BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5887/BNN-TY | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2014 |
Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2014 đến 20/7/2014, thiệt hại về nuôi trồng thủy sản là rất lớn, cụ thể: Khoảng 25.000 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 232 xã, của 60 huyện trực thuộc 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trên 14.000 lồng nuôi tôm hùm bị bệnh chết rải rác (chủ yếu tại Phú Yên và Khánh Hòa); khoảng 1.000 ha diện tích nuôi cá tra bị bệnh (tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang) và hàng trăm ha diện tích nuôi thủy sản khác.
Từ giữa năm 2013 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thủy sản tại tất cả các tỉnh trọng điểm về nuôi trồng thủy sản; trên cơ sở kết quả của các đoàn kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản (Công văn số 3954/BNN-TY ngày 06/11/2013; 1540/BNN-TY ngày 15/5/2014; và Công văn số 1730/BNN-TY ngày 03/6/2014; ….). Tại những văn bản này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định tại Thông tư số 36/2009/TT-BNNPTNT ngày 17/6/2009 đã được thay thế bằng Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2014 có hiệu lực từ ngày 04/8/2014), cũng như đề nghị các địa phương bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy sản.
Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ có 17/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản; 10 tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản nhưng không bố trí kinh phí triển khai thực hiện (Phụ lục 1 đính kèm); hiện tại còn nhiều địa phương không có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản và cũng không bố trí kinh phí triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hậu quả là dịch bệnh đã và đang xảy ra trầm trọng hơn, năm sau cao hơn năm trước, làm tổn thất hàng nghìn tỷ đồng của người dân và ngân sách nhà nước; đặc biệt nhiều hoạt động về phòng chống dịch bệnh thủy sản không được triển khai theo đúng quy định, còn rất nhiều tồn tại, bất cập.
Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong 2 năm qua cho thấy, những địa phương nào có kế hoạch và bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thì không có dịch bệnh hoặc có nhưng ở phạm vi nhỏ lẻ, dịch bệnh chỉ xảy ra rải rác ở một vài hộ nuôi và được khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Tương tự, một số tỉnh trọng điểm về nuôi trồng thủy sản có kế hoạch và bố trí lượng kinh phí hợp lý thì diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh ít hơn nhiều so với các tỉnh không có kế hoạch, không bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí quá ít (Phụ lục 2 đính kèm).
Để có cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, sớm khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác thú y thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện một số nội dung chính sau:
1. Đối với các tỉnh, thành phố chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản: Căn cứ vào tình hình nuôi trồng thủy sản và tình hình dịch bệnh thủy sản của địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản (theo các nội dung tại Phụ lục 3) và gửi bản kế hoạch đã được phê duyệt về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) trước ngày 30/8/2014;
2. Đối với các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản nhưng chưa được cấp kinh phí: Khẩn trương cấp kinh phí để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
3. Đối với các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản và đã được cấp kinh phí nhưng lượng kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu (dựa trên diện tích nuôi trồng thủy sản): Khẩn trương cấp bổ sung kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các cấp tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Công văn số 5887/BNN-TY ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. CÁC TỈNH CÓ KẾ HOẠCH VÀ CÓ BỐ TRÍ KINH PHÍ
1. Thành phố Hải Phòng: Sở NN&PTNT có tờ trình số 194/TTr-SNN ngày 5/12/2013 về việc đề nghị UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014. Mặc dù không có văn bản của UBND tỉnh (theo báo cáo của Chi cục Thú y Hải Phòng) phê duyệt kế hoạch nêu trên, nhưng ngày 06/01/2014, Sở Tài chính có Thông báo số 26/TB-STC về dự toán chi ngân sách năm 2014, trong đó có 300.000.000 đồng chi cho hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy sản.
2. Quảng Ninh: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 10/2/2014 về việc phê duyệt kế hoạch tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2014, trong đó kinh phí cho phòng chống dịch bệnh thủy sản 214.620.000 đồng.
3. Quảng Bình: Ngày 29/12/2013, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch số 1961/SNN-TY phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, với tổng kinh phí là 276.800.000 đồng.
4. Quảng Ngãi: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 15/4/2014 về việc phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2014, trong đó kinh phí cho phòng chống dịch bệnh thủy sản 374.200.000 đồng.
5. Bình Định: Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014 đang trình Sở NN&PTNT chờ phê duyệt với kinh phí dự toán là 2.642.700.000 đồng.
6. Tỉnh Phú Yên: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 26/11/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2014, với kinh phí 80.000.000 đồng.
7. Tỉnh Khánh Hòa: UBND tỉnh ban hành quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2014, tổng kinh phí 1.303.704.000 đồng.
8. Tỉnh Ninh Thuận: Được sự đồng ý của Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y ban hành công văn số 445/KH-CCTY ngày 04 tháng 12 năm 2013 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014 với tổng kinh phí là 663.400.000 đồng.
9. Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 20/6/2014, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 1879/UBND-CNN về việc kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014. Trong đó, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014 là 868.593.970 đồng (bao gồm kinh phí phòng dịch là 411.793.000 đồng và kinh phí chống dịch là 456.800.970 đồng).
10. Tỉnh Long An: UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 307/QĐ-UBND ngày 22/01/2014 về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh Long An năm 2014, tổng kinh phí là 1.844.250.000 đồng.
11. Tỉnh Tiền Giang: UBND tỉnh ban hành công văn số 740//UBND-NN ngày 27/2/2014 về việc phê duyệt kinh phí phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, trong đó có 2 1.293.000 đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.
12. Tỉnh Bến Tre: Ngày 23/5/2014 Sở đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-SNN phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, với tổng kinh phí là 2.443.271.000 đồng.
13. Tỉnh Trà Vinh: UBND tỉnh đã có Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 18/2/2014 phê duyệt kế hoạch phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2014 theo kế hoạch số 32/KH-SNN ngày 11/2/2014 của Sở NN&PTNT. Trong đó, tổng kinh phí cho phòng chống dịch bệnh thủy sản 3.140. 00.000 đồng.
14. Tỉnh Sóc Trăng: Sở đã có văn bản số 460/KH-SNN ngày 26/12/2013 ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh tôm năm 2014, tổng kinh phí 277.167.000 đồng.
15. Tỉnh Kiên Giang: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 về việc phê duyệt kinh phí dự phòng chlorine phòng chống dịch bệnh tôm nuôi; Quyết định số 3010/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm bệnh thủy sản, gia súc, gia cầm và VSATTP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 686/SNNPTNT-VP ngày 5/11/2013 về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014. Tổng kinh phí cho công tác phòng dịch bệnh thủy sản 4.200.000.000 đồng. Kinh phí chống dịch sẽ được cấp khi dịch xảy ra.
16. Tỉnh Bạc Liêu: Ngày 13/5/2014 UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 701/QĐ-UBND về việc giải quyết kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014. Trong đó, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản 739.037.500 đồng.
17. Tỉnh Cà Mau: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành công văn số 806/UBND-NN ngày 26/02/2014 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm và thủy sản năm 2014 phê duyệt tờ trình 04/TTr-BCĐ ngày 20/2/2014 của Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống bệnh gia súc giam cầm và thủy sản tỉnh về việc xin phê duyệt kế hoạch và hiệp y dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014, và ý kiến của Sở Tài chính tại công văn số 338/STC-HCSN ngày 4/3/2014, tổng kinh phí được phê duyệt là 4.491.000.000 đồng.
II. CÁC TỈNH CÓ KẾ HOẠCH NHƯNG KHÔNG BỐ TRÍ KINH PHÍ KÈM KẾ HOẠCH
1. Tỉnh Nam Định: UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 13/01/2014 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và động vật thủy sản năm 2014. Không có chi tiết kinh phí kèm theo.
2. Tỉnh Thái Bình: Chi cục Thú y ban hành công văn số 57/KH-CCTY ngày 25/3/2014 về triển khai phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, không có kinh phí cụ thể.
3. Tỉnh Thanh Hóa: UBND tỉnh ban hành công văn 122/KH-UBND ngày 22/11/2013 ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, không kèm theo kinh phí cụ thể.
4. Tỉnh Nghệ An: UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 377/QĐ-UBND ngày 23/2/2014 phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014.
5. Tỉnh Hà Tĩnh: UBND tỉnh có công văn 485/KH-UBND ngày 11/12/2013 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, đưa ra các hoạt động triển khai, nhưng không đề cập kinh phí cụ thể. Bản kế hoạch có đề cập đến nguồn vốn thực hiện theo 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 và Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Khi đối chiếu các quyết định này đều không thấy lượng kinh phí cụ thể.
6. Quảng Trị: UBND tỉnh có quyết định 981/QĐ-UBND ngày 22/5/2014 về phê duyệt Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2014, không có kinh phí chi tiết.
7. Tỉnh Thừa Thiên - Huế: Chi cục Thú y có công văn số 528/KH-CCTY ngày 20/12/2013 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, chưa có kinh phí cụ thể.
8. Quảng Nam: Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014 đang trình UBND tỉnh phê duyệt.
9. Tỉnh Hậu Giang: UBND tỉnh có công văn 225/KH-BCĐ ngày 29/10/2013 về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014, không có kinh phí chi tiết.
10. Tỉnh An Giang: Chi cục Thú y đã ban hành công văn số 78 /KH-CCTY ngày 07 tháng 4 năm 2014 về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, nhưng không có chi tiết cụ thể kinh phí hoạt động kèm theo.
