BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6344/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2009 |
Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Bình Dương
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 2112/HQBD-NV và công văn số 2113/HQBD-NV ngày 17/09/2009 của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương phản ánh vướng mắc về xử lý nợ thuế đối với chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:
1. Theo hướng dẫn tại công văn số 5227/TCHQ-KTTT ngày 01/09/2009 của Tổng cục Hải quan về xử lý nợ thuế đối với chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước thì trường hợp doanh nghiệp còn nợ tiền thuế, tiền phạt nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước, doanh nghiệp có dấu hiệu phát tán tài sản thì thực hiện cưỡng chế ngay cho dù nợ thuế, nợ phạt chưa đến hạn cưỡng chế.
2. Theo qui định tại Điểm 9b Mục I Phần II Thông tư số 62/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính về nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan qui định: ".... Trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tiếp theo mà có thông tin, điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế trước đó theo thứ tự tại Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có quyền ra quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế trước để đảm bảo thu đủ số tiền thuế, tiền phạt." Vì vậy, trường hợp Cục Hải quan tỉnh Bình Dương khi áp dụng biện pháp tịch thu, kê biên tài sản mà vẫn chưa thu đủ số nợ thuế đồng thời có cơ sở xác định doanh nghiệp còn tiền trong tài khoản thì có thể áp dụng tiếp biện pháp trích tiền từ tài khoản để đảm bảo thu hết số tiền nợ thuế.
3. Theo qui định tại điểm a khoản 2 Điều 100 Luật quản lý thuế thì: "Bên thứ Ba có khoản nợ đến hạn phải trả cho đối tượng bị cưỡng chế hoặc giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thì có trách nhiệm nộp tiền thuế nợ, tiền phải thay cho đối tượng bị cưỡng chế." Người nắm giữ tài sản trong trường hợp này không bao gồm Ngân hàng vì việc nắm giữ tài sản của Ngân hàng bao giờ cũng thông qua một giao dịch bảo đảm có thể là: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, tín chấp... theo các biện pháp được qui định tại Khoản 1 Điều 318 Bộ Luật dân sự năm 2005. Người nắm giữ tài sản trong trường hợp này có thể là: người được giao trách nhiệm bảo quản tài sản, người sửa chữa nâng cấp tài sản... và không thông qua một giao dịch bảo đảm. Do đó cơ quan Hải quan có quyền căn cứ vào qui định này để yêu cầu bên thứ ba phải trả tiền thuế của tài sản là hàng nhập khẩu thay cho đối tượng bị cưỡng chế.
4. Điểm b khoản 2 Điều 100 Luật quản lý thuế qui định: "Trường hợp tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang nắm giữ là đối tượng của các giao dịch bảo đảm hoặc thuộc trường hợp giải quyết phá sản thì việc thu tiền, tài sản khác từ bên thứ ba được thực hiện theo qui định của Pháp luật". Như vậy, việc xử lý tài sản là đối tượng của các giao dịch bảo đảm phải căn cứ qui định về giao dịch bảo đảm. Cụ thể là theo qui định của Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp Công ty TNHH Spectra Polymers đã dùng toàn bộ máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, bán thành phẩm thế chấp tại ngân hàng. Vì vậy, để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, Ngân hàng có thể bán đấu giá các tài sản này theo qui định tại Điều 336 Bộ Luật Dân sự để thu hồi các khoản vay và Ngân hàng (bên nhận thế chấp) được ưu tiên thanh toán số tiền bán tài sản thế chấp (theo qui định tại Điều 338 Bộ Luật Dân sự). Trên thực tế số hàng tồn kho, nguyên phụ liệu và các khoản phải thu Ngân hàng đã bán cho Công ty TNHH DV Vận Tải Quân Bảo (không qua tổ chức bán đấu giá) như vậy số tài sản này cùng với tài sản là máy móc, thiết bị sau khi được bán sẽ được thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Trường hợp còn thừa thì cơ quan Hải quan thực hiện việc cưỡng chế để thu hồi tiền thuế. Máy móc thiết bị nhập khẩu của Công ty TNHH Spectra Polymers đã được giải quyết thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu, theo qui định, trường hợp thay đổi mục đích so với mục đích đã được miễn thuế thì Công ty có trách nhiệm nộp thuế. Trường hợp này, Ngân hàng VID Public Chi nhánh Bình Dương tổ chức bán đấu giá tài sản là máy móc, thiết bị đã được miễn thuế (thay đổi mục đích), thì về nguyên tắc, Ngân hàng có trách nhiệm nộp số thuế nêu trên. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đồng ý với quan điểm của Cục Hải quan Bình Dương yêu cầu Ngân hàng nộp khoản thuế này thay cho doanh nghiệp.
5. Về việc xác minh tài sản trước khi kê biên
Việc xác minh tài sản trước khi kê biên đề nghị Cục Hải quan tỉnh Bình Dương áp dụng theo qui định tại Điểm 7 Mục I phần II Thông tư số 62/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính qui định về xác minh điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế. Trình tự thủ tục kê biên được qui định tại Mục IV phần II Thông tư này.
Trước khi ban hành quyết định kê biên tài sản, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cần đề nghị cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cung cấp thông tin về quyền sở hữu, sử dụng tài sản của đối tượng bị cưỡng chế; đề nghị cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin về tài sản dự định kê biên có đang dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của đối tượng bị cưỡng chế hoặc có phải là tài sản thuê mua tài chính không?
6. Về việc bảo lãnh xuất cảnh:
- Tổng cục Hải quan đồng ý với đề xuất xử lý của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương. Căn cứ theo qui định tại Điều 53 Luật quản lý thuế; Điều 29 Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ thì "Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm dừng việc xuất cảnh của cá nhân trong trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo thông báo của cơ quan quản lý thuế". Ông Davis Andrew Barany là đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Spectra Polymers chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nên bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo qui định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính thì Cơ quan Hải quan chỉ chấp nhận tổ chức bảo lãnh là tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng và phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện bảo lãnh theo qui định của Pháp luật. Việc bảo lãnh bằng tài sản của cá nhân bà Linh cho việc xuất cảnh và trở lại Việt Nam của Ông Davis Andrew Barany là không được chấp nhận. Thủ tục bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với nghĩa vụ nộp thuế được qui định tại Khoản 3, khoản 4 Điều 19 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp Công ty mẹ ở nước ngoài bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị mới nhưng người đại diện mới không có mặt ở Việt Nam thì vẫn phải tiếp tục dừng việc xuất cảnh của Ông David Andrew Barany cho đến khi thực hiện xong các thủ tục kê biên, xử lý tài sản hoặc người đại diện hợp pháp mới có mặt tại Việt Nam.
7. Về phí làm thủ tục phá sản: Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương và sẽ có kiến nghị với Bộ Tài chính.
8. Căn cứ xác định đối tượng bị cưỡng chế có dấu hiệu tẩu tán tài sản gồm: Thực hiện thủ tục chuyển nhượng, cho, bán tài sản có giá trị lớn, giải tỏa tẩu tán số dư tài khoản tiền gửi một cách bất thường không liên quan đến các giao dịch thông thường...
9. Căn cứ xác định đối tượng bị cưỡng chế có dấu hiệu bỏ trốn: không có mặt tại nơi cư trú; hoặc đã di chuyển đến một nơi khác... đã dùng các biện pháp thông báo, tìm kiếm nhưng không có tin tức về đối tượng bị cưỡng chế.
10. Về việc bán đấu giá tài sản: Trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản được qui định tại Bộ Luật Dân sự 2005; Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2009 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản.
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh Bình Dương được biết và thực hiện./.
| TUQ. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.