NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 903/CV-TCCB | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 1995 |
CÔNG VĂN
CỦA NGÂN HÀNH NHÀ NƯỚC SỐ 903 /CV-TCCB NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ TỔ CHỨC THI TUYỂN VÀO NGẠCH CÔNG CHỨC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Kính gửi:
| - Thủ trưởng Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước |
Để việc tuyển dụng công chức đi vào nề nếp, kể từ nay các đơn vị khi tuyển dụng công chức đều phải thực hiện chế độ thi tuyển. Ngân hàng Nhà nước Trung ương hướng dẫn cụ thể nội dung và tổ chức thi tuyển vào ngạch công chức thuộc Ngân hàng Nhà nước như sau:
1. Thẩm quyền tổ chức thi tuyển.
- Ở Trung ương là Hội đồng tuyển dụng công chức Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
- Ở địa phương, là Hội đồng tuyển dụng công chức chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Điều kiện tuyển dụng:
a. Việc tuyển dụng công chức vào cơ quan phải căn cứ vào nhu cầu công việc và có vị trí việc làm. Người được tuyển dụng phải đúng với tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch tuyển vào.
Kế hoạch tuyển dụng do cơ quan sử dụng công chức đề nghị, Thông đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét phê duyệt trong chỉ tiêu biên chế hàng năm được giao.
b. Người xin dự tuyển phải có đủ các điều kiện và hồ sơ dự tuyển như sau:
- Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Từ 18 tuổi trở lên
- Đơn xin dự thi vào ngạch công chức
- Giấy khai sinh
- Sơ yếu lý lịch rõ ràng, có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan bố, mẹ đang làm việc.
- Các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi tuyển.
- Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang thi hành án hình sự.
3. Hình thức và nội dung thi tuyển:
3.1. Hình thức thi tuyển: Gồm 2 phần:
- Phần thi viết
- Phần thi vấn đáp
3.2. Nội dung thi tuyển:
A. THI VÀO NGẠCH KIỂM NGÂN
1. Thi viết: Nội dung thi viết yêu cầu kiến thức tập trung vào hiểu biết, chấp hành các quy định nghiệp vụ cụ thể:
- Sơ lược một số chính sách cơ bản về tiền tệ và quản lý tiền mặt (phù hợp với ngạch kiểm ngân).
- Vị trí, vai trò của hệ thống kho quỹ trong hoạt động Ngân hàng.
- Nguyên tắc thu - chi tiền mặt, quy trình thu - chi tiền mặt.
- Kỹ thuật xác định bạc giả (đồng Việt Nam)
- Phương pháp kiểm tra các yếu tố của phiếu thu, phiếu chi tiền mặt.
- Quy chế quản lý kho tiền, quỹ nghiệp vụ.
- Nội quy an toàn phòng chống cháy, nổ
- Nguyên tắc bảo mật trong kho
- Tiêu chuẩn nghiệp vụ người kiểm ngân.
2. Thi vấn đáp và thực hành: Nội dung thi vấn đáp nhằm mục đích phát hiện những năng khiếu và phẩm chất người làm công tác kho quỹ. Do đó cần tập trung vào các nội dung:
- Đưa ra một số tình huống xẩy ra khi kiểm đếm tiền và yêu cầu thí sinh trả lời cách giải quyết.
- Chấp hành quy trình thu - chi tiền mặt và kỹ năng kiểm đếm bằng tay, bằng máy (trong đó phải đạt địch mức quy định cho kiểm ngân).
- Nguyên tắc kiểm đếm, kỹ thuật đóng gói, niêm phong (bó, bao) tiền.
- Phân biệt tiền thật, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
- Chức năng nhiệm vụ và vị trí của người kiểm ngân.
- Sử dụng máy vi tính.
B. THI VÀO NGẠCH THỦ QUỸ NGÂN HÀNG
1. Thi viết: Nội dung thi viết yêu cầu kiến thức tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
- Một số chính sách cơ bản về tiền tệ, quản lý tiền mặt.
- Vị trí vai trò của hệ thống kho quỹ nói chung và quỹ tiền mặt nói riêng trong hoạt động Ngân hàng.
