BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6599/TCHQ-PC | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2009 |
Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan
Ngày 1/10/2009 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 193/2009/TT-BTC quy định chi tiết thi hành Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/2/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP , có kèm theo phụ lục các mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2009.
Để việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư kịp thời, đầy đủ, đúng theo quy định; trong thời gian chờ Thông tư có hiệu lực thi hành, chờ Tổng cục ban hành Quyết định ban hành Bản hướng dẫn về trình tự xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan và bản hướng dẫn sử dụng mẫu biên bản và quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong ngành Hải quan; Tổng cục Hải quan yêu cầu:
1. Các đơn vị tổ chức cho toàn bộ cán bộ, công chức trong đơn vị nghiên cứu kỹ và triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 193/2009/TT-BTC khi Thông tư có hiệu lực thi hành.
2. Công khai, tuyên truyền, phổ biến về nội dung Thông tư 193/2009/TT-BTC cho người khai hải quan, người nộp thuế biết, thực hiện.
3. Trong quá trình thực hiện, ngoài những nội dung mà Thông tư 193/2009/TT-BTC kế thừa Thông tư 62/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007, đề nghị lưu ý một số nội dung mới chủ yếu của Thông tư 193/2009/TT-BTC (có tài liệu đính kèm công văn).
4. Về việc in và cấp phát các mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan tạm thời hướng dẫn như sau:
- Tất cả các mẫu từ BB-HC2 đến TB54: các đơn vị trong ngành Hải quan tự in từ máy vi tính để sử dụng;
- Mẫu biên bản vi phạm hành chính (BB-HC1) là mẫu có số seri, Tổng cục Hải quan sẽ in và cấp phát cho các đơn vị hải quan địa phương để thống nhất số seri trong toàn quốc. Các đơn vị tiếp tục sử dụng mẫu biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm theo Thông tư số 62/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 đã được cấp phát cho đến khi nhận được mẫu mới.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục (qua Vụ Pháp chế) để nghiên cứu, trình Bộ giải quyết.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA THÔNG TƯ 193/2009/TT-BTC
(đính kèm theo công văn số 6599/TCHQ-PC ngày 03 tháng 11 năm 2009)
I. Chương 1.
1. Mục 1 – Những quy định chung:
- Việc áp dụng nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Khi ra quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Điều 6 Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008, Điều 3, Điều 4 Nghị định 97/2007/NĐ-CP và một số quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Thông tư. (khoản 2 Điều 3 Thông tư)
- Hành vi vi phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định bao gồm các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 9 và khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định (điểm c khoản 4 Điều 4 Thông tư);
- Việc khai bổ sung hồ sơ hải quan theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định được áp dụng đối với các trường hợp nêu tại điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 3 Điều 4 Thông tư).
- Việc khai sai mã số, thuế suất được coi là lần đầu khi đáp ứng các điều kiện sau (Khoản 5 Điều 4 Thông tư)
+ Trong thời hạn một năm (tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan xuất, nhập khẩu lô hàng khai mã số, thuế suất) cá nhân, tổ chức chưa xuất, nhập khẩu mặt hàng đó; hoặc đã xuất, nhập khẩu mặt hàng đó nhưng khai mã số, thuế suất chưa đúng và chưa được phát hiện;
+ Chưa được cơ quan Hải quan hướng dẫn khai mã số, thuế suất mặt hàng này hoặc đã hướng dẫn nhưng chưa đúng.
- Việc định giá tang vật vi phạm (Điều 5 Thông tư)
+ Đối với tang vật, phương tiện không bị tịch thu thì trị giá tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá hải quan, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở thời điểm lập biên bản vi phạm, nếu là ngoại hối thì tỷ giá được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra hải quan, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
+ Đối với hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu thì tùy theo từng loại hàng hóa, tang vật cụ thể, việc xác định trị giá căn cứ vào các yếu tố nêu tại khoản 2 Điều 36a Nghị định và Điều 34 Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ.
+ Các tài liệu liên quan đến việc định giá phải được thể hiện trong hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính có thực hiện việc định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm.
- Xử lý hàng hóa, phương tiện vi phạm không bị áp dụng hình thức phạt tịch thu (Điều 6 Thông tư):
+ Hàng hóa tạm giữ mà không bị tịch thu thì người ra quyết định tạm giữ ra quyết định trả lại.
+ Hàng hóa trả lại được làm thủ tục hải quan theo quy định; nếu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuê khác có liên quan thì phải nộp thuế theo quy định.
