BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5156/BGDĐT-TTr | Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2012 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Căn cứ các văn bản pháp luật về thanh tra và Chỉ thị số 2737/CT-BGDĐT ngày 27/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012 – 2013 ; Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với các Sở GD&ĐT như sau:
I. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Tập trung hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra giáo dục. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thanh tra 2010, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật về công tác thanh tra.
2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bổ sung biên chế, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục các cấp.
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành ở các cấp học và trình độ đào tạo, chú trọng thanh tra các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và các vấn đề bức xúc trong giáo dục và đào tạo mà xã hội quan tâm. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường chỉ đạo công tác tự thanh tra, kiểm tra của các cơ sở giáo dục.
4. Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng chống tham nhũng (PCTN) theo quy định của pháp luật.
5. Tăng cường phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Công tác tổ chức cán bộ
a) Kiện toàn tổ chức của thanh tra Sở GD&ĐT theo quy định của Luật Thanh tra 2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra. Thực hiện quy định Thanh tra Sở GD&ĐT có con dấu và tài khoản riêng phục vụ cho công tác thanh tra.
b) Các Sở GD&ĐT căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, phối hợp với Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) và Sở Nội vụ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, bố trí đủ biên chế cho cơ quan thanh tra Sở để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ (đạt ít nhất 10% biên chế cơ quan Sở GD&ĐT). Bổ nhiệm Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra, Thanh tra viên theo quy định. Việc điều động, tuyển dụng cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra phải lựa chọn từ những cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn, có phẩm chất, uy tín để thực hiện tốt nhiệm vụ.
c) Thực hiện việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác thanh tra cho cán bộ quản lý, cộng tác viên thanh tra và các đối tượng được trưng tập làm nhiệm vụ thanh tra.
d) Lựa chọn, bổ nhiệm đội ngũ cộng tác viên thanh tra, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thanh tra (tỷ lệ từ 1/50 đến 1/40 cộng tác viên thanh tra/giáo viên).
e) Bố trí cán bộ phụ trách công tác thanh tra tại các Phòng GD&ĐT để giúp Trưởng phòng GD&ĐT tổ chức hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động thanh tra
a) Thanh tra hành chính
Thực hiện theo hướng dẫn của Thanh tra tỉnh và tập trung vào một số nội dung sau:
- Đối tượng và số lượng đơn vị thanh tra
Thanh tra hành chính đối với các phòng chuyên môn thuộc cơ quan Sở, các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghịêp (TCCN), trường trung học phổ thông (THPT), Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm hướng nghiệp thuộc quyền quản lý trực tiếp của Sở, các Dự án, doanh nghiệp trực thuộc Sở.
Trong năm học thực hiện thanh tra khoảng 20% số đơn vị trực thuộc Sở.
- Nội dung thanh tra
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và chính sách, pháp luật có liên quan, trong đó tập trung thanh tra:
+ Thực hiện quy định về tổ chức, bộ máy của cơ quan, đơn vị, nhà trường; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về giáo dục và các quy định pháp luật khác có liên quan.
+ Thực hiện quy định về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục: đội ngũ, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện các khoản thu, chi…
+ Thực hiện quy định về chuyên môn, nghiệp vụ: kế hoạch giáo dục, tổ chức công tác tuyển sinh, giảng dạy, học tập, thi, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
+ Thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong cơ quan, đơn vị, nhà trường.
+ Thực hiện quy định về PCTN, thực hiện quy định về giải quyết KNTC, tiếp công dân.
+ Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người lao động.
b) Thanh tra chuyên ngành
Thanh tra các nội dung được quy định tại mục 2 phần II, mục 2 phần III Thông tư số 43/2006/TT-BGDĐT ngày 20/10/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Thanh tra Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra, tập trung vào các nội dung sau:
- Đối với Giáo dục mầm non
Tập trung Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015, thực hiện lộ trình phổ cập và công nhận phổ cập, triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; việc xây dựng và công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; việc chuyển đổi các trường mầm non ngoài công lập sang công lập theo Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 8/5/2009; việc đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
- Đối với Giáo dục phổ thông
Tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng nghiêm túc, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế địa phương; việc triển khai Đề án Tiếng Anh ở Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS); việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ; việc triển khai các giải pháp để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; việc triển khai Đề án xây dựng trường THPT chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú; việc thực hiện phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục giáo dục THCS; xây dựng trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia.
