BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 81/BXD-KTQH | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2010 |
Kính gửi: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh
Bộ Xây dựng nhận được Công văn số 2171/SQHKT-PC ngày 10/8/2010 của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh về việc các vướng mắc khi triển khai công tác cấp giấy phép quy hoạch; thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị; cung cấp thông tin quy hoạch về đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
I/ Về giấy phép quy hoạch:
1) Hướng dẫn khái niệm, định nghĩa về “dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung” và “dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ”:
a) Hướng dẫn khái niệm:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung là dự án đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực dự án, ví dụ như khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu thương mại, khu thể dục thể thao, khu du lịch…
- Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ là dự án đầu tư xây dựng một công trình kiến trúc.
b) Về làm rõ nội dung quy định tại khoản 4, Điều 14 Nghị định 37/2010/NĐ-CP : “Đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5 ha (nhỏ hơn 2 ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) thì có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu; đảm bảo sự đấu nối hạ tầng kỹ thuật và phù hợp về không gian kiến trúc với khu vực xung quanh”.
Trường hợp trên được quy định cho cả dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung và riêng lẻ.
Việc lập thiết kế cơ sở lập của dự án đầu tư xây dựng trên phải căn cứ vào giấy phép quy hoạch được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và 3 của Điều 36 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP đối với khu vực chưa có quy hoạch chi tiết.
2) Về thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch:
- Tại Điều 71 Luật Quy hoạch đô thị quy định nguyên tắc đối với 3 trường hợp phải có Giấy phép quy hoạch. Theo quy định tại Điều 76 của Luật Quy hoạch đô thị “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”. Do đó, để phù hợp với thực tế quản lý quy hoạch đô thị, khoản Điều 36 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP có quy định trường hợp cấp giấy phép quy hoạch đối với “dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu, nhưng chưa đủ căn cứ để lập quy hoạch chi tiết”.
- Đối với thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch: Theo quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 71 Luật Quy hoạch đô thị, Uỷ ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép quy hoạch cho dự án đầu tư xây dựng tập trung tại khu vực trong đô thị không phân biệt quy mô. Để thực hiện chủ trương phân cấp cho chính quyền cấp dưới; theo đó, quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 40 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ hơn 50 ha thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã.
Đối với dự án đầu tư xây dựng có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hoá, lịch sử của thành phố thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch vẫn thuộc trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân Thành phố (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP). Do đó, để công tác quản lý, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan đối với khu vực quan trọng được đảm bảo, Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố có thể tham mưu và kiến nghị với Uỷ ban nhân dân Thành phố quy định cụ thể những khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, văn hoá, lịch sử thuộc thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch của Uỷ ban nhân dân Thành phố.
3) Về trường hợp cấp giấy phép quy hoạch đối với “Dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở”:
Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 71 “dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết hoặc chưa có thiết kế đô thị, trừ nhà ở”. Nhà ở quy định ở đây là nhà ở riêng lẻ, theo quy định về giải thích từ ngữ tại khoản 27 Điều 3 Luật Xây dựng thì nhà ở riêng lẻ là nhà ở biệt thự và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân. Việc quản lý xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ này thông qua hình thức cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
4) Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy hoạch:
Tại Điều 38 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP quy định chung về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy hoạch cho cả trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung và dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ. Mẫu 1 Phụ lục I quy định cụ thể mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép quy hoạch cho dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung, trong đó có quy định về cơ cấu sử dụng đất dự kiến do chủ đầu tư đề xuất.
Việc quy định cho phép chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của dự án đầu tư xây dựng thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch. Nội dung giấy phép quy hoạch đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung đã quy định tại Điều 39 và Mẫu 2 Phụ lục II trong đó xác định cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng toàn khu vực; chiều cao tối đa xây dựng công trình, hệ số sử dụng đất… là cơ sở để lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết.
II/ Về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị:
Theo quy định tại khoản 3, 4, 5 điều 19 Luật Quy hoạch đô thị thì cơ quan tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết là Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (trừ quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng do chủ đầu tư tổ chức lập). Cơ quan thẩm định các quy hoạch này thuộc trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố. Do đó, hai cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định là hai cơ quan khác nhau. Trình tự, thủ tục trình thẩm định và phê duyệt thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với quy hoạch đô thị do Uỷ ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lập quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị, trong trường hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố được Uỷ ban nhân dân Thành phố giao tổ chức lập các quy hoạch này thì trình tự, thủ tục thẩm định và trình phê duyệt theo quy định tại điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
III/ Về công tác cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị (cấp chứng chỉ quy hoạch):
Căn cứ Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị thì “chứng chỉ quy hoạch là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định các số liệu và thông tin liên quan của một khu vực hoặc một lô đất theo đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt”. Như vậy, nội dung chứng chỉ quy hoạch phải căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết được duyệt. Đối với khu vực chưa có quy hoạch đô thị được duyệt, không được cấp chứng chỉ quy hoạch theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Quy hoạch đô thị.
Đối với khu đất, lô đất nằm trong khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) được phê duyệt thì không thể căn cứ vào quy hoạch chung và các quy định, quy chế để cấp chứng chỉ quy hoạch. Đối với trường hợp này, phải thực hiện cấp giấy phép quy hoạch theo Điều 71 của Luật Quy hoạch đô thị.
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng làm cơ sở để Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố nghiên cứu triển khai.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.