TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 664/HQHCM-GSQL | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 03 năm 2012 |
Kính gửi: Các Đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh
Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BTC ngày 03/01/2012 của Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư 01) hướng dẫn thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm dịch;
Ngày 22/02/2012, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo triển khai Thông tư. Căn cứ quy định hiện hành và ý kiến vướng mắc của các Đơn vị;
Căn cứ ý kiến của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, Cục Hải quan TP.HCM tạm thời thống nhất thực hiện 1 số nội dung sau:
1. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Bưu Điện và Chi cục Hải quan SB QT Tân Sơn Nhất (nói riêng) và các Chi cục Hải quan cửa khẩu khác (nói chung):
1.1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình PMD có số lượng ít, trị giá thấp, nếu cơ quan kiểm tra chuyên ngành làm việc ngay tại cửa khẩu, đề nghị Chi cục phối hợp với cơ quan kiểm dịch thú y sau khi kiểm tra tiếp tục đóng dấu trực tiếp lên tờ khai Hải quan “hàng hóa đã kiểm dịch và kiểm tra ATTP”.
Riêng kiểm dịch thực vật: căn cứ ý kiến của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng II, đề nghị các Chi cục thực hiện theo đúng Thông tư số 01/2012/TT-BTC .
Giao Phòng Giám sát quản lý có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét, chỉ đạo nội dung này.
1.2. Đối với hàng hóa khác thuộc đối tượng kiểm dịch đề nghị các đơn vị chuyển cho cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm tra.
1.3. Đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật đã chín hoặc đã qua chế biến công nghiệp có trọng lượng dưới 5kg cơ quan kiểm dịch kiểm tra bằng cảm quan và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ngay. Trong trường hợp có nghi ngờ sẽ lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y.
Đối với hàng nhập khẩu vượt quá trọng lượng quy định đề nghị các đơn vị hướng dẫn người nhập khẩu đăng ký kiểm tra tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan kiểm dịch sẽ phối hợp với cơ quan hải quan tiến hành lấy mẫu thực hiện việc kiểm tra.
1.4. Riêng đối với mặt hàng tươi sống, hoặc đã qua sơ chế thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Cơ quan Hải quan thống nhất với cơ quan kiểm dịch như sau: cơ quan Hải quan phối hợp hỗ trợ nhắc nhở khách hàng không được nhập khẩu những loại hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa được đem về Việt Nam thì cơ quan Hải quan sẽ tiến hành lập biên bản và tịch thu sau đó phối hợp xử lý cùng cơ quan kiểm dịch.
2. Hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm dịch nhập khẩu từ nước ngoài đưa vào Kho Ngoại quan vẫn phải đăng ký kiểm dịch tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành.
3. Chi cục Hải quan cửa khẩu kiểm tra hộ Chi cục ngoài cửa khẩu hoặc Chi cục trực thuộc Cục Hải quan Địa phương khác:
3.1. Đối với Chi cục Hải quan quản lý hàng Đầu tư và Chi cục Hải quan quản lý hàng Gia công trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM: có trách nhiệm cử công chức trực tiếp kiểm tra, theo dõi và thông quan hàng hóa theo Thông tư 01.
3.2. Đối với Cục Hải quan địa phương khác nhờ kiểm tra hộ thì Chi cục Hải quan cửa khẩu phối hợp với cơ quan kiểm dịch lấy mẫu kiểm tra và thực hiện theo Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-BTC .
4. Trường hợp Nghị định số 02/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ kiểm dịch khi Hợp đồng mua bán hoặc điều ước Quốc tế có quy định hoặc theo yêu cầu của chủ vật thể:
4.1. Cơ quan kiểm dịch có Thông báo đề nghị với Doanh nghiệp: đối với hàng hóa thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 02/2007/NĐ-CP , các Chi cục hướng dẫn Doanh nghiệp liên hệ với cơ quan kiểm dịch để cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc Giấy miễn kiểm dịch.
4.2. Trường hợp doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trước rồi mới đăng ký tờ khai với Cơ quan hải quan thì Cơ quan hải quan căn cứ kết quả kiểm dịch để thông quan hàng hóa.
4.3. Đối với tàu nhập cảnh: khi cơ quan kiểm dịch thông báo tàu có mang mầm dịch bệnh, không được phép nhập khẩu thì Chi cục căn cứ thông báo của cơ quan kiểm dịch (cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành) không làm thủ tục nhập cảnh mà buộc phải tái xuất. Trường hợp này mặc dù chưa có quy định cụ thể nhưng để đảm bảo an toàn và lợi ích quốc gia thì bắt buộc tàu phải quay trở ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Giao Phòng Giám sát quản lý có công văn báo cáo Tổng cục Hải quan nội dung này.
4.4. Đối với nguồn hàng có nguy cơ lây nhiễm cao và đã được xử lý từ nước nhập khẩu theo quy trình cụ thể do cơ quan chức năng quy định:
Cơ quan Hải quan căn cứ quyết định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ban hành (để tại cửa khẩu, đưa về kho riêng, đưa vào khu vực cách ly,...).
