TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2505/TCHQ-PC | Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 1996 |
CÔNG VĂN
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 2505/TCHQ-PC NGÀY 6 THÁNG 8 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 97/TCHQ-PC NGÀY 5-8-1996 CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN VỀ TRÌNH TỰ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG NGÀNH HẢI QUAN
Ngày 5-8-1996, Tổng cục Hải quan ra Quyết định số 97/TCHQ-PC ban hành bản quy định về trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan. Để thực hiện tốt nội dung bản quy định trên, cần nắm vững nguyên tắc, trình tự và thẩm quyền xử phạt theo các yêu cầu sau đây:
I. LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN
1. Biên bản vi phạm hành chính về hải quan là một trong những chứng cứ quan trọng nhất làm căn cứ nhận định và xem xét các chứng cứ khác. Vì vậy, khi phát hiện có vi phạm hành chính về Hải quan thì phải lập biên bản kịp thời, ghi nhận trung thực các nội dung sau:
- Thời gian, địa điểm lập biên bản
- Họ tên, chức vụ, đơn vị làm việc của người lập biên bản
- Căn cứ pháp lý để lập biên bản
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính
- Họ tên địa chỉ của người làm chứng, người phiên dịch (nếu có)
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân bị hại (nếu có)
- Diễn biến nội dung vi phạm
- Lời khai ban đầu của người vi phạm (nếu lấy lời khai ban đầu, cần tóm tắt chính xác lời khai của họ).
Những biện pháp ngăn chặn được áp dụng (nếu áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm cần mô tả đầy đủ, chính xác tình trạng chất lượng, số lượng, trọng lượng, màu sắc v.v...). Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải thực hiện đúng nguyên tắc quy định tại Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;
- Biên bản lập xong đọc lại cho mọi người cùng nghe (hoặc đưa cho mỗi người tự đọc), sau đó ghi ý kiến bổ sung, sửa chữa; nếu có người vi phạm, người làm chứng, người bị hại từ chối ký thì phải ghi rõ lý do.
- Biên bản phải ghi rõ số trang: Những chỗ sửa chữa phải ký xác nhận của các bên;
- Nếu dùng máy ghi âm thì sau khi ghi xong phải mở máy cho mọi người nghe lại, sau đó niêm phong băng đã ghi với đầy đủ chữ ký của các bên liên quan trên niêm phong.
2. Đối với những vi phạm nghiêm trọng, hoặc có tình tiết phức tạp cần làm rõ thì nhất thiết phải lấy ngay lời khai của đương sự và những người có liên quan.
3. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, ngoài việc ghi vào biên bản vi phạm, thì đều phải có quyết định riêng ghi bằng văn bản. Hàng hoá, tang vật bị tạm giữ phải làm phiếu nhập kho và thực hiện đăng ký theo quy định về kế toán tố tụng.
4. Biên bản vi phạm hành chính và hồ sơ kèm theo phải vào sổ đăng ký từng ngày. Vụ việc thuộc thẩm quyền cấp nào thì hồ sơ phải kịp thời chuyển đến cấp đó.
II. TIẾP NHẬN, NGHIÊN CỨU HỒ SƠ
1. Hồ sơ tiếp nhận đăng ký để xử phạt bao gồm:
- Hồ sơ các vụ vi phạm hành chính về Hải quan được lập trong quá trình kiểm tra, giám sát Hải quan do hải quan cửa khẩu, các phòng nghiệp vụ chuyển tới.
- Hồ sơ do cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác phát hiện được chuyển cho cơ quan hải quan để xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
- Hồ sơ cơ quan điều tra chống buôn lậu trong ngành đã có kết luận chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển để xử phạt vi phạm hành chính.
2. Khi tiếp nhận thụ lý các hồ sơ trên đây, cán bộ làm công tác xử lý phải vào sổ thụ lý hồ sơ vi phạm hành chính về hải quan, ghi đầy đủ các cột mục đã in sẵn, có chữ ký của người giao và người nhận hồ sơ.
