BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5780/TCHQ-CCHĐH | Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2010 |
Kính gửi: | Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai, Cần Thơ, Hà Tĩnh. |
Thực hiện công văn số 4252/TCHQ-CCHĐH ngày 2/8/2010 về việc hướng dẫn xử lý vướng mắc phần mềm trong thủ tục hải quan điện tử nhằm đẩy mạnh mở rộng thủ tục hải quan điện tử, phấn đấu đạt các chỉ tiêu theo chỉ đạo của Bộ tại Thông báo số 4840/TB-TCHQ ngày 19/8/2010. Trên cơ sở các nội dung đã được thống nhất (tại Hội nghị ở Đà Nẵng từ 16-20/8/2010), Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý vướng mắc về nghiệp vụ thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố như sau:
1. Khai báo hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị đồng bộ, hàng đóng chung container.
Nội dung vướng mắc: Một số nội dung doanh nghiệp cần diễn giải thêm khi khai báo thực hiện được nhưng khi in tờ khai điện tử không hiển thị gây khó khăn trong quản lý như hàng nhập đồng bộ, hàng đóng chung container….
Hướng dẫn xử lý:
- Đối với các nội dung cần diễn giải ở phần chung của tờ khai: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp khai báo theo hướng thể hiện hàng nhập đồng bộ, hàng đóng chung container tại ô “Ghi chép khác” của tờ khai hải quan điện tử Mẫu số 3a, 3b Phụ lục II Thông tư 222/2009/TT-BTC ;
- Đối với các nội dung cần diễn giải ở từng dòng hàng: thể hiện chi tiết tại ô Tên hàng, quy cách phẩm chất của tờ khai hải quan điện tử.
- Đối với các nội dung khác cơ quan hải quan thấy cần thiết phải thể hiện trên tờ khai hải quan điện tử in mà không quy định trong Thông tư 222/2009/TT-BTC: công chức thực hiện xem xét từng trường hợp cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp khai vào ô “Ghi chép khác”.
2. Thể hiện tổng chi phí bảo hiểm (I) và cước phí vận chuyển hàng hóa (F) trên tờ khai hải quan điện tử in.
Nội dung vướng mắc: Hàng nhập có giá FOB, việc khai báo I và F không thể hiện giao diện trên tờ khai nên không kiểm tra việc phân bổ trong trị giá tính thuế (trên tờ khai giấy thì doanh nghiệp có khai báo làm cơ sở kiểm tra).
Hướng dẫn xử lý: Yêu cầu các Cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp khi cần thể hiện tổng I, F, THC (phí thu hộ, trả hộ) trên mặt tờ khai thì khai báo vào ô “Ghi chép khác” thể hiện tại Mẫu số 3b Phụ lục II Thông tư 222/2009/TT-BTC .
3. Khai báo số hiệu container đối với hàng xuất khẩu
Nội dung vướng mắc: Trên giao diện tờ khai xuất khẩu chưa thể hiện số hiệu container khi doanh nghiệp thực hiện khai báo do việc khai báo có thể thực hiện trước việc đóng hàng hóa vào container.
Hướng dẫn xử lý: Chức năng khai bổ sung số hiệu container đối với hàng hóa xuất khẩu đang được bổ sung vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trong thời gian bổ sung chức năng khai báo bổ sung các Cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp khai báo số hiệu container tại Bản kê kèm theo tờ khai (Mẫu 10 Phụ lục II Thông tư 222/2009/TT-BTC); in và nộp kèm tờ khai điện tử in tại khu vực giám sát hải quan.
4. Kiểm dịch thực vật, động vật, thủy sản
Nội dung vướng mắc: Theo Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 14/3/2003 thì hàng nhập khẩu phải kiểm dịch thực vật, động vật, thủy sản được thông quan trên cơ sở Giấy đăng ký kiểm dịch mà không phải chờ kết quả kiểm dịch trừ trường hợp quy định tại điểm 4.1 Khoản II Thông tư này, cụ thể: “Trong trường hợp cơ quan kiểm dịch có yêu cầu kiểm dịch xong lô hàng trước khi hoàn thành thủ tục hải quan thì 2 Cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ với nhau và Cơ quan hải quan chỉ quyết định thông quan sau khi có kết luận của cơ quan kiểm dịch”. Tuy nhiên, Điều 23 Thông tư 222/2009/TT-BTC quy định trường hợp kiểm dịch động thực vật thuộc đối tượng mang về bảo quản và chỉ được thông quan khi đã nộp kết quả kiểm dịch. Như vậy, cả doanh nghiệp và hải quan đều phát sinh thêm công việc là phải theo dõi việc bổ sung kết quả kiểm dịch thực vật, không tạo thông thoáng hơn so với khai báo truyền thống.
