BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5121/TCĐBVN-QLBTĐB | Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2018 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông Quý I và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2017 (Thông báo Kết luận số 166/TB-VPCP ngày 29/3/2017); Bộ GTVT đã giao các cơ quan, đơn vị triển khai công tác sơ kết, đánh giá 03 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020. Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất của các cơ quan, đơn vị, Bộ GTVT đã có văn bản số 12559/BGTVT-KCHT ngày 08/11/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, đường bộ; trong đó, đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đã đề xuất, kiến nghị: “cho phép điều chỉnh kế hoạch được ban hành tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng chỉ đền bù, hỗ trợ, giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và HLAT đường bộ tại các vị trí khu vực nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT có các công trình, cây cối nằm trong HLAT đường bộ ảnh hưởng đến ATGT”.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến các Bộ: Công An, Kế hoạch đầu tư, Tài Chính, Tài Nguyên và Môi trường; Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1024/VPCP-CN ngày 28/01/2018 (sao gửi kèm theo), trong đó đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, giao Bộ GTVT phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài Chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan rà soát kỹ quy mô, sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và đầu tư công, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã có các văn bản số 1381/BGTVT-KCHT ngày 06/02/2018 và số 7783/BGTVT-KCHT ngày 17/7/2018, trong đó giao Tổng cục ĐBVN xây dựng điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. Để có cơ sở xây dựng điều chỉnh kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ theo hướng đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý và triển khai thực hiện, Tổng cục ĐBVN đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1. Chỉ đạo các Tổ công tác liên ngành theo Quyết định số 994/QĐ-TTg thực hiện các nội dung sau trên các tuyến quốc lộ:
- Bước 1: Rà soát, xác định các vị trí khu vực nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT trên các quốc lộ thuộc địa bàn hiện có công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối trong phạm vi HLATĐB gây ảnh hưởng đến ATGT. Trên cơ sở đó, chỉ đạo Ban ATGT, cơ quan quản lý đường bộ, cảnh sát giao thông và các lực lượng có liên quan xác định phương án xử lý để đảm bảo ATGT.
- Bước 2: Trên cơ sở phương án xử lý đảm bảo ATGT đã thực hiện ở bước 1, kết quả rà soát, thống kê, phân loại đất hành lang an toàn quốc lộ đã thực hiện các năm 2015, 2016 và 2017, tiến hành xây dựng phương án dự kiến bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất của đường bộ và đất HLATĐB đối với các vị trí khu vực nút giao, vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT theo các nội dung sau:
+ Bồi thường, thu hồi phần đất của đường bộ (nếu chưa đền bù, thu hồi đủ phần đất của đường bộ theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ) và giải tỏa các công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối ảnh hưởng đến ATGT;
+ Bồi thường, hỗ trợ để giải tỏa các công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối trong HLATĐB, gây ảnh hưởng đến ATGT (như che khuất tầm nhìn, cản trở giao thông, v.v...).
Lưu ý:
(i) Dự kiến khối lượng, kinh phí đối với từng vị trí cần bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Tổng cục ĐBVN tại công văn số 2020/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 23/4/2015 khi thực hiện công tác rà soát thống kê phân loại như phải có các số liệu cụ thể: bao nhiêu mét vuông nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình tạm, cây cối, v.v.... (Trường hợp cần cung cấp lại hướng dẫn theo công văn số 2020/TCĐBVN-QLBTĐB thì liên hệ đồng chí chuyên viên Trần Quốc Thành - số điện thoại 0913.308.235 và cung cấp email để gửi lại).
(ii) Riêng đối với đất hành lang an toàn đường bộ chỉ thực hiện bồi thường, hỗ trợ để giải tỏa các công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối tại các vị trí có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và lập phương án bồi thường, hỗ trợ để chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất nông nghiệp theo quy định của Luật đất đai (không đền bù để thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ).
- Bước 3: Trên cơ sở các phương án đền phương án đền bù, thu hồi, hỗ trợ đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ của từng vị trí đã thực hiện ở bước 2; tổng hợp, đề xuất kế hoạch tổ chức thực hiện từ năm 2019 đến hết năm 2020 trong đó xác định mức độ ưu tiên, quy mô, vị trí, dự kiến khối lượng, kinh phí và thời gian thực hiện theo bảng sau đây:
TT | Vị trí | Sự cần thiết | Mức độ ưu tiên | Quy mô | Dự kiến khối lượng chính | Dự kiến kinh phí | Thời gian thực hiện | Ghi chú |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Trong đó, lưu ý một số nội dung sau đối với từng cột:
+ (2) Vị trí: Ghi rõ vị trí từ Km.. đến Km.... quốc lộ:
+ (3) Sự cần thiết: Nêu rõ nguyên nhân mất ATGT và tình hình mất an toàn giao thông do HLATĐB, các yếu tố kỹ thuật của đoạn tuyến, tình trạng hành lang an toàn của đoạn tuyến và tình hình khai thác, từ đó nêu rõ sự cần thiết;
+ (4) Mức độ ưu tiên: Được xác định theo thứ tự sau: ưu tiên 1: điểm đen; ưu tiên 2: các vị trí mất an toàn giao thông; ưu tiên 3: các khu vực nút giao chính trên tuyến bị che khuất tầm nhìn; ưu tiên 4: các trường hợp còn lại;
+ (5) Mô tả quy mô dự án: Đền bù thu hồi đất của đường bộ … m2/md, bồi thường hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ ... m2/md để đảm bảo an toàn giao thông, phạm vi thực hiện bên trái hay phải tuyến hoặc cả 2 bên.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (qua Tổng cục ĐBVN) trước ngày 10/9/2018 để rà soát, tổng hợp lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính trước khi trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
2. Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ, các cấp chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành có liên quan tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật (Luật GTĐB, các Nghị định số: 11/2010/NĐ-CP , 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT) và Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29/6/2014.
- Tăng cường phổ biến, giáo dục, tuyên truyền các tổ chức và người dân nắm rõ và thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện kịp thời các vi phạm quy định và có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
- Xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các quốc lộ trên địa bàn (Tổng cục ĐBVN đã xây dựng Quy chế mẫu gửi các Cục QLĐB, Sở GTVT quản lý quốc lộ để triển khai thực hiện kèm theo văn bản số 2736/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 12/5/2017), trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cấp và biện pháp xử lý đối với các cơ quan quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm.
Trên đây là ý kiến của Tổng cục ĐBVN, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện để thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.