ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 980/UBND-TH | Long Xuyên, ngày 06 tháng 4 năm 2010 |
Kính gửi: Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Thực hiện công văn số 1185/UBTCNS12 ngày 05/02/2010 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước, UBND tỉnh An Giang báo cáo kết quả thực hiện định mức phân bổ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 và Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức phân bổ trong giai đoạn tới như sau:
I. Đặc điểm tình hình của địa phương:
An Giang vừa là tỉnh biên giới với đường biên giới kéo dài gần 100 km, luôn phải đảm bảo cho quốc phòng an ninh giữ vững; vừa là tỉnh có đông người dân tộc Khmer, nhiều tôn giáo cần phải đảm bảo an ninh ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh xã hội.
Ngoài ra, An Giang là tỉnh đông dân nhất đồng bằng sông Cửu Long. Về y tế, giáo dục đào tạo phải chăm lo luôn cho nước bạn Campuchia; có trường đại học thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh ở các tỉnh lân cận (Đồng Tháp, Kiên Giang…); trình độ dân trí ở mức thấp. Từ đó đặt ra nhiều yêu cầu chi cấp thiết, đảm bảo cho việc quản lý ổn định để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
II. Đánh giá kết quả thực hiện định mức phân bổ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2007 - 2010:
1. Đánh giá kết quả thực hiện định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ:
Định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg cơ bản phù hợp với tình hình thực tế về nguồn lực ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Định mức phân bổ ngân sách với hệ thống tiêu chí phân bổ ngân sách cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, dễ kiểm tra…; đảm bảo tính công bằng, hợp lý, công khai và minh bạch trong phân bổ ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, định mức phân bổ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg vẫn còn một số giới hạn như tiêu chí chưa bao quát hết các lĩnh vực chi, mức chi vẫn còn eo hẹp, chưa đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách của nhà nước đã ban hành. Cụ thể như sau:
1.1. Định mức chi giáo dục được phân bổ theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 đến 18 tuổi; nếu mức chi không đảm bảo tỷ lệ 80% chi con người - 20% chi hoạt động thì bổ sung cho đủ. Tuy nhiên, có một số khoản chi (phụ cấp thêm giờ, buổi…) chưa được tính vào nhóm chi con người (80%), nên khoản chi hoạt động (20%) còn lại không đảm bảo. Mặt khác, tỷ lệ 20% chi hoạt động được xác định năm đầu của thời kỳ ổn định, trong những năm tiếp theo khi thực hiện cải cách tiền lương (tăng mức lương tối thiểu) thì không đảm bảo tỷ lệ 80% chi con người - 20% chi hoạt động.
1.2. Định mức chi sự nghiệp đào tạo được phân bổ theo dân số để đảm bảo các loại hình đào tạo, dạy nghề của địa phương; đối với các tỉnh có trường đại học công lập thuộc tỉnh thì do ngân sách địa phương bảo đảm, có thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh ở các địa phương khác, được ngân sách Trung ương phân bổ thêm cho ngân sách địa phương mức bằng 30% dự toán chi năm 2006 mà UBND cấp tỉnh đã giao. Do đó, định mức chi sự nghiệp đào tạo là chưa đảm bảo đầy đủ và công bằng đối với các tỉnh có trường đại học thuộc tỉnh (chỉ được hỗ trợ 30% dự toán chi của năm trước thời kỳ ổn định, phần còn lại ngân sách địa phương tự cân đối), tạo áp lực lớn trong cân đối và điều hành ngân sách địa phương.
1.3. Định mức chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể chưa đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách đối với lực lượng cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Do đó, địa phương phải phấn đấu tăng thu hoặc cắt giảm những lĩnh vực chi khác và giảm dự phòng ngân sách để bố trí khoản chi này.
1.4. Nhiệm vụ chi cần rõ ràng, minh bạch, tránh chồng chéo như chi quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội (phần giao cho địa phương), chưa quy định cụ thể nội dung chi của ngân sách địa phương cho lĩnh vực này. Do đó, khi phân bổ dự toán cho các đơn vị thì không có cơ sở để xác định trước phát sinh yêu cầu rất lớn và không có nguồn đáp ứng.