PHỤ LỤC 2:
BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2014 CỦA MỘT SỐ TỈNH, THÀNH PHỐ
(Ví dụ: tỉnh nào có kế hoạch và bố trí lượng kinh phí hợp lý thì dịch bệnh thủy sản ít hơn, thiệt hại nhẹ hơn).
(Ban hành kèm theo Công văn số 5887/BNN-TY ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
TT | Tỉnh/thành phố | Diện tích nuôi (ha) dự kiến cho cả năm 2014 | Thiệt hại do dịch bệnh 6 tháng đầu năm 2014 | Kinh phí phòng chống dịch cho cả năm 2014 (triệu đồng) | Số tiền trung bình địa phương dành cho phòng, chống dịch bệnh cho 1 ha nuôi tôm (nghìn đồng) | |
Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) thiệt hại | |||||
1 | TP. Hồ Chí Minh | 7.000 | 120 | 1,71 | 868 | 124 |
2 | Bến Tre | 14.775 | 600 | 4,06 | 2.440 | 165 |
3 | Trà Vinh | 13.883 | 1,263 | 9,10 | 3.140 | 226 |
4 | Sóc Trăng | 50.000 | 13.789 | 27,58 | 277 | 6 |
5 | Bạc Liêu | 23.333 | 2.041 | 8,75 | 740 | 32 |
6 | Kiên Giang | 88.000 | 1,500 | 1,70 | 4.200 | 48 |
7 | Cà Mau | 35,048 | 1.200 | 3,42 | 4.490 | 128 |
Nhận xét: Bảng trên cho thấy các tỉnh, thành phố bố trí lượng kinh phí hợp lý (dựa trên tổng diện tích nuôi tôm), dịch bệnh xảy ra ở phạm vi hẹp hơn, thiệt hại ít hơn. Ngược lại, tỉnh bố trí lượng kinh phí chưa hợp lý, dịch bệnh xảy ra trầm trọng hơn, thiệt hại nặng hơn (như tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu).
PHỤ LỤC 3:
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN
(Ban hành kèm theo Công văn số 5887/BNN-TY ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. Các bước xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
Chi cục Thú y chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo các bước sau:
1. Đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản của địa phương trong năm.
2. Phân tích kết quả giám sát dịch bệnh thủy sản của năm trước và tổ chức điều tra bổ sung các cơ sở sản xuất thủy sản giống, cơ sở nuôi thủy sản nếu cần) phục vụ cho việc lập kế hoạch cho năm tiếp theo.
3. Phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường; các nguồn nước chính cung cấp cho vùng nuôi, thời điểm thường xuất hiện bệnh dịch hàng năm để xác định vị trí, thời gian thu mẫu thủy lý, thủy hóa và mẫu vi sinh vật, các vật chủ trung gian; các yếu tố nguy cơ liên quan đến quá trình phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản địa phương; các chỉ tiêu dịch tễ và chỉ tiêu liên quan cần xét nghiệm nhằm xác định mức độ nguy cơ phát sinh, dự báo khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh thủy sản tại địa phương.
4. Xác định các nguồn lực cần thiết, bao gồm: nhân lực, vật lực, tài chính để triển khai các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giám sát môi trường, dịch bệnh, cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch và khi công bố dịch.
5. Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn Việt Nam về giám sát, điều tra dịch bệnh, điều kiện vệ sinh môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, nuôi trồng thủy sản để đề xuất các chỉ tiêu, tần suất, vị trí thu mẫu, số lượng mẫu thủy sản, môi trường.
6. Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh với các nội dung theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
7. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Sở trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
8. Tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản được phê duyệt.
9. Gửi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã được phê duyệt đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y để phối hợp chỉ đạo và giám sát thực hiện.
10. Trong trường hợp có điều chỉnh Kế hoạch, Chi cục Thú y gửi Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản đã được điều chỉnh đến Cơ quan Thú y vùng và Cục Thú y.
II. Nội dung Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản
1. Quan trắc môi trường: các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa, tần suất, số lượng mẫu và vị trí lấy mẫu để phân tích.
2. Giám sát dịch bệnh gồm các nội dung: loài thủy sản được giám sát, địa điểm, thời gian, tần suất lấy mẫu, loại mẫu thủy sản, mẫu môi trường, số lượng mẫu, các thông tin liên quan và mầm bệnh cần xác định; khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường cần phải lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
3. Điều tra dịch và các biện pháp chống dịch.
4. Dự trù về vật tư, hóa chất, kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống, bao gồm hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi khi công bố dịch và cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch địa phương.
5. Dự trù các trang thiết bị cần đầu tư, bổ sung, hiệu chỉnh để phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ và phân tích số liệu.
6. Thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản, người phụ trách công tác thú y cấp xã về chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
7. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.