BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5791/BGDĐT-CTHSSV | Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2013 |
Kính gửi: Các sở Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác học sinh, sinh viên, hoạt động ngoại khóa và y tế trường học năm học 2013-2014 như sau:
A. Nhiệm vụ trọng tâm
1. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị.
2. Thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong mỗi nhà trường và cơ sở giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục pháp luật và các qui chế, qui định về giáo dục và đào tạo, góp phần hình thành thế hệ công dân hiểu, nắm vững và tự giác chấp hành pháp luật.
3. Nghiên cứu, rà soát nội dung, hình thức triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, kiềm chế và phấn đấu không còn hiện tượng bạo lực học đường, các hành vi thiếu văn hóa trong học sinh, sinh viên; Tăng cường công tác giáo dục toàn diện và quản lý học sinh, sinh viên; Chú trọng và tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội; Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, công tác chăm sóc sức khỏe; Chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học; Giáo dục an toàn giao thông, phòng chống bạo lực, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, đuối nước, dịch bệnh đối với học sinh, sinh viên.
4. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác học sinh, sinh viên, tư tưởng, văn hóa, thể dục, thể thao và y tế trường học. Đẩy mạnh việc triển khai thành lập bộ máy chuyên trách thực hiện công tác học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.
B. Nhiệm vụ cụ thể
I. Công tác Tư tưởng – Văn hóa
1. Triển khai nội dung Chương trình hành động của ngành Giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020, Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chủ đề của năm học 2013-2014: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương”. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu của đảng viên, giáo viên, cán bộ; Đề ra những nội dung phù hợp với đối tượng là học sinh, sinh viên.
Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức cho học sinh, sinh viên tìm hiểu và tích cực tham dự Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên trang Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh: http://c huyent rang.tuoitre.vn.
3. Quán triệt, học tập Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với các nội dung phù hợp với ngành Giáo dục trong công tác dân vận, về: i) Tăng cường công tác tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tính gương mẫu của thủ trưởng đơn vị; ii) Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức, công tác thi đua, yêu nước, khen thưởng…
Sưu tầm nhật ký của một số anh hùng liệt sỹ là cựu sinh viên điển hình đại diện cho tấm gương thế hệ trẻ trong các cuộc kháng chiến cứu nước: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký “Mãi mãi Tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của liệt sỹ Lê Thị Thiên và Nhật ký “Khát vọng Sống và Yêu” của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh…, bổ sung vào tủ sách tại thư viện trong các nhà trường, cơ sở giáo dục, để học sinh có điều kiện tham khảo, học tập.
Triển khai tuyên truyền, giáo dục về các tấm gương tiêu biểu, hy sinh quả cảm quên mình cứu các em nhỏ và cứu người của học sinh, sinh viên và thanh niên dũng cảm như: Học sinh Nguyễn Văn Nam, lớp 12T7, Trường THPT Đô Lương 1, tỉnh Nghệ An; Học sinh Lê Văn Được, lớp 9A, trường THCS Thanh Ngọc, Nghệ An; Anh Trần Hữu Hiệp, 25 tuổi đã quên mình cứu người tại bến Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Tiếp tục triển khai và đưa các nội dung về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thành các hoạt động thường xuyên trong các nhà trường.
5. Thực hiện Chương trình số 355/CTr-BGDĐT-TWĐTN ngày 25/3/2013 về phối hợp hoạt động giữa ngành Giáo dục với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2017 và triển khai các hoạt động trong năm học 2013-2014.
6. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phù hợp với tình hình mới; Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên qua việc lồng ghép nội dung các môn học, hoạt động ngoại khóa; Tuyên truyền, triển khai Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thanh niên giai đoạn 2011-2020 của đơn vị.
7. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 về tăng cường sự phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên.
8. Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động ngoài giờ lên lớp; Giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm, thành lập câu lạc bộ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên theo nội dung chỉ đạo về “Tuần sinh hoạt công dân - học sinh - sinh viên” của các cơ sở giáo dục.
Tích cực tổ chức và tham gia Hội thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc lần thứ XIII-2014 tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam và các hoạt động lớn khác của học sinh, sinh viên trong năm học.
