BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6902/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2009 |
Kính gửi: Tổng cục Thuế (Ban chính sách)
Tiếp theo công văn số 5403/TCHQ-KTTT ngày 10/9/2009 của Tổng cục Hải quan gửi Tổng cục Thuế về những nội dung bổ sung, sửa đổi Nghị định 85/2007/NĐ-CP , Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Thực hiện chỉ đạo của Bộ tại Thông báo số 257/TB-BTC ngày 24/9/2009 v/v nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2007/NĐ-CP , Tổng cục Hải quan đã lấy ý kiến tham gia của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó Tổng cục Hải quan hoàn thiện dự thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2007/NĐ-CP xin gửi Tổng cục Thuế tổng hợp báo cáo Bộ (theo bản đính kèm).
2. Tại cuộc họp giao ban quý III của Tổng cục Hải quan, Lãnh đạo Bộ (Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn) có chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu sửa đổi các Nghị định khác có liên quan (như Nghị định quy định về thủ tục hải quan, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, …), đưa các nội dung này vào chung trong Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 85/2007/NĐ-CP. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu tổ chức thực hiện và sẽ chuyển quý Tổng cục sau.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
DỰ THẢO
NỘI DUNG BỔ SUNG, SỬA ĐỔI NĐ 85/2007/NĐ-CP
1. Điều 7 sửa đổi như sau:
“Điều 7. Khai thuế giá trị gia tăng
1. Khai thuế giá trị gia tăng (trừ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) quy định như sau:
a) Khai theo tháng, trừ trường hợp khai theo từng lần phát sinh quy định tại Điểm b Khoản này và khai thuế theo phương pháp khoán quy định tại Điều 18 Nghị định này.
b) Khai theo từng lần phát sinh áp dụng đối với:
- Hàng hóa, dịch vụ do người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh ngoại tỉnh); trường hợp việc khai thuế phát sinh nhiều lần trong một tháng thì người nộp thuế có thể đăng ký với cơ quan quản lý thuế để chuyển sang khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.
c) Khai quyết toán thuế năm đối với trường hợp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng.
2. Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (trừ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu):
a) Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng tháng gồm:
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng;
- Bảng kê hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ;
- Bảng kê hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ.
b) Hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng theo từng lần phát sinh đối với trường hợp kinh doanh ngoại tỉnh là tờ khai thuế giá trị gia tăng.
c) Hồ sơ khai quyết toán thuế giá trị gia tăng là tờ khai quyết toán thuế giá trị gia tăng và các tài liệu khác có liên quan”.
2. Điều 9 sửa đổi như sau:
“Điều 9: Khai thuế tiêu thụ đặc biệt
1. Khai thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) quy định như sau:
Khai thuế theo tháng áp dụng đối với hàng hóa (trừ hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điểm b Khoản này), dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
2. Hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ khai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu):
Hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng gồm:
- Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt tháng;
- Bảng kê hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;
- Bảng kê thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ (nếu có)”.
3. Điều 10 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
1. Việc khai thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (nếu có), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo từng lần phát sinh.
Đối với hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhưng thay đổi Mục đích sử dụng thì người nộp thuế phải thông báo trước với cơ quan hải quan và kê khai, nộp đủ thuế. Thời hạn khai thuế là trong vòng 10 (mười) ngày, kể từ ngày thay đổi Mục đích sử dụng hoặc được phép thay đổi Mục đích sử dụng đối với hàng hóa phải có phép.
2. Hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hồ sơ khai hải quan.
3. Khai bổ sung về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
a) Trường hợp khai bổ sung:
- Khai bổ sung trước khi thông quan hàng hóa: người khai hải quan phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót trước thời Điểm cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa;
- Khai bổ sung sau khi hàng hóa đã thông quan: Người nộp thuế tự phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót ảnh hưởng đến số thuế phải nộp trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.
b) Hồ sơ khai bổ sung bao gồm:
- Văn bản khai bổ sung theo mẫu quy định của Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ lý do, nội dung cần khai bổ sung, loại thuế, số tiền thuế khai bổ sung tăng, giảm so với số đã kê khai và kiến nghị xử lý;
- Tài liệu chứng minh việc khai bổ sung.
c) Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể Điều kiện, nội dung, thủ tục khai bổ sung theo quy định tại Điều này.
