UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 11488/HD-ĐCNĐ-QLĐĐ | TP.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 9 năm 2002
|
HƯỚNG DẪN
MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ 18/2002/CT-UB NGÀY 22/08/2002 CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Ngày 22/08/2002, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 18/2002/CT-UB về đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và tăng cường quản lý nhà nước về nhà, đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Để đảm bảo thống nhất áp dụng, Sở Địa chính - Nhà đất hướng dẫn một số nội dung dưới đây:
1/ - Hướng dẫn việc xử lý đối với hộ gia đình, cá nhân không sử dụng đất (nông nghiệp, đất ở) quá 12 tháng liền:
Uỷ ban nhân dân quận - huyện cần xem xét từng trường hợp, căn cứ vào tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm cụ thể để quyết định, theo các hướng sau đây:
1.1/ - Đối với đất nông nghiệp không sử dụng 12 tháng liền:
Do các khó khăn khách quan từ quá trình phát triển đô thị hoá và việc san lấp đã làm hệ thống thuỷ lợi bị ảnh hưởng, không còn khả năng tưới tiêu hoặc nước bị ô nhiễm; bên cạnh đó có sự đan xen giữa các dự án xây dựng và đất nông nghiệp đã tạo ra các khu vực không thể sản xuất, canh tác được hoặc canh tác không hiệu quả dẫn đến bỏ hoang hoá đất, Uỷ ban nhân dân quận - huyện hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiến trình đô thị hoá, tạo điều kiện để người dân sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả.
1.2/ - Đối với đất ở không sử dụng12 tháng liền:
Những hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất với mục đích xây dựng nhà ở nhưng do hoàn cảnh khách quan trong cuộc sống chưa có điều kiện xây dựng nhà nên đã không sử dụng đất quá 12 tháng liền (khoản 3 Điều 26 Luật Đất đai) thì Uỷ ban nhân dân quận - huyện xem xét từng trường hợp cụ thể để khuyến khích người sử dụng đất đưa đất vào sử dụng.
1.3/ - Tập trùng xem xét, xử lý thu hồi trường hợp đất không sử dụng quá 12 tháng liền đối với đất do cá nhân, đại diện hộ gia đình có hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, “mua” đi “bán” lại nhiều lần, nhiều nơi.
2/ - Tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (viết tắc là giấy chứng nhận) (Điểm 1 của Chỉ thị).
2.1/ - Về xây dựng kế hoạch:
a/ - Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Uỷ ban nhân dân phường - xã - thị trấn lập kế hoạch cụ thể để cấp giấy chứng nhận. Nội dung kế hoạch phải thực thi, đảm bảo về nhân lực, kinh phí để hoạt động. Thời gian kết thúc cơ bản công tác ngày vào cuối năm 2003.
b/ - Tập trung cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch tại những phường - xã - thị trấn đã có bản đồ địa chính mới và cho chủ sở hữu đã thực hiện đăng ký kế khai nhà, đất từ ngày 31/12/1999 trở về trước (theo Quyết định 3376/1999/QĐ-UB-QLĐT của Uỷ ban nhân dân thành phố ngày 11/6/1999).
2.2/ - Về nhân sự và bộ máy:
a/ - Về nhân sự:
Theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân thành phố, Sở Địa chính - Nhà đất và Uỷ ban nhân dân quận - huyện căn cứ vào khối lượng hồ sơ phải cấp giấy chứng nhận, huy động đủ nhân sự để thụ lý, cấp giấy chứng nhận và chỉ đạo, theo dõi hoạt động này tại phường - xã - thị trấn. Cách trả công thụ lý theo phương thức khoán định mức kinh phí cho mỗi hồ sơ hoàn thành.
b/ - Về bộ máy:
Căn cứ theo nội dung điểm 1 của Chỉ thị 18/2002/CT-UB , đề nghị Ban Tổ chức chính quyền thành phố giúp Uỷ ban nhân dân quận - huyện để củng cố, chấn chỉnh bộ máy:
- Lựa chọn, tăng cường nhân sự có năng lực cho bộ phận chuyên trách chỉ đạo, thụ lý cấp giấy chứng nhận thuộc phòng quản lý đô thị.
