BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 870/BXD-HTKT | Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2010 |
Kính gửi: Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.
Bộ Xây dựng nhận được Phiếu chuyển văn bản số 643/PCVB-VPCP ngày 04/5/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc đề nghị Bộ Xây dựng trả lời văn bản số 23/HTC ngày 12/4/2010 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam có ý kiến như sau:
1. Căn cứ vào Điều 42, điểm 2 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, tính khối lượng nước sạch phải thanh toán đối với các hộ không sử dụng hoặc sử dụng ít hơn 4 m3/hộ/tháng thì việc “Quy định về khối lượng nước sử dụng tối thiểu phải được thông báo cho các hộ gia đình biết trong quá trình tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng và được thể hiện trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước ký kết giữa đơn vị cấp nước và hộ gia đình”.
2. Việc sử dụng ít hơn 4 m3/hộ/tháng là do nhu cầu thực tế. Việc tính khối lượng nước tối thiểu là 4 m3/hộ/tháng đối với những hộ có nhu cầu ít hơn 4 m3/hộ/tháng sẽ khuyến khích sự lãng phí nước sạch, không hợp lý.
3. Người tiêu dùng chỉ trả tiền cho hàng hóa, dịch vụ mà mình sử dụng, không thể trả tiền cho cái mà mình không sử dụng và tiêu dùng.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng xin được trả lời như sau :
Trước hết, Bộ Xây dựng xin cám ơn sự quan tâm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng như Người tiêu dùng Việt Nam về việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhằm quản lý thống nhất và đáp ứng các yêu cầu phát triển ổn định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói riêng đang dần được hoàn thiện.
Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch là công cụ quản lý thống nhất có tính pháp lý cao, góp phần cải cách, thúc đẩy ngành cấp nước phát triển bền vững, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ cấp nước, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng. Việc ban hành Nghị định góp phần tham gia thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó các doanh nghiệp cấp nước chuyển đổi hoạt động từ cơ chế bao cấp sang kinh doanh, đồng thời khuyến khích, tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động trong lĩnh vực cấp nước.
Việt Nam hiện nay chưa có Luật riêng cho lĩnh vực cấp nước, vì vậy theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định phải được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi Chính phủ ban hành. Quy định tại khoản 2, Điều 42 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP (thu tối thiểu 4m3/hộ gia đình/tháng) cũng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn và sau khi Chính phủ giải trình thì đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận.
Việc quy định thu tối thiểu 4m3/hộ gia đình/tháng tại khoản 2, Điều 42 của Nghị định 117 có vai trò nhất định vì những lý do sau đây:
- Bảo đảm hài hòa lợi ích và trách nhiệm của người sử dụng nước và doanh nghiệp cấp nước: Doanh nghiệp cấp nước phải đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước và phải bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, thường xuyên của hệ thống cấp nước thì khách hàng (hộ gia đình) cũng phải có nghĩa vụ đóng góp nhằm duy trì hoạt động bình thường của hệ thống cấp nước. Do đó, cần thiết thu một mức phí tối thiểu trong trường hợp hộ gia đình không sử dụng nước hoặc sử dụng quá ít.
- Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thời gian trước đây như: Trong quá trình thực hiện dự án cấp nước, người dân đều cam kết đấu nối và chi trả tiền nước sạch, trên cơ sở có sự đồng thuận của đa số các hộ dân trong phạm vi dự án thì dự án mới được triển khai; nhưng thực tế sau khi đưa công trình vào hoạt động, nhiều hộ gia đình đã không thực hiện đúng như cam kết mà vẫn tiếp tục sử dụng những nguồn nước không hợp vệ sinh như nước giếng, ao, hồ..., đặc biệt tại các đô thị nhỏ và khu vực ven đô thị, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và tính bền vững của dự án cấp nước và ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên, môi trường đặc biệt là nguồn nước ngầm. Quy định này cũng góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng và khuyến khích người dân sử dụng nước sạch.
Xuất phát từ thực tế sử dụng nước trung bình cho mỗi hộ gia đình (một đấu nối) là 16 m3/tháng (mỗi hộ bình quân 4 người, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt 120 l/người.ngày đêm) thì việc xác định khối lượng tối thiểu 4m3/hộ gia đình/tháng chỉ bằng 1/4 so với mức sử dụng bình quân của một hộ gia đình và không cao hơn mức sử dụng bình quân cho trường hợp hộ độc thân. Giá nước sạch bình quân hiện nay khoảng 3.500 đồng/m3, theo quy định tại khoản 2, Điều 42 thì chi phí nước tối thiểu là 14.000 đồng/hộ gia đình/tháng, chiếm tỷ trọng không lớn so với thu nhập bình quân của hộ gia đình.
Nghị định số 117/2007/NĐ-CP từ khi ban hành đã và đang từng bước phát huy hiệu quả, Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục theo dõi việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng thống nhất quan điểm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam về việc Người tiêu dùng sử dụng không đến 4m3 nước mà vẫn phải trả tiền cho 4m3 nước là một vấn đề bất cập. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ; các vấn đề bất cập, chưa phù hợp sẽ được kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung.
Bộ Xây dựng xin chân thành cám ơn sự quan tâm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam với ngành và mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của Người tiêu dùng trong thời gian tới./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.