BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6134/BKHĐT-TCTK | Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2013 |
Kính gửi: | - Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương; |
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2013 ban hành Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn triển khai thực hiện Chính sách phổ biến thông tin thống kê này như sau:
A. KẾ HOẠCH VÀ NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Đánh giá thực trạng công tác phổ biến thông tin thống kê Nhà nước
Trên cơ sở các hoạt động phổ biến thông tin thống kê đã và đang thực hiện; đồng thời đối chiếu với Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá thực trạng công tác phổ biến thông tin thống kê Nhà nước của Bộ, ngành, địa phương; tập trung làm rõ kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, làm cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch và các giải pháp triển khai thực hiện Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước trong thời gian tới.
2. Xác định nhu cầu và lượng thông tin thống kê Nhà nước phổ biến tới các tổ chức, cá nhân sử dụng
Để đáp ứng tốt nhu cầu về số lượng, chủng loại và chất lượng thông tin thống kê Nhà nước của các tổ chức, cá nhân sử dụng, các cơ quan, tổ chức thống kê, phổ biến thông tin thống kê Nhà nước cần thường xuyên cập nhật nhu cầu thông tin thống kê Nhà nước đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng phản ánh. Mặt khác, phải chủ động xác định nhu cầu và lượng thông tin thống kê phổ biến bằng việc tổ chức “Hội nghị người sản xuất và người sử dụng thông tin thống kê Nhà nước” hoặc tiến hành các cuộc điều tra nhu cầu thông tin thống kê. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thông tin thống kê Nhà nước rất đa dạng nên tại điểm c, Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg đã quy định việc xác định nhu cầu và lượng thông tin thống kê Nhà nước phổ biến được tiến hành theo các nhóm tổ chức, cá nhân sử dụng nhằm nâng cao tính khả thi của hoạt động phổ biến và hiệu quả sử dụng thông tin thống kê Nhà nước. Để thực hiện quy định này phù hợp với thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chia ba nhóm sử dụng thông tin thống kê Nhà nước với nội dung thông tin cần phổ biến tới các nhóm như sau:
a) Nhóm thứ nhất: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp ở địa phương. Nhóm sử dụng thông tin này có nhu cầu về thông tin thống kê khá lớn; lượng thông tin thống kê Nhà nước phổ biến phải bảo đảm phản ánh toàn diện tình hình kinh tế-xã hội ở tầm vĩ mô, phục vụ việc hoạch định, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, vùng hoặc địa phương.
b) Nhóm thứ hai: Doanh nghiệp, nhà đầu tư và các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh khác trong nước và nước ngoài. Lượng thông tin thống kê Nhà nước phổ biến tới nhóm sử dụng thông tin này chủ yếu là các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chi tiết, chuyên sâu phục vụ việc xây dựng, triển khai kế hoạch, chiến lược đầu tư và sản xuất kinh doanh ở tầm vi mô.
c) Nhóm thứ ba: Cơ quan thông tin đại chúng và cộng đồng; các trường; viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế; các quốc gia có quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và các tổ chức, cá nhân khác. Đối với nhóm sử dụng thông tin này, tập trung phổ biến những chỉ tiêu thống kê phản ánh khái quát tình hình kinh tế-xã hội vĩ mô và một số chỉ tiêu kinh tế vi mô cơ bản, phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu, giảng dạy, học tập hoặc cập nhật tình hình kinh tế-xã hội.
Lượng thông tin thống kê Nhà nước phổ biến tới các nhóm sử dụng phải được lập thành Danh mục, trong đó số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ và số liệu thống kê chính thức phải lập thành Hệ thống chỉ tiêu; đồng thời phải xác định cụ thể thời hạn và thời điểm phổ biến. Trong quá trình xây dựng và trước khi đưa vào Kế hoạch thực hiện cần lấy ý kiến góp ý của các nhóm sử dụng để lượng thông tin phổ biến phù hợp với nhu cầu.
