BỘ THƯƠNG MẠI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 0658/TM-XNK | Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2002 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ phương án đàm phán điều chỉnh Hiệp định về buôn bán hàng dệt may đã ký giữa Việt Nam và EU trình Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2016/TM/XNK ngày 14 tháng 8 năm 2001 và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại công văn số 4014/VPCP-QHQT ngày 31 tháng 8 năm 2001 của Văn phòng Chính phủ, sau khi làm việc với các Bộ, các ngành Bộ Thương mại đã chính thức đề nghị EU loại bỏ 24/29 mặt hàng đang áp dụng hạn ngạch và tăng hạn ngạch những mặt hàng nhạy cảm còn lại từ 2 đến 3 lần.
Trong đợi đàm phán vừa qua tại Bruxelles, từ ngày 13 đến 15 tháng 3 năm 2002, phía EU cho rằng những nhân nhượng về mở thị trường của Việt Nam khó có thể thuyết phục các nước thành viên chấp nhận phương án Việt Nam đưa ra nhưng có thể bàn tiếp trên cơ sở đáp ứng những yêu cầu mới của EU.
Phía EU đề nghị mở cửa thị trường cho hàng hoá và các dịch vụ sau:
- Giảm thuế hàng dệt may,
- Vận tải biển,
- Bảo hiểm,
- Xe hai bánh gắn máy (mô tô và xe scooters),
- Dược phẩm,
- Rượu vang và rượu mạnh,
- Hàng không,
- Xe ô tô con,
- Ngân hàng,
- Nghĩa vụ kết hối ngoại tệ một phần bằng đồng Việt Nam của các công ty,
Về các vấn đề trên, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1/- Hàng dệt may, phía EU đề nghị giảm thuế nguyên liệu xuống: 0%; chỉ, sợi: 5%; vải: 10%; quần áo: 17,5%.
Năm 1995 ta và EU đã thoả thuận lịch trình giảm thuế đến năm 2005, để đạt mức: Sơ: 7%; chỉ, sợi: 12%; vải: 20%; quần áo: 30%.
Bộ Thương mại đang bàn với Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính chỉ đưa các dòng thuế còn lại vào lịch trình giảm dần như đã cam kết.
2/- Vận tải biển, EU đề nghị:
- Các công ty hàng hải EU được cung cấp toàn bộ các dịch vụ về vận tải và bến cảng;
- Được cấp giấy phép thành lập chi nhánh và liên doanh có vốn nước ngoài từ 51% trở lên;
- Các doanh nghiệp EU được hưởng quy chế đối xử quốc gia về thuế cảng, lệ phí cảng như các doanh nghiệp Việt Nam.
Về việc này xin được báo cáo như sau:
- Nghị định số 10/2001/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ hàng hải đã quy định "Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì vốn góp của Bên Việt Nam không dưới 51%, riêng đối với hai loại dịch vụ: dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển, chỉ doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước được phép kinh doanh".
- Phí, lệ phí hàng hải đối với tàu thuỷ vận tải quốc tế đã được quy định tại Phụ lục 1, Quyết định số 48/2001/QĐ/BTC ngày 28/5/2001 của Bộ Tài chính. Mức thu không phân biệt tàu nước ngoài hoặc tàu Việt Nam.
3/- Về bảo hiểm, EU đề nghị cấp thêm giấy phép cho công ty 100% vốn của EU.
- Hiện nay đã có 3 công ty bảo hiểm 100% số vốn của EU được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam là Prudential, Allianz và Groupparma, trong đó có một công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential, EU đề nghị cấp thêm giấy phép cho công ty bảo hiểm nhân thọ.
Bộ Thương mại cho rằng nếu có sự cạnh tranh giữa các công ty nước ngoài sẽ có lợi cho người mua bảo hiểm, khuyến khích doanh nghiệp của ta vươn lên (thực tế vừa qua cũng chứng minh là như vậy), do đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp giấy phép cho một công ty bảo hiểm nhân thọ nữa trong trường hợp EU xoá bỏ hạn ngạch đối với các mặt hàng ta đều nghị và tăng đáng kể những mặt hàng nhậy cảm còn lại.
4/- EU đề nghị miễn áp dụng quy chế mới đối với nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy PIAGGIO;
Về việc này xin được báo cáo như sau:
Xe hai bánh gắn máy PIAGGIO do Italia sản xuất khó có khả năng nội địa hoá theo quy định tại Quyết định số 38/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2002 và thị phần mặt hàng này cũng rất thấp so với số lượng nhập khẩu hàng năm (năm 2001 lắp ráp khoảng 1000 chiếc). Do đó xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khả năng cho hạn ngạch nhập khẩu đặc biệt khoảng 2000 bộ linh kiện CKD, thời hạn từ 1 đến 2 năm để có thời gian trang bị các máy móc cần thiết, thực hiện tỷ lệ nội địa hoá theo quy định.
5/- Về vấn đề để giảm thuế rượu thì năm 2001, khi bỏ giấy phép nhập khẩu, ta đã tăng thuế 20%. Bộ Tài chính thống nhất giảm xuống bằng mức trước khi tăng vào cuối năm 2003. Trình Thủ tướng Chính phủ cho phép rút ngắn thời hạn vào tháng 6/2003 nếu hạn ngạch hàng dệt may đạt mức tăng cao.
6/- Về mở cửa thị trường dược phẩm: Bộ Y tế đã có chương trình xây dựng quy chế gia công dược phẩm thu phí vào tháng 6 năm 2002 và cắt giảm thêm hai hoạt chất thuộc danh mục không được đăng ký lại.
7/- Hàng không: về máy bay, trong quá trình đàm phán mua máy bay Airbus nên ép EU tăng hạn ngạch dệt may thì mới mua 5 chiếc đã ký MOU với điều kiện giá cạnh tranh và dịch vụ kỹ thuật sau khi mua tốt.
Với việc giảm thuế hàng dệt may theo lịch trình đã cam kết và các nhân lượng mở cửa thị trường đối với dược phẩm và giảm thuế rượu, Bộ Thương mại cùng với các Bộ, ngành sẽ phấn đấu đặt mức tăng hạn ngạch theo phương án đã trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp mở thêm các dịch vụ khác như: vận tải biển, bảo hiểm và cấp hạn ngạch nhập khẩu linh kiện xe 2 bánh gắn máy PIAGGIO thì ta sẽ gắn với hạn ngạch được tăng tương ứng.
Mặc dù thị trường Mỹ đã được mở, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng làm ăn với khách hàng EU có nhiều thuận lợi và hiệu quả cao hơn so với các thị trường khác. Hơn nữa hạn ngạch các mặt hàng nhậy cảm xuất khẩu vào EU đến nay đã sử dụng gần hết. Nhu cầu tăng hạn ngạch rất cấp bách. Phía EU đã chấp nhận vào Hà Nội đàm phán tiếp từ ngày 27 đến 31 tháng 5 năm 2002.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để Bộ Thương mại cùng các Bộ ngành liên quan triển khai công tác chuẩn bị đàm phán đạt hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu kế hoạch đề ra.
| BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.