BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6365/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2009 |
Kính gửi: Cục Hải quan TP Hải Phòng
Trả lời công văn số 4276/HQHP-PNV ngày 21/8/2009 của Cục Hải quan Tp Hải Phòng về vướng mắc liên quan đến sự khác biệt phân loại mã số HS trên C/O mẫu D, Tổng cục có ý kiến như sau:
Khoản 2, Điều 16, Phụ lục 7, Thông tư số 12/2009/TT-BCT ngày 22/5/2009 quy định: "Trong trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS đối với hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan giữa Nước thành viên xuất khẩu và Nước thành viên nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu được thông quan phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) hoặc mức thuế suất cao hơn, tuỳ thuộc vào Quy tắc xuất xứ hiện hành và Người nhập khẩu không bị phạt hoặc không phải chịu thêm một khoản phí nào khác theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu. Sau khi làm rõ sự khác biệt về phân loại mã số hàng hóa, mức thuế ưu đãi đúng sẽ được áp dụng và phần thuế đóng vượt quá mức phải trả sẽ được hoàn lại theo quy định của pháp luật Nước thành viên nhập khẩu ngay khi các vấn đề này được giải quyết". Theo đó:
1. Khi xảy ra sự khác biệt về cách áp mã HS giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, việc áp mã HS sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu căn cứ trên các quy định trong nước có liên quan (Thông tư 85/2003/TT-BTC ngày 28/9/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện phân loại hàng hoá,..) và các cam kết quốc tế để xác định mã số của hàng hoá.
2. Về mức thuế suất áp dụng trong thời gian chờ quyết định cuối cùng về mã HS:
2.1. Trường hợp không có sự thay đổi về tiêu chí xuất xứ:
- hàng hoá vẫn thoả mãn tiêu chí xuất xứ ASEAN mặc dù có sự khác biệt về mã số HS: C/O được chấp nhận, lô hàng được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt (theo mã HS do hải quan nước nhập khẩu quyết định).
2.2. Trường hợp có sự thay đổi về tiêu chí xuất xứ do khác nhau về mã số:
- hàng hoá đủ điều kiện xuất xứ ASEAN theo tiêu chí xuất xứ thể hiện trên ô số 8 C/O thì vẫn được hưởng ưu đãi đặc biệt. Ví dụ, nước xuất khẩu áp mã HS 16.03.00, ghi tiêu chí xuất xứ trên C/O mẫu D là CTH (chuyển đổi nhóm), trong khi Việt Nam (nước nhập khẩu) áp mã số 2103.90, có quy tắc xuất xứ là RVC (40) (hàm lượng giá trị khu vực không nhỏ hơn 40%) hoặc CTSH (chuyển đổi phân nhóm). Tiêu chí xuất xứ CTSH "lỏng" hơn tiêu chí xuất xứ "CTH". Như vậy, với mã số nào hàng hoá vẫn thoả mãn về tiêu chí xuất xứ. C/O được chấp nhận, hàng hoá được hưởng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA (theo mã HS 2103.90).
- hàng hoá không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ ASEAN: hàng hoá theo sự phân loại của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ ASEAN như đã khai báo trên ô số 8 của C/O và làm mất giá trị C/O. Lô hàng tạm thời chỉ được hưởng mức thuế suất MFN. Sau khi có kết luận cuối cùng, nếu mặt hàng đó được áp vào mã số HS có tiêu chí xuất xứ phù hợp ("lỏng" hoặc "bằng") với tiêu chí xuất xứ trên C/O thì C/O được chấp nhận, mặt hàng đó được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt. Nếu Quyết định cuối cùng vẫn giữ nguyên như sơ bộ, mặt hàng sẽ phải chịu thuế MFN. Ví dụ: nước xuất khẩu áp mã HS21.03.90, ghi tiêu chí xuất xứ trên C/O mẫu D là CTSH, trong khi Việt Nam áp mã số 16.03.00, có quy tắc xuất xứ là RVC (40) hoặc CTH. Tiêu chí xuất xứ CTH "chặt" hơn tiêu chí xuất xứ CSTH. Cơ quan Hải quan tạm thời áp thuế suất nhập khẩu MFN. Sau khi có kết luận cuối cùng, nếu mặt hàng đó được áp vào mã số 16.03.00, mặt hàng phải chịu mức thuế suất MFN. Nếu mặt hàng đó được áp vào mã số 21.03.90, hàng hoá sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Tổng cục thông báo để đơn vị biết và thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.