BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 902/BHXH-PC | Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2019 |
Kính gửi: | - Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; |
Ngày 01/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó Chính phủ đề ra mục tiêu: “Nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội (A2) lên 30 - 40 bậc; năm 2019 từ 7 - 10 bậc”, đồng thời giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xây dựng tài liệu hướng dẫn để có cách hiểu đúng, thống nhất về cấu phần “Nộp BHXH” trong chỉ số A2 và xác định các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, BHXH Việt Nam đã xây dựng tài liệu hướng dẫn bước đầu về cấu phần “Nộp BHXH” trong chỉ số A2, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị như sau:
1. Nghiên cứu tài liệu hướng dẫn gửi kèm để thống nhất cách hiểu về cấu phần “Nộp BHXH” trong chỉ số A2, đồng thời khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị nhằm giảm thời gian thực hiện nộp BHXH đối với các đơn vị sử dụng lao động nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
2. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng cấu phần nộp BHXH theo mẫu tại Phụ lục đính kèm. Thời gian gửi Báo cáo về BHXH Việt Nam theo định kỳ hàng quý (trước ngày 10 của tháng cuối quý) và báo cáo năm (trước ngày 10/12) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy định.
Đồng thời, cần kịp thời, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp mới nhằm giảm thời gian thực hiện “Nộp BHXH” góp phần nâng xếp hạng chỉ số A2 về BHXH Việt Nam (Vụ Pháp chế) theo địa chỉ email vuphapche@vss.gov.vn hoặc số điện thoại: 0243 9928017 (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính).
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn về nâng xếp hạng cấu phần “Nộp BHXH” trong chỉ số A2 và một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Trong quá trình triển khai, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục hướng dẫn nếu có các vấn đề cần thiết khác phát sinh liên quan trực tiếp đến thực hiện nâng xếp hạng cấu phần này./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
CẤU PHẦN NỘP BHXH TRONG CHỈ SỐ A2
(Kèm theo Công văn số 902/BHXH-PC ngày 25 tháng 3 năm 2019 của BHXH Việt Nam)
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BÁO CÁO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
1.1. Báo cáo Môi trường kinh doanh (DB) được Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thường niên từ năm 2003 đến nay đối với 11 lĩnh vực kinh tế của 190 quốc gia. Chỉ số A2 là một trong 11 chỉ số mà WB điều tra, khảo sát để đánh giá mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của một đất nước, đánh giá mức độ cải cách trong từng lĩnh vực. Hình thức thu thập thông tin để đánh giá là gửi bảng câu hỏi khảo sát cho các đối tượng được lựa chọn; số lượng đối tượng được phát bảng câu hỏi khảo sát không nhiều nhưng dành cho các công ty tư vấn chuyên làm thủ tục cho doanh nghiệp nên tuy mẫu ít nhưng tính đại diện lại cao. Địa bàn khảo sát tập trung tại những thành phố có nhiều doanh nghiệp (thời gian qua tập trung khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh) nên những thay đổi cải cách được ghi nhận tại đây sẽ sớm được WB ghi nhận. WB lựa chọn, thuê công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam đánh giá, khảo sát môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Báo cáo DB đo lường Quy trình khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Đăng ký tài sản, Tiếp cận tín dụng, Bảo vệ nhà đầu tư, Giao dịch thương mại qua biên giới, Nộp thuế và BHXH, Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp. Ngoài ra Báo cáo cũng đánh giá các quy định về thị trường lao động để làm dẫn chứng tham khảo và không tính vào điểm số chung về mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Các chỉ số về môi trường kinh doanh được thiết kế và xây dựng theo chu kỳ vòng đời hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm các thủ tục từ khi thành lập đến khi thực hiện giải thể, phá sản.
Cách tiếp cận, tính toán của WB là đo lường mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các chỉ số chủ yếu được đánh giá trên các tiêu chí: Số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
Phương pháp đánh giá các chỉ số cũng có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn ở các nền kinh tế.
