BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/BHXH-BT | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2008 |
Kính gửi: Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Nghị định số 166/2007/NĐ-CP , Nghị định số 167/2007/NĐ-CP và Nghị định số 168/2007/NĐ-CP ngày 16/11/2007 của Chính phủ; các Thông tư số 29/2007/TT-BLĐTBXH , Thông tư số 30/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 10/12/2007 của liên Bộ Nội vụ và Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và cấp, ghi sổ BHXH cho người lao động kể từ ngày 01/01/2008 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Người lao động làm việc ở các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp của nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Người lao động làm việc ở các công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở các công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên trở lên quy định tại điểm 6, mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân được cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền cử biệt phái sang làm việc tại các cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, công an, cơ yếu hoặc điều động sang làm việc tại các doanh nghiệp, liên doanh của quân đội, công an, cơ yếu mà vẫn được thăng quân hàm, nâng lương theo quy định của pháp luật.
5. Người lao động làm việc ở các Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.
6. Người lao động làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
II. MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU LÀM CĂN CỨ ĐÓNG BHXH,BHYT:
1. Mức lương tối thiểu chung làm căn cứ tính mức lương, phụ cấp lương đóng, BHXH, BHYT cho người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, bao gồm các đối tượng quy định tại điểm 1, 2, 3 và 4, mục I của văn bản này là 540.000 đồng/tháng (người lao động thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thực hiện quy định tại khoản 3, Điều 6 Nghị định số 166/2007/NĐ-CP của Chính phủ).
2. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 167/2007/NĐ-CP và Nghị định số 168/2007/NĐ-CP của Chính phủ để xác định mức đóng BHXH, BHYT tối thiểu cho người lao động đóng BHXH, BHYT theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, cụ thể như sau:
2.1. Người lao động làm việc trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh: Nếu thuộc đối tượng quy định tại điểm 1, 2 và 5, mục I của văn bản này là 620.000 đồng/tháng, nếu thuộc đối tượng quy định tại điểm 6, mục I của văn bản này là 1.000.000 đồng/tháng.
2.2. Người lao động làm việc trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các quận thuộc thành phố Hải Phòng; thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một, các huyện: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tầu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu: Nếu thuộc đối tượng quy định tại điểm 1, 2 và 5, mục I của văn bản này là 580.000 đồng/tháng, nếu thuộc đối tượng quy định tại điểm 6, mục I của văn bản này là 900.000 đồng/tháng.
2.3. Người lao động làm việc trên các địa bàn còn lại: Nếu thuộc đối tượng quy định tại điểm 1, 2 và 5, mục I của văn bản này là 540.000 đồng/tháng, nếu thuộc đối tượng quy định tại điểm 6, mục I của văn bản này là 800.000 đồng/tháng.
III. CẤP, GHI SỔ BHXH.
Từ ngày 01/01/2008 trở đi việc cấp, ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH trên sổ BHXH được thực hiện bổ sung một số nội dung như sau :
1. Hồ sơ cấp sổ bao gồm: Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (Mẫu số 01-TBH); Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc (Mẫu số 02a-TBH) và Danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc (Mẫu số 03-TBH) ban hành kèm theo Quyết định số 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007 của BHXH Việt Nam.
2. Số sổ BHXH:
- Thực hiện theo quy định tại điểm 1.5 mục 1 phần III quyết định số 2352/1999/QĐ-BHXH. Trong đó: 02 ký tự đầu lấy theo mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ (theo phụ lục dưới đây). Đối với sổ BHXH do BHXH Quân đội cấp có ký hiệu là: 97; BHXH Công an cấp có ký hiệu là: 98; BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ cấp có ký hiệu là: 99.
- Số sổ BHXH do BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là BHXH tỉnh) quản lý. BHXH cấp huyện căn cứ số lượng người lao động đủ điều kiện cấp sổ BHXH đã đăng ký tại BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố mình trong từng đợt, báo cáo BHXH tỉnh (Phòng thu hoặc Phòng Quản lý sổ, thẻ) để được cấp số sổ BHXH trong đợt đó (từ số.... đến số ....). BHXH tỉnh phải mở sổ theo dõi chặt chẽ, liên tục việc cấp số sổ BHXH cho cấp huyện và cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc BHXH tỉnh quản lý.