1.5. Định mức chi thường xuyên khác của ngân sách địa phương được phân bổ theo tỷ trọng 0,5% chi thường xuyên là chưa đảm bảo. Vì khi phân bổ ngân sách địa phương, phải bố trí chi cho khen thưởng, chi cho công tác xử phạt vi phạm hành chính khác (không tính phạt an toàn giao thông) và một số khoản chi khác.
1.6. Định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước chưa cơ cấu các khoản kinh phí thực hiện công tác quy hoạch, cải cách hành chính, thực hiện ISO, ứng dụng công nghệ thông tin, cổng thông tin điện tử, văn phòng điện tử, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mua sắm và sửa chữa tài sản… Trong thực tế thì ngân sách địa phương vẫn phải cân đối để chi đối với những nhiệm vụ này.
2. Đánh giá kết quả thực hiện định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ:
2.1. Đối với phân bổ vốn đầu tư phát triển hàng năm do tỉnh An Giang thực hiện:
- Thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước theo các tiêu chí và định mức chi đầu tư phát triển làm cơ sở để bố trí, hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã và thành phố.
- Phân bổ mức vốn đầu tư hợp lý giữa việc phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh với việc ưu tiên hỗ trợ các địa phương miền núi, có đông đồng bào dân tộc và các địa phương khó khăn khác để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa phương trong tỉnh.
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển hàng năm.
2.2. Đối với phân bổ vốn đầu tư phát triển hàng năm do Trung ương thực hiện:
- Do hàng năm Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển không tăng (trong khi Trung ương giao mức thu ngân sách hàng năm cho tỉnh đều tăng), nên nguồn vốn đầu tư phát triển tỉnh giao cho cấp huyện cũng không tăng.
- Từ khi triển khai Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Trung ương chưa công bố cơ sở phân bổ chi đầu tư phát triển cho cấp tỉnh hàng năm như: tổng số điểm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó số điểm của tỉnh An Giang là bao nhiêu.
- Mặt khác, theo nội dung tại gạch đầu dòng thứ 5, điểm 1, phần II các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước áp dụng cho giai đoạn 2007 - 2010 kèm theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg có ghi “mức vốn đầu tư phát triển trong cân đối của từng địa phương không thấp hơn số dự toán năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã giao”, nhưng từ năm 2007 đến năm 2010 lại giao thấp hơn (năm 2006 Trung ương giao 350,4 tỷ đồng, năm 2007 chỉ giao 227,8 tỷ đồng tương đương 65% năm 2006, từ năm 2008 đến 2010 chỉ giao 248,3 tỷ đồng tương đương 70,9% năm 2006).
- Ngoài ra, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, các Bộ ngành Trung ương đã tổ chức triển khai Quyết định này khá tốt, việc hỗ trợ có mục tiêu vốn đầu tư hàng năm cho các tỉnh đã được cải thiện, giúp cho các tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phúc lợi phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Đặc biệt, ngày 16/4/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh An Giang. Định hướng và các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm này rất phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm nói riêng. Đề án nêu rõ các giải pháp về cơ chế, chính sách cho các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long phải cao hơn các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khác và các tỉnh còn lại trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là điều kiện rất quan trọng quyết định tốc độ phát triển của các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.
III. Kiến nghị và đề xuất về xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống các tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển bằng ngân sách nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định mới:
1. Đối với định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước:
1.1. Về tổng thể: định mức phân bổ được xác định cho năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, các năm tiếp theo nên tính đến yếu tố trượt giá hàng năm. Đối với định mức chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể; quốc phòng, an ninh được phân bổ theo tiêu chí dân số: đề nghị bổ sung thêm “Vùng biên giới”.
1.2. Định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp giáo dục:
- Đề nghị phân bổ theo tiêu chí tổng dân số (thay vì dân số trong độ tuổi từ 1 - 18), do khi đánh giá nhiệm vụ chi cho sự nghiệp giáo dục thì tính mức chi bình quân trên người dân; nên mức chi cho giáo dục ở khu vực đồng bằng sông Cửu long rất thấp.
- Đối với các xã thuộc chương trình 135 được phân bổ thêm trên tổng dân số thay vì dân số trong độ tuổi từ 1 - 18.
- Để đảm bảo tỷ lệ 80% chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương, 20% chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục không kể chi tiền lương và các khoản có tính chất lương; khi thực hiện cải cách tiền lương (tăng mức lương tối thiểu), đề nghị xác định 20% chi hoạt động theo quỹ tiền lương mới.