- Tăng cường thêm (ít nhất) cho mỗi phường-xã 01 người (hợp đồng hoặc biên chế) để thực hiện tốt công tác quản lý nhà, đất trên địa bàn.
c/ - Việc chỉ đạo, kiểm tra công tác cấp giấy chứng nhận:
Phòng Quản lý đô thị quận, huyện thường xuyên kiểm tra tại phường - xã - thị trấn nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ ...., ngăn ngừa cán bộ cấp dưới vi phạm để phát hiện kịp thời các hành vi chứng thực, xác nhận sai lệch về thời gian kê khai đăng ký, chuyển nhượng, xây dựng nhà (như quy định tại điểm 9 của Chỉ thị).
d/- Về quy hoạch, liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở:
Nhà, đất được tạo lập trước ngày có quy hoạch chi tiết được duyệt thì công nhận toàn bộ diện tích đất theo hiện trạng, sơ đồ nhà, đất vẽ trong giấy chứng nhận có phân biệt phần diện dịch trong quy hoạch chi tiết (nếu có).
d.1/ - Việc xác định thời điểm “tạo lập”:
Uỷ ban nhân dân phường-xã xác định, căn cứ vào nội dung đã kê khai nhà, đất theo Quyết định 3376/QĐ-UB và những giấy tờ do chủ sở hữu cung cấp; Trường hợp kê khai không rõ ràng hoặc không kê khai thì UBND phường-xã xác định theo các mốc thời điểm sau đây:
- Thời điểm chủ nhà xây nhà từ đố đến nay không có sự thay đổi (như hai thời điểm dưới đây);
- Thời điểm sửa chữa, xây dựng làm thay đổi diện tích, vị trí mới trái với quy hoạch;
- Thời điểm chuyển dịch, mua bán nhà, đất trái pháp luật.
Nếu các hành vi trên xẩy ra trước ngày có quy hoạch chi tiết thì công nhận theo hiện trạng, ngược lại thì chỉ công nhận đối với phần diện tích nhà, đất phù hợp với quy hoạch đã được duyệt.
Ví dụ: Ông A xây nhà trước quy hoạch chi tiết nhưng sau đó bán nhà cho Ông B thì thời điểm để xác định trước hoặc sau quy hoạch chi tiết căn cứ vào thời điểm hai bên mua bán.
d.2/ - Cách thể hiện ghi chú phần quy hoạch tại trang 2 (sơ đồ nhà, đất) của giấy chứng nhận như sau:
Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết nếu bản đồ địa chính đã xác định được tim, tuyến đường, ranh quy hoạch thì thể hiện ranh quy hoạch trên sơ đồ nhà, đất của giấy chứng nhận. Nếu bản đồ địa chỉnh chưa thể hiện ranh quy hoạch thì ghi chú bằng chữ theo hướng dẫn tại văn bản số 13158/CV-ĐCNĐ ngày 22/11/2001 (tại mục 6.3 trang 4).
3/ - Giải quyết thủ tục đối với nhà, đất sử dụng vào mục đích chuyên dùng và các dự án nhà ở (Điểm 2 của Chỉ thị):
Trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về nhà, đất trước ngày 22/4/2002, phù hợp quy hoạch, không tranh chấp thì xử phạt theo Nghị định 04/CP và Nghị định 48/CP, (nếu có) và không thuộc diện thu hồi theo khoản 3 điều 26 Luật Đất đai sẽ được xem xét giải quyết theo thủ tục hiện hành, để cấp giấy chứng nhận.
