BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0936/TM-XNK | Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
BÁO CÁO
VỀ KẾT QUẢ LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 416/VPCP-KTTH ngày 23/1/2002 về việc tổ chức các đoàn đi khảo sát về xuất nhập khẩu tại thị trường nước ngoài, Bộ Thương mại đã tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Hoa Kỳ do Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự dẫn đầu đi công tác tại một số bang và thành phố của Hoa Kỳ như Washington D.C, NewYork, Chicago, Seattle, Tacoma trong thời gian từ ngày 19/05/2002 đến ngày 31/05/2002. Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả cụ thể của chuyến công tác như sau:
I. VỀ BỐ CẢNH CỦA CHUYẾN ĐI, THÀNH PHẦN CỦA ĐOÀN VÀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TẠI HOA KỲ:
Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Hoa Kỳ đi công tác trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có hiệu lực từ ngày 10/12/2001 mở ra cơ hội mới cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta vào thị trường này, nhất là những mặt hàng có mức chênh lệch giữa thuế MFN và thuế phi MFN tương đối rõ rệt như dệt may, giày dép, đồ gỗ, rau quả chế biến, thủ công mỹ nghệ... . Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm 2002 đạt 398 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2001, trong đó một số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao như dệt may đạt 84,4 triệu USD, tăng hơn 6,5 lần so với cùng kỳ, giày dép đạt 50 triệu USD tăng 53%. Để tranh thủ thời cơ và khai thác tốt khả năng của thị trường, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương mại đã tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Hoa Kỳ từ ngày 19/05/2002 đến ngày 31/05/2002. Tham gia đoàn có đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ: Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và PTNT, Thủy sản, Tài chính cùng 21 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các lĩnh vực hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, rau quả, đồ gỗ, thủy sản, nông sản (cà phê, chè, tiêu), nhập khẩu máy móc thiết bị, dịch vụ đại diện cho các thành phần kinh tế của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Trong thời gian công tác tại Hoa Kỳ, Đoàn đã có chương trình làm việc khẩn trương, đa dạng và khá hiệu quả tại một số trung tâm chính trị, ngoại giao và thương mại lớn của Hoa Kỳ như thành phố Washington D.C, NewYork, Chicago, Seattle. Riêng một số doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ và rau quả còn có thêm một số hoạt động tại San Francisco (bang California). Chương trình cụ thể của Đoàn bao gồm làm việc và tiếp xúc trực tiếp với:
- Một số cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ: Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng Thương mại Việt Mỹ.
- Thị trưởng và cơ quan phụ trách thương mại một số bang NewYork, Chicago, Seattle, Tacoma.
- Một số tổ chức xúc tiến thương mại cấp bang: Trung tâm thương mại thế giới Chicago, Tổ chức phát triển thương mại bang Washington, Trung tâm thương mại thế giới thành phố Tacoma - bang Wahington.
- Một số hiệp hội ngành hàng của Hoa Kỳ: Hiệp hội dệt may và giày dép, Hiệp hội chè, Hiệp hội cà phê.
- Trên 100 doanh nghiệp Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, dịch vụ...
- Một số Công ty tư vấn luật pháp của Hoa Kỳ.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHUYẾN CÔNG TÁC:
Kể từ Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực, đây là đoàn xúc tiến thương mại đầu tiên do Chính phủ giao Bộ Thương mại tổ chức, có sự tham gia của các Bộ, ngành hữu quan và đông đảo các doanh nghiệp ngành hàng. Tuy thời gian công tác tại Hoa Kỳ không lâu nhưng với nỗ lực ở mức cao nhất. Đoàn đã đạt được một số kết quả như sau:
1. Về phía nhà nước:
1.1. Trong các buổi làm việc với ông Timothi Hausen - Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ và ông Haustman - Phó đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Đoàn đã đề cập đến tình hình buôn bán nói chung giữa hai nước, thảo luận một số vấn đề cụ thể nhằm tháo gỡ những phát sinh trong thời gian qua như vấn đề catfish, vấn đề visa cho các doanh nhân Việt Nam vào Hoa Kỳ làm ăn, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ... . Riêng về cá cafish, phía Việt Nam tiếp tục phản đối điều luật trợ cấp nông sản HR 2646 liên quan đến việc cấm Việt Nam sử dụng tên cá catfish xuất khẩu vào Hoa Kỳ vì điều luật này trái với tinh thần của Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước. Về xuất khẩu hàng dệt may, phía Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ kéo dài thời gian xuất khẩu không có hạn ngạch, tạo điều kiện cho Việt Nam có ngoại tệ để nhập khẩu máy bay Boeing, bông, hóa chất và phụ liệu may mặc và các máy móc, thiết bị khác của Hoa Kỳ.
