BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5208/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2018 |
Kính gửi: Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu.
(Lô K-4B, KCN Lê Minh Xuân, đường số 4, X. Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP. HCM)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 02-0808/ACC-PTPL ngày 08/8/2018, 01-2507-187/ACC-PTPL ngày 27/7/2018 của Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu đề nghị xem xét lại kết quả phân tích và mã số hàng hóa tại Thông báo số 4153/TB-TCHQ ngày 16/7/2018 cho mặt hàng tại tờ khai số 10154122474/A11 ngày 04/8/2017. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về căn cứ phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam
Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy định:
“Điều 4. Nguyên tắc phân loại hàng hóa
1. Một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
2. Khi phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phải tuân thủ:
a) Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
b) Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 15/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan;
c) Các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này”
“Điều 6. Phân loại, áp dụng mức thuế đối với một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp thực hiện phân loại hàng hóa theo quy định tại Điều 4 Thông tư này nhưng chưa xác định được mã số duy nhất theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì sử dụng các tài liệu sau:
a) Chú giải chi tiết Danh mục HS;
b) Tuyển tập ý kiến phân loại của WCO;
c) Chú giải bổ sung Danh mục AHTN;
d) Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.”
Đối chiếu các quy định trên đây thì các tài liệu xác nhận về an toàn thực phẩm hay kiểm dịch động vật của nước xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là các tài liệu tham khảo, không phải là căn cứ để phân loại hàng hóa nhập khẩu theo quy định.
2. Về việc doanh nghiệp nhận định “không đúng bản chất một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất”
Các Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa số 1606/TB-CNHP ngày 28/4/2016, 1774/TB-KĐ3 ngày 29/9/2017, Thông báo kết quả phân loại số 550/TB-TCHQ ngày 20/01/2016 của Tổng cục Hải quan của các mặt hàng có tên khai báo “Dầu cá dạng lỏng MEG-3’30’ N-3 Food”, “nguyên liệu dược Meg+3 1812 TG oil”, “Dầu cá ngừ tinh luyện”; Kết quả phân tích “Dầu cá đã tinh chế, dạng lỏng, trong đó hàm lượng EPA (11,53%), DHA (6,01%), chỉ số axit là 0,21mgKOH/g chất béo”. Như vậy, các mặt hàng tại các thông báo nêu trên có tên khai báo và kết quả phân tích khác với mặt hàng đang xem xét nên việc doanh nghiệp nhận định “không đúng bản chất một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất” là không chính xác.
3. Về thuật ngữ “Chế phẩm ăn được”
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính thì thuật ngữ “ăn được” được quy định tại một số Chương, nhóm như: nhóm 02.06, 02.08 Chương 2, nhóm 03.05 Chương 3,... Ví dụ cụ thể:
Mã số | Mô tả hàng hóa |
02.06 | Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, động vật họ trâu bò, cừu, dê, ngựa, la, lừa, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. |
02.08 | Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. |
0305.7x | - Vây cá, đầu, đuôi, bong bóng và phụ phẩm khác ăn được của cá sau giết mổ: |
Như vậy, theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính thì không phải những chế phẩm ăn được trực tiếp mới là “chế phẩm ăn được” mà là những chế phẩm mà con người có thể ăn được, có thể ăn trực tiếp hay phải qua chế biến. Việc doanh nghiệp cho rằng mặt hàng cần phải chế biến tiếp, không ăn trực tiếp nên không phải là chế phẩm ăn được là không phù hợp.
3. Về căn cứ phân loại mặt hàng vào nhóm 15.17, mã số 1517.90.90
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính:
Nhóm 15.17 “Margarin; các hỗn hợp hoặc các chế phẩm ăn được của mỡ hoặc dầu động vật hoặc thực vật hoặc các phần phân đoạn của các loại mỡ hoặc dầu khác nhau thuộc Chương này, trừ mỡ hoặc dầu ăn được hoặc các phần phân đoạn của chúng thuộc nhóm 15.16”
Tham khảo Chú giải chi tiết nhóm 15.17:
“Các sản phẩm từ dầu hoặc chất béo thuộc nhóm này có thể đã được hydro hóa trước, có thể được nhũ hóa (ví dụ, với sữa tách kem), nhào trộn hoặc đã chế biến tạo kết cấu khác (thay đổi kết cấu hoặc cấu trúc tinh thể)... và có thể thêm số lượng nhỏ lecithin, tinh bột, màu, hương liệu, vitamin, bơ hoặc chất béo sữa khác (cần tính đến những hạn chế đã nêu trong Chú giải 1 (c) của Chương này).
Cũng thuộc trong nhóm này là các chế phẩm ăn được làm từ một loại chất béo hoặc dầu đơn (hoặc các phân đoạn của nó), đã hoặc chưa hydro hóa, đã được chế biến bằng cách nhũ hóa, nhào trộn, tạo kết cấu v. v. ”
Đối chiếu các nội dung nêu trên thì mặt hàng khai báo “Dầu cá dạng lỏng - MEG- 3 (TM) '15' N- 3 Emulsion LV - Nguyên liệu thực phẩm” có kết quả phân tích là chế phẩm ăn được dạng nhũ tương, ngoài thành phần dầu cá ( ≈ 50%) còn có nước ( ≈ 44%), chất nhũ hóa sodium caseiante, dipotassium orthophosphate...., màu trắng sữa, phù hợp thuộc nhóm 15.17, phân nhóm “- Loại khác”, mã số 1517.90.90 “- - Loại khác” (Áp dụng quy tắc 1 và 6).
Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty cổ phần Hóa chất Á Châu biết./.
Nơi nhận: | TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.