- Chế độ, thể lệ quy định về chi tiêu tài chính, thu, chi tiền mặt của quỹ nghiệp vụ Ngân hàng.
- Quy trình nghiệp vụ về thu - chi tiền mặt, nguyên tắc thu - chi tiền mặt và bảo quản quỹ nghiệp vụ Ngân hàng.
- Tổ chức, phân công lao động tại quỹ.
- Nội dung sổ sách, giấy tờ của quỹ nghiệp vụ Ngân hàng.
- Quy chế phòng chống cháy nổ.
- Quy chế hoạt động của cơ quan xin vào làm việc.
- Quy chế bảo mật.
2. Thi vấn đáp và thực hành: Ngoài yêu cầu tại nội dung thi vấn đáp với chức danh kiểm ngân, thủ quỹ còn yêu cầu có trình độ tổ chức phân công lao động tại quỹ và xử lý chứng từ, ghi chép sổ sách vì vậy câu hỏi được tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
- Đưa các tình huống xảy ra tại quỹ và yêu cầu thí sinh trả lời cách giải quyết.
- Chấp hành quy trình thu - chi tiền mặt và kỹ năng kiểm đếm bằng tay, bằng máy (mức tối với thủ quỹ).
- Làm báo cáo thu, chi, tồn quỹ tiền mặt của quỹ nghiệp vụ (qua đó đánh giá cả chữ viết).
- Phân biệt tiền thật, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (đồng Việt Nam và ngoại tệ).
- Nghiệp vụ kiểm quỹ cuối ngày.
- Chức năng, nhiệm vụ và vụ trí của người thủ quỹ.
- Sử dụng máy vi tính.
C. THI VÀO NGẠCH THỦ KHO NGÂN HÀNG
1. Thi viết: Nội dung thi viết yêu cầu kiến thức tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
- Một số chế độ chính sách về tiền tệ, quản lý tiền mặt, ngoại hối, vàng bạc của Ngân hàng Nhà nước.
- Điều lệ hoặc nội quy hoạt động của ngành, đơn vị.
- Chế độ công tác an toàn kho.
- Một số văn bản pháp luật Nhà nước và nghĩa vụ, trách nhiệm bảo quản an toàn tài sản.
- Nội dung sổ sách, giấy tờ phục vụ cho quản lý kho tiền.
- Quy trình nghiệp vụ về xuất - nhập tiền mặt, tài sản khác bảo quản trong kho tiền.
- Nguyên tắc sắp xếp, bảo quản tài sản trong kho tiền Ngân hàng.
2. Thi vấn đáp: Thủ kho Ngân hàng được giao bảo quản một khối lượng tài sản rất lớn vì vậy nội dung thi vấn đáp nhằm mục đích phát hiện những năng khiếu và phẩm chất đặc biệt của người thủ kho Ngân hàng. Do đó cần tập trung vào các nội dung:
- Mở và ghi chép sổ quý ..., thẻ kho...
- Chế độ bảo quản chìa khoá cửa kho và chế độ ra vào kho tiền.
- Nêu cách phối phợp với lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn kho.
- Cách sử dụng các thiết bị an toàn trang bị cho kho.
- Chức năng, nhiệm vụ và vị trí của người Thủ kho Ngân hàng.
- Nghiệp vụ kiểm kê tiền mặt, tài sản trong kho tiền.
- Nguyên tắc bàn giao, kiểm tra kho tiền.
- Sử dụng máy vi tính.
D. THI VÀO NGẠCH KIỂM SOÁT VIÊN NGÂN HÀNG
1. Thi viết: Kiểm soát viên Ngân hàng phải có kiến thức lý luận và nghiệp vụ về Ngân hàng, do đó cần tập trung vào các vấn đề:
- Các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan tới hoạt động Ngân hàng.
- Nguyên tắc thủ tục hành chính Nhà nước.
- Nguyên tắc, chế độ, nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.
- Nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ kiểm soát viên Ngân hàng.
- Hệ thống tổ chức của Ngân hàng Nhà nước chức năng nhiệm vụ của Vụ Tổng kiểm soát.