3.1/ - Đối với dự án đất chuyên dùng:
- Nếu đã kê khai trước ngày 20/12/2000 (ngày kết thúc kê khai theo Chỉ thị 245/TTg) thì áp dụng thủ tục theo Thông tư liên bộ số 856/LB/ĐC-TC ngày 12/7/1996 của Tổng cục Địa chính-Bộ Tài chính về việc hướng dẫn các tổ chức trong nước lập hồ sơ đăng ký thuê đất và nộp tiền thuê đất hoặc giao đất theo Chỉ thị 47/1998/CT-UB-QLĐT ngày 22/12/1998 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc thực hiện thí điểm một số vấn đề liên quan trong việc quản lý sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Trường hợp chuyển nhượng, thay đổi mục đích trái pháp luật đất đai sau ngày 20/12/2000 thì lập lại thủ tục thu hồi và giao, thuê đất.
So với thủ tục đã áp dụng hiện hành thì phải có thêm việc xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nếu còn thời hiệu, khi đảm bảo các điều kiện, thực hiện đúng thủ tục theo pháp luật quy định thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê hoặc giao (nếu trên đất có vật kiến trúc thì cấp giấy chứng nhận theo mẫu giấy của Nghị định 60/CP).
3.2/ - Đối với dự án nhà ở và hạ tầng khu dân cư: Vi phạm từ trước ngày 22/4/2002 trở về trước thì thực hiện xử phạt theo quy định và được hướng dẫn trình tự thủ tục tại mục 4 dưới đây.
4/ - Về nội dung kiểm tra xử lý và hướng dẫn để thực hiện nhà các dự án đầu tư (Điểm 3 của Chỉ thị):
Trong quá trình quản lý, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn nếu Uỷ ban nhân dân quận - huyện phát hiện dự án có vi phạm thì xử lý như sau:
4.1/ - Khi chủ đầu tư không thực hiện việc bồi thường:
a.1/ - Uỷ ban nhân dân quận, huyện ra văn bản (theo mẫu 1) nhắc nhở, đôn đốc chủ đầu tư phải thực hiện ngay việc bồi thường. Chủ đầu tư phải báo xáo kế hoạch tiến độ bồi thường, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện cho Uỷ ban nhân dân quận, huyện và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng Quận, huyện để được giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
a.2/ - Những trường hợp phát hiện quá 12 tháng kể từ ngày ban hành quyết định giao đất mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện bồi thường hoặc bồi thường dở dang và không tiếp tục thực hiện thì Uỷ ban nhân dân quận, huyện ra văn bản khuyến cáo (theo mẫu 2), thông báo yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện ngay việc bồi thường. Nếu sau 3 tháng Uỷ ban nhân dân quận - huyện kiểm tra mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện thì đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố thu hồi dự án.
b/ - Trường hợp dự án có khiếu nại nhưng chưa được giải quyết nên chủ đầu tư không thực hiện bồi thường được:
b.1/ - Theo thẩm quyền của mình, Uỷ ban nhân dân quận - huyện, tiến hành giải quyết các khiếu nại mà theo Luật Khiếu nại tố cáo của công dân, và khi quyết định giải quyết đã có hiệu lực thi hành thì tổ chức lực lượng để thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kể cả các trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để thi hành quyết định;
b.2/ - Trường hợp phương án bồi thường đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 và Nghị quyết 18/NQ ngày 08/8/1998 của Thành uỷ dẫn đến khiếu nại của người đang sử dụng đất thì hướng dẫn chủ đầu tư phối hợp với Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của quận - huyện điều chỉnh và trình duyệt lại phương án bồi thường để dự án được triển khai kịp thời.
c/ - Trường hợp Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của quận - huyện do nhiều nguyên nhân chưa tổ chức thực hiện việc bồi thường:
c.1/ - Đề nghị Uỷ ban nhân dân quận - huyện cần chấn chỉnh công tác này nhằm giúp nhà đầu tư triển khai nhanh dự án đầu tư. Trường hợp xét thấy không đủ lực lượng để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì tăng cường nhân sự đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ này.
c.2/ - Uỷ ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng phối hợp với chủ đầu tư để thống nhất kế hoạch triển khai bồi thường và thông qua kế hoạch này để kiểm tra tiến độ thực hiện.