II. Công tác quản lý học sinh, sinh viên
1. Triển khai công tác giáo dục kiến thức an toàn giao thông cho học sinh ngay từ đầu năm học mới; Các trường tổ chức cam kết với gia đình và học sinh về việc chấp hành quy định an toàn giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Thực hiện Chương trình phối hợp số 235/CTPH/UBATGTQG-BGDĐT ngày 05/8/2013 giữa Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác giáo dục An toàn giao thông trong trường học giai đoạn 2013-2018. Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi “Giao thông thông minh” trên mạng internet do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC phối hợp tổ chức.
2. Ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn ma túy giai đoạn 2012-2015; Chương trình hành động quốc gia phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch thực hiện cụ thể trong năm học 2013-2014 gắn kết với việc thực hiện các vấn đề cơ bản sau đây:
- Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Quyết định số 46/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- Sơ kết 04 năm thực hiện công tác phối hợp giữa nhà trường và cơ quan công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học theo Thông tư liên tịch số 34/2009/TTLT/ BGDĐT-BCA ngày 20/11/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an (Theo hướng dẫn của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an);
- Thực hiện Quy định về công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư số 31/2009/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- Tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật, tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, đặc biệt là thời gian đầu năm học, sau kỳ nghỉ tết và các hoạt động cao điểm hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6/2014).
3. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động về phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 1387/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 07/4/2011).
4. Thực hiện Thông tư số 27/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác HSSV nội trú trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; tổng hợp tình hình và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
5. Đẩy mạnh thực hiện công tác tư vấn tâm lý và tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đối với học sinh cuối cấp bằng nhiều hoạt động phù hợp.
6. Tổ chức các buổi giới thiệu, lồng ghép các biện pháp cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho tất cả học sinh các lớp cuối cấp trung học sơ sở, trung học phổ thông.
III. Công tác thể dục, thể thao
1. Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản về công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học: Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên thể dục thể thao; Quyết định số 14/2001/QĐ-BGD&ĐT về việc ban hành Quy chế giáo dục thể chất và y tế trường học; Quyết định số 53/2008/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Quy định về việc đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên; Quyết định số 72/2008/QĐ-BGD về việc ban hành Quy định tổ chức hoạt động Thể dục, thể thao ngoại khoá cho học sinh, sinh viên.
2. Tiếp tục tham gia, tăng cường tổ chức bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học; Duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ thể thao trong nhà trường và cơ sở giáo dục; Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên được tham gia tập luyện và thi đấu các giải thể thao tại khu vực và toàn quốc.
3. Đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh; Triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi cho học sinh (chú trọng khối tiểu học). Sở giáo dục và đào tạo chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm đầu tư và huy động xã hội hóa xây dựng các bể bơi phù hợp cho học sinh, sinh viên; Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tổ chức các khóa tập huấn dạy bơi, cứu đuối cho đội ngũ giáo viên thể dục; Chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục tổ chức, quản lý và hướng dẫn học sinh tham gia các lớp học bơi chính khóa, ngoại khóa trong năm học và dịp hè.
4. Tăng cường đầu tư kinh phí, xây dựng, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo tốt cho việc tập luyện thể dục, thể thao (bể bơi, nhà tập đa năng, trang thiết bị...).
5. Phối hợp với Hội Thể thao học sinh Việt Nam đẩy mạnh công tác vận động thành lập Hội Thể thao học sinh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
6. Tích cực tổ chức và tham gia các sự kiện thể dục, thể thao của học sinh trong năm học 2013-2014, cụ thể:
a) Các hoạt động thể thao cơ sở
- Tham mưu, triển khai tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp;
- Các sở giáo dục và đào tạo, các trường, cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế, đề xuất, tham mưu, chỉ đạo tổ chức các giải thể thao cấp trường, cụm trường và ngành cho học sinh, cán bộ giáo viên tham gia thi đấu;
- Tổ chức các đội tuyển tham gia các giải thi đấu thể thao tại khu vực, toàn quốc.
b) Các hoạt động thể thao toàn quốc của Ngành
- Hội thi Văn hóa, Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ 7, dự kiến tháng 7/2014 tại Cần Thơ;
- Giải bóng đá HK Phù Đổng học sinh tiểu học và THCS Cúp Milo-2014;
- Giải Điền kinh học sinh toàn quốc năm 2014;
- Giải Cầu lông học sinh toàn quốc năm 2014;
- Phối hợp với Liên đoàn Taekwondo Việt Nam tổ chức giải vô địch Taekwondo học sinh toàn quốc lần thứ 5-2014;
- Phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức các đội tuyển thể thao ngành Giáo dục tham dự các giải thể thao do ngành TDTT tổ chức.
c) Các hoạt động quốc tế
- Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 6-2014 tại Philippines;
- Các giải thi đấu thể thao thường niên của Liên đoàn Thể thao học sinh Châu Á (Giải Bóng đá, Bơi lội, Điền kinh, Bóng chuyền).
