BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7173/BGDĐT-TCCB | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2012 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 5755/VPCP-TH ngày 02/8/2012 của Văn phòng Chính phủ) liên quan đến kiến nghị của cử tri huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2011 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của sở giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng giáo dục và đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 47), Bộ Giáo dục và Đào tạo xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5299/BGDĐT-TCCB ngày 16/8/2012 gửi Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 47. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều công văn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo tham mưu triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Theo báo cáo, đến nay đã có 32/63 UBND cấp tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của sở giáo dục và đào tạo; 31/63 sở giáo dục và đào tạo đã và đang xây dựng đề án trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định. Nhiều tỉnh đã hướng dẫn UBND cấp huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của phòng giáo dục và đào tạo đúng quy định như Đắc Lắc, An Giang...
3. Qua thực tiễn cho thấy:
Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư liên tịch số 47 của liên Bộ (Sóc Trăng, Điện Biên, Bình Dương, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Quảng Ninh, Cà Mau, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Cạn, Kiên Giang, Đắc Nông, Trà Vinh, An Giang, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình...). Nhiều sở giáo dục và đào tạo ở các địa phương nói trên đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương.
Công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Một số địa phương đã chủ động giải quyết kịp thời những phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn theo phân cấp (thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động giải quyết dứt điểm một số phát sinh ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập; ngăn chặn kịp thời một số cơ sở giáo dục đào tạo có yếu tố nước ngoài đào tạo trái phép ở Việt Nam, đảm bảo cơ bản quyền lợi của người học...).
Tuy nhiên, ở một số địa phương việc triển khai thực hiện Nghị định số 115 và Thông tư liên tịch số 47 còn hạn chế, cụ thể: việc bổ nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo; việc quản lý các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn (trừ các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc các Bộ, ngành) chưa đúng quy định. Một số địa phương đến nay vẫn chưa ban hành được quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo.
Những tồn tại trên đây đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo (do văn bản cũ đã hết hiệu lực); làm hạn chế vai trò chủ động của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trong công tác tham mưu và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương.
Nguyên nhân:
- Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định tại Nghị định số 115 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 47 của liên Bộ; chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, còn ôm đồm, bao cấp, làm thay;
- Một số sở giáo dục và đào tạo chưa chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan ở địa phương tham mưu với UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện Nghị định số 115 và Thông tư liên tịch số 47;
- Việc chuẩn bị đội ngũ để thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục ở các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương còn hạn chế. Theo báo cáo của các địa phương, nguyên nhân chính của hạn chế này là do biên chế công chức làm việc ở các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo còn thiếu so với nhiệm vụ được giao.
4. Kế hoạch thực hiện trong thời gian tới
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 115 và Thông tư liên tịch số 47 ở địa phương; chỉ đạo một số địa phương đã triển khai thực hiện nhưng chưa đúng quy định tiếp tục sửa đổi, bổ sung để thực hiện đúng quy định của pháp luật;
- Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo được Chính phủ giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hướng dẫn và yêu cầu các địa phương chưa ban hành các văn bản theo đúng quy định phải triển khai xong trong năm 2012, nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong toàn ngành.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 115 và Thông tư liên tịch số 47 trên địa bàn;
- Cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị đánh giá 02 năm triển khai thực hiện Nghị định số 115 và Thông tư liên tịch số 47 vào Quý II năm 2013.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.