1.2. Báo cáo DB mang tên của năm tiếp theo năm công bố, số liệu thông thường thu thập từ tháng 6 năm trước đến hết tháng 5 của năm công bố (Ví dụ: Báo cáo công bố vào tháng 10 năm 2018 có tên gọi Báo cáo môi trường kinh doanh 2019; trong đó, số liệu được thu thập từ tháng 6 năm 2017 đến hết tháng 5 năm 2018). Riêng đối với chỉ số Nộp thuế và BHXH, thời gian khảo sát được tính theo năm tài chính (từ 01/01 đến 31/12) của năm đánh giá. Theo đó, trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2019, kết quả khảo sát, đánh giá về cấu phần “nộp BHXH” được thu thập từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017.
Với mỗi chỉ số, báo cáo tập trung xem xét những quy định pháp luật liên quan thúc đẩy hay hạn chế hoạt động kinh doanh theo từng chỉ tiêu cũng như so sánh với thực tiễn tốt nhất trong tất cả các nền kinh tế. Kết quả được quy đổi thành điểm số để làm căn cứ đánh giá mức độ thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, những thay đổi mà mỗi nền kinh tế đạt được qua từng năm và thứ hạng khi so sánh với các quốc gia khác.
1.3. Báo cáo DB tập trung đánh giá mức độ cải cách trong từng lĩnh vực hơn là hiện trạng của lĩnh vực đó. Báo cáo cũng không đánh giá toàn bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp hay mức độ cạnh tranh và triển vọng đầu tư nước ngoài của nền kinh tế. Dù vậy, các chỉ số trong báo cáo DB vẫn cung cấp các thông tin rất chi tiết để các nhà hoạch định chính sách xác định được những lĩnh vực nên cải cách và hoàn thiện. Các kết quả trong báo cáo đã thúc đẩy quá trình thảo luận về chính sách trên toàn thế giới và tạo điều kiện tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của các quy định ở cấp độ doanh nghiệp tới kết quả hoạt động chung của các nền kinh tế. Cũng từ những thực tiễn tốt được triển khai, năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế tăng lên rõ rệt.
Như vậy, báo cáo DB là một nguồn đánh giá độc lập, khách quan về mức độ thuận lợi của các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó phản ánh môi trường kinh doanh tại mỗi nền kinh tế[1].
II. GIỚI THIỆU VỀ CẤU PHẦN NỘP BHXH TRONG CHỈ SỐ A2
2.1. Chỉ số A2 đo lường thời gian thực hiện nộp thuế và nộp BHXH, được xếp hạng dựa trên 04 yếu tố gồm: số lần nộp (chiếm 25%”), thời gian (số giờ nộp thuế và BHXH trong năm, chiếm 25%), tổng thuế suất và các khoản phải nộp (% lợi nhuận chiếm 25%), chỉ số sau nộp thuế (chiếm 25%) với các tiêu chí đánh giá: số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và chỉ số đo lường chất lượng các quy định.
2.2. Đánh giá xếp hạng chỉ số “Nộp thuế và BHXH” ở Việt Nam
DB năm 2017, chỉ số “Nộp thuế và BHXH” của Việt Nam đứng thứ 167/190 nền kinh tế với thời gian 540 giờ/năm; tổng thuế suất là 39,4% lợi nhuận và chỉ số sau nộp thuế đạt 38,9 điểm.
DB năm 2018, chỉ số “Nộp thuế và BHXH” của Việt Nam đứng thứ 86/190 nền kinh tế với thời gian 498 giờ/năm; tổng thuế suất là 38,1% lợi nhuận và chỉ số sau nộp thuế đạt 95,71 điểm (DB năm 2019 có điều chỉnh lại một số đánh giá tại DB năm 2018 do có sai sót nhưng không nêu cụ thể)
DB năm 2019, chỉ số “Nộp thuế và BHXH” của Việt Nam đứng thứ 131/190 nền kinh tế với thời gian 498 giờ/năm; tổng thuế suất là 37,8% lợi nhuận và chỉ số sau nộp thuế đạt 49,08 điểm.