Cùng với việc xác định nhu cầu và lượng thông tin phổ biến như trên, cơ quan, tổ chức và những người làm công tác thống kê, phổ biến thông tin thống kê Nhà nước cần tăng cường hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê Nhà nước chủ động thu thập thông tin thống kê Nhà nước bằng cách: (1) Tiếp cận, khai thác và sử dụng miễn phí những thông tin thống kê Nhà nước đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền công bố; (2) Sử dụng quyền đề nghị các tổ chức thống kê thuộc Hệ thống tổ chức thống kê Nhà nước cung cấp thông tin chuyên sâu, chuyên đề phục vụ nhu cầu sử dụng riêng theo cơ chế hoàn trả chi phí xử lý, tổng hợp, phân tích, in ấn và các chi phí khác phát sinh thêm sau khi Quy chế dịch vụ này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê và cập nhật đầy đủ thông tin trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê đã ban hành
Hệ thống chỉ tiêu thống kê là căn cứ để tiến hành các hoạt động thống kê nói chung và phổ biến thông tin thống kê nói riêng. Do vậy, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê theo Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê. Qua ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 312/QĐ-TTg , đến nay Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010; Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT ngày 10/01/2011. Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành đã và đang được nhiều Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện. Đối với những Bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành được Hệ thống chỉ tiêu thống kê chuyên ngành đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần triển khai quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này.
Trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, cần áp dụng đồng thời các hình thức thu thập thông tin thống kê (Báo cáo thống kê, điều tra thống kê và khai thác các hồ sơ đăng ký hành chính) để có đầy đủ thông tin thống kê bảo đảm tất cả chỉ tiêu thống kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã đều được thu thập, tổng hợp và phổ biến theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 1 của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1803/QĐ-TTg ngày 18/10/2011.
4. Hoàn chỉnh Hệ thống sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước
Việc hoàn chỉnh Hệ thống sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg cần được tiến hành hàng năm; đồng thời phải gắn với đặc điểm và tình hình cụ thể về nhu cầu sử dụng và nguồn thông tin thống kê cũng như các điều kiện khác để bảo đảm tính thiết thực, khả thi và hiệu quả. Hệ thống sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương có thể có sự khác biệt nhất định về số lượng, chủng loại thông tin và sản phẩm thông tin, nhưng cần hoàn chỉnh theo kết cấu gồm hai phần sau đây:
a) Các sản phẩm thông tin thống kê biên soạn và phổ biến định kỳ, bao gồm một số sản phẩm chủ yếu như: Các báo cáo thống kê ngắn hạn (tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và năm); niên giám thống kê tổng hợp hoặc chuyên ngành; kết quả điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia và các cuộc điều tra, tổng điều tra định kỳ khác được giao chủ trì; kết quả thực hiện Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hoặc Kế hoạch, Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm, 10 năm; cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp và cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu...
b) Các sản phẩm thông tin thống kê biên soạn và phổ biến không định kỳ, bao gồm một số sản phẩm chủ yếu như sau: Các báo cáo thống kê ngắn hạn đột xuất; các báo cáo thống kê chuyên đề; kết quả các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê không thường xuyên; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; chuỗi số liệu và các sản phẩm phân tích thống kê phản ánh và đánh giá động thái, thực trạng kinh tế - xã hội nhiều năm...
Trên cơ sở Hệ thống sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước đã xây dựng, tiến hành lập Danh mục sản phẩm thông tin thống kê chủ yếu, thông báo công khai, rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Mỗi sản phẩm trong Danh mục cần bao gồm các thông tin cơ bản sau:
(1) Tên sản phẩm;
(2) Nội dung chủ yếu;
(3) Nguồn thông tin biên soạn;
(4) Mức độ hoàn chỉnh của thông tin (ước tính, sơ bộ hay chính thức);
(5) Định dạng sản phẩm (dạng văn bản in trên giấy hay dạng thông tin điện tử);
(6) Ngôn ngữ biên soạn;
(7) Chu kỳ biên soạn;
(8) Hình thức phổ biến;
(9) Đơn vị chịu trách nhiệm phổ biến;
(10) Đơn giá sản phẩm (nếu có);
(11) Các thông tin cơ bản khác.