Hồ sơ phải sắp xếp, đánh số thứ tự từ trang đầu tới trang cuối.
Nếu có tang vật hoặc phương tiện vi phạm chuyển tới phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 mục 1 trên đây. Trường hợp tang vật là vàng, bạc, đá quý ngoại tệ thì phải gửi vào Kho bạc Nhà nước theo quy định chung.
3. Nghiên cứu hồ sơ, phân tích, tổng hợp báo cáo.
Khi nghiên cứu, phân tích hồ sơ cần làm rõ:
- Chủ thể nào có hành vi vi phạm trên thực tế và phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính.
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hàng hoá, tang vật theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc tập quán quốc tế.
- Vi phạm của tổ chức, cá nhân là vô ý hay cố ý; vi phạm lần đầu hay tái phạm, vi phạm nhiều lần; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khác;
- Chứng cứ hoặc các nguồn chứng cứ cần được bổ sung hoặc làm rõ (như biên bản giám định, biên bản lấy lời khai và các chứng từ có liên quan khác...)
- Hành vi xảy ra đã vi phạm quy định quản lý Nhà nước tại văn bản nào;
- Xét tính chất hành vi, trị giá tang vật vi phạm, đối chiếu với hình thức xử phạt được quy định thì vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp nào.
Sau khi làm rõ các nội dung trên, làm báo cáo tổng hợp, dự kiến các hình thức xử lý báo cáo người có thẩm quyền quyết định.
III. RA QUYẾT ĐỊNH VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT
1. Trong thời hạn theo quy định của pháp luật, kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt.
2. Nội dung quyết định xử phạt phải bao gồm các nội dung chủ yếu:
- Căn cứ pháp lý để xử phạt.
- Tên, địa chỉ chủ thể bị xử phạt
- Tóm tắt hành vi vi phạm và điều khoản áp dụng để xử phạt.
- Hình thức xử phạt và các biện pháp phạt bổ sung (nếu có áp dụng)
- Thời hiệu và những người có trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt.
3. Thi hành quyết định xử phạt.
- Quyết định xử phạt phải được chuyển kịp thời đến đối tượng bị xử phạt hoặc người được họ uỷ quyền hợp pháp để thi hành
- Khi công bố quyết định xử phạt, phải giải thích cho đương sự thấy rõ lỗi mà họ hoặc tổ chức do họ đại diện đã vi phạm và quyền khiếu nại của họ theo quy định tại Điều 88 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Quyết định xử phạt có mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên phải gửi tới Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Tổng cục Hải quan để báo cáo.
- Đối với mặt hàng là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì ngoài việc phạt vi phạm hành chính về hải quan theo Nghị định 19/CP và các nghị định khác có liên quan hoặc theo khoản 3 Điều 20 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn phải thu đủ thuế xuất khẩiu, thuế nhập khẩu và các nghĩa vụ tài chính khác theo đúng quy định của pháp luật.
- Hàng hoá, tang vật tịch thu, sau khi ra quyết định tịch thu phải chuyển giao cho cơ quan tài chính theo quy định của Pháp luật.
- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu không tự nguyện thi hành quyết định xử phạt thì cấp hải quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Điều 16 Nghị định 16/CP có nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt với sự phối hợp của lực lượng cảnh sát nhân dân, chính quyền sở tại và các ngành hữu quan.
Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt phải chịu mọi phí tổn cho việc tổ chức cưỡng chế.
IV. THÀNH PHẦN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XỬ LÝ
Hội đồng Tư vấn xử lý không phải là một cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, mà chỉ làm tư vấn cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng cục Hải quan về vấn đề xử lý, nhằm đảm bảo tính đúng đắn, thống nhất của các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thành phần và hoạt động của Hội đồng tư vấn xử lý thực hiện theo Điều 4 Bản quy định kèm theo Quyết định số 97/TCHQ-PC ngày 5/8/1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
1. Căn cứ vào tình hình thụ lý hồ sơ, Thường trực Hội đồng tư vấn xử lý báo cáo để Chủ tịch Hội đồng tư vấn xử lý quyết định triệu tập các phiên họp.