Chi tiết như sau:
| DB 2017 | DB 2018 | DB 2019(*) | |
Nộp thuế và BHXH | 167 | 86 | 131 | |
1 | Tổng số lần nộp thuế và BHXH | 31 | 14 | 10 |
Số lần nộp thuế |
|
| 9 | |
Số lần nộp BHXH |
|
| 1 | |
2 | Thời gian (giờ/năm) | 540 | 498 | 498 |
Nộp thuế | 351 | 351 | 351 | |
Nộp BHXH | 189 | 147 | 147 | |
3 | Tổng thuế suất (% lợi nhuận) | 39,4 | 38,1 | 37,8 |
- Thuế (gồm TNDN và thu nhập từ chuyển nhượng đất) |
|
| 13,2 | |
- BHXH (gồm BHXH, BHYT, BHTN) |
|
| 24,5 | |
- Thuế khác (gồm thuế môn bài, thuế đất phi nông nghiệp) |
|
| 0,1 | |
4 | Chỉ số sau nộp thuế (0-100) | 38,9 | 95,71 | 49,08 |
(*) Do WB đánh giá tính trong năm tài chính của năm đánh giá, sau đó được công bố vào tháng 10 của năm sau năm đánh giá và được các nhà đầu tư tham khảo, lựa chọn môi trường đầu tư cho năm tiếp theo nên DB năm 2019 mới ghi nhận kết quả cải cách của năm 2017, chưa xét tới kết quả cải cách của BHXH Việt Nam trong năm 2018.)
2.3. Cách tính toán, tiếp cận, thu thập số liệu để đánh giá của WB đối với cấu phần Nộp BHXH
2.3.1. Về cách tính toán, tiếp cận
- Tiêu chí thời gian được đánh giá theo thời gian thực tế thực hiện, không căn cứ theo thời gian quy định trong văn bản, không tính thời gian thu thập thông tin. Thời gian tối thiểu để thực hiện mỗi thủ tục là 01 ngày (dù thực tế chỉ làm trong 30 phút); nếu thực hiện online là 0,5 ngày. Không tính cộng thời gian của từng thủ tục mà tính thủ tục thực hiện đồng thời (trong cùng thời gian đi làm nhiều thủ tục), bắt đầu tính từ ngày tiếp theo. Chẳng hạn, thực hiện thủ tục A trong 4 ngày, thực hiện thủ tục B trong 5 ngày, vậy nếu thực hiện đồng thời thì thời gian thực hiện 2 thủ tục A, B sẽ là 6 ngày (do làm đồng thời, thủ tục A làm được 1 ngày rồi với làm thủ tục B).
- Tiêu chí chi phí chỉ đề cập đến chi phí chính thức;
- Tiêu chí đo lường chất lượng các quy định thể hiện ở việc các quy định được ban hành có đảm bảo dễ dàng, thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động hay không và hiệu quả thực thi trên thực tế. Theo đó, các quy định phải vừa dễ hiểu và vừa dễ tuân thủ nhưng đồng thời chất lượng của quá trình thực thi cũng được đảm bảo). Cách tính số giờ của WB gắn với thời điểm ban hành chính sách và thời điểm chính sách đi vào thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp do WB lựa chọn khảo sát, từ đó đánh giá kết quả cải cách và công bố về số giờ thực hiện thủ tục hành chính. Nếu chính sách ban hành vào thời điểm tháng 11 năm 2017 thì chỉ được tính điểm kết quả khảo sát của tháng 12 năm 2017 (do 31/12 là thời điểm kết thúc khảo sát của năm 2017). Trên thực tế, nhiều khi công ty tư vấn được WB lựa chọn khảo sát nhưng không biết được hết các văn bản mới ban hành nên có những cải cách không được ghi nhận.