4.2/ - Đối với các dự án đã có quyết định giao đất và đã bồi thường xong mà chủ đầu tư không triển khai đầu tư hoặc đầu tư dở dang rồi ngưng:
Uỷ ban nhân dân quận - huyện ra thông báo (theo mẫu 3) cho chủ đầu tư giải trình lý do không triển khai đầu tư dự án hoặc đầu tư dở dang rồi ngưng (theo mẫu 4), nếu lý do không chính đáng tuỳ trường hợp, Uỷ ban nhân dân quận - huyện đề xuất thu hội toàn bộ khu đất của dự án.
4.3/ - Đối với các dự án đã có quyết định giao đất nhưng đầu tư triển khai không đúng với quy hoạch được duyệt:
Uỷ ban nhân dân quận - huyện ra thông báo (theo mẫu 5) yêu cầu chủ đầu tư phải tự điều chỉnh cho đúng với quy hoạch đã được duyệt. Sau khi điều chỉnh xong, chủ đầu tư phải báo cáo cho Uỷ ban nhân dân quận - huyện và Kiến trúc sư Trưởng thành phố để kiểm tra lại.
Chủ đầu tư chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã kiểm tra việc thực hiện đúng theo dự án, quy hoạch được duyệt.
Khi dự án hoàn tất, chủ đầu tư báo cáo và đề nghị Uỷ ban nhân dân quận - huyện cho phép bàn giao cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để quản lý theo phân cấp hiện nay.
Nếu chủ dự án không triển khai dự án theo đúng quy định và cũng không thực hiện khuyến cáo của Uỷ ban nhân dân quận - huyện và những hướng dẫn tại mục 4 của văn bản này thì Phòng Quản lý đô thị quận - huyện và Sở Địa chính - Nhà đất sẽ không giải quyết thủ tục giao, thuê, cấp giấy chứng nhận theo nhu cầu của nhà đầu tư.
4.4/ - Đối với các dự án phân lô hộ lẻ đã được phê duyệt quy hoạch hoặc chủ đầu tư tự phân lô:
Theo thẩm quyền của mình, Uỷ ban nhân dân quận - huyện tiến hành kiểm tra thật chặt chẽ đối với các dự án phân lô hộ lẻ đã triển khai đầu tư, nhất là các dự án chủ đầu tư tự phân lô. Khi kiểm tra phải tiến hành lập biên bản (theo mẫu 6) và thông báo buộc các đầu tư phải khắc phục ngay các vi phạm (nếu có). Sau 10 ngày kể từ ngày ra thông báo mà chủ đầu tư không triển khai nhằm khắc phục các sai phạm thì Uỷ ban nhân dân quận - huyện ra quyết định thanh tra hoặc đề xuất Sở Địa chính - Nhà đất ra quyết định thanh tra, kết quả thanh tra xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Trường hợp chủ đầu tư thay đổi địa chỉ thì có biện pháp truy tìm, nếu chủ đầu tư lẩn tránh không chịu tiếp xúc theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra hoặc thanh tra thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua kết quả thanh tra nếu dự án thực hiện theo đúng quy hoạch và đảm bảo chất lượng công trình thì Uỷ ban nhân dân quận - huyện hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các công việc sau:
- Báo cáo hoàn tất dự án, bàn giao hạ tầng theo phân cấp quản lý.
- Lập thủ tục pháp lý chuyển cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng (nếu đất không có nhà) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở (nếu trên đất có nhà).
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
5/ - Xử lý hành vi chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật và hướng dẫn lập thủ tục (Điểm 4 của Chỉ thị):
5.1/ - Chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thay đổi mục đích sử dụng (điểm 4.1 của Chỉ thị):
a/ - Trước ngày 13/4/1999:
Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng căn cứ các điều kiện:
- Từ khi nhận chuyển nhượng đã và đang sử dụng đất ổn định; không thay đổi mục đích; không tranh chấp, khiếu nại tại các cấp chính quyền thành phố hoặc không có thông báo ngăn chặn của toà án; người nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu tại Thành phố.