2. Mục 2 – Áp dụng các hình thức và mức xử phạt
a) Vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan, nộp hồ sơ thuế (Điều 8 Thông tư) có một số nội dung mới như:
- Hướng dẫn trường hợp người khai hải quan đề nghị điều chỉnh định mức tiêu hao đối với nguyên liệu gia công hàng hóa để xuất khẩu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu sau khi sản phẩm đã xuất khẩu: nếu được cơ quan Hải quan chấp nhận việc điều chỉnh định mức thì xử phạt theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định.
- Hướng dẫn việc áp dụng Biện pháp “buộc tái xuất hàng hóa” quy định tại điểm a khoản 5 Điều 8 Nghị định: chỉ áp dụng đối với hành vi “Không tái xuất hàng hóa đúng thời hạn quy định hoặc thời gian đã đăng ký với cơ quan hải quan” quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định.
- Trường hợp hành vi vi phạm: “Không tái xuất phương tiện vận tải đúng thời hạn quy định” quy định tại điểm e khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định” được phát hiện khi cá nhân, tổ chức đang làm thủ tục tái xuất phương tiện vi phạm thì không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tái xuất”; trong quyết định xử phạt chỉ ghi hình thức phạt chính, cơ quan hải quan hoàn tất thủ tục tái xuất cho phương tiện sau khi quyết định xử phạt đã được thực hiện.
b) Vi phạm quy định về khai hải quan và khai thuế (Điều 9 Thông tư)
- Hàng hóa tạm nhập, tạm xuất không đúng với khai hải quan thuộc diện miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định; trường hợp không thuộc diện miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 9 hoặc khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định.
c) Vi phạm quy định về giám sát hải quan (Điều 11 Thông tư)
Thông tư hướng dẫn cụ thể quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định như sau: “Vi phạm quy định về di chuyển phương tiện vận tải chở hàng hóa quá cảnh, chuyển cảng, chuyển khẩu, chuyển cửa khẩu không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu, thời gian quy định hoặc đăng ký trong hồ sơ hải quan mà không giải trình hoặc giải trình không được Lãnh đạo Chi cục Hải quan chấp nhận thì bị xử phạt thep quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định”.
d) Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 14 Nghị định (Điều 12 Thông tư):
- Số thuế chênh lệch đối với hành vi khai thiếu thuế, trốn thuế, gian lận thuế được xác định trên cơ sở: kê khai của người nộp thuế và quyết định ấn định thuế của người có thẩm quyền.
đ) Đối với vi phạm liên quan đến giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 13 Thông tư)
“Giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật nêu tại Điều 16 Nghị định là giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP và các Nghị định khác của Chính phủ có quy định về giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” (khoản 1 Điều 13 Thông tư).
- Vi phạm liên quan đến giấy phép nhập khẩu, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu mà hàng hóa thuộc diện hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, hàng viện trợ nhân đạo, hàng quà biếu, tài sản di chuyển, hàng hóa của người xuất cảnh, nhập cảnh, hàng quá cảnh, chuyển khẩu; hàng tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập thì tùy theo từng hành vi vi phạm mà bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định; các trường hợp khác thì xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định (khoản 5 Điều 13 Thông tư).
- Đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3; điểm a, b, h khoản 4; điểm a khoản 6 Điều 16 Nghị định mà cơ quan quản lý chuyên ngành yêu cầu đưa hàng hóa vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất thì không áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành (khoản 6 Điều 13 Thông tư).
- Đối với hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu quy định tại khoản 2; điểm a, b khoản 3; điểm d, e khoản 4 Điều 16 Nghị định nhưng trước thời điểm ra quyết định xử phạt đã có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền thì không áp dụng hình thức phạt bổ sung buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp đã ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi Việt Nam” nhưng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà cơ quan quản lý chuyên ngành cho phép nhập khẩu và hàng hóa chưa đưa ra khỏi Việt Nam thì được phép nhập khẩu (khoản 7 Điều 13 Thông tư).
3. Mục 3 – Thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính
Việc tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Điều 17 Thông tư) được bổ sung như sau:
- Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của nhân viên Hải quan được quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo thủ trưởng của mình là một trong những người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định và được sự đồng ý bằng văn bản của người đó; trong trường hợp không được sự đồng ý của họ thì người đã ra quyết định tạm giữ phải hủy ngay quyết định tạm giữ và trả lại vật, tiền, hàng hóa, phương tiện đã bị tạm giữ.
4. Mục 4 – Thẩm quyền xử phạt
a) Thẩm quyền xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa chuyển cửa khẩu được phân định như sau (khoản 4 Điều 21 Thông tư).