2.3.2. Về cách thức thu thập số liệu để đánh giá
a) Thời gian chuẩn bị kê khai hồ sơ
Ngân hàng thế giới xác định doanh nghiệp phải thực hiện các hoạt động sau:
- Thu thập dữ liệu từ hệ thống nội bộ và sổ sách kế toán của doanh nghiệp về các thông tin của người lao động, tiếp nhận các loại giấy tờ liên quan đến việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động;
- Phân tích các thông tin về kế toán, tính toán thu nhập của người lao động phải nộp BHXH, tính toán các khoản giảm trừ của người lao động và các khoản đóng góp của doanh nghiệp phải thực hiện;
- Tính toán thực tế nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN bao gồm: Nhập dữ liệu vào phần mềm, bảng theo dõi những biến động của người lao động để chuẩn bị tờ khai, danh sách theo mẫu quy định của cơ quan BHXH;
- Chuẩn bị và lưu trữ tài liệu, sổ sách để phục vụ cho công tác kế toán, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Cập nhật sổ BHXH, thẻ BHYT cho người lao động để hoàn thiện thông tin hoặc cấp đổi sổ BHXH, thẻ BHYT.
b) Thời gian Doanh nghiệp khai báo nộp hồ sơ BHXH
- Hoàn thiện việc điền thông tin số liệu vào Tờ khai, danh sách, bảng kê để thực hiện in ra, trình ký lãnh đạo.
- Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH (bao gồm cả gửi trực tiếp và gửi qua hệ thống thông tin điện tử), thời gian chờ tại cơ quan BHXH.
c) Thời gian Doanh nghiệp nộp tiền BHXH
Nộp tiền BHXH trực tiếp (bao gồm cả thời gian đi lại và chờ đến lượt) hoặc bằng hình thức giao dịch điện tử trên môi trường mạng.
d) Các chính sách được WB ghi nhận là những cải cách được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc các Quyết định của BHXH Việt Nam; Còn các Công văn hướng dẫn của BHXH Việt Nam được hiểu là sự cụ thể hóa của chính sách do vậy WB chỉ tham khảo.
đ) Tổng thuế suất (% lợi nhuận) BHXH (gồm BHXH, BHYT, BHTN) trong Báo cáo DB năm 2019 là 24,5% là tính theo mức đóng BHXH, BHYT, BHTN được luật định.
III. Ý NGHĨA, MỤC TIÊU CỦA VIỆC NÂNG XẾP HẠNG CẤU PHẦN NỘP BHXH TRONG CHỈ SỐ A2
3.1. Ý nghĩa
Việc đo lường, đánh giá cấu phần “nộp BHXH” trong chỉ số “Nộp thuế và BHXH” một mặt giúp các nhà đầu tư xem xét mức độ cải cách của Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động đối với việc nộp BHXH cho người lao động theo quy định của pháp luật, đồng thời giúp cơ quan BHXH xem xét kết quả đánh giá độc lập về hoạt động cải cách đối với các thủ tục hành chính tác động tới doanh nghiệp trong năm.
3.2. Mục tiêu
- Mục tiêu chung đến năm 2021: Nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH lên 30 - 40 bậc.
- Mục tiêu cụ thể: Năm 2019 phấn đấu cải thiện thời gian thực hiện các thủ tục để nộp BHXH góp phần nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và BHXH từ 7-10 bậc.
4.1. Thách thức
Trong những năm qua, toàn Ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện cải cách với nhiều nội dung ở nhiều lĩnh vực nghiệp vụ, đã thu được nhiều kết quả đáng kể được Chính phủ ghi nhận về biện pháp và hiệu quả cải cách. Tuy nhiên, DB hiện chỉ quan tâm đánh giá, xếp hạng cấu phần Nộp BHXH tức là việc doanh nghiệp thực hiện đăng ký BHXH, BHYT, BHTN và nộp tiền.