- Người được cấp giấy chứng nhận phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước (kể cả phần nghĩa vụ mà bên chuyển nhượng chưa thực hiện với nhà nước).
- Thủ tục cấp giấy chứng nhận theo Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục Địa chính (lưu ý niêm yết công khai tại phường).
Riêng đối với trường hợp bên chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng việc thực hiện chuyển nhượng trái pháp luật, thì xử lý như sau:
- Nếu chuyển nhượng toàn bộ các thửa đất trong giấy chứng nhận thì chỉ điều chỉnh tại trang 4 của giấy chứng nhận.
- Nếu chuyển nhượng một phần thửa đất hoặc chuyển nhượng không hết các thửa đất trong giấy chứng nhận thì điều chỉnh giảm tại trang 4 của giấy chứng nhận cũ và cấp giấy chứng nhận mới cho bên nhân chuyển nhượng đồng thời cập nhật vào bản đồ, sổ bộ địa chính.
b/ - Từ ngày 13/4/1999 (ngày Nghị định 17/1999NĐ-CP có hiệu lực) đến 22/4/2002 (ngày ban hành Chỉ thị số 08/2002/CT-UB):
Xem xét xử lý theo Nghị định 04/NĐ-CP: Trong trường hợp hành vi vi phạm không đến mức bị xử lý thu hồi đất thì xem xét các điều kiện sau để cấp giấy: sử dụng đất ổn định, không thay đổi mục đích sử dụng, không tranh chấp đất đai; có hộ khẩu tại thành phố; không nằm trong các dự án, phù hợp các điều kiện quy định tại Nghị định 17/1999/NĐ-CP và Nghị định 79/2000/NĐ-CP thì lập lại thủ tục cấp giấy chứng nhận theo điều kiện quy định tại Nghị định 17/1999/NĐ-CP và Nghị định 79/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
5.2/ - Đối với hành vi chuyển nhượng đất đai và đã làm thay đổi mực đích sử dụng đất trái pháp luật: san lấp, xây dựng trái phép ... (điểm 4.2 của Chỉ thị)
a/ - Từ sau ngày 31/12/1999 đến ngày 22/04/2002
a.1/ - Nếu phù hợp quy hoạch chi tiết:
Trường hợp này sẽ xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận nếu nhà, đất toạ lạc tại khu dân cư ổn định, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch chi tiết 1/2000.
* Chỉ cấp giấy chứng nhận sau khi đã xử phạt hành chính đúng quy định (theo Nghị định 04/CP nếu vi phạm về pháp luật đất đai; theo Nghị định 48/CP, nếu vi phạm về xây dựng), nếu có cả hai hành vi vi phạm trên thì đều phải được xử phạt. Sau đó cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định hiện hành:
- Nếu trên đất có nhà, kể cả nhà nằm trong các dự án kinh doanh nhà ở, sau khi kiểm tra hạ tầng theo quy định thì cấp giấy chứng nhận theo Quyết định 38/2000/QĐ-UB-QLĐT ngày 19/6/2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố.
- Đối với đất trống (không thuộc các dự án giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư) thì lập thủ tục cấp giấy theo Thông tư 1990/2001/TT-TCĐC của Tổng cục Địa chính như mục 5.1 hướng dẫn này. Người được cấp giấy chứng nhận phải thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính theo quy định.
- Đối với dự án giao đất và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu dân cư thực hiện thủ tục theo điểm 4 đã hướng dẫn trên đây.
