BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6548/BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2018 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.
Ngày 06/3/2018, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2082/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về cơ chế quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cá nóc để xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu cá nóc, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Đề án và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án. Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về việc lập, thẩm định, phê duyệt và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án khai thác, thu mua chế biến xuất khẩu cá nóc theo các nội dung tại phụ lục kèm theo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo để UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương biết, thực hiện khi có nhu cầu và thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi phê duyệt Đề án./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KHAI THÁC, THU MUA CHẾ BIẾN XUẤT KHẨU CÁ NÓC
(Ban hành kèm theo Công văn số: 6548/BNN-QLCL ngày 23 tháng 8 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. VỀ LẬP ĐỀ ÁN:
Doanh nghiệp có nhu cầu thu mua chế biến, xuất khẩu cá nóc cần chủ động đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng Đề án trình UBND tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt.
Do cá nóc là sản phẩm đặc thù cần kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn thực phẩm nên Đề án ngoài các nội dung theo các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng, phê duyệt Đề án cần thể hiện rõ một số nội dung đặc thù cụ thể như sau:
1. Thuyết minh sự cần thiết của Đề án: nêu rõ tính cần thiết về việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu Đề án: nêu rõ mục tiêu cụ thể của Đề án và chỉ tiêu về sản lượng khai thác, sản xuất, xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu; xác định thị trường mục tiêu và đánh giá cụ thể nhu cầu của thị trường.
3. Phạm vi Đề án: tổ chức khai thác, thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến cá nóc chỉ sử dụng mục đích xuất khẩu, không được phép đưa ra tiêu thụ tại thị trường nội địa.
4. Nhiệm vụ và các giải pháp: cần đảm bảo các nội dung:
a) Về tổ chức quản lý:
- Thành lập Ban chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện Đề án của địa phương, trong đó một Lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng ban; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh - Phó Ban thường trực. Trường hợp lập tổ công tác liên ngành thì do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm tổ trưởng;
- UBND tỉnh ban hành quy chế triển khai Đề án thực hiện phân công rõ các đơn vị liên quan;
- Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá nóc trên địa bàn tỉnh cần có các phương án cụ thể, cam kết bao tiêu toàn bộ lượng cá nóc do ngư dân khai thác với giá cả hợp lý, có phương án xử lý, tiêu hủy các phụ phẩm cá nóc nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
b) Về tuyên truyền, đào tạo tập huấn:
- Đối với người dân: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi người dân trên địa bàn về cách nhận biết cá nóc độc và không độc; tuyệt đối không được phơi khô cá nóc lẫn cá thường, không dùng cá nóc làm nguyên liệu ruốc, nước mắm, chả cá để bán và sử dụng, không chế biến, ăn cá nóc; tuân thủ các quy định hiện hành về ngăn chặn ngộ độc cá nóc.
- Đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá nóc: Xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức đào tạo đội ngũ người lao động trực tiếp đánh bắt, dịch vụ hậu cần thu gom và chế biến cá nóc xuất khẩu về các kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là cách phân loại, nhận biết cá nóc độc và không độc, cá nóc không bảo đảm an toàn thực phẩm để chế biến, xuất khẩu.
c) Về quản lý khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá nóc
- Tổ chức khai thác cá nóc: Điều kiện bắt buộc với các tàu cá như sau:
+ Tàu cá phải được cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp mã số tham gia chuỗi cá nóc xuất khẩu.
+ Tàu cá (chủ tàu và người lao động) phải là những đối tượng đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản cá nóc trên tàu.
+ Tàu cá khai thác cá nóc chỉ được cập cảng để bốc dỡ cá nóc tại các cảng cá, bến cá đã được Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh chỉ định và thông báo trước về thời gian dự kiến cập cảng để cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, cấp giấy xác nhận cho từng lô cá nóc (bao gồm các thông tin về tên chủ tàu, mã số tàu, ngày giờ cập cảng/bến đậu, chủng loại và khối lượng cá nóc khai thác, tình trạng bảo quản).
- Tổ chức hoạt động thu mua cá nóc:
+ Cơ sở thu mua phải được cơ quan chuyên môn do Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp mã số.
+ Cơ sở thu mua (chủ cơ sở và người lao động) phải là những đối tượng đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật nhận biết, phân loại cá nóc, phương pháp bảo quản, vận chuyển cá nóc đến nhà máy chế biến.
+ Chủ cơ sở thu mua cá nóc, nhà máy chế biến cá nóc xuất khẩu chỉ được phép thu gom những lô nguyên liệu cá nóc có giấy xác nhận nguồn gốc do cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT cấp.
+ Cơ sở thu mua phải có phương án cụ thể về việc xử lý, tiêu hủy đối với các loại cá nóc độc, không đủ tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu, tránh tình trạng cá nóc thất thoát ra bên ngoài, sử dụng sai mục đích gây nguy hiểm tính mạng con người.
- Tổ chức chế biến và xuất khẩu:
+ Cơ sở chế biến cá nóc xuất khẩu do các tỉnh chọn tham gia Đề án phải được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu và phải có tên trong danh sách các cơ sở được phép chế biến xuất khẩu thủy sản sang các thị trường.
+ Tất cả các lô cá nóc thành phẩm đều phải được chế biến từ các lô nguyên liệu có giấy xác nhận xuất xứ do cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT cấp.
+ Mỗi lô hàng cá nóc xuất khẩu phải được đăng ký, kiểm tra chứng nhận theo đúng quy định của Việt Nam và thị trường xuất khẩu. Việc lấy mẫu, phân tích độc tố Tetrodotoxin là bắt buộc đối với từng lô sản phẩm cá nóc trước khi xuất khẩu.
+ Thực hiện xử lý phế liệu, phế thải trong quá trình chế biến cá nóc, đảm bảo không độc hại đến người và môi trường xung quanh.
d) Giải pháp về thị trường
Doanh nghiệp tham gia đề án xuất khẩu cá nóc của Việt Nam được chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu tại các thị trường, phải xác định rõ nhu cầu nhập khẩu của thị trường đối với mặt hàng này (sản lượng, chủng loại, kích cỡ, giá cả, ...). Giữa đối tác nhập khẩu và Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phía Việt Nam cần có Hợp đồng nguyên tắc trong đó có cam kết trách nhiệm chia sẻ lợi ích và rủi ro với các doanh nghiệp Việt Nam.
5. Đánh giá hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội: các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội để có cơ sở đánh giá khi kết thúc Đề án
6. Thời gian thực hiện.
7. Chế độ báo cáo: Các UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và PTNT hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
II. THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN
UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định và phê duyệt Đề án (Quyết định phê duyệt đồng gửi cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế)
III. CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Ban Chỉ đạo/tổ công tác của tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong Đề án./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.