Phân tích phương pháp tính điểm của nội dung này, cho thấy:
- Việc lựa chọn các doanh nghiệp để khảo sát do WB quyết định. Những doanh nghiệp nào giao dịch thuận tiện với cơ quan BHXH sẽ có phản ánh tốt về BHXH; những doanh nghiệp nào gặp khó khăn trong giao dịch thì kết quả về cải cách sẽ ít được ghi nhận. Mối quan hệ giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp được thể hiện qua thái độ phục vụ của cán bộ BHXH do vậy nếu thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo, am hiểu chính sách, hướng dẫn cụ thể, kịp thời cho đối tượng sẽ được doanh nghiệp ghi nhận một cách khách quan, tác động đến kết quả đánh giá cải cách thủ tục hành chính.
- Tiêu thức Tổng thuế suất (% lợi nhuận) do WB đánh giá đối với cấu phần BHXH rất khó để đạt được những thay đổi đáng kể do liên quan đến mức đóng BHXH, BHYT, BHTN mà pháp luật quy định.
- Để có thể nâng xếp hạng cấu phần Nộp BHXH phải tiếp tục giảm thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến nộp BHXH (hiện đánh giá là 147 giờ). Chính vì vậy, cắt giảm thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu không hợp lý trong quy định về nộp BHXH, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuẩn bị, kê khai và nộp BHXH, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, chia sẻ nguồn dữ liệu chung thông tin của doanh nghiệp với các Bộ, ngành cơ quan liên quan vì việc doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đồng thời sẽ được lợi về thời gian thực hiện.
4.2. Một số nhiệm vụ, giải pháp trong việc nâng xếp hạng cấu phần nộp BHXH trong chỉ số A2
a) Hoàn thiện phần mềm kê khai nộp BHXH để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc kê khai, kết xuất và chuyển dữ liệu cho cơ quan BHXH.
b) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện các thủ tục hồ sơ về kê khai nộp BHXH.
c) Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến nộp BHXH cho người lao động nhằm tối đa hóa việc đơn giản các thủ tục, hồ sơ nộp BHXH, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Quy định rõ ràng các loại giấy tờ, hồ sơ cần lưu giữ tại doanh nghiệp để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra của ngành BHXH về nộp BHXH cho người lao động để các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thống nhất thực hiện.
d) Kịp thời cập nhật, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về việc cắt giảm các quy định về thủ tục hồ sơ BHXH đến các đơn vị sử dụng lao động đóng trên địa bàn.
đ) Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân. Chủ động đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai hiệu quả dịch vụ tin nhắn SMS tới đơn vị sử dụng lao động để nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí. Xử lý dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
V. MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP VÀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO XẾP HẠNG CẤU PHẦN NỘP BHXH THUỘC CHỈ SỐ A2
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng cấu phần nộp BHXH được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục đính kèm./.
(Kèm theo Công văn số……../BHXH-PC ngày …tháng…. năm 2019 của BHXH Việt Nam)
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /………… | ……., ngày tháng năm 20… |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP VÀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO XẾP HẠNG CẤU PHẦN NỘP BHXH THUỘC CHỈ SỐ A2
1. Tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ
a) Nhiệm vụ 1: Thực hiện mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số cụ thể hóa các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến cấu phần “Nộp BHXH”, góp phần thực hiện mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số “Nộp thuế và BHXH” năm 2019 lên từ 7-10 bậc; năm 2021 lên 30-40 bậc.
b) Nhiệm vụ 2: Đẩy mạnh thanh toán điện tử, phấn đấu đến năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
c) Nhiệm vụ 3: Cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4 giai đoạn 2019-2020, phấn đấu đến năm 2021 đạt tỉ lệ 85%.
(Yêu cầu báo cáo cụ thể các nội dung công việc đã và đang thực hiện nhằm hướng tới thực hiện từng nhiệm vụ).
2. Những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp khắc phục
3. Đề xuất, kiến nghị
Nơi nhận: | THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Ghi chú: (1) Tên đơn vị thực hiện báo cáo
[1] Xem thêm: Tìm hiểu về chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, http://www.ciem.org.vn/Content/files
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.