BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8188/BTC-QLCS | Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2005 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 8188/BTC-QLCS NGÀY 1 THÁNG 7 NĂM 2005 VỀ VIỆC NHIỆM VỤ BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
Kính gửi: Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính nhận được văn bản của một số Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn về nhiệm vụ bán đấu giá tài sản nhà nước và thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài chính sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Tại Khoản 3 Điều 21 Luật Ngân sách Nhà nước quy định: Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn: “thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước”, “tổ chức quản lý, kiểm tra việc sử dụng tài sản nhà nước”.
- Điểm a Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước quy định: Tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước là tài sản Nhà nước. Tiếp đó, tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này quy định: “Đối với tài sản có quyết định tịch thu sung công quỹ Nhà nước, cơ quan tài chính Nhà nước làm thủ tục tiếp nhận tài sản và tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật”.
- Khoản 9 Điều 2 Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu bộ máy của Bộ Tài chính quy định: Bộ Tài chính có nhiệm vụ “trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc mua sắm, điều chuyển, đấu giá, thanh lý, chuyển đổi sở hữu đối với tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Như vậy, việc bán đấu giá tài sản là một nhiệm vụ của cơ quan Tài chính các cấp. Do đó, tại Thông tư liên tịch số 115/2003/TTLT/BTC-BNV ngày 28/11/2003 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, thì Sở Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn: “Tổ chức tiếp nhận, quản lý, trình UBND tỉnh xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với tài sản vô chủ, tài sản mới được tìm thấy, tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước, tài sản viện trợ không hoàn lại khi các dự án kết thúc chuyển giao”. Đồng thời, Thông tư này cũng quy định trong cơ cấu tổ chức của Sở Tài chính có “Các đơn vị sự nghiệp”.
2. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành lập theo Nghị định này chỉ “có nhiệm vụ bán đấu giá tài sản để thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Trung tâm này không có nhiệm vụ bán đấu giá đối với các loại tài sản nhà nước khác. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, thì Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn: “Hướng dẫn, kiểm tra việc chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá”. Căn cứ vào quy định này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà nước để bán đấu giá. Theo hướng dẫn tại thông tư này, thì chỉ chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh (nếu có) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại tiết h.2 điểm 2.1 Mục III Thông tư số 34/2005/TT-BTC. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước sau đây do Giám đốc Sở Tài chính hoặc Thủ trưởng cơ quan tài chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định chuyển giao cho Hội đồng bán đấu giá hoặc tổ chức có chức năng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá, bao gồm:
+ Tang vật, phương tiện vi phạm là vật tư, hàng hoá, vật phẩm;
+ Tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm có cả tài sản, cả vật tư, hàng hoá, vật phẩm;
+ Tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm chưa xác định được giá trị mà cần phải bán ngay;
+ Tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên do cơ quan thuộc cấp huyện ra quyết định tịch thu nhưng thuộc địa bàn xa đô thị tỉnh lỵ, điều kiện vận chuyển khó khăn;
+ Tang vật, phương tiện của một vụ vi phạm có giá trị dưới 10 triệu đồng.
Ngoài tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước nêu trên, còn nhiều loại tài sản Nhà nước khác thuộc diện phải bán đấu giá cũng đều do Giám đốc Sở Tài chính hoặc Thủ trưởng cơ quan tài chính quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định chuyển giao cho Hội đồng bán đấu giá hoặc tổ chức có chức năng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá bao gồm:
+ Tài sản khu vực hành chính sự nghiệp có quyết định bán, thanh lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
+ Tài sản thu hồi từ các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước khi kết thúc hoạt động;
+ Tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước khác (ngoài tang vật, phương tiện vi phạm hành chính), tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước: Tài sản thi hành án, vật chứng vụ án có quyết định tịch thu; vật vô chủ, vắng chủ, vật bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy, tài sản viện trợ.v.v...
Tiếp đó, tại điểm 4 mục IV Thông tư số 34/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Hướng dẫn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành trước hoặc sau ngày Thông tư này có hiệu lực (nếu có) phải phù hợp với các quy định của Thông tư này. Trường hợp hướng dẫn chưa phù hợp với Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư này”.
Do đó, để thực hiện nhiệm vụ bán đấu giá đối với các loại tài sản Nhà nước trên đây, cơ quan tài chính có thể thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản hoặc thành lập đơn vị sự nghiệp để tổ chức bán đấu giá các loại tài sản Nhà nước. Vì thế, việc thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ có tính chất dịch vụ về quản lý tài sản Nhà nước, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản Nhà nước là phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 36 Nghị định số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ, khi lập Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp, thì tên gọi của đơn vị sự nghiệp đề nghị không sử dụng cụm từ “Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản”. Sở Tài chính có thể tham khảo tên gọi của các địa phương đã thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tài chính như: “Trung tâm Thông tin, tư vấn, dịch vụ tài sản công”, “Trung tâm Thông tin, tư vấn, dịch vụ tài chính công” hoặc “Trung tâm Thông tin, tư vấn, dịch vụ về tài sản và bất động sản Nhà nước”. v.v… để trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho phù hợp.
| Nguyễn Văn Xa (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.