- Nên xác định các khoản chi phụ cấp thêm giờ buổi vào nhóm chi lương, các khoản có tính chất lương (80%) vì thực chất đây là khoản chi cho con người.
1.3. Định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề: định mức phân bổ thêm kinh phí cho các trường đại học mang tính chất khu vực đối với các tỉnh có trường đại học công lập thuộc tỉnh, có thực hiện nhiệm vụ đào tạo học sinh ở các địa phương khác; đề nghị ngân sách Trung ương phân bổ thêm cho ngân sách địa phương mức bằng 100% (hoặc tối thiểu là 50%, có tính yếu tố trượt giá hàng năm) mức dự toán chi năm 2010 mà UBND cấp tỉnh đã giao cho trường đại học.
1.4. Định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể:
- Hệ số vùng: đề nghị tính như các loại sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế (tăng hệ số vùng đồng bằng).
- Mức phân bổ: đề nghị bổ sung thêm để đảm bảo kinh phí chi cho lực lượng cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn (tỉnh An Giang có 156 xã, phường, thị trấn, dân số của tỉnh là 2.273.150 người, bình quân 14.600 người/xã. Do đó, lực lượng cán bộ không chuyên trách của tỉnh được bố trí với số lượng khá lớn với tổng số là 14.283 người, bình quân 92 người/xã, tổng số chi cho lực lượng này rất cao so với định mức phân bổ, tạo áp lực trong cân đối ngân sách địa phương).
1.5. Định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao, chi quốc phòng, an ninh: đề nghị điều chỉnh lại hệ số vùng như các loại sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình… (tăng hệ số vùng đồng bằng, núi thấp vùng sâu).
1.6. Định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội: đề nghị tăng mức chi cho đối tượng, gia đình thuộc diện chính sách xã hội để đảm bảo nguồn thực hiện chế độ thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách vào ngày lễ, tết.
1.7. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên khác ngân sách: đề nghị tăng tỷ trọng trên tổng các khoản chi thường xuyên để đảm bảo nguồn thực hiện nhiệm vụ chi cho khen thưởng, công tác xử phạt vi phạm hành chính (không tính phạt an toàn giao thông) và một số khoản chi khác theo nghị quyết của địa phương.
1.8. Đề nghị cơ cấu vào định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước các khoản kinh phí thực hiện công tác quy hoạch, cải cách hành chính, thực hiện ISO, ứng dụng công nghệ thông tin, cổng thông tin điện tử, văn phòng điện tử, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, mua sắm và sửa chữa tài sản…
1.9. Đối với các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị phân bổ thêm 10% số chi tính theo định mức dân số.
2. Đối với định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển bằng ngân sách nhà nước:
2.1. Về số năm trong thời kỳ ổn định ngân sách chi đầu tư phát triển:
- Đề nghị nên chọn 03 năm (2011 - 2013) vì tình hình giá cả biến động liên tục và trong chiều hướng tăng nên suất đầu tư trong xây dựng cơ bản cũng tăng theo, làm cho khối lượng xây lắp và mua sắm trang thiết bị giảm xuống so với mức chi đầu tư phát triển ổn định hàng năm.
- Không giao mức chi đầu tư phát triển ổn định theo số tuyệt đối như thời kỳ 2007 - 2010, nên giao mức chi đầu tư phát triển ổn định theo số tương đối có tính đến yếu tố trượt giá do lạm phát hàng năm.
2.2. Về phân chia vốn đầu tư phát triển cho các Bộ ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố: do trong thời gian qua và các năm tới, Trung ương phân cấp mạnh cho các tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, các địa phương cũng đủ năng lực về chuyên môn, kỹ thuật để đảm nhận các công trình quy mô lớn do các Bộ ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn, nên đề nghị nâng cao tỷ trọng vốn đầu tư phát triển cho các tỉnh, thành phố trong phân bổ tổng mức vốn đầu tư phát triển cả nước.
2.3. Xác định và công bố số điểm cho các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển: nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển hàng năm, đề nghị Trung ương xây dựng chi tiết số điểm theo các tiêu chí cho từng tỉnh, thành phố và công bố công khai cho các địa phương biết.
UBND tỉnh An Giang báo cáo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.