BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1124/TM-KHTK | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2003 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Được Thủ tướng Chính phủ cho phép, từ 20-21/2/2003, tại Hà Nội, Bộ Thương mại đã tổ chức Hội nghị Thương mại Toàn quốc. Bộ Thương mại xin báo cáo với Thủ tướng Chính phủ: tổng hợp ý kiến của các đại biểu; tóm lược ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan (kèm theo)
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề chủ yếu, xét thấy cần nghiên cứu giải quyết sớm trong thời gian tới, theo 2 loại nhóm vấn đề (Báo cáo kèm theo) là:
- Những vấn đề Bộ Thương mại chủ động giải quyết theo thẩm quyền
- Những vấn đề Bộ Thương mại đề nghị Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành giải quyết.
Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến chỉ đạo./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
BÁO CÁO CÁC VẤN ĐỀ CẦN XỬ LÝ SAU HỘI NGHỊ THƯƠNG MẠI TOÀN QUỐC (20-21/2/2003)
A. NHỮNG VẤN ĐỀ BỘ THƯƠNG MẠI CHỦ ĐỘNG GIẢI QUYẾT THEO THẨM QUYỀN
1. Về thị trường trong nước
- Xây dựng chiến lược và giải pháp phát triển thị trường nội địa; thiết lập và quản lý tốt hệ thống phân phối hàng hoá (siêu thị, chợ, trung tâm thương mại) hạn chế phát triển tự phát.
- Thực hiện các giải pháp kích cầu; nghiên cứu khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước của từng mặt hàng, ngành hàng; tuyên truyền, quảng bá và phát động phong trào sử dụng hàng Việt Nam.
- Cải tiến việc cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá theo hướng phân cấp nhiều hơn cho Sở Thương mại.
- Xây dựng các biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; các biện pháp chống buôn lậu.
2. Về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
- Nghiên cứu điều chỉnh Chiến lược xuất nhập khẩu cả ở Trung ương và địa phương, trên cơ sở kiểm điểm sau hơn 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
- Nghiên cứu: sửa đổi Quy chế thưởng xuất khẩu; để Hiệp hội Dệt may được tham gia Tổ điều hành hạn ngạch; mối quan hệ giữa xuất khẩu với người tiêu dùng nội địa để phát triển thị trường trong và ngoài nước.
- Đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng, tìm ra các vấn đề vướng mắc để đẩy mạnh xuất khẩu.
- Tăng cường bổ sung các chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ mới; xây dựng các giải pháp thu hẹp nhập siêu.
3. Phát triển thương mại dịch vụ: nghiên cứu các biện pháp đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ.
4. Về thông tin, dự báo và xúc tiến thương mại
- Tổ chức nghiên cứu, dự báo và cung cấp thông tin về kinh tế thương mại phục vụ quản lý Nhà nước và phục vụ doanh nghiệp; xây dựng qui chế thông tin giữa Bộ và các Sở Thương mại; tổ chức cung cấp thông tin về kinh tế thương mại phục vụ doanh nghiệp.
- Phổ biến và cung cấp thông tin về khoa học và công nghệ trong thương mại
- Tổ chức hệ thống xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương; nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo đội ngũ xúc tiến thương mại chuyên nghiệp.
- Quy định thêm các chỉ tiêu chất lượng đối với các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; xác định danh mục sản phẩm của các tỉnh, ngành cần xây dựng chỉ dẫn địa chỉ và xuất xứ.
5. Về công tác thị trường
- Xây dựng định hướng và hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế về khảo sát, tìm kiếm thị trường; xây dựng cơ chế quản lý áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh biên mậu, khu kinh tế cửa khẩu; giao cho Sở Thương mại cấp giấy phép Chi nhánh, Văn phòng đại diện của các doanh nghiệp (thành lập theo Luật doanh nghiệp) ở ngoài nước
- Xây dựng chương trình, biện pháp đối phó với các rào cản thương mại đối với hàng Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng chương trình các rào cản thương mại của Việt Nam đối với hàng nước ngoài.
- Tổ chức tập huấn cho các địa phương và doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý của nước ngoài, nhất là các vấn đề liên quan đến thương mại;
- Tổng kết công tác chuẩn bị cho hội nhập, đánh giá lại việc chuẩn bị cho chương trình đàm phán và hội nhập.
6. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thương mại
- Nghiên cứu: xác định mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thương mại ở địa phương; phân cấp tổ chức bộ máy Sở Thương mại giữa Trung ương và địa phương;
- Chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ công chức trong ngành Thương mại; xây dựng chương trình đào tạo hoặc tập huấn ngắn hạn cho cán bộ làm công tác thương mại;
7. Về tổ chức hội nghị: định kỳ họp giao ban với các địa phương, có thể thực hiện theo từng khu vực nhằm trao đổi, phổ biến kinh nghiệm quản lý; tổ chức hội nghị giữa các Giám đốc Sở Thương mại với Bộ Thương mại.
