BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1132 TM/CSTNTN | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2003 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thế giới, các mặt hàng quan trọng thiết yếu của nền kinh tế quốc dân bị tác động mạnh của giá cả thị trường thế giới; thực hiện Chỉ thỉ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đã tổ chức với các Bộ, Ngành và với các Tổng công ty ngành hàng lớn để bàn cơ chế phối hợp và điều hành thống nhất thị trường trong nước nhằm góp phần ổn định sản xuất tiêu dùng.
Bộ Thương mại xin báo cáo các vấn đề đã được các Bộ, ngành trao đổi thống nhất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo.
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Đối với Xăng dầu: Bộ Thương mại đã thành lập đoàn công tác đến các doanh nghiệp đầu mối và các kho xăng dầu để kiểm tra việc nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu quý I/2003; đồng thời xem xét việc chấp hành và triển khai các quyết định giá và điều hành nhập khẩu của Bộ Thương mại; kiểm tra việc đảm bảo dự trữ tồn kho xăng dầu theo quy định.
2. Đối với Thép: Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ giá trần, việc nhập khẩu phôi thép để đáp ứng nhu cầu sản xuất đã được triển khai thuận lợi, đồng thời do giá phôi thép trên thế giới đã có xu hướng giảm nhẹ nên giá bán các loại sắt thép trên thị trường đã ổn định, tuy còn ở mức cao: giá bán thép xây dựng f 6 từ 5.800-6.300 đ/kg. Nhưng thị trường sắt thép ở phía Bắc có dấu hiệu đầu cơ nâng giá. Vì vậy, thống nhất đề nghị:
- Bộ Công nghiệp chủ trì thành lập đoàn liên ngành (có sự tham gia của Bộ Thương mại và Bộ Tài chính) kiểm tra tình hình cung ứng và giá cả sắt thép của một số doanh nghiệp nhằm ngăn chặn đầu cơ và có giải pháp hạ giá bán sắt thép ở phía Bắc xuống mức hợp lý.
- Bộ Tài chính thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố ngay việc giảm thuế nhập khẩu thép các loại từ thị trường ASEAN theo lộ trình giảm thuế đã thoả thuận với ASEAN; đồng thời xem xét hạ thuế nhập khẩu các loại từ thị trường khác để tạo đối trọng cạnh tranh lành mạnh hạ giá bán thép trong nước xuống mức hợp lý.
- Nếu giá nhập phôi thế giới lên mức 300 USD/tấn, đề nghị giảm dần thuế nhập khẩu phôi thép để giữ giá bán thép thành phẩm trong nước.
3. Đối với phân bón: Hiện nay việc cân đối nhu cầu phân bón cho vụ Hè Thu đang tiến triển bình thường. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Urê hiện tồn kho 100.000 tấn, hàng đang trên đường về khoảng 200.000 tấn, hiện thiếu 100.000 tấn và đang triển khai ký hợp đồng nhập để đảm bảo đến 15/4/2003 sẽ chuẩn bị đủ phân bón cho Vụ Hè Thu và triển khai chuẩn bị phân bón cho Vụ Mùa và gối đầu Vụ Đông Xuân. Thị trường phân bón có một số vấn đề cần lưu ý như sau:
- Hiện nay giá thế giới đối với mặt hàng phân bón sẽ tăng nhẹ, giá chào Urê rời tại thị trường Nga là 173 USD/tấn, Trung đông 180 USD/tấn, Inđo 178-180 USD/tấn. Việc giao dịch đã thuận lợi hơn, nhưng giá bán ĐBKD đến tay nông dân sẽ tăng hơn hiện hành 200-400 đ/kg. Hiện giá bán Urê phổ biến ở mức 2.800-2.900 đ/kg.
- Bộ Nông nghiệp và PTNN đã trao đổi với Bộ Thương mại thống nhất giao cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp dự trữ 85.000 tấn Urê và Công ty Vật Tư nông nghiệp Nghệ an dự trữ 15.000 tấn Urê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn cụ thể cơ chế thực hiện dự trữ lưu thông đối với lượng Urê này, nhất là cơ chế xử lý khi giá nhập cao hơn giá bán, cần bình ổn thị trường theo điều 2 của QĐ 37/2003-TTg.
Đối với mặt hàng Xi măng, hiện tình hình thị trường tương đối bình ổn, lượng cung ứng đảm bảo, hệ thống mua bán được tổ chức tương đối tốt, giá cả tăng nhẹ ở mức hợp lý. Giá bán mặt hàng tân dược có nhiều biến động bất thường do giá nguyên liệu thuốc thế giới tăng, đồng thời cũng có nguyên nhân về tổ chức quản lý nhà nước đối với tân dược. Theo Bộ Y tế thì Chính phủ sẽ có cuộc họp riêng về vấn đề này nên xin phép không đề cập trong báo cáo.
II. KIẾN NGHỊ VỀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP VÀ ĐIỀU HÀNH THỊ TRƯỜNG MỘT SỐ MẶT HÀNG QUAN TRỌNG THIẾT YẾU
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định về cơ chế phối hợp và điều hành thị trường trong nước, cụ thể:
1. Giao Bộ Thương mại chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ quản lý ngành định kỳ đánh giá, phân tích, đề xuất các giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với mặt hàng quan trọng thiết yếu như Lương thực, Xăng dầu, Sắt thép, Phân bón, Mía đường và Muối, Cơ chế thực hiện cụ thể như sau:
+ Các Bộ quản lý ngành giao trách nhiệm cho các Tổng công ty Xăng dầu, Thép, Xi măng, Vật tư Nông nghiệp, Lương thực, Mía Đường, Muối... có trách nhiệm báo cáo các Bộ quản lý ngành và Bộ Thương mại tình hình nguồn hàng, giá cả trong nước về thế giới định kỳ 10 ngày/lần và hàng tháng, đồng thời dự báo biến động thị trường, giá cả thời gian tới.
+ Các Bộ quản lý sản xuất như Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, phân tích, kiến nghị xử lý các vấn đề liên quan đến cung cầu hàng hoá, thị trường, giá cả và thông báo cho Bộ Thương mại biết.
+ Bộ Thương mại chịu trách nhiệm họp với các Bộ để tổng hợp, đánh giá, phân tích và dự báo tổng quan thị trường, quan hệ cung-cầu, diễn biến giá cả, thống nhất các biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Về cơ chế điều hành các mặt hàng quan trọng thiết yếu.
- Bộ Tài chính căn cứ Pháp lệnh giá, tăng cường việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá các mặt hàng có dấu hiệu tăng giảm giá bất thường tại tất cả các doanh nghiệp, điểm bán hàng và các vùng, miền, xử lý nghiêm minh và thông báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin.
- Các cơ quan quản lý nhà nước về giá trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá bán công khai tại các điểm bàn hàng theo quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh giá.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có quyết định kịp thời.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.