- Tiêu chuẩn nghiệp vụ của người kiểm soát viên Ngân hàng
2. Thi vấn đáp: Ngoài am hiểu sâu, toàn diện các nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát viên Ngân hàng còn phải có khả năng tổ chức và vận động quần chúng, tính sáng tạo khi xử lý vụ việc phát sinh, vì vậy cần tập trung vào các vấn đề:
- Ra tình huống để kiểm tra năng lực, phẩm chất của thí sinh theo yêu cầu của công tác kiểm tra, kiểm soát.
- Thủ tục và quy trình của một số nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát:
+ Lập kế hoạch, xây dựng đề cương kiểm tra, kiểm soát.
+ Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát.
+ Lập biên bản kiểm tra, kiểm soát.
- Tình hình và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng.
4. Tổ chức thi tuyển:
4.1. Hội đồng thi tuyển:
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
- Hội đồng thi tuyển chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc chi nhánh.
Thành phần Hội đồng thi tuyển gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: ở Trung ương là đại biểu Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ở chi nhánh là đại diện Ban Giám đốc.
- Phó Chủ tịch thương trực: ở Trung ương là Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo, ở chi nhánh là Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng Hành chính nhân sự phụ trách nhân sự.
- Ở Trung ương đại diện Vụ, Cục (ở địa phương là Phòng, Ban) sử dụng công chức là uỷ viên.
- Một số công chức ở ngạch cao hơn ngạch thi là uỷ viên.
Số thành viên Hội đồng tối đa không quá 7 người.
Hội đồng thi tuyển chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan về tổ chức thi tuyển theo đúng quy chế.
4.2. Nhiệm vụ của Hội đồng thi tuyển.
- Hướng dẫn thể lệ, quy chế thi, hồ sơ cần thiết cho người dự thi, nội dung thi và các tài liệu tham khảo, trong đó:
Đối với ngạch kiểm soát viên Ngân hàng gồm:
+ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước.
+ Nghị định 15/CP ngày 2/3/1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
+ Nghị định số 20/CP ngày 1/3/1995 về quy định tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+ Quy chế tổ chức, hoạt động của Vụ Tổng kiểm soát.
+ Tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch kiểm soát viên Ngân hàng.
Đối với các ngạch kiểm ngân, thủ quỹ, thủ kho Ngân hàng:
+ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước
+ Quy chế, tổ chức hoạt động của Vụ Phát hành - Kho quỹ.
+ Pháp lệnh về phòng chống, chữa cháy và tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn, hệ thống báo, chữa cháy.
+ Chế độ công tác an toàn kho.
+ Tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch kiểm ngân, thủ quỹ, thu kho Ngân hàng.
- Lập danh sách người than gia thi tuyển
- Tổ chức ra đề thi, chọn đề thi đảm bảo nội dung theo hướng dẫn tại điểm 3.2 của công văn này và yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức cần tuyển.
- Tổ chức việc coi thi, chấm thi đảm báo đúng quy chế, nghiêm túc, khách quan, công bằng, công khai và dân chủ.
- Trên cơ sở kết quả thi tuyển, công bố kết quả theo quy định tại điểm 1 phần IV của công văn số 99/TCCP-VC ngày 13/4/1994 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
- Báo cáo kết quả trúng tuyển trình Thủ tướng cơ quan ra quyết định tuyển dụng.
5. Tổ chức thực hiện.
Kể từ nay, việc tuyển dụng công chức vào làm việc đều phải thực hiện chế độ thi tuyển. Các chức danh công chức do ngành Ngân hàng quy định thực hiện nội dung thi tuyển tại công văn này. Các chức danh công chức khác trong ngành thực hiện nội dung thi tuyển theo quy định của các Bộ, ngành hữu quan quy định tại điểm 2 phần III công văn số 99/TCCP-VC ngày 13/4/1994 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.
Việc tổ chức thi tuyển dụng công chức là công việc mới mẻ, vì vậy khi triển khai thực hiện các đơn vị cần thận trọng, không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đơn vị nào không thực hiện đúng quy trình, nội dung thi tuyển dụng công chức, không đảm bảo nguyên tắc chung sẽ bị huỷ bỏ quyết định tuyển dụng.
Trong quá trình triển khai thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo) để nghiên cứu giải quyết.
| Cao Sĩ Kiêm (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.