THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 657/TTg-QHQT | Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2008 |
Kính gửi: Chủ tịch nước
Thủ tướng Chính phủ xin báo cáo Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc Việt Nam gia nhập Công ước 144 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về "Tham khảo ba bên", như sau:
1. Nội dung cơ bản của Công ước 144
Công ước số 144 được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1976 tại Giơnevơ. Công ước gồm có 14 điều, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Quy định nghĩa vụ của các nước thành viên tham gia bao gồm: Cam kết tiến hành các thủ tục và trình tự đảm bảo tham khảo ý kiến giữa các đại diện của chính phủ, của người sử dụng lao động và của người lao động về các vấn đề thuộc hoạt động của Tổ chức Lao động quốc tế (Điểm 1, Điều 2), ít nhất mỗi năm một lần (điểm 2, Điều 5); việc tham khảo ý kiến phải thực hiện trước khi Chính phủ quyết định.
- Quy định các nội dung phải tham khảo ba bên: ý kiến trả lời của Chính phủ đối với các phiếu hỏi của ILO về Chương trình nghị sự của Hội nghị ILO hàng năm; ý kiến bình luận của Chính phủ đối với các dự thảo văn bản mà Hội nghị thảo luận; tống đạt các Công ước và Khuyến nghị của ILO lên các nhà chức trách có thẩm quyền theo Điều 19 của Điều lệ ILO; báo cáo hàng năm của Chính phủ gửi ILO về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các Công ước đã phê chuẩn, theo quy định tại Điều 22 của Điều lệ ILO.
Ngoài ra, Công ước còn quy định một số vấn đề khác như: các nội dung có thể tham khảo ba bên; bản chất của tham khảo ba bên; mục tiêu và các hình thức tham khảo ba bên.
Hiện nay đã có 122 nước trên tổng số 181 quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước số 144, trong đó có 3 nước ASEAN (Philipines năm 1992, Malaysia năm 2002 và Indonesia năm 1990). Trung Quốc cũng đã gia nhập Công ước này vào ngày 2/11/1990.
2. Những thuận lợi, khó khăn khi gia nhập Công ước 144
Việc gia nhập Công ước 144 không làm phát sinh nghĩa vụ đóng góp tài chính. Gia nhập Công ước ta có những thuận lợi và khó khăn cơ bản sau:
Thuận lợi:
- Những quy định của Hiến pháp và pháp luật lao động hiện hành của nước ta về cơ bản phù hợp với các quy định của Công ước 144.
- Việc gia nhập Công ước 144 phù hợp với Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc của ILO năm 1998 mà Việt Nam đã ký tham gia, trong đó khuyến khích và tạo điều kiện để các nước thành viên gia nhập các Công ước cơ bản và các Công ước ưu tiên của Tổ chức này.
- Việc gia nhập Công ước 144 không đặt ra yêu cầu phải sửa đổi ngay lập tức các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mà chỉ cần bổ sung một số điểm nhỏ trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động trong thời gian tới.
Khó khăn:
- Trên thực tế, mặc dù việc tham khảo ý kiến ba bên ở nước ta đã được quy định và thực hiện, nhưng nhận thức của các bên liên quan về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế, cơ chế tham khảo ý kiến vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả tham khảo ý kiến chưa đạt như mong muốn. Tuy nhiên, đây là những khó khăn không thuộc về bản chất và dần dần sẽ được khắc phục.
3. Sự cần thiết gia nhập Công ước
Hiện nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc nước ta gia nhập Công ước trên là rất cần thiết và phù hợp với quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật nước ta nhằm áp dụng các biện pháp đảm bảo sự tham khảo ý kiến hữu hiệu giữa các đại diện của Chính phủ, của người sử dụng lao động và của người lao động về các vấn đề liên quan đến hoạt động của ILO. Việc tham khảo ý kiến ba bên góp phần nâng cao chất lượng văn bản pháp luật về lĩnh vực lao động và tạo sự đồng thuận trong quá trình thực thi pháp luật lao động và đồng thuận xã hội.
Gia nhập Công ước 144 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các cam kết của WTO và các Hiệp định thương mại song phương như Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ. Đối với các nhà đầu tư nói chung (cả trong và ngoài nước) việc gia nhập Công ước 144 là căn cứ pháp lý quốc tế khẳng định quyền được tham gia ý kiến của giới lao động và giới sử dụng lao động vào việc đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của Chính phủ. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, thông qua việc gia nhập Công ước 144, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự đánh giá cao hơn về tính kiên định và tính dân chủ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và sẽ yên tâm hơn khi đầu tư ở Việt Nam.
Gia nhập Công ước 144 còn khẳng định bản chất dân chủ của nhà nước và xã hội Việt Nam, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một thể chế dân chủ dựa trên sự đối thoại, sự tham vấn giữa công quyền và các đối tác xã hội. Gia nhập Công ước 144 còn tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho giới lao động và giới sử dụng lao động có cơ hội bàn bạc, thảo luận, qua đó thực hiện tốt hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Xét đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và ý kiến của các cơ quan: Ban Đối ngoại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc Việt Nam gia nhập Công ước 144 về "Tham khảo ba bên" nêu trên.
Theo quy định của Công ước 144 và quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, việc gia nhập Công ước trên thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch nước.
Thủ tướng Chính phủ trân trọng trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.