TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/2004/KHXX | Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2004 |
Kính gửi: | - Các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Ngày 15-6-2004, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 5 đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 32/2004/QH11 “Về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự”.
Mục 4 của Nghị quyết quy định:
“Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố cho đến ngày có hiệu lực:
a) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố thì áp dụng theo quy định tương ứng tại Điều 73 và Điều 79 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Điều 77 và Điều 83 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Điều 75 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động;
b) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động có hiệu lực pháp luật sau ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố thì áp dụng theo quy định tại Điều 288 và Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự”.
Ngày 24-6-2004 Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 13/2004/L/CTN về việc công bố Bộ luật tố tụng dân sự và Lệnh số 17/2004/L/CTN về việc công bố Nghị quyết số 32/2004/QH11.
Để thi hành đúng quy định tại Mục 4 nêu trên, Toà án nhân dân tối cao lưu ý một số điểm như sau:
1. Về việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 24-6-2004 (ngày Bộ luật tố tụng dân sự được công bố).
a. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình chỉ được tiến hành trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; việc kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự này thì không bị hạn chế về thời gian. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày phát hiện được tình tiết quy định tại Điều 78 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; việc kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào không bị hạn chế về thời gian.
b. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định kinh tế là chín tháng và thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
c. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc, tái thẩm đối với bản án, quyết định lao động là sáu tháng, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; nếu việc kháng nghị có lợi cho người lao động, thì thời hạn đó là một năm.
2. Về việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động có hiệu lực pháp luật sau 0 giờ ngày 24-6-2004.
a. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động được tiến hành trong thời hạn chung là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
b. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động được tiến hành trong thời hạn chung là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 305 của Bộ luật tố tụng dân sự.
3. Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
a. Đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trước 0 giờ 00 ngày 24-6-2004, thì Hội đồng giám đốc thẩm có quyền quyết định theo quy định tương ứng tại Điều 77 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, tại Điều 80 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, tại Điều 78 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động.
b. Đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm sau 0 giờ 00 ngày 24-6-2004 thì Hội đồng giám đốc thẩm có quyền quyết định theo quy định tại Điều 297 của Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể là:
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
- Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa;
- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại;
- Huỷ bản án, quyết định của Toà án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án.
Nhận được Công văn này, đề nghị các đồng chí Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đồng chí Chánh án Toà án dân sự, Toà án kinh tế, Toà án lao động, Toà án nhân dân tối cao cần phổ biến và quán triệt cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình biết để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Mục 4 Nghị quyết số 32/2004/QH11 ngày 15-6-2004 của Quốc hội.
| KT. CHÁNH ÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.