Đối với hoạt động TDTT học sinh quốc tế, các địa phương căn cứ khả năng kinh phí và điều kiện của địa phương xem xét, lựa chọn, báo cáo với UBND tỉnh cho phép và đăng ký với Bộ để cử học sinh tham gia.
IV. Công tác Y tế trường học
1. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về công tác y tế trường học, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
- Quy định về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ;
- Quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ;
- Đảm bảo biên chế cán bộ làm công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ; Thông tư liên tịch số 71/2006/TTLT-BGDĐT-BNV;
- Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác y tế trường học theo Thông tư 14/2007/TT-BTC ;
- Chương trình phối hợp số 993/CTr-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2012 – 2020;
- Phối hợp với ngành y tế địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT ; Thông tư số 22/2013/TTLT-BGDĐT-BYT .
2. Phối hợp với ngành y tế tại địa phương tổ chức các hoạt động phòng chống các dịch, bệnh, tật trong trường học (cúm A H1N1, cúm A H5N1, tay-chân-miệng, nha học đường, mắt học đường, cong vẹo cột sống, lao, sốt rét, sốt xuất huyết, giun sán, ...) và các dịch bệnh mới xuất hiện. Tham gia và tổ chức các hội thảo tập huấn các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ y tế trường học.
3. Tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh trường học, nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm; Phòng chống HIV/AIDS theo Kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS của ngành Giáo dục giai đoạn 2012-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 5330/QĐ-BGDĐT ngày 29/11/2012, phòng tránh tai nạn thương tích, tác hại của thuốc lá, lạm dụng rượu bia; Truyền thông giáo dục về công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng trường học nâng cao sức khỏe, đảm bảo môi trường nhà trường xanh, sạch, đẹp; Tạo cơ hội học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, học sinh nghèo theo Kế hoạch hành động vì trẻ em số 129/KH-BGDĐT ngày 07/02/2013 của ngành Giáo dục giai đoạn 2013-2020.
4. Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa và truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; Giáo dục dân số, gia đình, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường; Ngày toàn dân hiến máu nhân đạo (7/4); Ngày thế giới không thuốc lá (31/5); Ngày môi trường thế giới (5/6); Tuần lễ quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày vệ sinh yêu nước (2/7), Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12), tăng cường công tác chữ thập đỏ trong trường học.
5. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và giám sát chặt chẽ các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường trong trường học giai đoạn 2012-2015 theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BNNPTNT-BYT-BGDĐT ngày 31/5/2013 của Liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phân công, phối hợp giữa ba ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, chú trọng đến việc xây dựng, sử dụng và bảo quản các công trình cấp nước và vệ sinh trong trường học; Đảm bảo mục tiêu đến năm 2015, 100% các trường mầm non, trường phổ thông (các điểm trường chính) có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Tăng cường triển khai nghiên cứu khoa học các cấp về công tác y tế trường học. Xây dựng và phổ biến các mô hình tốt về công tác y tế trường học tại địa phương, tổng hợp và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu triển khai và nhân rộng. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hằng năm và báo cáo đột xuất về công tác y tế trường học.
C. Tổ chức thực hiện
Các sở Giáo dục và Đào tạo bám sát Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2013-2014 và nội dung văn bản hướng dẫn công tác học sinh, sinh viên, hoạt động ngoại khóa và y tế trường học năm học 2013-2014, quán triệt, triển khai đến tất cả các phòng giáo dục, các cơ sở giáo dục và giáo viên, cán bộ công chức toàn ngành thực hiện.
D. Chế độ báo cáo
1. Báo cáo định kỳ: Báo cáo sơ kết triển khai công tác học sinh, sinh viên, hoạt động ngoại khóa và y tế trường học học kỳ I trước ngày 19/01/2014; Báo cáo tổng kết triển khai công tác học sinh, sinh viên, hoạt động ngoại khóa và y tế trường học năm học 2013 – 2014 trước ngày 15/6/2014.
2. Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và có vụ việc xảy ra (kể cả khi đã giải quyết).
Báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên, địa chỉ số 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội, điện thoại/fax: 04. 38684485.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.