BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 825/LĐTBXH-PCTNXH | Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2002 |
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001-2005 theo Quyết định số 151/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2001 các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố đã tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, tạo ra được bước chuyển biến mới và bước đầu đã đạt được những mục tiêu đề ra.
Để tiếp tục thực hiện Chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Thường trực phòng chống tệ nạn mại dâm đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch trong năm 2002. Nội dung kế hoạch cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Mục tiêu: Đẩy mạnh các hoạt động và giải pháp để hoàn thành mục tiêu Chương trình hành động giai đoạn 2001 - 2003: Ngăn chặn phát sinh, giảm dần số đối tượng mại dâm hiện có. Phấn đấu đến năm 2003 cơ bản xóa bỏ tệ nạn mại dâm trong độ tuổi vị thành niên, học sinh và sinh viên. Giảm cơ bản cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm tệ nạn mại dâm, tổ chức các dịch vụ mại dâm trá hình trước hết là cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước. Chặn đứng tình trạng cán bộ viên chức vi phạm tệ nạn mại dâm.
Chỉ tiêu (toàn quốc) trong năm 2002: Giảm cơ bản tệ nạn mại dâm nơi công cộng, không để phát sinh mới, đấu tranh làm chuyển hóa 100% địa bàn trọng điểm. Tổ chức giáo dục, chữa trị tập trung cho 5.000 lượt người bán dâm (35,7% số đối tượng có hồ sơ quản lý). Dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho 3.500 đối tượng (70% số đối tượng được chữa trị).
2. Những vấn đề trọng tâm cần chỉ đạo thực hiện:
Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác phòng chống tệ nạn mại dâm năm 2001, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động phòng chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 -2005, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a- Về nhận thức: Cấp uỷ Đảng các cấp, các ngành cần quán triệt cho cán bộ, đảng viên thống nhất nhận thức theo quan điểm và chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng chống tệ nạn mại dâm, xác định phòng chống tệ nạn mại dâm là nhiệm vụ xã hội bức xúc phải tập trung chỉ đạo. Từ thống nhất nhận thức đến thống nhất hành động và phải gắn với trách nhiệm của từng cá nhân trên các vị trí công tác được phân công.
b- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức thích hợp để mọi người dân nhận thức được tác hại nhiều mặt và lên án, bài trừ tệ nạn mại dâm. Phát động toàn dân tham gia phòng chống tệ nạn xã hội kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng hoạt động tuyên truyền cho các đối tượng mại dâm và đối tượng có nguy cơ cao.
c- Chấn chỉnh quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành:
- UBND các cấp, nhất là các tỉnh, thành phố trọng điểm, khu du lịch, công nghiệp tập trung, cần điều tra, phân loại địa bàn, đánh giá đúng tình hình. Đối với các địa bàn trọng điểm cần tập trung lực lượng, huy động quần chúng tham gia, thực hiện đồng bộ các biện pháp truy quét, xử lý vi phạm, làm chuyển hóa cơ bản tình hình, từ đó tổng kết những điển hình tốt để nhân rộng.
- Chấn chỉnh khâu tổ chức kiểm tra, thanh tra, tránh trùng chéo, hình thức, kém hiệu quả, kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân vi phạm, nhất là những đối tượng tái phạm. Rà soát lại các doanh nghiệp đã cấp phép và đăng ký kinh doanh về điều kiện và tiêu chuẩn trong từng cơ sở, dẹp bỏ những cơ sở không đủ điều kiện, hoạt động biến tướng sai quy định, vi phạm hợp đồng lao động, đăng ký lao động, đăng ký tạm trú, tạm vắng... làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể những cá nhân, đơn vị buông lỏng quản lý, tắc trách dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
d- Tăng cường công tác tuy quét, triệt phá ổ nhóm, đường dây, tụ điểm hoạt động mại dâm, gắn kết chặt chẽ với việc lập hồ sơ đưa đối tượng bán dâm vào Cơ sở chữa bệnh hoặc đưa về phường xã để giáo dục theo quy định của pháp luật (với cả người bán dâm và người mua dâm).
e- Truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm khắc những đối tượng vi phạm pháp luật về tệ nạn mại dâm với khung hình phạt cao nhất theo Bộ luật hình sự đã quy định, tăng cường áp dụng các hình phạt bổ sung, đặc biệt là hình phạt về kinh tế.
f- Chú trọng đầu tư cho các biện pháp phòng ngừa, giải quyết tận gốc nguyên nhân phát sinh thông qua các chương trình kinh tế xã hội: xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ... đồng thời khắc phục hậu quả, giúp đỡ tái hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm hoàn lương trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, gia đình và đoàn thể, bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.
g- Thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống tệ nạn mại dâm ở từng địa phương với thành phần gồm đại diện của các ngành, đoàn thể có liên quan, trong đó đại diện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là tổ trưởng để làm đầu mối giúp các cơ quan thống nhất việc chỉ đạo và tăng cường các mặt hoạt động, tham mưu cho Ban chỉ đạo PC AIDS và PCTNMT, DM địa phương kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
h- Tăng cường đầu tư nguồn lực, cán bộ cơ sở vật chất cho công tác PCTNMD, đặc biệt cho các xã phường, Cơ sở chữa bệnh.
Nội dung chi và mức chi cho phòng chống tệ nạn mại dâm thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 613/LĐTBXH-PCTNXH ngày 5/3/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về kinh phí phòng chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện phục hồi năm 2002.
Kế hoạch phòng chống tệ nạn mại dâm năm 2002 đề nghị gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Phòng chống tệ nạn xã hội) trước ngày15 tháng 4 năm 2002 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và làm cơ sở cho việc đánh giá, sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình./.
| K/T.BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.