PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 6037-NC | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1966 |
CÔNG VĂN
CỦA PHỦ THỦ TƯỚNG SỐ 6037-NC NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1966QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG TÀI SẢN CỦA NHÀ VẮNG CHỦ
Kính gửi: Uỷ ban hành chính các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định
Hiện nay trong những nhà vắng chủ Việt Nam và ngoại kiều do các Uỷ ban hành chính thành phố quản lý, hầu hết có ít nhiều đồ đạc, tài sản của chủ nhà để lại. Những tài sản ấy các cơ quan hay tư nhân sử dụng nhà vắng chủ thì sử dụng cả những đồ đạc, tài sản hiện có. Những thứ không dùng thì xếp lại, có nơi không bảo quản được chu đáo, để hư hỏng hay thất lạc.
Để xử lý một cách hợp lý những tài sản của những người hiện nay vắng mặt ở miền Bắc, chúng tôi nêu lên một số nguyên tắc và quy định cụ thể sau đây:
I- NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Bảo vệ tài sản vắng chủ bằng cách xử lý kịp thời và hợp lý để hạn chế sự hư hỏng, bao tổn, thiệt cho người có của, đồng thời bảo đảm nhu cầu lợi ích chung.
2. Những vật dung có tính chất thuộc về tín ngưỡng, những vật quý giá hiếm có, thuộc về gia bảo phải được bảo vệ chu đáo. Những tài sản khác tìm cách xử lý có lợi cho người có của và lợi ích chung. Những vật gì xét ra đã mục nát hư hỏng không còn sử dụng được nữa thì lập biên bản tiêu huỷ.
II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 1: Uỷ ban hành chính các thành phố quản lý những nhà vắng chủ quy định trong thông báo ngày 17-10-1955 có trách nhiệm quản lý cả những tài sản của chủ nhà còn để lại trong những nhà đó.
Điều 2: Những tài sản của nhà vắng chủ nói trong Điều 1 sau khi kiểm kê dược phân loại và xử lý theo nguyên tắc sau đây:
Loại A: Vật dụng gia đình: Loại này chia ra 2 hạng:
a) Hạng gia bảo như đồ thờ, đồ trang trí quý giá, vật kỷ niệm, vật hiếm có, sách vở.
b) Hạng thường dùng như bàn ghế, tủ giường, mâm nồi, bát đĩa, quần áo, màn đệm, v.v...
Đối với Hạng gia bảo thì ở nhà nào sẽ để lại trong nhà ấy, không được di chuyển đi nơi khác, phải cất vào một nơi trong nhà, cơ quan hay tư nhân thuê nhà có trách nhiệm giữ gìn bảo quản, không được tự ý sử dụng hay phá huỷ.
Đối với Hạng thường dùng thì cơ quan hay tư nhân thuê nhà được thuê để sử dụng, giá tiền thuê đồ đạc này sẽ tính gộp với giá thuê nhà tuỳ theo số lượng, chất lượng của đồ đạc (nhiều ít, xấu tốt).
Trường hợp cơ quan hay tư nhân thuê nhà không dùng đến hay không dùng hết những đồ đạc đó thì xếp gọn lại vào một nơi rồi báo cáo cho Uỷ ban hành chính thành phố giải quyết.
Trường hợp đặc biệt xin di chuyển những đồ đạc này đi nơi khác phải được Uỷ ban hành chính thành phố quyết định.
Đối với quần áo, chăn màn cũ, thì cho bán đấu giá, nếu cũ quá không còn dùng được thì lập biên bản tiêu huỷ.
