BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 910/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2011 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Tiếp theo văn bản số 451/BNN-HTQT ngày 22/2/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và văn bản số 415/BKHĐT-KTĐN ngày 8/3/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt danh mục Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin làm rõ một số nội dung sau:
1. Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” được thiết kế với 3 Hợp phần chuyên môn bao gồm: Khung chính sách, thể chế và quy hoạch cho các nguồn lợi biển và ven biển; Nuôi trồng thủy sản bền vững và Hỗ trợ khai thác hải sản ven bờ bền vững được thực hiện theo định hướng phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010, cụ thể như sau:
a. Mục tiêu của Hợp phần 1 góp phần tăng cường năng lực quy hoạch, thể chế và chính sách, cả ở cấp trung ương và cấp tỉnh, nhằm thực hiện các chính sách quốc gia một cách hiệu quả, mang tới những thay đổi lớn ở cấp tỉnh và địa phương, cũng như cải thiện quy hoạch tài nguyên và toàn ngành. Nội dung đầu tư của Hợp phần 1 sẽ tập trung vào các hoạt động liên quan đến công tác quy hoạch không gian tổng hợp để hỗ trợ quản lý nguồn lợi thủy sản biển và ven bờ bền vững, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành thủy sản (khai thác, nuôi trồng, chế biến…), hoàn thiện các chính sách đã có, xây dựng chính sách mới. Mục tiêu và các hoạt động của hợp phần phù hợp với các nhiệm vụ trong Chiến lược thủy sản theo quy định tại khoản 6 mục IV và khoản V Điều 1 Quyết định 1690/QĐ-TTgngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược thủy sản đến 2020.
b. Mục tiêu của Hợp phần 2 là hỗ trợ việc xúc tiến và phát triển thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản ven biển và nuôi biển bền vững, có trách nhiệm tại các vùng được lựa chọn, tập trung vào hình thức nuôi quảng canh, nhờ cải thiện tính bền vững, quản lý chất lượng và rủi ro. Mục tiêu và các hoạt động của hợp phần phù hợp với định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trong Chiến lược thủy sản, trong đó đã tập trung vào các nội dung:
- Xây dựng và nhân rộng các vùng nuôi trồng thủy sản bền vững. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, Coc…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến thực hiện theo Quyết định 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 (giai đoạn 2011 – 2015 nhu cầu vốn nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng).
- Tiếp tục tập trung đầu tư cho các Trung tâm quốc gia giống thủy sản, các trung tâm giống thủy sản cấp I và vùng sản xuất giống tập trung ở Nam Trung Bộ thực hiện theo Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 Phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 (giai đoạn 2011 – 2015 nhu cầu vốn nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng).
- Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững sản xuất các sản phẩm giá trị cao theo Quyết định 126/2005/QĐ-TTg ngày 01/6/2005 phê duyệt một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên biển và hải đảo trong đó vốn ngân sách hỗ trợ các dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của các vùng nuôi gồm: điện, hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi với luồng hàng hải và các khu vực khác, hệ thống neo lồng bè chính.
c. Mục tiêu của Hợp phần 3 là hỗ trợ quản lý bền vững đánh bắt hải sản ở vùng nước ven bờ thông qua các hoạt động mang lại lợi ích lâu dài, nâng cao khả năng thích ứng và bền vững của ngành. Mục tiêu và các hoạt động của hợp phần phù hợp với định hướng phát triển Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Chiến lược thủy sản, trong đó đã tập trung vào các nội dung:
- Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (giai đoạn 2011 – 2015 nhu cầu vốn ngân sách khoảng 6.200 tỷ đồng) và số 288/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 (giai đoạn 2011 – 2015 nhu cầu vốn nhà nước khoảng 1.034 tỷ đồng).
- Xây dựng và phát triển các mô hình bảo tồn biển có sự tham gia của cộng đồng thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng số: 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 (nhu cầu 2011 – 2015 vốn nhà nước là 300 tỷ đồng) và số: 1479/QĐ-TTg ngày 13/10/2008 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 (nhu cầu 2011 – 2015 vốn nhà nước là 50 tỷ đồng).
- Tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình tổ hợp tác, quản lý cộng đồng, gắn mặt nước với việc bảo vệ môi trường, nguồn lợi để phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững. Tạo thêm các cơ hội sinh kế khác cho ngư dân và cư dân vùng ven biển góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ nguồn lợi ven bờ.
Như vậy Dự án phù hợp với các định hướng của Chiến lược, góp phần thu hút nguồn lực đáp ứng một phần nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược là 57.400 tỷ đồng (huy động từ các nguồn: ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, người dân, vốn OAD, FDI và các nguồn khác theo khuôn khổ pháp luật Việt Nam).
2. Các hạng mục đầu tư trong khuôn khổ dự án thuộc lĩnh vực Khai thác và Nuôi trồng thủy sản tập trung vào các hạng mục cơ sở hạ tầng và dịch vụ công như: hệ thống tưới tiêu, cấp thoát nước, âu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản, trung tâm sản xuất giống và kiểm nghiệm đầu vào cho nuôi trồng thủy sản, trạm quan trắc môi trường thủy sản, trạm kiểm soát dịch bệnh thủy sản, các cảng cá, bến cá và bãi ngang. Các hạng mục này thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước đã được quy định tại Điều 32, 33 và 41 của Luật Thủy sản, do vậy các hạng mục đầu tư của dự án sẽ được hỗ trợ từ nguồn Ngân sách Nhà nước.
3. Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý khác của các Bộ, Ngành trong quá trình xây dựng nghiên cứu khả thi cho dự án này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt danh mục dự án “Nguồn lợi ven biển vì Sự phát triển bền vững” vay vốn của Ngân hàng Thế giới./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.