- Vi phạm liên quan đến hàng hóa chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan cửa khẩu phát hiện, nếu có dấu hiệu hình sự thì Chi cục Hải quan cửa khẩu yêu cầu Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự;
- Hàng chuyển cửa khẩu có vi phạm hành chính thì Chi cục Hải quan cửa khẩu chuyển hồ sơ để Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai xử phạt theo thẩm quyền. Nếu tang vật vi phạm là hàng cấm nhập khẩu, chất thải nguy hại, lây lan dịch bệnh được phát hiện tại cửa khẩu thì Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai chuyển hồ sơ để Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện việc xử phạt theo thẩm quyền;
- Trong thời hạn 5 ngày kề từ ngày ra quyết định xử lý, đơn vị chủ trì xử lý phải thông báo kết quả xử lý cho đơn vị hải quan liên quan biết.
b) Về ủy quyền xử lý vi phạm hành chính (Điều 22 Thông tư):
Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các chức danh quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 28 Nghị định chỉ được thực hiện đối với cấp phó. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Trong văn bản ủy quyền cần thể hiện rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền. Đối với quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.
Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cấp trưởng về việc xử lý vi phạm hành chính của mình và không được ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.
5. Mục 5 – Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính
a) Việc nộp tiền phạt nhiều lần được quy định:
“Việc nộp tiền phạt nhiều lần thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ.
Cơ quan hải quan nơi xem xét quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần căn cứ lãi suất không kỳ hạn của một trong các ngân hàng thương mại nhà nước đóng trên cùng địa bàn để tính lãi suất cho số tiền chưa nộp phạt.
Lãi suất không kỳ hạn được tính cố định tại thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực” (Điều 24 Thông tư).
b) Việc quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính (Điều 25 Thông tư).
Toàn bộ tiền phạt thu được phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành. Sau khi hết thời hạn khiếu nại hoặc khiếu nại đã giải quyết xong, căn cứ kết quả xử lý, cơ quan hải quan chuyển số tiền trên từ tài khoản tạm giữ vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đối với nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Bộ Tài chính”.
c) Việc tính lại thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định được hướng dẫn thực hiện như sau (Điều 27 Thông tư):
- Nếu vụ việc vi phạm đã được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước khi chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày được tính lại thời hạn ra quyết định xử phạt; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày và không được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt.
- Nếu vụ việc vi phạm mà trước khi chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự người có thẩm quyền xử phạt chưa xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì thời hạn ra quyết định xử phạt được tính lại theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và được gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật”.
d) Theo dõi việc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tái xuất hàng hóa vi phạm (Điều 28 Thông tư) được hướng dẫn như sau:
“Hàng hóa vi phạm bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc tái xuất phải được giám sát chặt chẽ từ nơi lưu giữ hàng vi phạm đến cửa khẩu tái xuất. Kết quả giám sát phải được ghi nhận và lưu hồ sơ vụ việc”.
đ) Việc xử lý tang vật vi phạm bị tịch thu (Điều 29 Thông tư) được hướng dẫn:
- Việc xử lý tang vật vi phạm bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 35 Nghị định 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ.
- Trường hợp tang vật vi phạm do Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan), Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan đóng trên địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định tịch thu thì bàn giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá.
- Trường hợp tang vật vi phạm do Chi cục trưởng Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan (trừ trường hợp nêu trên); Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan ra quyết định tịch thu thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc nơi cơ quan của người ra quyết định tịch thu đóng trụ trở thành lập Hội đồng bán đấu giá để bán đấu giá tang vật vi phạm.
Thành phần Hội đồng bán đấu giá gồm lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Chủ tịch Hội đồng, lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm Phó Chủ tịch Hội đồng và tùy theo tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, người có thẩm quyền thành phần Hội đồng ra quyết định mời các thành viên khác tham gia Hội đồng”.
II. Chương II – Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
Các nội dung mới gồm có:
- Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế (Điều 37 Thông tư):
Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm phối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế.
- Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế (Điều 38 Thông tư):
“Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Riêng đối với quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định”.
- Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá (khoản 11 Điều 41 Thông tư):
Việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản kê biên được quy định: “Giá khởi điểm để bán đấu giá các tài sản là giá trị tài sản được định giá khi kê biên tài sản theo hướng dẫn tại khoản 10 Điều này”;
Bên cạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung như trên, Thông tư 193/2009/TT-BTC đã loại bỏ một số nội dung hiện đã được quy định cụ thể tại các văn bản khác như: xử lý vi phạm đối với cơ quan hải quan, công chức hải quan (đã được quy định tại Thông tư 49/2008/TT-BTC ngày 12/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế, người khai hải quan do hành vi vi phạm của công chức, cán bộ hải quan trong khi thi hành công vụ gây ra); khiếu nại, tố cáo (nội dung này đã được quy định cụ thể tại Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.