TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76407/CT-HTr | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2015 |
Kính gửi: Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn ODA
(Đ/c: Số 1 ngõ 17 Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội)
MST: 0103996791
Trả lời công văn số 1061/BQLCDA-TCGN ngày 09/9/2015 của Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn ODA hỏi về chính sách thuế và công văn số 1191/BQLCDA-TCGN ngày 21/10/2015 của đơn vị về việc giải trình, bổ sung thông tin tài liệu, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Căn cứ Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 03/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) (hiệu lực thi hành từ ngày 18/05/2002 đến trước ngày 18/11/2007).
Căn cứ Chương VI Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) (hiệu lực thi hành từ ngày 18/11/2007 đến trước ngày 17/01/2014), quy định về hiệu lực thi hành:
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, thay thế Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 3/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các quy định trái với hướng dẫn tại Thông tư này.
Đối với các dự án ODA được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc xác định nghĩa vụ thuế, ưu đãi thuế thực hiện như hướng dẫn tại Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 3/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đến khi kết thúc dự án./.”
Căn cứ Điều 16 Chương III Thông tư số 181/2013/TT-BTC ngày 03/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, quy định về hiệu lực thi hành:
“Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17/1/2014, thay thế Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Đối với các dự án ODA được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc xác định nghĩa vụ thuế, ưu đãi thuế thực hiện như hướng dẫn tại Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đến khi kết thúc dự án… ”
Căn cứ Công văn số 7711 TC/TCT ngày 13/7/2004 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế và quản lý tài chính đối với dự án sử dụng vốn ODA
+ Tại Điểm 2.1 quy định về hoàn thuế GTGT:
“2.1. Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án ODA vay ưu đãi được NSNN cấp phát, chủ dự án phải xác định đúng đối tượng được hoàn thuế GTGT và đối tượng nộp thuế GTGT trên cơ sở hợp đồng đã được phê duyệt, cụ thể: nếu hợp đồng đã ký và được phê duyệt bao gồm số thuế GTGT và chủ dự án không được cấp vốn để trả thuế GTGT thì chủ dự án thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT, nhà thầu chính nộp thuế GTGT theo quy định hiện hành; nếu hợp đồng đã ký và phê duyệt không bao gồm thuế GTGT thì chủ dự án không phải trả thuế GTGT và nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT. ”
+ Tại Điểm 3.2 quy định:
“3.2. Chủ dự án có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn các nhà thầu nước ngoài về việc thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
…- Đối với nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam: Chủ dự án có trách nhiệm khấu trừ thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các nhà thầu nước ngoài (đặc biệt là các nhà thầu tư nhân), trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài. Nếu giá hợp đồng ký giữa nhà thầu và chủ dự án không bao gồm thuế GTGT và nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT thì chủ dự án thực hiện khấu trừ và nộp thuế TNDN thay cho nhà thầu nước ngoài.”
Căn cứ Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:
+ Tại Điều 1 Chương I quy định về đối tượng áp dụng.
+ Tại Khoản 3 Điều 2 Chương I quy định về đối tượng không áp dụng:
“3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.”
+ Tại Điều 6 Mục 1 Chương II quy định về đối tượng chịu thuế GTGT:
“1. Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I)...
2. Trường hợp hàng hóa được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ đi kèm (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí) thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng... ”
+ Tại Điều 7 Mục 1 Chương II quy định về thu nhập chịu thuế TNDN:
“1. Thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là thu nhập phát sinh từ hoạt động cung cấp, phân phối hàng hóa; cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I).
2. Trường hợp hàng hóa được cung cấp dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 2 Chương I); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo một số dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như dịch vụ quảng cáo tiếp thị (marketing), hoạt động xúc tiến thương mại, dịch vụ sau bán hàng, dịch vụ lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế và các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hóa (bao gồm cả trường hợp dịch vụ kèm theo miễn phí), kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ...
3. Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài. Thu nhập chịu thuế của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau:
…- Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ, bản quyền phần mềm).
“Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm", “Quyền sở hữu công nghiệp”, "Chuyển giao công nghệ” quy định tại Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành...”