4. Trường hợp sau khi hàng hóa đã thông quan, người nộp thuế tự phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót ảnh hưởng đến số thuế phải nộp trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế nhưng ngoài thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan thì thủ tục khai thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều này. Ngoài việc phải khai, nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền phạt chậm nộp (nếu có), người nộp thuế còn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định”.
4. Bổ sung thêm Điều mới như sau:
“Điều … Thời hạn nộp thuế đối với các trường hợp nêu tại Điều 10 Nghị định này:
1. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế; khai để nộp bổ sung tiền thuế thiếu ngoài thời hạn khai bổ sung thì thời hạn nộp thuế được thực hiện theo quy định như đối với số tiền thuế khai báo khi làm thủ tục hải quan.
2. Trường hợp khai thay đổi Mục đích sử dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế sau đó, thời hạn phải nộp số tiền thuế đã được không thu, miễn, xét miễn, tiền phạt (nếu có) là mười ngày kể từ ngày bắt đầu hết thời hạn phải kê khai số tiền thuế phải nộp theo quy định nêu tại Điều 10 Nghị định này.
Trường hợp không có cơ sở để xác định thời Điểm thay đổi Mục đích sử dụng của hàng hóa thì thời hạn phải nộp tiền thuế và xác định tiền phạt chậm nộp tính từ ngày đăng ký tờ khai hải quan lần đầu”.
5. Khoản 1 Điều 15 sửa đổi như sau:
“Điều 15. Khai phí, lệ phí các Khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
1. Khai phí, lệ phí, các Khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước quy định như sau:
a) Khai theo tháng áp dụng đối với các loại phí, lệ phí trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Khai theo từng lần phát sinh áp dụng đối với lệ phí trước bạ;
c) Khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán đến thời Điểm chấm dứt hoạt động đối với các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này.
…”.
6. Khoản 1 Điều 21 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt
1. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt VPHC đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật quản lý thuế đối với các Khoản tiền thuế, tiền phạt đã đến hạn nộp.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh được hiểu là:
- Tiền thuế nợ là số tiền thuế phải nộp cho các lô hàng đã thông quan, được xác định trong khi làm thủ tục hải quan nhưng chưa được nộp đúng thời hạn quy định.
- Tiền thuế truy thu là số tiền thuế do cơ quan hải quan thực hiện ấn định hoặc số tiền thuế phải nộp do người nộp thuế thay đổi Mục đích sử dụng hàng thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế hoặc số tiền thuế phải nộp khác, được xác định sau khi hàng hóa đã thông quan nhưng chưa được nộp đúng thời hạn quy định.
- Tiền thuế phát sinh là số tiền thuế phải nộp của lô hàng đang làm thủ tục hải quan, đến hạn nộp.
…”
7. Điều 22 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22. Xử lý số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa
1. Tiền thuế, tiền phạt được coi là nộp thừa khi:
a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp; trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 111 Luật quản lý thuế;
b) Người nộp thuế có số tiền thuế được hoàn theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và phí xăng dầu.
2. Người nộp thuế có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải quyết số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa theo cách sau:
a) Bù trừ số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau (trừ thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu);
b) Trừ vào số tiền thuế ………
c) Hoàn trả tiền thuế, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền phạt.
4. Bộ Tài chính quy định thủ tục bù trừ tiền thuế, tiền phạt nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều này.”
8. Khoản 2 Điều 28 sửa đổi như sau:
“Điều 28. Thời hạn nộp thuế đối với trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế hoặc ấn định thuế
…
2. Đối với số tiền thuế do cơ quan hải quan ấn định thuế, thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định như đối với số tiền thuế khai báo khi làm thủ tục hải quan”.