Tháng 9 hàng năm, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành Danh mục sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước chủ yếu và Kế hoạch biên soạn, phổ biến cho năm kế tiếp, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phê duyệt để triển khai thực hiện; đồng thời phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân sử dụng và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở Danh mục sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước chủ yếu của các Bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thống kê nghiên cứu, lựa chọn những sản phẩm quan trọng, có nhu cầu sử dụng cao lập Danh mục sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước chủ yếu của cả nước trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt trong tháng 12 để phổ biến tới các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng; đồng thời làm căn cứ theo dõi, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện.
Sau 6 tháng đầu năm thực hiện Kế hoạch phổ biến thông tin thống kê Nhà nước hàng năm, Tổng cục Thống kê, thống kê Bộ, ngành và địa phương rà soát tiến độ thực hiện. Nếu có điều chỉnh, bổ sung phải báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thông báo kịp thời cho các tổ chức, cá nhân sử dụng. Cuối năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện.
5. Sử dụng đồng thời các hình thức phổ biến thông tin thống kê
Các hình thức phổ biến thông tin thống kê chủ yếu quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg được cụ thể hóa như sau:
(1) Phát hành sản phẩm in trên giấy và sản phẩm thông tin điện tử (đĩa mềm, CD-ROM, DVD và các vật mang tin điện tử khác), là hình thức phổ biến thông tin thống kê truyền thống kết hợp với ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin nên có vai trò rất quan trọng. Các cơ quan, tổ chức thống kê, phổ biến thông tin thống kê Nhà nước cần chủ động phối hợp với các Nhà xuất bản, các Trung tâm tin học, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế biên soạn, phát hành các sản phẩm thông tin thống kê Nhà nước bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng, đưa sản phẩm thông tin thống kê này tới các thư viện khác ở trong nước và nước ngoài phục vụ độc giả.
(2) Truyền đưa thông tin thống kê trên các Trang thông tin điện tử kết nối mạng toàn cầu, là hình thức phổ biến thông tin thống kê kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, bình đẳng tới nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng trong cùng một thời điểm và không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách hay điều kiện địa lý nên cần chú trọng phát triển. Tổng cục Thống kê, thống kê Bộ, ngành và các Cục Thống kê cấp tỉnh phải nâng cấp các Trang thông tin điện tử thống kê hiện có, đồng thời tập trung xây dựng mới các Trang thông tin điện tử thống kê khác. Đối với Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan không thuộc chuyên ngành Thống kê thì tăng cường phổ biến thông tin thống kê trên các Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan là chủ yếu; đồng thời nghiên cứu xây dựng Trang thông tin điện tử thống kê khi có điều kiện. Cùng với việc phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, các trang thông tin điện tử thống kê cần thiết kế mục Diễn đàn hỏi đáp về thống kê và thông tin thống kê nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê Nhà nước ở các trình độ khác nhau đều có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin thống kê Nhà nước; đồng thời mục Diễn đàn còn là nơi tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê góp ý kiến để đổi mới, hoàn thiện hoạt động phổ biến thông tin thống kê Nhà nước nói chung và Trang thông tin điện tử thống kê nói riêng.
(3) Họp báo và sử dụng các phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc, là hình thức phổ biến thông tin đơn giản, ít tốn kém nhưng có sức lan tỏa nhanh. Để phát huy ưu thế của hình thức phổ biến thông tin này cần duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc họp báo phổ biến thông tin thống kê. Ngoài việc thông báo rộng rãi để phóng viên các báo, đài trong nước và quốc tế đến tham dự họp báo, các cơ quan, tổ chức thống kê, phổ biến thông tin thống kê Nhà nước cần chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin tuyên truyền khác xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến thông tin thống kê Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời áp dụng phổ biến thông tin thống kê Nhà nước theo các hình thức khác như gọi điện thoại trực tiếp, gửi qua thư điện tử, tin nhắn SMS...