- Đối với Giáo dục thường xuyên
Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT; các chương trình ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài; tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng; việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học.
- Đối với giáo dục chuyên nghiệp, đại học
+ Triển khai công tác thanh tra theo tinh thần phân cấp của Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư liên tịch 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2011 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thành lập trường, thực hiện cam kết thành lập trường, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài; việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục; các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; việc thực hiện quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực.
- Đối với các Phòng GD&ĐT
Tập trung thanh tra việc thực hiện phân cấp theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư liên tịch 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2011 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo với các nội dung sau:
+ Công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục: quy mô phát triển giáo dục (số lượng, chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, số lượng học sinh, số lượng trường, lớp các cấp học, ngành học so với kế hoạch phát triển giáo dục); công tác củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ và phổ cập trung học cơ sở; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
+ Thực hiện kế hoạch giáo dục của các cấp học, ngành học (căn cứ vào nội dung thanh tra chuyên ngành đối với các cấp học trên đây và tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng kế hoạch và nội dung thanh tra).
- Thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp.
+ Thanh tra việc thực hiện các quy định chung đối với nhà giáo, việc tuân thủ các hành vi nhà giáo không được làm; chấp hành pháp luật, chấp hành quy chế của ngành.
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao: thực hiện qui chế chuyên môn; quy chế thi cử; kết quả giảng dạy; thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.
Trong năm học, đảm bảo ít nhất 12% số giáo viên được thanh tra.
3. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và tiếp công dân
a) Tổ chức quán triệt Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2011, Luật Phòng chống tham nhũng trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc.
b) Tập trung rà soát, phân loại các vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm những vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đồng thời kiên quyết xử lý những người lợi dụng dân chủ để vu khống và KNTC trái quy định của pháp luật không để tình trạng khiếu nại vượt cấp, đông người. Các vụ việc không thuộc thẩm quyền phải hướng dẫn chu đáo để công dân thực hiện KNTC đến đúng cơ quan có thẩm quyền. Các vụ việc đã có quyết định giải quyết nhưng công dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện, cần phải thận trọng xem xét, xác minh lại; nếu vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật thì có văn bản trả lời công dân theo quy định.
c) Các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục phải bố trí địa điểm tiếp công dân, phải công khai lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân; phải có sổ theo dõi tiếp công dân và thực hiện đúng quy trình tiếp công dân theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2011/TT-TCTP ngày 28/7/2011 của Thanh tra Chính phủ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các Sở GD&ĐT tổ chức quán triệt hướng dẫn này, chỉ đạo Thanh tra Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch Thanh tra cụ thể, phê duyệt kế hoạch Thanh tra năm học, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra giáo dục tại địa phương.
2. Thanh tra Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra năm học. Chủ động phối hợp, triển khai công tác thanh tra theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, chỉ đạo công tác thanh tra giáo dục ở cấp huyện; tiếp dân và giải quyết KNTC ở Sở; giúp Giám đốc Sở GD&ĐT làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác thanh tra.
3. Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch thanh tra năm học, trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Tổ chức hoạt động thanh tra theo kế hoạch.
4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất như sau:
- Báo cáo định kỳ: Báo cáo kế hoạch công tác thanh tra giáo dục năm học mới trước ngày 30/9/2012; báo cáo sơ kết công tác thanh tra học kỳ I trước ngày 19/01/2013; báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm học và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác thanh tra năm học 2012-2013 trước ngày 15/6/2013.
- Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và khi có vụ việc đặc biệt xảy ra (kể cả khi đã giải quyết).
Mọi phản ánh, báo cáo về Bộ GD&ĐT qua Phòng Thanh tra Giáo dục Mầm non- Phổ thông-Thường xuyên, Thanh tra Bộ. Điện thoại: 04. 36231285; FAX: 04.8684763; Email: ntnganbgd@gmail.com.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.