Qua các buổi làm việc, phía Hoa Kỳ hứa sẽ xem xét và hỗ trợ để quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ làm ăn, ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và cam kết sẽ trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định song phương và gia nhập WTO. Về hàng dệt may, phía Hoa Kỳ nhất trí sẽ có một thời kỳ không hạn ngạch nhưng không lâu vì bị sức ép chính trị.
1.2. Qua các cuộc tiếp xúc với chính quyền và các tổ chức xúc tiến thương mại tại một số bang, Đoàn nhận thấy nhận thức của một số tổ chức Hoa Kỳ về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam còn chưa đầy đủ. Đoàn đã tổ chức 5 cuộc hội thảo giới thiệu chính sách kinh tế đối ngoại và đầu tư; thông báo cho phía Hoa Kỳ những kết quả kinh tế, thương mại mà Việt Nam đạt được kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, giải thích về các chính sách thông thoáng của Việt Nam đối với hoạt động xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, điểm lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam... . Những thông tin này có ý nghĩa quan trọng, góp phần cập nhật và thay đổi nhận thức, suy nghĩ của các cơ quan, tổ chức cũng như doanh nghiệp Hoa Kỳ về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Cuộc hội thảo đông nhất có 40 doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia.
1.3. Đoàn đã tiếp xúc với một số công ty tư vấn của Hoa Kỳ về vấn đề catfish và dệt may, tìm hiểu một số công việc cần xúc tiến và chuẩn bị tiếp theo.
1.4. Thiết lập quan hệ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam với một số tổ chức xúc tiến thương mại của Hoa Kỳ theo hướng hai bên cùng phối hợp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại.
2. Về phía doanh nghiệp:
Về phía các doanh nghiệp tham gia đoàn đã thu được một số kết quả chủ yếu sau đây:
2.1. Qua chuyến công tác, các doanh nghiệp có hận thức rõ hơn về thị trường Hoa Kỳ: sức mua, thị hiếu, kênh phân phối, luật pháp, cách thức tiếp cận, yêu cầu cụ thể về chất lượng, mẫu mã, giao hàng, phong cách làm việc của đối tác Hoa Kỳ... để từ đó xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường này một cách có hiệu quả.
2.2. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia đoàn đã đặt được quan hệ với các đối tác Hoa Kỳ và hai bên sẽ có những giao dịch tiếp theo để tiến tới ký kết hợp đồng (gửi mẫu theo yêu cầu của đối tác Hoa Kỳ, báo giá...) đối với các mặt hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, nông sản (tiêu, chè, cà phê), thủy sản... . Một số đối tác Hoa Kỳ đã xác nhận thời gian sang thăm và làm việc tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam ngay trong tháng 6/2002.
2.3. Theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng với đối tác Hoa Kỳ với trị giá khoảng 6 triệu USD, trong đó dệt may ký được hợp đồng trị giá 4 triệu USD, rau quả chế biến 2 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp khác đã ký được biên bản ghi nhớ đối với các lĩnh vực rau quả, chè, may mặc, thủ công mỹ nghệ hoặc đầu tư với trị giá trên 10 triệu USD.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ:
Trên cơ sở kết quả làm việc của Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Hoa Kỳ, Bộ Thương mại xin đề xuất một số biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ như sau:
1. Về vấn đề thương hiệu catfish và đe dọa "chống bán phá giá"
Xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ 4 tháng đầu năm nay đạt 122,4 triệu USD, tăng khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm 2001. Tốc độ tăng này có phần chững lại so với tốc độ tăng của cùng kỳ (4 tháng đầu năm 2001 tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua của thị trường Hoa Kỳ chưa được cải thiện đáng kể trong những tháng đầu năm, bên cạnh đó tiến độ xuất khẩu cá ba-sa, cá tra có thời điểm bị chững lại do phía Hoa Kỳ liên tục có những phản ứng ngày càng mạnh hơn với việc xuất khẩu cá da trơn của ta vào thị trường Mỹ, đặc biệt là qua việc ban hành đạo luật HR 2646 ngày 13/05/2002 và tiến hành khảo sát để chuẩn bị kiện ta bán phá giá cá trên thị trường Mỹ.
