BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 821/BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2011 |
Kính gửi: | - Bộ Ngoại giao |
Vùng Tam giác San hô thuộc khu vực Đông Nam Á là một trong những vùng biển đa dạng sinh học nhất thế giới, có giá trị về kinh tế, sinh thái học, tuy nhiên, dễ bị tổn hại do áp lực của các hoạt động khai thác ngày càng gia tăng, ô nhiễm và biến đổi lớn về hệ sinh thái gây tác động đến môi trường sống, quần thể các nhóm loài thủy sản quan trọng. Nhằm bảo vệ trữ lượng và nguồn lợi thủy sản, duy trì và tăng cường đa dạng sinh học tại khu Tam giác San hô/Biển Đông, dựa trên những thành công của Dự án FAO/UNEP/GEF “Giảm thiểu đánh bắt đối tượng không mong muốn trong hoạt động khai thác tôm sử dụng lưới kéo đáy (REBYC)” đã được thực hiện trong giai đoạn 2002 - 2008, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đề xuất với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo đáy (REBYC-II CTI)”. Dự án này được triển khai thực hiện tại 05 quốc gia bao gồm: Inđônêxia, Philipin, Papua Niu Ghinê, Thái Lan và Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2014.
Ngày 4/9/2008, Văn phòng GEF Việt Nam đã gửi thư cho Quỹ GEF thế giới thông qua Khung ý tưởng dự án (Project Indentification Form) và khẳng định ưu tiên của Việt Nam đối với dự án REBYC-II CTI (Thư kèm theo).
Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các chuyên gia của FAO, UNEP, SEAFDEC và các nước tham gia dự án xây dựng Văn kiện dự án với các nội dung chính như sau:
1. Cơ quan chủ quản dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2. Cơ quan thực hiện dự án: Tổng cục Thủy sản
Địa chỉ: Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: (+04) 37245112; Fax: (+04) 37245120
3. Kiểu dự án: Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại.
4. Mục tiêu của Dự án:
Mục tiêu dài hạn: Bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản và đa dạng sinh học vùng nước ven bờ theo hướng bền vững hệ sinh thái ven bờ và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân.
Mục tiêu ngắn hạn: Thúc đẩy các biện pháp, thực hành khai thác hải sản có trách nhiệm thông qua áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động đánh bắt hải sản và nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý ngành theo hướng bền vững.
5. Các kết quả chính của dự án bao gồm:
- Tăng cường thể chế chính sách quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề kéo đáy.
- Các giải pháp kỹ thuật cho nghề lưới kéo đáy nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng ven bờ.
- Cải thiện nguồn thông tin, số liệu về hoạt động của nghề lưới kéo đáy tại điểm trình diễn dự án.
- Tăng cường năng lực quản lý ngành, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về đánh cá có trách nhiệm.
6. Kinh phí thực hiện dự án:
- Tổng kinh phí thực hiện dự án REBYC-II CTI trong 4 năm (2011 - 2014) cho năm nước thành viên (Inđônêxia, Philipin, Papua Niu Ghinê, Thái Lan và Việt Nam) là 9.103.600 USD,
Trong đó:
+ Tổng kinh phí tài trợ không hoàn lại của Quỹ GEF: 3.000.000 USD;
+ Tổng kinh phí đối ứng từ các Chính phủ và các tổ chức liên quan (FAO, SEAFDEC, UNEP) là: 6.103.600 USD;
- Kinh phí cho Dự án Hợp phần REBYC-II CTI tại Việt Nam:
+ Kinh phí hỗ trợ không hoàn lại của GEF: 454.000 USD;
+ Kinh phí đối ứng của Việt Nam cho dự án: 897.600 USD (tương đương 17.503.200.000 VNĐ) (Theo yêu cầu của GEF đối với tất cả các quốc gia xin hỗ trợ kinh phí triển khai dự án, tỷ lệ kinh phí đối ứng so với nguồn vốn tài trợ của GEF tối thiểu là 2:1)
Trong đó:
* Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ bằng hiện vật (văn phòng, thiết bị, phụ cấp cho cán bộ tham gia dự án cấp trung ương, công tác phí cho cán bộ tham gia dự án, văn phòng phẩm, điện nước…) là 200.400 USD (tương đương 3.907.800.000 VNĐ); và vốn đối ứng hiện vật của khối tư nhân (bao gồm nhân công, khấu hao tàu thuyền, ngư cụ, và sự sẵn sàng của ngư dân tham gia vào các hoạt động thử nghiệm sử dụng các ngư cụ có trách nhiệm của dự án) trong 4 năm là 680.000 USD (tương đương 13.260.000.000 VNĐ);
* Vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam bằng tiền mặt: 17.200 USD, chiếm 3,7% kinh phí tài trợ không hoàn lại của GEF sử dụng cho hoạt động của Ban Chỉ đạo dự án trong 4 năm.
7. Phương thức quản lý dự án:
Quản lý dự án cấp khu vực sẽ được thực hiện thông qua FAO vùng (do GEF ủy quyền). FAO phối hợp với SEAFDEC và các nước thành viên thành lập Ban Chỉ đạo dự án khu vực để chỉ đạo triển khai các hoạt động dự án tại các quốc gia tham gia vào dự án.
Quản lý và thực hiện dự án tại Việt Nam được tiến hành thông qua Ban Chỉ đạo dự án do Tổng cục Thủy sản thành lập. Thành phần của Ban Chỉ đạo dự án bao gồm: Lãnh đạo Tổng cục, đại diện của các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm liên quan. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ phê duyệt và giám sát kế hoạch, hoạt động và kết quả bầu ra, tiến độ thực hiện dự án.
8. Thời gian thực hiện dự án: 48 tháng (dự kiến từ 2011 đến 2014).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin gửi kèm theo đây Đề cương văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2007/TT-BKH ngày 30/7/2007 đối với chương trình, dự án khu vực, kính đề nghị Quý Bộ có ý kiến ủng hộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận dự án này để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.