6. Xây dựng và công bố Lịch phổ biến thông tin thống kê Nhà nước
Lịch phổ biến thông tin thống kê Nhà nước của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải được xây dựng đầy đủ các nội dung theo quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg; đồng thời công bố công khai, rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê Nhà nước. Trong Lịch phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, thời hạn phổ biến những thông tin thống kê thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) quy định tại Khoản 2, Điều 5 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg phải được thực hiện nghiêm túc. Các thông tin thống kê Nhà nước do Bộ, ngành, địa phương phổ biến quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 5 không ấn định thời hạn phổ biến nhằm tạo điều kiện để các Bộ, ngành, địa phương xác định cho phù hợp với thực tế. Trên cơ sở Lịch phổ biến thông tin thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời căn cứ nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có nhu cầu tổng hợp chung của Tổng cục Thống kê và các cơ quan Trung ương khác; các Bộ, ngành địa phương xác định cụ thể và công bố Lịch phổ biến các thông tin thống kê này. Ngoài các thông tin phổ biến đã quy định trong Quyết định, các Bộ, ngành, địa phương còn phải xây dựng và công bố thời hạn phổ biến các thông tin thống kê Nhà nước khác trong Lịch phổ biến thông tin thống kê nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đột xuất cần được cung cấp một số thông tin thống kê Nhà nước trước thời hạn phổ biến quy định trong Lịch phổ biến thông tin thì yêu cầu phải cam kết thực hiện các quy định có tính nguyên tắc sau đây:
(1) Đề xuất sớm nhu cầu để cơ quan, tổ chức thống kê, phổ biến thông tin thống kê xem xét, bố trí kế hoạch đáp ứng;
(2) Khi được cung cấp trước thì những thông tin thống kê Nhà nước đó chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, triển khai của cơ quan, tổ chức, cá nhân; không được phổ biến cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; không được sửa chữa, thay đổi thông tin được cung cấp trước;
(3) Trong trường hợp công bố, phổ biến các tài liệu có sử dụng thông tin thống kê Nhà nước được cung cấp trước, nếu tiến hành trước Lịch phổ biến những thông tin thống kê đó thì trao đổi lại với cơ quan, tổ chức thống kê, phổ biến thông tin thống kê để rà soát, thống nhất và cập nhật thông tin thống kê mới; nếu tiến hành sau thì sử dụng thông tin thống kê được phổ biến theo Lịch thay thế thông tin thống kê đã được cung cấp trước nhằm đảm bảo tính thống nhất và tính pháp lý của thông tin thống kê Nhà nước.
Hàng năm các cơ quan, tổ chức thống kê phổ biến thông tin thống kê Nhà nước xây dựng Lịch phổ biến thông tin trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt; đồng thời thông báo công khai tới các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê Nhà nước và báo cáo Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp chung gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) làm căn cứ giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
7. Tăng cường đào tạo phổ cập kiến thức thống kê và kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin thống kê
Đây là giải pháp rất quan trọng vì theo kết quả tổng hợp của các cuộc điều tra nhu cầu sử dụng thông tin thống kê Nhà nước những năm gần đây cho thấy, không ít tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê không thu thập đủ lượng thông tin thống kê cần thiết do nguyên nhân chính là không nắm vững kiến thức chuyên ngành thống kê và kỹ năng tìm kiếm, khai thác thông tin thống kê. Chính vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, cần mở các lớp đào tạo ngắn hạn phổ cập, cập nhật kiến thức thống kê và kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin thống kê nói chung và thông tin thống kê Nhà nước nói riêng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Tổng cục Thống kê, thống kê Bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp với các nhóm sử dụng thông tin thống kê để đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên, thiết thực và hiệu quả.