Để hạn chế bớt tác hại của đạo luật HR 2646 và ngăn chặn khả năng Hoa Kỳ đưa ra đạo luật về thuế chống bán phá giá, theo Bộ Thương mại, cần xúc tiến ngay một số công việc sau:
- Tăng cường đấu tranh mạnh và quyết liệt hơn trên các diễn đàn để phản đối đạo luật HR 2646 theo hướng vừa cương quyết, vừa mềm dẻo.
- Bộ Thủy sản phối hợp với Bộ Thương mại nghiên cứu và đăng ký ngay thương hiệu mới trên tất cả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ, sau đó tiến hành quảng bá thương hiệu này.
- Để ngăn chặn khả năng Mỹ đưa ra đạo luật về thuế chống phá giá, ta cần tìm hiểu kỹ Luật chống bán phá giá của Mỹ, chuẩn bị sẵn các cơ sở dữ liệu, luận cứ cần thiết để chứng minh theo hướng có lợi cho ta, thống nhất phương án trả lời giữa các nhà xuất khẩu của ta cũng như từ phía các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Ngoài ra, cần tiếp tục tìm hiểu, thăm dò hướng xử lý và thái độ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để có biện pháp ứng phó thích hợp, thuê công ty luật có uy tín để bảo vệ quyền lợi của ta.
2. Về hình thức tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu có quy mô lớn nhất thế giới với nhu cầu tiêu dùng đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều bang có vị trí địa lý xa nhau. Trong điều kiện đó, công tác xúc tiến thương mại cần được tăng cường mạnh kể cả về bề rộng lẫn bề sâu, đồng thời thực hiện qua nhiều kênh khác nhau để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thâm nhập thị trường:
- Tăng cường thêm lực lượng thương vụ của ta tại Hoa Kỳ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại một số bang lớn, có vị trí chiến lược như NewYork (bờ Đông), Los Angeles (bờ Tây) và Chicago (có vị trí trung chuyển, giao lưu hàng hóa giữa bờ Đông và bờ Tây)...; xúc tiến nhanh việc mở rộng cơ quan đại diện thương mại, xây dựng phòng trưng bày, trung tâm giao dịch tại những bang này với sự trợ giúp của Nhà nước và sự phối hợp tham gia của các Hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng.
- Thiết lập quan hệ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại và các tổ chức xúc tiến thương mại của một số bang lớn tại Hoa Kỳ, thông qua các tổ chức này để các doanh nghiệp của ta tiếp cận với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, phối hợp tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại.
- Trên cơ sở rút kinh nghiệm của chuyến công tác lần này, trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại có quy mô trung bình để có điều kiện tập trung hơn vào một hoặc một số ngành hàng, nhóm hàng. Các doanh nghiệp trong từng ngành hàng cần có tính chất bổ sung nhau để tạo hiệu quả chung cho toàn ngành.
3. Sử dụng tư vấn:
Qua kinh nghiệm của các nước và giới thiệu của các tổ chức xúc tiến thương mại, Hội đồng Thương mại Việt Nam Hoa Kỳ thì ta nên xem xét sử dụng tư vấn trong lĩnh vực sau đây:
- Hiện nay nhiều người Mỹ kể cả chính quyền các Bang chưa có điều kiện đến thăm Việt Nam, họ đều bị các thông tin tiêu cực lấn át. Ngay cả giáo sư trường Đại học Chicago còn phát biểu cho rằng Việt Nam còn lâu mới có kinh tế thị trường và còn lâu mới gia nhập WTO. Nên ta cần công ty tư vấn để họ giới thiệu tình hình đổi mới của Việt Nam, chính sách kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch qua các kênh thông tin đại chúng của Hoa Kỳ như Trung Quốc đã từng làm.