B. NHỮNG VẤN ĐỀ BỘ THƯƠNG MẠI ĐỀ NGHỊ THỦ TƯỚNG GIAO CHO CÁC BỘ, NGÀNH GIẢI QUYẾT
I. BỘ TÀI CHÍNH
1. Những vấn đề liên quan đến các loại thuế
- Nghiên cứu: áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng (VAT) để hạn chế sự gian lận tạo nên sự không bình đẳng giữa áp dụng phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp, nhất là trong lĩnh vực mua gom nông sản và bán lẻ; cập nhật, bổ sung kịp thời danh mục thuế nhập khẩu phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi áp mã tính thuế (Danh mục thuế nhập khẩu máy móc thiết bị của dự án được duyệt)
- Nghiên cứu đổi mới quy định: xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải thanh toán qua Ngân hàng mới được áp dụng VAT 0%, không có lợi do 85% doanh nghiệp không thanh toán qua Ngân hàng.
- Nghiên cứu giảm VAT vải sợi xuống 5% (hiện nay là 10%); miễn thuế nhập khẩu hạt điều thô để chế biến hàng xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho người trồng điều và kinh doanh điều.
2. Những vấn đề khác liên quan đến chính sách tài chính
- Xây dựng chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
- Nghiên cứu qui định cho phép doanh nghiệp Nhà nước được chi cho hoạt động giao dịch xúc tiến thương mại theo tỷ lệ doanh thu, không theo tỷ lệ tổng chi phí.
- Nghiên cứu đổi mới cơ chế cấp và sử dụng kinh phí cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (Tham tán, Đại sứ) trong việc thu thập và cung cấp thông tin.
- Nghiên cứu: hỗ trợ lãi suất sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xuất khẩu (khi triển khai thì vay thương mại thông thường) từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu; việc thành lập ở Trung ương Quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ (ở địa phương là không khả thi và khó tìm được nguồn vốn); xây dựng Quỹ phát triển thị trường của các Hiệp hội ngành hàng từ đóng góp của doanh nghiệp. Nghiên cứu thành lập Quỹ bảo hiểm cho ngành điều.
3. Những vấn đề liên quan đến Hải Quan
- Mục 27 xác nhận thực xuất của tờ khai hải quan, chỉ nên áp dụng với hàng xuất khẩu biên mậu, không áp dụng với hàng xuất bằng container.
- Thành lập Chi Cục Hải quan tại những tỉnh chưa có để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu; cải tiến qui chế cung cấp thông tin xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan.
II. BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
- Nghiên cứu: các biện pháp đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; chính sách chống độc quyền trong các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ về xuất nhập khẩu tại sân bay, bến cảng; về vận tải bằng đường biển.
- Xây dựng: chương trình gắn kết xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch thành hệ thống xúc tiến hàng hoá và dịch vụ Việt Nam; qui chế hậu kiểm hoạt động theo đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
III. BỘ NỘI VỤ
- Xây dựng chức năng hiệp hội ngành hàng, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với Hiệp hội ngành hàng; hướng dẫn các Hiệp hội xây dựng qui chế hoạt động, tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội ngành hàng.
- Quy chế hợp đồng nghiên cứu giữa các Viện nghiên cứu với doanh nghiệp.
IV. BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
- Nghiên cứu, phối hợp với Bộ Thương mại hoàn thiện cơ chế gắn sản xuất với tiêu thụ qua hợp đồng; sự phối hợp (thông qua hợp đồng) giữa doanh nghiệp nhà nước với tư thương trong việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân.
- Xây dựng các trạm kiểm dịch thực vật tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu.
V. NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh.
VI. BỘ CÔNG NGHIỆP: nghiên cứu vấn đề doanh nghiệp địa phương trong chiến lược phát triển ngành dệt may.
VII. BỘ Y TẾ: xây dựng các biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
VIII. BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân và thuê mặt bằng để sản xuất- kinh doanh.
IX. UỶ BAN QUỐC GIA VỀ HỢP TÁC KINH TẾ QUỐC TẾ
Tổ chức thống kê sức cạnh tranh của ta trên thị trường thế giới giúp Chính phủ xác định các khâu cần phải cải thiện để tăng khả năng cạnh tranh quốc gi, doanh nghiệp, mặt hàng. Xây dựng danh sách các mặt hàng có khả năng cạnh tranh.
X. HỘI NÔNG DÂN: nghiên cứu vai trò Hội nông dân trong việc tiêu thụ nông sản và xuất khẩu./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.