5. Hàng tham dự hội chợ, triển lãm:
Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, Chi cục hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký và thực hiện việc kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa hàng hóa vào tham gia Hội chợ, triển lãm. Sau Hội chợ, triển lãm nếu Thương nhân để lại tiêu thụ nội địa, không cần phải yêu cầu kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm.
6. Thông tư 01/2012/TT-BTC quy định trước 5 ngày của ngày hết hạn nộp giấy chứng nhận kiểm dịch, hải quan có văn bản thông báo chủ hàng đến nộp giấy chứng nhận để hoàn thành việc thông quan hàng hóa:
Hiện nay Cơ quan Thú y vùng VI và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành phối hợp rất tốt với Cơ quan hải quan trong việc gửi thông báo kết quả kiểm dịch trong thời gian nhanh nhất, vì vậy rất ít trường hợp phải theo dõi do đó đề nghị các Chi cục vẫn thực hiện theo đúng Thông tư 01/2012/TT-BTC .
Giao cho Phòng Giám sát quản lý:
- Cung cấp số điện thoại liên lạc của Lãnh đạo các Chi cục đến các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, đồng thời cung cấp số điện thoại liên lạc của cơ quan kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi công tác phối hợp.
- Tham mưu Cục báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét, không quy định cho Chi cục phải thông báo cho Doanh nghiệp trước 5 ngày.
7. Những trường hợp cơ quan kiểm tra chuyên ngành chưa phát hành được Giấy chứng nhận kiểm dịch mà chỉ phát hành Giấy chứng nhận tạm thời trong đó có quy định địa điểm mang hàng hóa về bảo quản:
Giao Chi cục xem xét cho tạm giải tỏa mang hàng về kho bảo quản nếu đáp ứng đủ điều kiện của cơ quan kiểm tra chuyên ngành và chưa lần nào vi phạm về lĩnh vực kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm dịch.
8. Thông tư số 13/2011/BNNPTNT ngày 16/3/2011 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quy định kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật, trong đó mặt hàng ngô (bắp) hạt:
Mặt hàng nhập khẩu theo khai báo là Ngô (bắp) - mã số HS 100590 thuộc đối tượng vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả các lô hàng Doanh nghiệp khai báo là ngô dùng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc hoặc dùng vào mục đích khác.
9. Thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập tái xuất:
- Đối với các lô hàng tạm nhập là động vật và sản phẩm từ động vật thì phải có công văn đồng ý để làm thủ tục kiểm dịch của Cục Thú y trong đó có quy định thời hạn phải tái xuất. Giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ được cấp trong ngày sau khi kiểm tra, hàng hóa phải được tái xuất theo đúng thời gian quy định.
- Đối với hàng tái xuất ngay tại cửa khẩu: cơ quan kiểm dịch kiểm tra về giấy tờ, hồ sơ; nếu có nghi ngờ về chất lượng thì phối hợp với Cơ quan Hải quan lấy mẫu kiểm tra.
- Đối với hàng tạm nhập “đã qua kiểm dịch” nhưng khi đưa đến cửa khẩu xuất nếu Chi cục có nghi ngờ về chất lượng thì Chi cục thông báo đến cơ quan kiểm dịch. Cơ quan kiểm dịch phối hợp với hải quan kiểm tra, hun trùng lại.
10. Lấy mẫu Kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm:
- Trường hợp cơ quan kiểm dịch quyết định kiểm tra tại kho của Doanh nghiệp: cơ quan hải quan kiểm tra tại cửa khẩu sau đó ký tạm giải tỏa chờ doanh nghiệp xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu để kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm đề nghị cơ quan kiểm dịch lấy mẫu ngay tại cửa khẩu. Nếu vì khó khăn khi lấy mẫu tại cửa khẩu, đề nghị cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải thông báo cho cơ quan hải quan để phối hợp chứng kiến việc lấy mẫu.
11. Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Chi cục Hải quan CK SB QT Tân Sơn Nhất tổng hợp những vướng mắc mang tính đặc thù. Nếu cần thiết phải thống nhất với cơ quan kiểm tra chuyên ngành (Trạm kiểm dịch động vật Tân Sơn Nhất và cơ quan chuyên ngành khác), đề nghị có tờ trình báo cáo Lãnh đạo Cục (thông qua Phòng Giám sát quản lý) tổ chức cuộc họp để thống nhất phối hợp thực hiện với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Đề nghị Chi cục thực hiện trong tháng 03/2012.
Công văn này thay thế công văn số 360/HQHCM-GSQL và 361/HQHCM-GSQL ngày 06/3/2012 của Cục Hải quan TP.HCM.
Trên đây là một số nội dung kết luận của Cục Hải quan TP.HCM. Đề nghị các Đơn vị nghiên cứu, thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị có văn bản báo cáo Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.