3. Trình tự cấp sổ BHXH:
- Người lao động: Kê khai 03 bản Tờ khai tham gia BHXH, BHYT (mẫu số 01-TBH), nộp cho người sử dụng lao động để làm thủ tục cấp sổ BHXH.
- Người sử dụng lao động: Kiểm tra, đối chiếu, ký xác nhận và chịu trách nhiệm về nội dung kê khai trên Tờ khai tham gia BHXH, BHYT của người lao động, sau đó nộp cho cơ quan BHXH kèm theo Danh sách Lao động tham gia BHXH, BHYT bắt buộc (mẫu số 02a-TBH) hoặc Danh sách điều chỉnh lao động và mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc (mẫu số 03-TBH).
- Cơ quan BHXH: Khi nhận được hồ sơ cấp sổ BHXH, tiến hành thẩm định Tờ khai tham gia BHXH, BHYT, nếu đủ điều kiện cấp sổ BHXH thì ghi số sổ BHXH vào Tờ khai tham gia BHXH, BHYT và ghi các nội dung vào trang 3 của sổ BHXH, đồng thời lập 02 bản Danh sách lao động cấp sổ BHXH (mẫu số 01-SBH), các trường hợp chưa được cấp sổ BHXH (do sai, thiếu...) phải ghi rõ lý do ở cột ghi chú. Giám đốc BHXH tỉnh hoặc huyện ký, đóng dấu vào Danh sách lao động cấp sổ BHXH; Tờ khai tham gia BHXH, BHYT của người lao động và trang 3 của sổ BHXH, sau đó chuyển trả sổ BHXH cùng với 02 bản Tờ khai tham gia BHXH, BHYT và 01 bản Danh sách lao động cấp sổ BHXH cho người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động: Nhận sổ BHXH và hồ sơ cấp sổ BHXH của người lao động từ cơ quan BHXH kiểm tra lại, sau đó chuyển cho người lao động sổ BHXH để người lao động ký và 01 bản Tờ khai tham gia BHXH, BHYT để họ lưu giữ, đồng thời lưu giữ tại đơn vị 01 bản Danh sách lao động cấp sổ BHXH, 01 bản Tờ khai tham gia BHXH, BHYT.
- Người lao động: Kiểm tra, ký ghi rõ họ tên vào nơi quy định trên trang 3 của sổ BHXH, sau đó chuyển trả sổ BHXH cho đơn vị để lưu giữ.
- Thời gian cấp sổ BHXH không quá 30 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ hợp lệ (kể cả việc cấp lại sổ BHXH). Trước ngày 10 hàng tháng BHXH huyện lập báo cáo tổng hợp tình hình cấp, quản lý sổ BHXH trên địa bàn huyện gửi BHXH tỉnh (mẫu số 08a-SBH).
4. Ghi sổ BHXH:
4.1. Sổ BHXH cấp lần đầu chỉ cần ghi đầy đủ các nội dung trên trang 3 của sổ BHXH, từ trang 4 trở đi để trống. Khi người lao động ngừng việc hoặc di chuyển ngoài địa bàn tỉnh hoặc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất hoặc người lao động được giải quyết các chế độ BHXH (nghỉ ốm dài ngày, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, trợ cấp BHXH 01 lần, hưu trí và tử tuất) thì thực hiện ghi quá trình đóng BHXH, tương ứng với mức đóng và thời gian đã đóng. Đối với các loại phụ cấp đóng BHXH: cột 3 ghi nội dung loại phụ cấp được hưởng; cột 5 ghi hệ số hoặc tỷ lệ loại phụ cấp đó theo thứ tự dòng (chức vụ, thâm niên nghề, thâm niên vượt khung).
4.2. Đối với người lao động tự đóng BHXH, sau mỗi lần đóng phải chuyển sổ BHXH cho cơ quan BHXH trực tiếp quản lý để ghi bổ sung trên sổ BHXH, thời gian đóng BHXH ghi tương ứng với mức đóng của từng lần. Riêng các trường hợp người lao động đóng tiếp cho số tháng còn thiếu theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006; Điều 3 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007; Điều 50 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007; Điều 2 Nghị định số 132/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ tại cột 1, cột 2 ghi thời gian “từ tháng, năm đến tháng, năm”, cột 3 ghi “Đóng bổ sung.....tháng với số tiền...đồng”.
Yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn nêu trên để tổ chức thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.