Hướng dẫn xử lý: Nội dung Điều 23 Thông tư 222/2009/TT-BTC và Thông tư liên tịch số 17/2003/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS quy định nội dung giống nhau. Vì vậy, Tổng cục hải quan đề nghị các Cục hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu và thực hiện theo đúng quy định.
5. Quyết định hình thức mức độ kiểm tra tự động
Nội dung vướng mắc: Thông tư 222/2009/TT-BTC không quy định lãnh đạo Chi cục phải duyệt phân luồng, mà việc duyệt phân luồng, quyết định hình thức mức độ kiểm tra được thực hiện tự động thông qua cập nhật các phiên bản rủi ro nên khi phân luồng tờ khai công chức nhận được mức độ kiểm tra trên chỉ dẫn phân luồng và phản hồi về cho doanh nghiệp cũng như chỉ dẫn các khâu nghiệp vụ tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các Chi cục chưa thực hiện được việc cập nhật phiên bản rủi ro do phần mềm khai điện tử mới không thiết kế chức năng này.
Hướng dẫn xử lý:
- Ngày 4/12/2009 Tổng cục hải quan đã ban hành công văn số 76/TCHQ-ĐT hướng dẫn về việc ... điện tử. Theo đó tại điểm b, Khoản 2 Mục III hướng dẫn Chi cục trưởng chịu trách nhiệm về việc xây dựng phiên bản dữ liệu đánh giá rủi ro; thiết lập tiêu chí phân tích cấp Chi cục, báo cáo về Cục phê duyệt, cập nhật hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý rủi ro để hỗ trợ việc quyết định hình thức, mức độ kiểm tra.
- Chức năng cập nhật trên phần mềm: Cục Công nghệ thông tin phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng công cụ để Chi cục hải quan cập nhật các phiên bản rủi ro đã xây dựng vào hệ thống quản lý rủi ro giai đoạn II. Thời gian hoàn thiện: tháng 10/2010.
6. Xây dựng phiên bản rủi ro cấp Cục và Chi cục trong thủ tục hải quan điện tử
Nội dung vướng mắc: Tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 222/2009/TT-BTC quy định việc quản lý rủi ro thực hiện theo Quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính; giao Tổng cục Hải quan quy định cụ thể về quản lý rủi ro đối với việc phân luồng, quyết định hình thức mức độ kiểm tra và một số bước nghiệp vụ khác hỗ trợ việc phân luồng, quyết định hình thức mức độ kiểm tra như: kiểm tra sơ bộ, quyết định hàng hóa chuyển cửa khẩu, cho phép nộp chậm chứng từ, chuyển đổi chứng từ, lấy mẫu hàng hóa và kiểm tra định mức …. Tuy nhiên cho đến nay Tổng cục hải quan chưa có quy định cụ thể về nội dung này dẫn đến lượng công việc ở các khâu nhiệm vụ tăng, gây chậm thời gian thông quan.
Hướng dẫn xử lý: Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan, Chi cục Hải quan trên cơ sở phân cấp quy định Quyết định 35/QĐ-TCHQ và Công văn số 76/TCHQ-ĐT để tiến hành tổ chức thu thập, phân tích thông tin, đánh giá quá trình chấp hành của doanh nghiệp để xây dựng phiên bản dữ liệu đánh giá rủi ro để đưa ra mức độ kiểm tra hỗ trợ cho việc phân luồng theo quy định tại Điều 5 Thông tư 222/2009/TT-BTC.
7. Chữ ký số
Nội dung vướng mắc: Trong trường hợp triển khai chữ ký số một doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử được cấp một dạng chữ ký số mà có nhiều doanh nghiệp giao nhận thực hiện việc khai và làm thủ tục hải quan. Vậy việc khai báo sẽ sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp hay đại lý làm thủ tục hải quan?
Hướng dẫn xử lý: Đối với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng doanh nghiệp giao nhận không phải là đại lý hải quan để làm thủ tục thì khi khai tờ khai hải quan điện tử phải sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp xuất nhập khẩu đó.
8. Ra quyết định thông quan/giải phóng hàng/mang hàng hóa về bảo quản đối với các mặt hàng khác nhau trong cùng một lô hàng.
Nội dung vướng mắc: Trong một tờ khai, khai báo nhiều mục hàng, có mục được thông quan, có mục tạm giải phóng hàng hoặc đưa hàng hóa về bảo quản. Hiện nay, chương trình không có chức năng ra quyết định riêng biệt cho từng dòng hàng hoặc lựa chọn những dòng hàng cần có phê duyệt của lãnh đạo Đội để đề xuất đối với những mặt hàng chỉ được phép giải phóng hàng hoặc đưa hàng hóa về bảo quản.