8. Phối hợp giữa Bộ, ngành, địa phương
Để triển khai thực hiện có kết quả Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê và phân công, phân cấp trong hoạt động phổ biến thông tin thống kê Nhà nước nói chung và trong quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện Quy chế phổ biến thông tin thống kê của mỗi Bộ, ngành, địa phương nói riêng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành Quy chế chia sẻ thông tin thống kê và phân công, phân cấp trong hoạt động phổ biến thông tin thống kê Nhà nước. Việc xây dựng, ban hành Quy chế này sẽ góp phần tiết kiệm chi phí thu thập, tổng hợp thông tin thống kê; đồng thời khắc phục tình trạng chia cắt về thông tin thống kê dẫn tới sự khác biệt lớn, thậm chí còn mâu thuẫn về thông tin thống kê phổ biến trong cùng một chỉ tiêu thống kê đang tồn tại ở một số lĩnh vực, trong đó có sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế (thể hiện qua tốc độ tăng GDP) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do địa phương công bố so với số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê). Ngoài trách nhiệm phổ biến các thông tin thống kê chuyên ngành, đề nghị:
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng khác ở Trung ương và địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), thống kê Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình phổ biến thông tin thống kê Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại điểm b, Khoản 2, Điều 7 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg để triển khai thực hiện.
(2) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương bố trí kịp thời kinh phí cho việc xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành Quy chế cung cấp thông tin thống kê chuyên sâu, chuyên đề phục vụ nhu cầu sử dụng riêng của các tổ chức, cá nhân theo cơ chế hoàn trả chi phí phát sinh thêm đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại điểm b, Khoản 2, Điều 7 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg để đưa vào áp dụng.
(3) Cùng với việc thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê với các Bộ, ngành, địa phương; đề nghị các cơ quan, tổ chức thống kê, phổ biến thông tin thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tạo điều kiện để Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp trong việc hoàn thiện công tác phổ biến thông tin thống kê của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại điểm d, Khoản 1, Điều 7 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg.
9. Xây dựng các văn bản hướng dẫn và đánh giá kết quả thực hiện
Căn cứ Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và Hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế và hệ thống giải pháp phổ biến thông tin thống kê Nhà nước áp dụng trong ngành, lĩnh vực, địa phương theo quy định tại điểm b, Khoản 1; điểm a, Khoản 2 và điểm a, Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có hoạt động phổ biến thông tin thống kê Nhà nước trực thuộc thực hiện. Việc xây dựng, ban hành Quy chế và hệ thống giải pháp phổ biến thông tin thống kê Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm rõ các nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Mục đích, yêu cầu của Quy chế;
(2) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng;
(3) Nguyên tắc phổ biến thông tin thống kê;
(4) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phổ biến thông tin thống kê;
(5) Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê;
(6) Hệ thống giải pháp chủ yếu, bao gồm: Giải pháp nghiệp vụ; giải pháp công nghệ; giải pháp về tổ chức, cán bộ và nguồn nhân lực; giải pháp về kinh phí, cơ sở vật chất và các giải pháp chủ yếu khác;
(7) Phân công trách nhiệm triển khai thực hiện.
B. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2013-2014
1. Nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2013
a) Các Bộ, ngành, địa phương phổ biến Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; xây dựng kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực quản lý triển khai Chính sách; đồng thời hoàn thành việc đánh giá thực trạng công tác phổ biến thông tin thống kê Nhà nước và tổng hợp nhu cầu thông tin thống kê Nhà nước gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổng hợp chung.
b) Những Bộ, ngành chưa xây dựng, hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành theo quy định tại Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 02/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phải triển khai quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này, làm cơ sở cho việc thu thập, tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê Nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
2. Nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2014
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành:
(1) Quy chế phổ biến thông tin thống kê Nhà nước của Hệ thống tổ chức thống kê tập trung;
(2) Quy chế chia sẻ thông tin thống kê và phân công, phân cấp trong hoạt động phổ biến thông tin thống kê Nhà nước;
(3) Quy chế cung cấp thông tin thống kê chuyên sâu, chuyên đề phục vụ nhu cầu sử dụng riêng theo cơ chế hoàn trả chi phí phát sinh thêm.
b) Các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng, ban hành Quy chế phổ biến thông tin thống kê Nhà nước trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); thống kê Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương xây dựng, ban hành Chương trình phổ biến thông tin thống kê Nhà nước thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổng hợp kết quả hai năm (2013-2014) triển khai thực hiện Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước và xác định nhiệm vụ thực hiện Chính sách này của các năm tiếp theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.