BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8468/BNN-TY | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trọng điểm về nuôi thủy sản
Theo báo cáo của các địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2017 tổng diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tổng diện tích nuôi thủy sản bị bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016 và còn diễn ra hết sức phức tạp, cụ thể: (1) Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 11.502 ha (tăng 36,57% so với cùng kỳ năm 2016 có tổng diện tích bị bệnh là 8.422 ha), trong đó diện tích bị bệnh đốm trắng là 4.265 ha (chiếm 37,08%) và diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp là 5.938 ha (chiếm 51,63%); (2) Tổng diện tích nuôi cá tra bị bệnh là 308,6 ha (giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2016 có diện tích bị bệnh là 322,76 ha), trong đó diện tích bị bệnh gan thận mủ là 50,15 ha (chiếm 16,25%) và diện tích bị bệnh xuất huyết là 180,6 ha (chiếm 58,52%); (3) Dịch bệnh ở các loài thủy sản khác, trong đó nguy cơ có bệnh mới xuất hiện trên cá rô phi nuôi là rất cao, cũng như do tác động bất lợi của yếu tố môi trường và thời tiết đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu.
Nguyên nhân chủ quan bao gồm: (1) Một số địa phương chưa triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống theo quy định tại Luật thú y, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo rất cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (2) Nhiều địa phương không có kế hoạch hoặc có nhưng không bố trí kinh phí hoặc có bố trí nhưng không đủ để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (năm 2017, các tỉnh, thành phố đã bố trí tổng cộng 62,5 tỷ đồng, nhưng chủ yếu để mua hóa chất dập dịch và mua nguyên liệu chẩn đoán xét nghiệm bệnh theo cách bị động, chưa đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh thủy sản); (3) Công tác thú y thủy sản còn rất nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập, đặc biệt là tại tuyến huyện, tuyến xã; (4) Người nuôi trồng thủy sản chưa biết hoặc có biết nhưng không thực hiện theo các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh; (5) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch Quốc gia về giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra để phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020 và Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện, chưa phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí để tổ chức triển khai các Kế hoạch nêu trên.
Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đồng thời để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế của người nuôi trồng thủy sản và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm về nuôi thủy sản chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện:
1. Căn cứ tình hình nuôi trồng thủy sản và tình hình dịch bệnh thủy sản của địa phương, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ lượng kinh phí để triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2018 theo quy định của Luật thú y và Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ; gửi bản kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trước ngày 30/11/2017 để theo dõi và phối hợp chỉ đạo thực hiện.
2. Ngày 29/3/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch Quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra góp phần phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020 tại Quyết định số 1038/QĐ-BNN-TY. Đây là căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 03 địa phương đã phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2018 - 2020 với tổng kinh phí trên 36 tỷ đồng (Phụ lục kèm theo). Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của của các thị trường về an toàn dịch bệnh: Úc (từ tháng 7/2017), Hàn Quốc (từ tháng 4/2018) và nhiều nước khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí để triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh phục vụ xuất khẩu từ tháng 01/2018 và các năm tiếp.
3. Chỉ đạo tổ chức hướng dẫn xây dựng cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
4. Tổ chức thực hiện “Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, giai đoạn 2015 - 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 4995/QĐ-BNN-TY ngày 20/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; “Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu” ban hành kèm theo Quyết định số 4088/QĐ-BNN-TY ngày 07/10/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm xem xét, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ PHÊ DUYỆT VÀ CẤP KINH PHÍ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH GIÁM SÁT DỊCH BỆNH TRÊN TÔM VÀ CÁ TRA PHỤC VỤ XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Công văn số 8468/BNN-TY ngày 09 tháng 10 năm 2017)
STT | Đơn vị phê duyệt | Số hiệu văn bản | Ngày ban hành | Kinh phí 2017 | Kinh phí 2018 | Kinh phí 2019 | Kinh phí 2020 | Tổng kinh phí được cấp |
1 | Sở NN&PTNT Bến Tre | 1332/KH-SNN | 30/5/2017 | 0.00 | 6,447,800,000 | 7,047,000,000 | 7,705,200,000 | 21,200,000,000 |
2 | UBND tỉnh Quảng Ngãi | 525/QĐ-UBND | 27/7/2017 | 0.00 | 4,136,728,000 | 4,255,001,000 | 4,385,101,000 | 12,776,830,000 |
3 | Sở NN&PTNT Vĩnh Long | 64/KH-CCN&TY | 17/7/2017 | 0.00 | 685,478,000 | 739,427,800 | 798,203,880 | 2,223,109,680 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.