BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 638/BTP-PBGDPL | Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2015 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm 2014 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật, công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thể chế về hòa giải ở cơ sở cơ bản được hoàn thiện. Việc kiện toàn các tổ hòa giải, hòa giải viên và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên được quan tâm triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hoạt động của các tổ hòa giải cơ bản bảo đảm hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn chung, việc triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở chưa tạo được chuyển biến lớn; tổ hòa giải chưa được củng cố, kiện toàn đồng đều, rộng khắp trên các địa bàn; số lượng lớn hòa giải viên chưa được cung cấp tài liệu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; kết quả hoạt động hòa giải thành chưa có bước đột phá sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực; công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở ở một số địa phương chưa được thực hiện bài bản, nề nếp. Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, tồn tại nêu trên là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở; số lượng công chức tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở còn ít, lại phải đảm đương nhiều nhiệm vụ, năng lực của một bộ phận công chức còn hạn chế; vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa được phát huy đúng mức; kinh phí thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, kinh phí hỗ trợ tổ hòa giải và hòa giải viên chưa được thực hiện ở nhiều địa phương.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 4080/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2015, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số công việc trọng tâm trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở sau đây:
1. Chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các Sở, ngành ở địa phương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) tăng cường phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thông qua các chương trình phát thanh - truyền hình, truyền thanh cơ sở.
2. Chỉ đạo tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho công chức quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên
a) Chỉ đạo củng cố, kiện toàn, thống nhất phân công Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật là đơn vị chức năng thuộc Sở Tư pháp tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; phân công cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tại đơn vị chức năng thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm 100% thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư có ít nhất một tổ hòa giải; phát triển tổ hòa giải và các mô hình hòa giải thích Hợp khác tại địa phương theo nhu cầu của người đàn ở cơ sở và phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
- Phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; có biện pháp phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả để phổ biến, cung cấp, hướng dẫn tổ hòa giải và hòa giải viên sử dụng Bộ tài liệu;
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo quy định tại Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên;
- Biên soạn, hỗ trợ các tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở sát hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương;
- Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc vào năm 2016 và căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, tham mưu thực hiện công việc chuẩn bị cho việc tham gia Hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp Trung ương.
3. Chỉ đạo Sở Tư pháp tham mưu phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Luật gia cấp tỉnh hướng dẫn tổ hòa giải phối hợp với Tổ công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân trong hoạt động hòa giải, mời hội viên Hội Luật gia tham gia hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở (phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành cao hơn năm 2014).
4. Tăng cường đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở
a) Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết quy định về kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn;
b) Bố trí và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, chi hỗ trợ cho tổ hòa giải, hòa giải viên năm 2015; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở và các quy định pháp luật về tài chính hiện hành;
c) Hướng dẫn, chỉ đạo các huyện nghèo lập và sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí dành cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020;
d) Đến kỳ lập dự toán ngân sách năm 2016, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hướng dẫn, chỉ đạo Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp dự toán kinh phí chi cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, chi hỗ trợ tổ hòa giải và hòa giải viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT- BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, trên cơ sở dự kiến nguồn thu, nhiệm vụ chi trên địa bàn năm 2016, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và được tổng hợp vào dự toán kinh phí chung của tỉnh đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương hằng năm, gửi Bộ Tài chính thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự toán kinh phí thực hiện công tác hòa giải năm 2016 đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) trước ngày 20/7/2015 để tiến hành tổng hợp theo quy định.
5. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở
a) Căn cứ Kế hoạch số 267/KH-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tư pháp về kiểm tra tình hình thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại địa phương;
b) Tổ chức thực hiện nghiêm túc, nề nếp, đúng thẩm quyền chế độ thông tin, báo cáo, thống kê về hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với hoạt động hòa giải cơ sở; biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.
Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở năm 2015. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh về Bộ Tư pháp để phối hợp tháo gỡ.
Trân trọng cảm ơn.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.