* Khu dân cư ổn định là:
- Những khu dân cư hiện hữu - đã hình thành trước khi quy hoạch khu dân cư;
- Những khu dân cư mới đã được hình thành đúng quy hoạch được duyệt, khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
a.2/ - Nếu vị trí đất đã san lấp, xây dựng trái phép, trái với quy hoạch hoặc ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000:
Xử lý vi phạm theo quy định, chưa được xét cấp giấy chứng nhận và tạm thời cho sử dụng công trình theo nguyên trạng, người sử dụng phải làm cam kết (theo mẫu, được Uỷ ban nhân dân phường xác nhận chữ ký) chấp hành tự tháo dỡ vô điều kiện khi có dự án triển khai, người sử dụng nhà, đất tạm thời trong trường hợp này chỉ được xét hỗ trợ tiền theo giá đất có nguồn gốc ban đầu (trước khi chuyển nhượng, san lấp và xây dựng trái phép).
Ví dụ: nếu chuyển nhượng là đất lúa thì tiền để hồ trợ khi có dự án triển khai là giá đất trồng lúa.
Trong thời gian được phép tạm thời sử dụng, nếu tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm và nhà nước sẽ thu hồi đất.
b/ - Từ sau ngày 22/4/2002:
Nếu hành vi san lấp, xây dựng trái phép xảy ra sau ngày 22/04/2002 thì bị xử phạt nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định, triển khai tháo dỡ ngay công trình xây dựng trái phép, để thiết lập trật tự đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa những trường hợp vi phạm tương tự về sau.
Sau đó hướng dẫn cho đương sự lập thủ tục chuyển nhượng theo Nghị định 17/1999/NĐ-CP và Nghị định 79/2000/NĐ-CP và lập thủ tục đầu tư xây dựng đúng quy định pháp luật, đúng quy hoạch.
6/ - Công tác kiểm tra thanh tra xử lý vi phạm (điểm 7 của Chỉ thị):
Tiếp tục tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm theo mục 1.1 của Chỉ thị 08/2002/CT-UB , trong các nội dung cần tập trung rà soát, thống kê như đã hướng dẫn (theo kế hoạch 4896A ngày 02/5/2002, trước đây) thì cần chú ý thống kê Quỹ đất do Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn trực tiếp quản lý (tạm gọi là đất công ích), bao gồm:
- Đất thu hồi do vi phạm;
- Đất do nhà nước tiếp quản, tịch thu theo chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước sau ngày giải phóng nay phường, xã, thị trấn, quận, huyện, cơ quan đơn vị đang cho thuê mượn hoặc chia cấp không đúng thẩm quyền;
- Đất thuộc hành lang công trình theo tuyến và kênh rạch;
- Đất do các nông lâm trường giao lại cho địa phương nhưng chưa có kế hoạch sử dụng hoặc bị tổ chức, cá nhân chiếm dụng, hoặc do các cơ quan đơn vị chia cấp không đúng thẩm quyền;
- Đất hoang hoá chưa giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng.
Thống kê (theo mẫu 7) và phân loại: đất đang có người chiếm dụng; đất chưa giao cho người sử dụng. Sau đó cập nhật vào sổ bộ, bản đồ, quản lý chặt chẽ không cho chuyển nhượng hoặc thay đổi mục đích trái pháp luật.
Theo thẩm quyền được phân cấp, Uỷ ban nhân dân quận - huyện đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố xin chủ trương nhằm khai thác sử dụng quỹ đất này có hiệu quả cao hơn.
7/ - Trách nhiệm của người chủ sở hữu nhà và cơ quan đo vẽ để cấp giấy chứng nhận (điểm 8 của Chỉ thị):
Người xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc hướng dẫn ranh đất thuộc quyền sử dụng đất hợp lệ của mình để người đo vẽ lập sơ đồ nhà, đất thực hiện đúng.
Cá nhân và đơn vị có chức năng đo vẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc làm sai lệch hình dáng và số đo của sơ đồ nhà, đất.
Nếu chủ sở hữu nhà thông đồng với người đo vẽ nhằm mục đích lấn, chiếm đất đai thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Định kỳ hàng tháng, phòng quản lý đô thị quận - huyện có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện và vướng mắc (nếu có) gởi văn bản về Sở Địa chính - Nhà đất để được hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo trình Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo.
| KT.GIÁM ĐỐC SỞ ĐỊA CHÍNH NHÀ ĐẤT |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.