Hướng dẫn xử lý: Thực hiện theo hướng lựa chọn mức độ quản lý chặt chẽ hơn cho cả lô hàng chứ không cho từng mặt hàng cụ thể. Ví dụ một số mặt hàng được phép mang hàng về bảo quản, một số mặt hàng được phép giải phóng hàng. Kết quả cuối cùng: lựa chọn mang hàng về bảo quản cho cả lô hàng.
9. Sửa định mức gia công
Nội dung vướng mắc: Hệ thống chưa có chức năng phê duyệt của Lãnh đạo Chi cục đối với sửa định mức. Vì vậy khó khăn trong việc kiểm tra và đưa ra quyết định sửa định mức.
Hướng dẫn xử lý:
- Trong trường hợp hệ thống đã xây dựng được chức năng sửa định mức và đã cập nhật tiêu chí quản lý rủi ro để tự động phân luồng theo các mức tương ứng.
- Trường hợp hệ thống đã có chức năng nhưng chưa cập nhật tiêu chí rủi ro thì xem xét quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
- Trường hợp chưa có chức năng sửa định mức thì đề xuất bằng phiếu để lãnh đạo Chi cục phê duyệt.
10. Thủ tục đối với nguyên vật liệu tự cung ứng trong gia công
Nội dung vướng mắc: Theo khoản 1.1 điều 36 Thông tư 222/2009/TT-BTC quy định sản phẩm gia công xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu do bên nhận gia công tự cung ứng phải khai thông tin theo tiêu chí và khuôn dạng quy định. Tuy nhiên, theo tiết b khoản 1.3 điều 7 Thông tư 74/2010/TT-BTC” các doanh nghiệp chỉ phải làm thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, phụ liệu, vật tư cung ứng từ nguồn do doanh nghiệp tự sản xuất hoặc mua tại thị trường Việt Nam có thuế xuất khẩu, có giấy phép …”
Hướng dẫn xử lý: Đề nghị các Cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 36 Thông tư 222/2009/TT-BTC - quy định đối với thủ tục hải quan điện tử. Thông tư 74/2010/TT-BTC áp dụng cho thủ tục hải quan truyền thống.
11. Xử lý sự cố đối với Hệ thống giám sát, chuyển cửa khẩu
Nội dung vướng mắc: Giám sát hàng chuyển cửa khẩu thông qua hệ thống giám sát hiện nay: Trường hợp tại thời điểm xác nhận hàng qua khu vực giám sát hệ thống tại cửa khẩu bị sự cố hoặc nhận phản hồi về hàng hóa qua khu vực giám sát của Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai bị sự cố
Hướng dẫn xử lý:
- Trường hợp hệ thống gặp sự cố (đứt mạng …) không hoạt động: xử lý theo 2/VII Mục 1 Phần I Quyết định 2396/QĐ-TCHQ hướng dẫn xử lý trong trường hợp khu vực giám sát hải quan chưa có kết nối với Hệ thống.
- Trường hợp hệ thống vẫn hoạt động nhưng không có thông tin tại thời điểm thực hiện giám sát: thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 5234/TCHQ-CCHĐH ngày 9/9/2010.
- Đối với các tờ khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại 02 Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ và Tân Cảng (trong khi đang sử dụng Chương trình Xử lý dữ liệu điện tử cũ chưa chuyển sang Chương trình mới) thì: việc xác nhận tại khu vực giám sát hải quan được thực hiện theo nội dung quy định tại Điểm 2 Khoản VII Mục 1 Phần I Quyết định 2396/QĐ-TCHQ.
12. Xác nhận trên Biên bản bàn giao hàng hóa chuyển cửa khẩu
Nội dung vướng mắc: Mẫu số 5 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quyết định 2396/QĐ-TCHQ có quy định Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu và Chi cục hải quan cửa khẩu ký, đóng dấu công chức khi lập Biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu. Tuy nhiên đối với hàng chuyển cửa khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa là chân công trình; kho của công trình; nhà máy xí nghiệp nơi sản xuất thì việc giám sát và bàn giao hàng chuyển cửa khẩu do các Đội thuộc cùng một Chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện, nên mẫu chưa phù hợp.
Hướng dẫn xử lý: Việc ký tên, đóng dấu công chức khi thực hiện bàn giao biên bản giao hàng chuyển cửa khẩu do Đội Giám sát tại cửa khẩu và Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện thì tại Mẫu số 5 Phụ lục 3 Quyết định 2396/QĐ-TCHQ được hướng dẫn như sau: Công chức thuộc Đội giám sát tại cửa khẩu sẽ ký, đóng dấu vào ô Chi cục Hải quan cửa khẩu, công chức thuộc Đội nghiệp vụ sẽ ký, đóng dấu vào ô Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.
Tổng cục hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.