BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0716/TM-ĐB | Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2003 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 50/2002/QĐ-TTg ngày 17/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác Liên bộ về Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Bộ Thương mại đã phối hợp với các Bộ/ngành thành viên Tổ công tác tiến hành đàm phán xây dựng Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc. Ngày 4/11/2002, Hiệp định khung đã được lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết tại Phuôm Pênh, Campuchia. Như vậy, từ năm 2003, ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện đàm phán thực chất liên quan đến mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, tự do hoá chế độ đầu tư và nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác.
Để chủ động cho công tác đàm phán trong thời gian sắp tới, ngày 23/1/2003, Bộ Thương mại đã chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Tổ công tác liên Bộ với sự tham gia của các thành viên của Tổ công tác Liên bộ về ACFTA và đại diện Bộ Xây dựng và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tê. Tổ công tác Liên Bộ đã nhất trí kế hoạch triển khai Hiệp định khung và chuẩn bị phương án trình Thủ tướng Chính phủ trước khi đàm phán với các đối tác. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai xây dựng phương án, cũng như các đề xuất chung của các Bộ/ngành thành viên của Tổ công tác, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số hạn chế cần được khắc phục như sau:
- Thực hiện đàm phán trong khuôn khổ ACFTA bao hàm phạm vi rộng và phức tạp, trên nhiều khía cạnh có sự tương đồng nhất định với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế khác của nước ta như Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, Hiệp định dệt may Việt Nam-EU, các chương trình hợp tác kinh tế trong khuôn khổ ASEAN và đặc biệt là tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Vì vậy, việc xây dựng phương án đàm phán ACFTA không thể tách rời các tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khác của ta;
- Phương án đàm phán trong khuôn khổ ACFTA chưa được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện khả năng tác động của ACFTA tới các ngành kinh tế trong nước. Trong bối cảnh đó, phương án đàm phán khó có thể phát huy tối đa những lợi ích thương mại theo những điều khoản và nguyên tắc có lợi cho Việt Nam theo Hiệp định khung;
- Tuy chưa bắt đầu thực hiện đàm phán nhưng thực tế là một số cam kết trong khuôn khổ Hiệp định khung đang hoặc sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian sắp tới như Chương trình thu hoạch sớm, ưu đãi của Trung Quốc dành cho Việt Nam hưởng đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) theo các chuẩn mực của WTO và các hoạt động hợp tác kinh tế khác. Thực tế đó đòi hỏi phải triển khai gấp một cơ quan đầu mối điều phối việc tổ chức công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung, các cơ hội và thách thức của ACFTA cho các cơ quan địa phương và các doanh nghiệp trong nước;
- Việc tổ chức thực hiện đàm phán trong khuôn khổ ACFTA dự kiến sẽ tiến hành nhiều phiên họp với các cấp độ khác nhau từ cấp Trưởng đoàn đám phán như Nhóm đàm phán thương mại ASEAN (TNG), Uỷ ban đàm phán thương mại ASEAN-Trung Quốc (TNC) và đến nhóm công tác thực hiện đàm phán trong từng lĩnh vực cụ thể như thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư...v.v. Vì thế, Đoàn đàm phán rất cần sự hỗ trợ về kinh phí, phương tiện, thủ tục trao đổi thông tin thường xuyên giữa các Bộ/ngành để Đoàn đàm phán tập trung nguồn lực xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật trong công tác đàm phán.
Để khắc phục các hạn chế nêu trên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chuẩn bị đàm phán acfta trong thời gian tới và trên cơ sở thống nhất ý kiến với các thành viên Tổ công tác Liên Bộ về ACFTA, Bộ Thương mại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Bổ sung đại diện của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế và Bộ Xây dựng làm thành viên Tổ công tác Liên Bộ về Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc;
2. Giao Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế:
- Phối hợp cùng các Bộ, ngành hữu quan và vận dụng năng lực của Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật cho Đoàn đàm phán về Kinh tế-Thương mại của Chính phủ tổ chức nghiên cứu đánh giá tác động của việc thực hiện Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đối với Việt Nam làm cơ sở cho việc xây dựng phương án đàm phán và triển khai thực hiện ACFTA;
- Kết hợp với việc xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin trong khuôn khổ Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác KTQT cũng như trong việc xây dựng phương án và đàm phán gia nhập WTO để xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng phương án và đàm phán trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc.
- Làm đầu mối tổ chức việc tuyên truyền và phổ biến các thông tin có liên quan đến Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ thực hiện công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về Hội nhập Kinh tế Quốc tế.
- Làm việc với Bộ Tài chính để bổ sung kinh phí cho hoạt động nêu trên và dự trù kinh phí hỗ trợ đàm phán và trang bị phương tiện làm việc (máy tính xách tay, điện thoạt...) cho Đoàn đàm phán ACFTA.
Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến chỉ đạo để triển khai./.
| KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.