Căn cứ Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, quy định:
“Điều 2. Sửa đổi, bổ sung các khổ 1, 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Điều 1. Người nộp thuế
... Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
... Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập”
Căn cứ các quy định trên và công văn đơn vị trình bày, việc áp dụng chính sách thuế đối với các nhà thầu nước ngoài trong Liên danh KT Consortium (Hàn Quốc) thực hiện cung cấp lắp đặt thiết bị, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xây dựng chương trình, giáo trình và đào tạo, quan hệ trường ngành theo hợp đồng số VNM-14/VN-04 ngày 28/5/2015 ký giữa liên danh nhà thầu nước ngoài và bên Việt Nam để thực hiện dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc được thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Về chính sách thuế đối với dự án ODA:
Đề nghị đơn vị nghiên cứu, thực hiện theo các văn bản sau:
+ Từ ngày 18/05/2002 đến trước ngày 18/11/2007: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 03/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
+ Từ ngày 18/11/2007 đến trước ngày 17/01/2014: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
+ Từ ngày 17/01/2014: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 181/2013/TT-BTC ngày 03/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Cụ thể:
+ Đối với Dự án đầu tư xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc được phê duyệt vào thời điểm Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 03/5/2002 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành (dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1461/QĐ/LĐTBXH ngày 27/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1741/QĐ-LĐTBXH ngày 04/12/2008, Quyết định số 699/QĐ-LĐTBXH ngày 05/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh), nguồn vốn của dự án: ngân sách nhà nước cấp phát từ vốn vay và vốn đối ứng, dự án được NSNN bố trí vốn đối ứng để trả thuế GTGT, giá trị hợp đồng nhà thầu không bao gồm thuế GTGT thì nhà thầu nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT và thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT, thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN và các loại thuế, phí lệ phí khác theo quy định tại Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 03/5/2002 của Bộ Tài chính.
+ Đối với dự án thành phần đầu tư cho 5 trường cao đẳng nghề do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý: do không có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền nên Cục thuế TP Hà Nội không có đủ cơ sở để xác định nghĩa vụ thuế liên quan đến dự án ODA đó.
2. Về chính sách thuế nhà thầu:
Việc xác định thuế nhà thầu nước ngoài đối với hợp đồng số VNM-14/VN-04 ngày 28/5/2015 ký giữa liên danh nhà thầu nước ngoài và bên Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính, cụ thể như sau:
+ Đối với thu nhập của nhà thầu nước ngoài từ cung cấp thiết bị kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam như dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, bảo hành,... thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu (thuế GTGT, thuế TNDN) theo quy định tại khoản 2 Điều 6, Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính.
+ Đối với thu nhập của nhà thầu nước ngoài từ cung cấp dịch vụ đào tạo thực hiện tại Hàn Quốc thì không thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu tại Việt Nam.
+ Đối với thu nhập của nhà thầu nước ngoài từ cung cấp dịch vụ liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xây dựng chương trình, giáo trình, quan hệ trường ngành, đào tạo được thực hiện tại Việt Nam thì thuộc đối tượng chịu nhà thầu tại Việt Nam.
+ Đối với thu nhập của nhà thầu nước ngoài từ chuyển giao bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, cẩm nang hướng dẫn xây dựng quan hệ trường ngành cho bên Việt Nam mà khoản thu nhập này được xác định là thu nhập từ tiền bản quyền theo quy định thì thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu tại Việt Nam không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài.
+ Trường hợp không tách riêng được các khoản thu nhập chịu thuế nhà thầu và các khoản thu nhập không chịu thuế nhà thầu thì thuế nhà thầu nước ngoài được tính chung cho cả hợp đồng.
+ Trường hợp cá nhân người nước ngoài được nhà thầu nước ngoài cử sang Việt Nam làm việc cho dự án có thu nhập chịu thuế TNCN phát sinh tại Việt Nam thì thực hiện kê khai, nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế TNCN.
+ Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác (nếu có), nhà thầu nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.
+ Về phương pháp tính thuế nhà thầu: thực hiện theo quy định tại Mục 2 hoặc Mục 3 hoặc Mục 4 Chương II Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính tùy theo điều kiện mà nhà thầu nước ngoài đáp ứng.
Trường hợp tại Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về việc nộp thuế của Nhà thầu nước ngoài khác với các nội dung hướng dẫn tại Thông tư nêu trên thì thực hiện theo các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc, đề nghị Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn ODA liên hệ phòng Kiểm tra thuế số 5 - Cục Thuế TP Hà Nội để được hướng dẫn cụ thể.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Ban quản lý các dự án dạy nghề vốn ODA được biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.