2. Hội đồng tư vấn xử lý có nhiệm vụ:
- Nghe báo cáo diễn biến từng vụ vi phạm, phân tích để xác minh tính chất và mức độ vi phạm của các chủ thể.
- Đối chiếu với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan để xác định hình thức và mức xử phạt.
- Kết quả thảo luận phải được thể hiện đầy đủ trong Biên bản họp Hội đồng. Biên bản phải ghi rõ tất cả các ý kiến nhất trí hoặc không nhất trí của từng thành viên trong Hội đồng, kết luận của Chủ tịch Hội đồng với chữ ký của các thành viên Hội đồng. Biên bản họp Hội đồng được báo cáo lên người có thẩm quyền xem xét quyết định.
- Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Hội đồng có thể quyết định triệu tập thủ trưởng các đơn vị nơi xảy ra vụ việc, tham gia các phiên họp của hội đồng để báo cáo chi tiết tình hình.
- Ngoài việc xem xét các vụ vi phạm hành chính để kiến nghị mức xử phạt với người có thẩm quyền xử phạt quyết định, Hội đồng tư vấn xử lý còn phải cho ý kiến về các khiếu nại của đương sự đối với các vụ việc trước khi ra quyết định đã có ý kiến của Hội đồng hoặc những trường hợp khiếu nại khác nếu Chủ tịch Hội đồng thấy cần thiết.
- Chỉ những người được Nhà nước trao quyền mới được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan. Theo Quy định tại Điều 16 Nghị định 16/CP thì Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan; Đội trưởng các đội công tác nghiệp vụ; Trưởng Hải quan cửa khẩu; Đội trưởng đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc TW (sau đây gọi chung là Hải quan tỉnh) và Cục trưởng Hải quan tỉnh mới được quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
Đối với các vụ vi phạm mà mức phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm có giá trị trên 200 triệu đồng Việt Nam thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh nhất thiết phải sao gửi đầy đủ hồ sơ và báo cáo về Tổng cục Hải quan. Hồ sơ gửi phải kèm theo báo cáo tổng hợp và ý kiến đề nghị hình thức và mức xử phạt để xin chuẩn y, chỉ khi có ý kiến đồng ý của Tổng cục mới được ra quyết định xử phạt.
Đối với những vụ vi phạm có mức phạt vượt thẩm quyền của Cục trưởng cục Hải quan tỉnh thì trình tự thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 97/TCHQ-PC.
Đối với hành vi khó xác định là vi phạm hành chính hay hình sự thì phải trao đổi xin ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, căn cứ vào văn bản trả lời của Viện Kiểm sát mà quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay khởi tố hình sự.
Trưởng Phòng xử lý hoặc cán bộ phụ trách công tác xử lý có trách nhiệm giúp Cục Hải quan tỉnh về công tác xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ
1. Chế độ báo cáo phải thực hiện đúng thời gian và nội dung quy định. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Tổng cục (Vụ pháp chế) theo mẫu hướng dẫn chung. Thời gian báo cáo quy định như sau:
- Báo cáo tháng gửi về trước ngày 25 hàng tháng.
- Báo cáo 6 tháng gửi về trước ngày 20/5.
- Báo cáo năm gửi về trước ngày 10/11 trong năm.
2. Hồ sơ được lưu giữ, bảo mật phải theo đúng Quyết định số 90, 91/QĐ-TCHQ ngày 21/3/1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Xử phạt vi phạm hành chính là một công việc quan trọng và phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, việc xem xét giải quyết phải hết sức khách quan, thận trọng, đồng thời lại phải đảm bảo đúng thời hạn luật định. Từng thời gian thực hiện phải rút kinh nghiệm kịp thời, kiên quyết khắc phục các sai sót và đặc biệt phải ngăn chặn và loại trừ các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực khác; xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm; bố trí cán bộ đúng và thường xuyên bồi dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần giải quyết phải báo cáo kịp thời về Tổng cục.
| Nguyễn Đức Minh (Đã ký)
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.