BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 995/BTNMT-TCMT | Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2015 |
Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Phúc đáp Công văn số 1681/TCHQ-GSQL ngày 02 tháng 3 năm 2015 của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính về việc nhập khẩu phế liệu, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
1. Thực hiện Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với từng loại phế liệu tương ứng trong Danh mục kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg. Việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật này cần phải tuân thủ đúng theo quy định về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đối với những loại phế liệu chưa có quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì tạm thời chưa có cơ sở pháp lý để nhập khẩu.
2. Đối với phế liệu thu được trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan:
Phế liệu phát sinh trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan rất đa dạng, số lượng không lớn nên việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với các loại phế liệu này là rất khó khả thi. Mặt khác, các loại phế thải, phế liệu từ các doanh nghiệp này đều phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam cần được tạo điều kiện để thu hồi, tái chế, tái sử dụng triệt để. Từ năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép các tổ chức, cá nhân trong nước được nhập khẩu tất cả các loại phế liệu, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất trên lãnh thổ Việt Nam để tái chế, xử lý hoặc tiêu hủy và không yêu cầu có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về quản lý chất thải và phế liệu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, việc thu gom, vận chuyển chất thải và phế liệu từ khu phi thuế quan, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào nội địa được quản lý theo hướng thực hiện thống nhất như đối với chất thải, phế liệu phát sinh ngoài khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất. Tuy nhiên, việc đưa vào nội địa các phế liệu này vẫn phải tuân thủ các quy định khác về tài chính và hải quan. Điều khoản này đã được các thành viên Chính phủ trong đó có Bộ Tài chính thống nhất trong quá trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
3. Đối với việc nhập khẩu mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc đã qua xử lý nhập khẩu từ nước ngoài:
Trước đây, Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không quy định mặt hàng “Mai, vỏ động vật thân mềm, động vật giáp xác hoặc động vật da gai không xương sống (cụ thể là mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc đã qua xử lý)” là phế liệu. Do đó, mặt hàng này được các doanh nghiệp nhập khẩu như là nguyên liệu sản xuất. Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, bổ sung Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT ngày 28 tháng 01 năm 2013, trong đó có quy định bổ sung phế liệu là “Mai, vỏ động vật thân mềm, động vật giáp xác hoặc động vật da gai không xương sống” và áp mã HS 05080020.
Tuy nhiên, trong hai năm 2013 và 2014, thông qua hoạt động kiểm tra, hướng dẫn hoạt động nhập khẩu phế liệu, xem xét kiến nghị và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc mà các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang nhập khẩu không phải được thu hồi từ một quá trình sản xuất hàng hóa và tiêu dùng. Sản phẩm “Mai, vỏ sò, vỏ ốc” này là sản phẩm chính được đánh bắt, sơ chế đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn để xuất khẩu như là nguyên liệu sản xuất. Do đó không thể coi là phế liệu như định nghĩa phế liệu của Luật Bảo vệ môi trường 2014: “Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”. Ngoài ra, nếu coi là phế liệu thì các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và sản phẩm xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh vì nguyên liệu đầu vào bị coi có xuất xứ từ phế liệu. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không coi mặt hàng “Mai, vỏ động vật thân mềm, động vật giáp xác hoặc động vật da gai không xương sống” là phế liệu mà coi là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Những loại chất thải bị loại bỏ, thu được trong quá trình sử dụng, tái chế mai vỏ động vật thân mềm, vỏ sò, vỏ ốc làm hàng thủ công mỹ nghệ thì mới coi là phế liệu và hiện tại không đề xuất cho phép nhập khẩu vì không mang lại lợi ích kinh tế và không thể xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với loại phế liệu này.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang hoạt động nhập khẩu mặt hàng vỏ sò, vỏ ốc làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mã HS 05080020 là mặt hàng nguyên liệu “Mai, vỏ động vật thân mềm, động vật giáp xác hoặc động vật da gai không xương sống” và mã HS 05080090 là phế liệu của những loại nguyên liệu này. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Hải quan các địa phương cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng nêu trên làm nguyên liệu sản xuất với yêu cầu có xuất xứ hàng hóa rõ ràng và đáp ứng các yêu cầu về an toàn kiểm dịch.
Trường hợp phế liệu là vỏ sò, vỏ ốc thu được trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan nhập khẩu vào nội địa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thực hiện quản lý như các loại phế liệu phát sinh từ doanh nghiệp sản xuất khác trên lãnh thổ Việt Nam để khuyến khích tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu triệt để chất thải ra môi trường.
Trên đây là một số ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi quý Tổng cục để nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của quý Tổng cục./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.