BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 835/BHXH-BT |
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2019 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Căn cứ quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH); ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1865/LĐTBXH-BHXH ngày 29/5/2013 về việc truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non; ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 890/BNV-TL ngày 28/9/2010 về việc truy thu BHXH đối với cán bộ xã là bệnh binh các hạng và Công văn số 2895/BNV-TL ngày 31/7/2014 về việc truy thu BHXH đối với cán bộ cấp xã là bệnh binh đảm nhiệm chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ; Công văn số 748/LĐTBXH-BHXH ngày 27/02/2019 về việc ngân sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện và truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập và cán bộ xã là bệnh binh, BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non và cán bộ xã là bệnh binh các hạng như sau:
1. Về truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non
1.1. Đối tượng: Giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập từ năm 1995 đến khi đã đóng BHXH bắt buộc.
1.2. Số tiền truy thu: Số tiền truy thu BHXH tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) mức tiền lương tối thiểu chung, hoặc mức lương cơ sở từng thời kỳ và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH (Luật BHXH năm 2014, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc), cụ thể như sau:
- Thời gian từ tháng 01/1995 đến tháng 12/2006: Bằng 15%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 5%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2007 đến tháng 12/2009: Bằng 16%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 5%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011: Bằng 18%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 6%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013: Bằng 20%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 7%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
- Thời gian từ tháng 01/2014 đến nay: Bằng 22%; trong đó, người lao động truy đóng bằng 8%, còn lại do Ngân sách địa phương đóng.
1.3. Hồ sơ truy thu BHXH và trách nhiệm thực hiện:
a) Đối với giáo viên mầm non:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS, ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 của BHXH Việt Nam).
- Hợp đồng lao động, hoặc quyết định tuyển dụng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện có làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non.
Trường hợp không còn đầy đủ các hồ sơ gốc như trên thì cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, nơi làm việc, tiền lương, tiền công (nếu có) … kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non nơi đã làm việc hoặc của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
b) Đối với cơ sở giáo dục mầm non, hoặc đơn vị sử dụng lao động nơi giáo viên mầm non đang làm việc:
- Danh sách lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH).
- Thu tiền đóng BHXH của giáo viên mầm non, chuyển đủ số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.
2. Về truy thu BHXH đối với cán bộ xã là bệnh binh các hạng
2.1. Đối tượng: Cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm hoặc giữ các chức danh, hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và thời gian làm, giữ chức danh quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ.
Riêng thời gian từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2004, cán bộ xã là bệnh binh hạng 1, hạng 2 thì không phải truy đóng BHXH theo quy định tại Điểm 6 Mục IV Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 14/5/2004 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
2.2. Số tiền truy thu BHXH bắt buộc: Số tiền truy thu BHXH tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) mức sinh hoạt phí, hoặc tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH (Luật BHXH năm 2014, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ), cụ thể như sau:
a) Đối với thời gian từ tháng 01/1998 đến tháng 10/2003 làm hoặc giữ các chức danh và hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP: bằng 15%; trong đó, cán bộ xã đóng bằng 5%, còn lại do Ủy ban nhân dân xã đóng.
b) Đối với thời gian làm, giữ chức danh quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP (từ tháng 10/2004):
- Từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2006: bằng 15%; trong đó, cán bộ xã truy đóng BHXH bằng 5%, còn lại do Ủy ban nhân dân xã đóng.
- Từ tháng 01/2007 đến khi đã tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ: bằng 16%; trong đó, cán bộ xã truy đóng BHXH bằng 5%, còn lại do Ủy ban nhân dân xã đóng.
2.3. Hồ sơ truy đóng BHXH và trách nhiệm thực hiện:
a) Đối với cán bộ xã:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Hợp đồng lao động, hoặc quyết định tuyển dụng, hoặc quyết định phê duyệt,… của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện thời gian làm việc, giữ các chức danh cán bộ, công chức cấp xã.
Trường hợp không còn đầy đủ các hồ sơ gốc như trên thì cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, chức danh, sinh hoạt phí, tiền lương… kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của Ủy ban nhân dân xã nơi đã làm việc hoặc của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
b) Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Lập Danh sách lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mẫu D02-TS).
- Thu tiền truy đóng BHXH của cán bộ xã, chuyển đủ số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.
3. Trách nhiệm của cơ quan BHXH
3.1. Báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để chỉ đạo cơ quan liên quan phổ biến, triển khai thực hiện truy đóng BHXH.
3.2. Hướng dẫn lập hồ sơ truy đóng BHXH đối với giáo viên mầm non và cán bộ xã là bệnh binh các hạng.
3.3. Nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị truy thu BHXH. BHXH tỉnh, thành phố tổng hợp, báo cáo BHXH Việt Nam phê duyệt (kèm theo hồ sơ đề nghị truy thu) trước khi thực hiện.
3.4. Đối với các trường hợp truy đóng BHXH theo Công văn này, khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà phải đóng thêm BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu thì BHXH tỉnh hướng dẫn người tham gia lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sao cho mức lương hưu không thấp hơn mức lương cơ sở.
Yêu cầu BHXH các tỉnh thông báo, tổ chức thực hiện theo nội dung trên; giải quyết truy thu BHXH dứt điểm trong năm 2019; trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc kịp thời gửi về BHXH Việt Nam (Ban Thu) để nghiên cứu, giải quyết./.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.