TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72973/CT-HTr | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2015 |
Kính gửi: Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện
(Địa chỉ: Số 67B phố Hàm Long, p.Hàng Bài, q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. MST: 0100110006)
Trả lời công văn số 974/VTC-TC ngày 23/10/2015 của Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện hỏi về xác định nghĩa vụ thuế trong việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và sáp nhập doanh nghiệp, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến về nguyên tắc như sau:
1. Xác định nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần
- Căn cứ Điều 25 Luật Chứng khoán số 70/2006/QH 11 quy định về công ty đại chúng:
“Điều 25. Công ty đại chúng
1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau đây:
a) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;
b) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;
c) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên.
2. Công ty cổ phần theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ công ty đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày trở thành công ty đại chúng.”
- Căn cứ công văn số 12501/BTC-CST ngày 20/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần:
“1. Về việc phân biệt giữa chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn đối với chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần:
- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán là chuyển nhượng chứng khoán, áp dụng quy định về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán.
- Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong các công ty cổ phần không thuộc trường hợp nêu trên áp dụng quy định về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn.
Việc xác định công ty cổ phần là công ty đại chúng căn cứ vào Điều 25, 26 Luật Chứng khoán.
…”
- Căn cứ Điểm 2 Mục I Thông tư số 81/2004/TT-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 147/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có hiệu lực từ 01/7/2004: Không quy định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần thuộc các khoản thu nhập chịu thuế.
- Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 34 Chương IV Luật thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007, quy định hiệu lực thi hành:
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
2. Bãi bỏ các văn bản, quy định sau đây:
a) Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH11;…”
- Căn cứ Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, hiệu lực thi hành từ 01/01/2009.
+ Tại Điểm 4 Mục II Phần A quy định các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn:
“4, Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản tiền lãi nhận được từ việc chuyển nhượng vốn của cá nhân trong các trường hợp sau:
4.1. Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần, các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.”
+ Tại Điểm 2 Mục II Phần B quy định căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:
“2. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn
2.1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.
2.1.1. Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập chịu thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn góp và các chi phí liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
…
2.1.2. Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.
2.1.3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành theo quy định của pháp luật.
Thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành quy định tại khoản này là thời điểm các bên tham gia chuyển nhượng làm thủ tục khai báo, chuyển quyền sở hữu với cơ quan cấp đăng ký kinh doanh hoặc doanh nghiệp quản lý vốn góp.”
+ Tại Khoản 2.6 Điểm 2 Mục II Phần D quy định khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn:
“2.6. Khai thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn
Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán) có trách nhiệm khai thuế và nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế theo quy định sau đây:
2.6.1. Thời điểm khai thuế: cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải khai thuế thu nhập cá nhân đồng thời với việc thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu phần vốn chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
2.6.2. Hồ sơ khai thuế gồm:
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo mẫu số 12/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.
- Hợp đồng chuyển nhượng vốn (bản sao).
- Các chứng từ chứng minh chi phí liên quan đến việc xác định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
2.6.3. Nơi nộp hồ sơ khai thuế: hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn được nộp tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có diễn ra giao dịch chuyển nhượng vốn hoặc Chi cục Thuế nơi cá nhân chuyển nhượng vốn (người bán) cư trú.”
+ Tại Điểm 1 Phần Đ quy định hiệu lực thi hành:
“1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho tất cả các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh từ ngày 01/01/2009.
Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, thuế chuyển quyền sử dụng đất áp dụng đối với cá nhân chuyển quyền sử dụng đất ”
- Căn cứ Quyết nghị số 01-QN/ĐHCĐ/2006 ngày 02/10/2006 của Công ty CP Bánh kẹo Hữu nghị về việc chuyển nhượng 9.464 cổ phần của Công ty cho Tổng Công ty VTC. (kèm danh sách cổ đông chuyển nhượng cổ phần)
- Căn cứ Giấy chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Bánh kẹo Hữu nghị do Ông Đỗ Huy Toàn nắm giữ cho Công ty CP Truyền thông Hữu nghị ngày 28/02/2007, kèm Phiếu chi tiền chuyển nhượng cổ phần ngày 29/6/2007;
- Phiếu chi tiền chuyển nhượng cổ phần cho Bà Trần Thị Thu Viên ngày 03/8/2009.
Căn cứ các quy định, trên và căn cứ vào tài liệu đơn vị cung cấp, trường hợp Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hữu Nghị không phải là công ty đại chúng theo quy định của Luật chứng khoán thì các cá nhân chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hữu nghị phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 1251/BTC-CST ngày 20/9/2010.
Việc xác định nghĩa vụ thuế TNCN của các cá nhân tại các giai đoạn chuyển nhượng như sau:
- Thu nhập của các cổ đông là cá nhân thu được từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần trước thời điểm 01/01/2009 không được quy định trong Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19/5/2001 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, các cá nhân có thu nhập không phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại thời điểm chuyển nhượng.
- Thu nhập của các cổ đông là cá nhân thu được từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần sau thời điểm 01/01/2009 thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cá nhân có trách nhiệm tự kê khai với cơ quan Thuế trực tiếp quản lý Công ty CP Bánh kẹo Hữu nghị hoặc Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú và nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2 Mục II Phần B, Khoản 2.6 Điểm 2 Mục II Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu trên.
Tổ chức có vốn chuyển nhượng và tổ chức nhận chuyển nhượng vốn không phát sinh nghĩa vụ kê khai khấu trừ hoặc nộp thuế thay cho các cá nhân chuyển nhượng.
2. Xác định nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và sáp nhập doanh nghiệp
- Căn cứ Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
+ Tại Mục III Phần Đ quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp:
“3. Doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
4. Việc tổ chức lại doanh nghiệp không làm thay đổi thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp bị tổ chức lại. Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc các doanh nghiệp thành lập mới không nộp thuế đầy đủ theo thời hạn nộp thuế đã quy định thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
+ Tại Điểm 1 Phần K quy định hiệu lực thi hành:
“1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
- Căn cứ Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.
+ Tại Điều 35 quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp:
“2. Doanh nghiệp bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp bị tách và các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị tách, doanh nghiệp hợp nhất; doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
3. Doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp chuyển đổi có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
4. Việc tổ chức lại doanh nghiệp không làm thay đổi thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp bị tổ chức lại. Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc các doanh nghiệp thành lập mới không nộp thuế đầy đủ theo thời hạn nộp thuế đã quy định thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.”
+ Tại Điều 64 quy định hiệu lực thi hành:
“1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính.”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc sáp nhập thì doanh nghiệp bị chuyển đổi, bị sáp nhập phải có trách nhiệm hoàn thành mọi nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi, sáp nhập theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp bị chuyển đổi, sáp nhập chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp mới thành lập từ việc chuyển đổi, doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Cục Thuế TP. Hà Nội trả lời để Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.