BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5093/BTP-BTTP | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2017 |
Kính gửi: Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH11 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Nghị định), Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp thực hiện một số nội dung công việc sau:
1. Về việc xem xét cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Đề án gửi Bộ Tư pháp. Trên cơ sở Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của Bộ Tư pháp, đề nghị các Sở Tư pháp căn cứ vào quy định tại Điều 17 của Nghị định và hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại cụ thể để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc xét duyệt hồ sơ, cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại đảm bảo công khai, khách quan, minh bạch.
2. Về việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại
Thời gian qua, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện chế định Thừa phát lại đã thực hiện tương đối tốt việc tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại về Bộ Tư pháp theo quy định của Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số Sở Tư pháp chưa thực hiện tốt việc thẩm tra hồ sơ, tiêu chuẩn, gửi về những hồ sơ thiếu giấy tờ, thậm chí thiếu điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, dẫn đến Bộ Tư pháp phải có văn bản đề nghị bổ sung, giải trình, xác minh thông tin, qua đó làm kéo dài thời gian xem xét, giải quyết theo quy định.
Từ thực tiễn đó, để thực hiện tốt hơn công tác tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ, tiêu chuẩn trong thời gian tới, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị các Sở Tư pháp thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm tra, xác minh tính hợp pháp và thống nhất các thông tin trong hồ sơ để làm căn cứ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại, trong đó chú trọng một số nội dung sau đây:
2.1. Về việc đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại:
a) Kiểm tra đầy đủ thành phần, thông tin có trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại theo quy định:
- Đảm bảo các thông tin về nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh....) của người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại có sự thống nhất trong tất cả các giấy tờ của hồ sơ. Trong trường hợp thông tin không thống nhất cần yêu cầu người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại điều chỉnh, giải trình và cung cấp văn bản chứng minh cho việc điều chỉnh, giải trình đó;
- Sơ yếu lý lịch của người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại phải khai trung thực, chi tiết quá trình học tập, công tác và nội dung khen thưởng, kỷ luật;
- Giấy khám sức khỏe của người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe, trong đó có phân loại về sức khỏe và kết luận người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại có đủ sức khỏe để hành nghề;
- Thời gian qua, có nhiều trường hợp đã được bổ nhiệm Thừa phát lại nhưng không đăng ký hành nghề trong thời hạn ghi trong Quyết định bổ nhiệm mà không có lý do chính đáng dẫn đến Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại hết hiệu lực thi hành, điều này làm gia tăng số lượng Thừa phát lại “ảo”, gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý nhà nước và lãng phí nguồn lực. Do đó, đối với những trường hợp này mà có nguyện vọng đề nghị bổ nhiệm (lại) Thừa phát lại thì đề nghị bổ sung văn bản giải trình lý do không đăng ký hành nghề và cam kết sẽ thực tế hành nghề tại Văn phòng, Thừa phát lại trong hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm (lại) Thừa phát lại.
b) Thẩm tra kỹ tiêu chuẩn, điều kiện của người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại để đảm bảo chỉ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, bổ nhiệm đối với người có đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại theo quy định của Nghị định, cụ thể:
- Thẩm tra kỹ về quá trình công tác pháp luật của người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đã từng được bổ nhiệm, tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân để làm rõ hình thức, lý do kỷ luật (nếu có); lý do chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi và nhận xét, đánh giá của cơ quan, đơn vị, tổ chức về quá trình công tác của người đó.
Đối với người từng bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì Sở Tư pháp phải thẩm tra kỹ về tiêu chuẩn “có phẩm chất đạo đức tốt” tại Điều 10 của Nghị định thông qua việc xác minh lý do bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật, kết án; quá trình phấn đấu rèn luyện của người đó; ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đảm bảo chỉ đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, bổ nhiệm Thừa phát lại cho người có đủ tiêu chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Thừa phát lại;
- Về thời gian công tác pháp luật: Sở Tư pháp cần phải có biện pháp để kiểm soát các giấy tờ do các cơ quan, tổ chức xác nhận về thời gian công tác pháp luật trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp xác nhận thời gian công tác pháp luật tùy tiện, không đúng dưới mọi hình thức hay với các mục đích khác nhau; giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật phải có một trong các giấy tờ sau: quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Đề nghị Sở Tư pháp chỉ chuyển hồ sơ về Bộ Tư pháp những trường hợp đã đầy đủ giấy tờ và được thẩm tra kỹ theo các hướng dẫn nêu trên. Đối với những hồ sơ chưa đầy đủ thì Sở Tư pháp cần yêu cầu bổ sung, thẩm tra kỹ.
2.2. Về việc đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại:
Việc miễn nhiệm Thừa phát lại liên quan đến quyền lợi của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại cung như công tác quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, Sở Tư pháp cần làm đầy đủ, chặt chẽ các quy trình trước khi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.
a) Đối với hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại:
- Trường hợp Thừa phát lại đã hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại mà có nguyện vọng được miễn nhiệm Thừa phát lại thì hồ sơ đề nghị miễn nhiệm phải có xác nhận của Văn phòng Thừa phát lại đó về việc người đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Văn phòng Thừa phát lại;
- Đối với Thừa phát lại thuộc trường hợp bị miễn nhiệm Thừa phát lại quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định, Sở Tư pháp cần phải gửi đầy đủ tài liệu làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm kèm theo văn bản đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại của Sở Tư pháp.
b) Rà soát, làm thủ tục đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại:
Sở Tư pháp cần thường xuyên rà soát việc hành nghề của các Thừa phát lại trong phạm vi địa phương, kịp thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, miễn nhiệm Thừa phát lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định. Trong văn bản đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại, Sở Tư pháp cần phải nêu rõ căn cứ, lý do đề nghị miễn nhiệm.
3. Về việc thay đổi nơi hành nghề của Thừa phát lại
Trường hợp Thừa phát lại có nguyện vọng thay đổi nơi hành nghề sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi hành nghề được ghi trong Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại thì thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề Thừa phát lại và đề nghị cấp Thẻ Thừa phát lại tại Sở Tư pháp nơi chuyển đến hành nghề theo quy định của Nghị định và Thông tư số 12/2014/TT-BTP ngày 26/4/2014 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu; nguyên tắc sử dụng trang phục; nguyên tắc cấp phát, sử dụng Thẻ Thừa phát lại mà không phải làm thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp điều chỉnh Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại trước đó.
Hồ sơ đăng ký hành nghề Thừa phát lại trong trường hợp này phải có thêm xác nhận của Sở Tư pháp nơi đã đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại về việc Thừa phát lại đã đăng ký hành nghề tại địa phương đó hay chưa, quá trình hành nghề tại địa phương đó trong trường hợp Thừa phát lại đã đăng ký hành nghề.
Trên đây là một số nội dung về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.