BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 746/BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tiếp theo kết quả đạt được trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định năm 2014 công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, cần tạo ra sự chuyển biến rõ nét để người dân yên tâm sử dụng cũng như thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm nông lâm thủy sản.
Để đạt được mục tiêu nêu trên trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 như sau:
1. Các nhiệm vụ trọng tâm
1.1. Phổ biến, tuyên truyền giáo dục về cơ chế chính sách, pháp luật
Tập trung vào phổ biến các quy định, cơ chế chính sách mới; giới thiệu mô hình điểm sản xuất nông lâm thủy sản an toàn; cách lựa chọn thực phẩm an toàn. Có thể sử dụng luôn các sản phẩm tuyên truyền về an toàn thực phẩm mà Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, các Dự án liên quan đã tổ chức sản xuất và phổ biến đến các địa phương.
Các văn bản quy định, cơ chế, chính sách mới; danh mục các sản phẩm tuyên truyền đã được Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Dự án Cida - Canada triển khai trong thời gian qua (xem tại website: www.nafiqad.gov.vn).
1.2. Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
- Triển khai đầy đủ, thực chất hoạt động thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại, xử lý, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011, Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 4/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lưu ý tập trung thực hiện đầy đủ các hoạt động theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT đối với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm; sản phẩm có kết quả kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm phát hiện không đạt yêu cầu trong năm 2013. Công khai kết quả kiểm tra đánh giá phân loại và thực hiện tái kiểm tra; xử lý các cơ sở xếp loại C theo quy định.
- Tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung nêu tại Chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr ngày 20/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
1.3. Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn
- Tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trình ban hành cơ chế chính sách đặc thù, bố trí kinh phí hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để triển khai hiệu quả tại địa phương Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc" ban hành theo Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013 và Kế hoạch triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tổ chức sơ kết các mô hình điểm chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; rút kinh nghiệm, phổ biến và ưu tiên kinh phí nhân rộng các mô hình áp dụng hiệu quả.
1.4. Phân công và tăng cường năng lực các đơn vị làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
a) Phân công kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm
Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phân công, phân cấp các đơn vị ở địa phương trong việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
b) Tập huấn kiến thức, nghiệp vụ kiểm tra an toàn thực phẩm
Tham khảo bộ tài liệu tập huấn TOT về kiến thức an toàn thực phẩm, nghiệp vụ kiểm tra an toàn thực phẩm và sử dụng đội ngũ cán bộ đã được tập huấn TOT để tập huấn cho các cán bộ được phân công triển khai công tác ATTP ở địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã để triển khai hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm.
2. Nguồn lực thực hiện
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/ thành phố cần ưu tiên bổ sung biên chế và chỉ đạo các đơn vị sử dụng hợp lý các nguồn kinh phí, kết hợp các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho địa phương: Ngân sách địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Dự án quốc tế có triển khai ở địa phương ... để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nói trên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai và báo cáo kết quả triển khai về Bộ theo quy định. Trong quá trình triển khai, nếu có gặp khó khăn vướng mắc, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) để được phối hợp triển khai./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.