BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9789/BTP-PLDSKT | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2012 |
Kính gửi: | - Văn phòng Chính phủ; |
Trả lời Công văn số 1010/UBDT-CSDT ngày 13 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban Dân tộc đề nghị thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho các vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2020 (sau đây gọi là Dự thảo), Bộ Tư pháp có ý kiến thẩm định như sau:
I. Về sự cần thiết ban hành văn bản
Với mục tiêu bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống cho vùng dân tộc và miền núi, phát huy bản sắc dân tộc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thì việc xây dựng chính sách bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho các vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2020 là cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì phải rà soát, đánh giá, tổng kết các chính sách, pháp luật về phát triển, bảo tồn nghề truyền thống nói chung, cho vùng dân tộc miền núi nói riêng và các chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển nghề truyền thống để từ đó tìm ra bất cập, mâu thuẫn về chính sách; việc tổ chức đưa chính sách này vào trong cuộc sống và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới hoặc kiến nghị việc chỉ đạo, cách thức tổ chức thực hiện để đưa chính sách vào cuộc sống. Mặc dù cơ quan soạn thảo đã đề nghị các địa phương đánh giá thực trạng việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống các vùng dân tộc miền núi nhưng lại không có báo cáo đánh giá kèm theo và Dự thảo Tờ trình lại chưa thể hiện được nội dung này nên sự cần thiết ban hành chưa mang tính thuyết phục.
II. Về sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật
Dự thảo Quyết định được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc và miền núi liên quan đến bảo tồn và phát triển nghề trong đó có nghề truyền thống như Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 111/2011/QĐ-TTg ngày 18 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre; Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21 tháng 1 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 -2015 (Quyết định số 13); Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 13; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 phê duyệt Đề án hỗ trợ các hộ nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 -2020; Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015; Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2020... Có thể nói rằng, các chính sách nêu tại các văn bản pháp luật trên đã điều chỉnh được các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nhằm xóa đói, giảm nghèo tạo việc làm, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong đó có bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho vùng dân tộc và miền núi. Trong đó, nhiều chính sách hỗ trợ quy định tại Dự thảo có liên quan đến các chính sách hiện nay đang được thực hiện như hỗ trợ sản xuất vay vốn tín dụng cho hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; chuyển nghề, đầu tư xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường, xúc tiến thương mại... Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, tránh sự trùng lặp, chồng chéo về chính sách gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát tất cả các chính sách đã ban hành có liên quan đến chính sách bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho vùng dân tộc và miền núi. Trên cơ sở đó đề xuất với các Bộ quản lý nhà nước đối với từng chính sách để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho vùng dân tộc, miền núi.
III. Về trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản và hình thức văn bản
Việc soạn thảo Dự thảo Quyết định này đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
IV. Về nội dung của Dự thảo
Bộ Tư pháp đề nghị xem xét thêm một số nội dung sau đây:
1. Về mục tiêu (Điều 2)
Tại Điều 2 Dự thảo đưa ra các mục tiêu cụ thể cần đạt được cho các giai đoạn, theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 sẽ đạt được với tỷ lệ là 100%. Bộ Tư pháp cho rằng, đây là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, không cần thiết quy định nội dung về mục tiêu trong Dự thảo mà mục tiêu này nên để trong dự thảo Tờ trình.
2. Về nội dung chính sách (Điều 5)
Điều 5 Dự thảo đưa ra các chính sách mới và mức hỗ trợ nhưng dự thảo Tờ trình lại không lập luận được tại sao lại đưa ra mức này và cơ sở đưa ra các mức hỗ trợ. Mặt khác, Dự thảo chưa đưa ra được cơ chế xử lý và gia hạn nợ, xử lý rủi ro khi hộ gia đình và cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất khả kháng khác mà không trả được nợ. Như đề cập tại Mục II của Công văn này, đồng thời bảo đảm tính khả thi của chính sách về nguồn kinh phí thực hiện, đề nghị xem xét lại các chính sách và mức hỗ trợ quy định tại Điều 5 Dự thảo.
3. Về tổ chức thực hiện (Điều 8)
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Dự thảo thì Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và các dự án xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng chương trình dạy nghề, truyền nghề cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất các nghề truyền thống. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, trách nhiệm chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chương trình dạy nghề, truyền nghề cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, đề nghị rà soát lại các nhiệm vụ nêu tại Dự thảo, đối chiếu với chức năng quản lý của các Bộ, trên cơ sở đó có sự phân công cho phù hợp.
- Theo nội dung chính sách thì nguồn kinh phí thực hiện Dự thảo này là nguồn kinh phí sự nghiệp. Vì vậy, đề nghị xem lại quy định tại khoản 2 Điều 8 về nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên đây là ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo Quyết định ban hành chính sách bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống cho các vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2020, xin gửi Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.