9. Bổ sung thêm Điều mới như sau:
“Điều … ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
1. Ấn định thuế là việc cơ quan hải quan thực hiện quyền hạn xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế và tính thuế, thông báo, yêu cầu người nộp thuế phải nộp số tiền thuế do cơ quan hải quan xác định.
2. Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:
a) Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác nội dung liên quan đến thuế, căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác số tiền thuế phải nộp; kê khai không chính xác số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn; kê khai không đúng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế;
b) Người khai thuế từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số thuế phải nộp; không chứng minh được hồ sơ thuế đã nộp, đã khai là đúng hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình hoặc không giải trình được các nội dung liên quan đến thuế theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi kiểm tra thuế;
c) Cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế theo quy định của pháp luật về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Người khai thuế không tự tính được số thuế phải nộp;
e) Đối với hàng hóa đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhưng thay đổi Mục đích sử dụng mà người nộp thuế không thông báo với cơ quan hải quan để kê khai, nộp đủ thuế.
g) Các trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện việc kê khai, tính thuế của người nộp thuế chưa đúng với quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận do cơ quan hải quan ấn định, không giới hạn thời hiệu theo đúng quy định tại Điều 107, 108 và 110 Luật Quản lý thuế.
4. Thẩm quyền ấn định thuế:
a) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
b) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố;
c) Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan.
10. Khoản 2 Điều 30 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 30. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
…
2. Các trường hợp thuộc diện kiểm tra hồ sơ trước khi hoàn thuế:
a) Hoàn thuế theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Người nộp thuế lần đầu đề nghị cơ quan quản lý thuế hoàn thuế. Trường hợp người nộp thuế xuất trình được quyết định hoàn thuế (đã được hoàn thuế) chứng minh không thuộc diện hoàn thuế lần đầu và không thuộc các trường hợp phải kiểm tra trước hoàn sau khác thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ hoàn thuế sang diện hoàn thuế trước kiểm tra sau;
c) Người nộp thuế đã có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế trong thời hạn 2 năm tính từ thời Điểm đề nghị hoàn thuế trở về trước;
d) Người nộp thuế không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng theo quy định;
d) Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;
e) Hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế theo yêu cầu;
g) Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật gồm: ô tô, linh kiện và phụ tùng ô tô; xe môtô (xe máy), linh kiện và phụ tùng xe mô tô (xe máy); xăng dầu, sắt thép; hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng nêu tại Điều 8, Điều 10 Nghị định 12/2006/NĐ-CP.
h) Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định ấn định thuế.
i) Người nộp thuế còn nợ chứng từ thanh toán tại thời Điểm nộp hồ sơ hoàn thuế.
k) Hàng hóa nhập khẩu khác thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
…”
11. Điều 31 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 31. Xác định số thuế được miễn, giảm
1. Người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được miễn, xét miễn, giảm trong hồ sơ khai thuế hoặc hồ sơ miễn, xét miễn, giảm thuế gửi cho cơ quan quản lý thuế, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
xác định kiểm tra và ra quyết định miễn, giảm thuế trong các trường hợp sau đây:
a) Miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế nhà, đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho người nộp thuế bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ không có khả năng nộp thuế theo quy định của pháp luật;
b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã có mức thu nhập bình quân tháng trong năm của mỗi lao động dưới mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức do Nhà nước quy định;
c) Miễn thuế cho hộ gia đình kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo quy định của pháp luật thuế;
d) Miễn thuế tài nguyên đối với sản phẩm rừng tự nhiên do dân cư trên địa bàn xã có rừng được phép khai thác theo quy định của pháp luật thuế tài nguyên;
đ) Các trường hợp thuộc diện xét miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về thuế”.
12. Bổ sung thêm Điều mới như sau:
“Điều …: Xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế.
1. Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế bị xử phạt theo quy định tại Luật quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp hành vi chậm nộp tiền thuế được thực hiện trước 01/7/2007, kéo dài sau 01/7/2007 thì số ngày chậm nộp từ 01/7/2007 trở đi áp dụng mức phạt 0.05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
2. Thời hiệu xử phạt hành vi chậm nộp tiền thuế là năm năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện. Trường hợp chậm nộp tiền thuế quá năm năm thì người nộp thuế không phải nộp tiền phạt chậm nộp tương ứng với số ngày chậm nộp quá năm năm.
3. Người nộp thuế được miễn phạt chậm nộp thuế đối với số tiền thuế đã nộp xong nợ gốc nếu không có khả năng nộp phạt chậm nộp thuế trong các trường hợp sau đây:
a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
b) Do chính sách nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh, phát sinh các Khoản phải nộp, phạt chậm nộp tăng thêm;
c) Gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan khác. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định miễn phạt đối với các trường hợp có các nguyên nhân khách quan khác.”
13. Điều 32 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 32. Xây dựng, ứng dụng quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế.
1. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để phục vụ các yêu cầu:
a) Tiếp nhận, xử lý thông tin từ người nộp thuế; hỗ trợ cung cấp thông tin cho người nộp thuế;
b) Phân tích, đánh giá rủi ro và quản lý việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về thuế;
c) Kết nối, trao đổi thông tin với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan.
2. Thông tin trên hệ thống thông tin về người nộp thuế được thu thập, cập nhật từ các nguồn sau đây:
a) Người nộp thuế;
b) Kết nối, tích hợp thông tin từ các hệ thống cơ sở dữ liệu trong và ngoài ngành Tài chính;
c) Công chức quản lý thuế thu thập, cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đối với từng lĩnh vực;
d) Các nguồn thông tin khác.
3. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế như sau:
a) Xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật, truyền nhận, trao đổi và cung cấp thông tin về người nộp thuế;
b) Ban hành quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin về người nộp thuế”.
14. Sửa đổi Khoản 6, bổ sung Khoản 7 vào Điều 33 như sau:
“Điều 33. Trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước.
…
6. Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về chính sách quản lý đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa của Việt Nam và nước ngoài, các thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
7. Các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế xây dựng cơ chế cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế hoặc cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.”
15. Khoản 1 Điều 34 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 34. Trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan.
1. Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế:
a) Hồ sơ, thông tin giao dịch qua tài Khoản ngân hàng của người nộp thuế; thông tin về số tiền bảo lãnh cho người nộp thuế của ngân hàng;
b) Hồ sơ, chứng từ, số tài Khoản thanh toán, bản sao sổ kế toán chi tiết tài Khoản thanh toán, bản sao bộ chứng từ thanh toán quốc tế, bộ chứng từ thanh toán nội địa, thanh toán qua biên mậu qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân.
c) Các thông tin khác phục vụ cho hoạt động thu nhập xử lý thông tin, kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan quản lý thuế.
d) Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế cung cấp thông tin về người nộp thuế và tổ chức thực hiện theo cơ chế đó.
…”
16. Khoản 2 Điều 42 sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 42. Quyền khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế, tổ chức, cá nhân
2. Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý thuế được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý thuế. Quyết định hành chính của cơ quan quản lý thuế bao gồm:
a) Quyết định ấn định thuế; thông báo nộp thuế;
b) Quyết định miễn thuế, giảm thuế;
c) Quyết định hoàn thuế; quyết định không thu thuế;
d) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế;
đ) Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
e) Các quyết định hành chính thuế khác theo quy định của pháp luật.
…”
17. Bổ sung thêm Điều mới như sau:
“Điều … Đồng tiền nộp thuế
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được nộp bằng đồng Việt Nam. Trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ thì đối tượng nộp thuế phải nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Việc quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam được tính theo tỷ lệ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời Điểm tính thuế”.
18. Bổ sung Khoản 3 vào Điều 47 như sau:
“Điều 47. Hiệu lực thi hành.
1…
2…
3. Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu lực áp dụng cho các tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan bắt đầu từ 01/7/2007”.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.