Loại B: những dụng cụ, phương tiện vận tải, tư liệu sản xuất, như các máy móc và phụ tùng, quạt máy, máy chữ, máy ướp lạnh, máy vô tuyến điện, xe cộ, nhạc cụ, nguyên vật liệt, v.v... Đối với loại này để lâu sẽ han gỉ, hư hỏng, cho thuê phân tán đi nơi khác thì khó kiểm soát để bảo quản chu đáo nên nguyên tắc là bán cho cơ quan và tư nhân theo kế hoạch sau đây:
- Uỷ ban hành chính thành phố sẽ lập một Hội đồng (gồm có đại biểu Uỷ ban hành chính thành phố, Uỷ ban hành chính quận sở tại, Sở Tài chính, Sở Trước bạ, đại biểu dân phố) có trách nhiệm kiểm kê lại các tài sản, phân loại các tài sản cần bán, nghiên cứu và trị giá bằng tiền trình Uỷ ban hành chính thành phố duyệt y.
- Quyền ưu tiên được mua là cơ quan Chính phủ, xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã. Nếu cơ quan, xí nghiệp không mua, thì bán cho tư nhân.
- Các máy móc lớn, những nguyên vật liệu sản xuất quan trọng phải được Uỷ ban Kê hoạch Nhà nước đồng ý trong việc phân phối và sử dụng.
Loại C: Hàng hoá, nói chung các thương phẩm như vải vóc, tơ lụa, thực phẩm, hoá chất, bách hoá, v.v... Đối với loại này nguyên tắc là cho bán. Nhưng đối với những thực phẩm, dược phẩm, hàng hoá trước khi bán phải nghiên cứu kiểm tra lại phẩm phẩm chất. Nếu xét không dùng được thì cho lập biên bản tiêu huỷ.
Cơ quan công thương mậu dịch, hợp tác xã mua bán, được quyền ưu tiên mua những hàng hoá, nếu không mua sẽ công khai bán đấu giá cho tư nhân.
Điều 3: Hàng bán thu tiền ngay. Số tiền thu được sẽ trừ phụ phí 15% đối với tài sản của người Việt Nam, 25% đối với tài sản của ngoại kều để nộp vào công quỹ thành phố và trừ thuế tồn kho về hàng hoá, còn bao nhiêu sẽ nộp vào Ngân hàng quốc gia Việt Nam vào khoản "Tiền lưu ký không thời hạn về hoa lợi nhà vắng chủ", đợi chủ nhà về sẽ thanh toán và trả lại, kết quả thanh toán tiền bán hàng phải làm riêng biệt cho từng nhà một và báo cáo lên Uỷ ban hành chính thành phố ngay sau khi bán xong, bản sao gửi Sở Tài chính và Phòng nhà cửa để theo dõi thanh toán với chủ nhà sau này.
Điều 4: Uỷ ban hành chính thành phố có trách nhiệm tiến hành việc kiểm kê các tài sản, phân loại, lập biên bản bàn giao cho các cơ quan hay tư nhân thuê nhà đó tạm thời bảo quản đợi ngày giải quyết.
Việc bán những tài sản nói trong Điều 3 trên do Sở Tài chính thành phố phụ trách dưới sự lãnh đạo kiểm tra của Uỷ ban hành chính thành phố. Trong lúc kiểm kê và giải quyết các tài sản trên phải lập biên bản phân minh, tránh tham ô, lãng phí, làm hư hỏng.
Điều 5: Việc sử dụng những đồ đạc, tài sản sẵn có trong những nhà vắng chủ do cơ quan hay tư nhân thuê từ trước đến nay đều phải được điều chỉnh lại hợp thức hoá theo những điều đã quy định trên.
Điều 6: Những động sản vắng chủ, không ở trong những nhà vắng chủ, nếu không có người đủ điều kiện thừa hưởng hợp pháp (như trong thông cáo 17-10-1955) thì cũng sẽ được xử lý theo những quy định trên.
Trên đây là những nguyên tắc chính trong việc sử dụng tài sản vắng chủ. Các Uỷ ban sẽ căn cứ nguyên tắc đó, cụ thể hoá thêm mà ra thông tri cho các cơ quan thi hành, không công bố ra ngoài. Trong khi thực hiện, nếu có những điểm nào không thích hợp thì báo cáo và đề nghị Thủ tướng phủ sửa đổi.
| Phan Mỹ (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.