- Thuê công ty tư vấn để chuẩn bị đề phòng Hoa Kỳ áp dụng chống bán phá cá tra và basa.
- Thuê công ty tư vấn để lobby kéo dài thời hạn cho tự do nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam. Nếu sau này Hoa Kỳ áp dụng quota thì Việt Nam phải được mức quota hợp lý. Hiện nay có nhiều công ty tư vấn muốn làm dịch vụ này. Ta nên chọn công ty có năng lực và mỗi lĩnh vực chọn một công ty, không nên tập trung nhiều lĩnh vực giao cho một công ty.
4. Một số điểm doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng trong việc tiếp cận và giao dịch với các đối tác Hoa Kỳ:
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bộ Thương mại nhận thấy các doanh nghiệp của ta cần chú trọng một số vấn đề sau:
4.1. Nắm chắc về ngành hàng mình kinh doanh như thị trường, như cầu, ưu nhược điểm so với hàng hóa cùng loại của các nước khác, mùa vụ, công nghệ... . Trong giao dịch, doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể nêu các câu hỏi mang tính chuyên ngành, đặc thù để đánh giá kinh nghiệm và khả năng hiểu biết thị trường, công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
4.2. Cách thức buôn bán của Hoa Kỳ là cụ thể, quyết đoán, nhanh chóng. Khi đã quan tâm đến sản phẩm nào thì doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng nêu rõ các yêu cầu rất cụ thể về chất lượng, bao gói, nhãn mác, số lượng, thời gian giao hàng, giá cả, phương thức thanh toán... . Đơn hàng của họ thường lớn. Các doanh nghiệp của ta lâu nay quen với đơn hàng nhỏ và vừa. Nếu muốn vào thị trường Hoa Kỳ phải nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất hoặc các xí nghiệp phải liên kết với nhau. Cũng chính vì lý do này, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ có khuynh hướng thích làm việc với các công ty có hoạt động sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng rau quả chế biến, đồ gỗ, TCMN, dệt may, giày dép, thủy sản.
4.3. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn thực phẩm như SA8000, ISO 14000, ISO 9000, HACCP... . Đối với các đối tác mới, doanh nghiệp Hoa Kỳ thường muốn đến tận nơi sản xuất để tìm hiểu khả năng về công nghệ, chất lượng, môi trường. Các doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn trên thường được đối tác Hoa Kỳ đánh giá cao.
4.4. Đối với các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải qua kiểm tra của Cục lương thực và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các doanh nghiệp của ta cần đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và nhãn mác. Theo thống kê của FDA, trong tháng 3/2002 Việt Nam có trên 60 lô hàng thực phẩm bị từ chối đưa vào tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ. Trong tháng 4/2002 có hơn 30 lô hàng gia vị, thủy sản, thịt, rau quả chế biến, bánh kẹo của ta bị FDA từ chối. Trong điều kiện xuất khẩu hàng thực phẩm của ta vào Hoa Kỳ chưa lớn, tỷ lệ này là khá cao nếu so với 57 trường hợp của Thái Lan và khoảng 100 trường hợp của Trung Quốc. Các lỗi chủ yếu là do trong thực phẩm bị phát hiện không bảo đảm vệ sinh, sử dụng phẩm mầu không an toàn và đáng lưu ý là nhiều lô hàng bị từ chối vì lý do nhãn mác không phù hợp.
4.5. Phương thức giao dịch của Hoa Kỳ phổ biến bằng Internet. Các doanh nghiệp muốn buôn bán với Hoa Kỳ phải trang bị Internet và cán bộ phải thành thạo tiếng Anh.
4.6. Trong giao dịch với đối tác Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ các tài liệu giới thiệu, chào hàng, mẫu hàng, catalogue. Mỗi doanh nghiệp nên xây dựng cho mình một trang web giới thiệu về Công ty và ngành hàng kinh doanh.
Trên đây là báo cáo của Bộ Thương mại về kết quả công tác của Đoàn xúc tiến thương mại thị trường Hoa Kỳ. Xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo.
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.