phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thực tập theo quy định.
6. Các cơ quan quản lý các cửa hàng xăng dầu, các đại lý gas trên địa bàn thành phố cần thành lập các đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy định kỳ và đột xuất, tăng cường chỉ đạo các cơ sở tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong kiểm tra lưu ý đến hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điện động lực, các hệ thống chống sét đánh thẳng, chống sét cảm ứng; các biện pháp đề phòng tia lửa phát sinh do tĩnh điện; trong xuất nhập bảo quản xăng dầu phải tuân thủ đúng quy trình, quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên làm vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp thông gió thích hợp không để hơi xăng dầu tích tụ gây nguy hiểm cháy, nổ.
Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở; nơi nào vi phạm các quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 123/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy”; trường hợp nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật./.
| GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.