BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5081/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2016 |
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 237/HQGLKT-NV ngày 09/03/2016 của Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum về việc vướng mắc xác định lợn thuần chủng để nhân giống.
Theo Danh Mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính thì ngoài nhóm 01.03 “Lợn sống” còn có các nhóm gia súc khác (nhóm 01.01 “Ngựa, lừa, la sống”; nhóm 01.02 “Động vật sống họ trâu bò”; nhóm 01.04 “Cừu, dê sống”) cũng được chia thành loại thuần chủng để nhân giống và loại khác.
Để có hướng dẫn tổng thể việc xác định các loại gia súc trên là loại thuần chủng để nhân giống, Tổng cục Hải quan đã trao đổi ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Căn cứ vào các công văn số 465/CN-GSL ngày 14/4/2016 và công văn số 687/CN-GSN ngày 17/5/2016 của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan hướng dẫn như sau:
1. Một số quy định của pháp luật Việt Nam về ghi chép lý lịch giống như sau:
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống vật nuôi trên lãnh thổ Việt Nam phải có hồ sơ theo dõi giống theo Điểm e, Khoản 1, Điều 19 của Pháp lệnh giống vật nuôi, trong đó có lý lịch giống của từng cá thể giống. Các thông tin chính thể hiện trên lý lịch giống vật nuôi bao gồm: Số hiệu cá thể, tính biệt, ngày sinh, cấp giống, tên chủ nuôi gia súc, sức sản xuất của bố, mẹ, ông, bà.
- Giống vật nuôi không có bao bì chứa đựng khi kinh doanh phải ghi nhãn giống vật nuôi theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh giống vật nuôi, Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trong đó, bao gồm: phải có hồ sơ theo dõi giống kèm theo.
2. Nội dung kiểm tra các căn cứ để xác định các loài gia súc nêu trên là loại để nhân giống là kiểm tra hồ sơ lý lịch con giống đi kèm.
3. Hướng dẫn cụ thể:
3.1. Đối với trâu, bò: Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn tại các công văn 2538/TCHQ-TXNK ngày 31/3/2016; 1593/TCHQ-TXNK ngày 14/02/2015, 9016/TCHQ-TXNK ngày 02/10/2015, công văn số 2538/TCHQ-TXNK ngày 31/3/2016 của Tổng cục Hải quan, trong đó có gửi kèm theo các công văn số: 129/CV-GSL ngày 10/02/2015, 1581/CN-GSL ngày 02/11/2015 và 306/CN-GSL ngày 16/3/2016 của Cục Chăn nuôi; 7706/BNN-CN ngày 18/9/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3.2. Đối với ngựa, cừu và dê:
- Đối với đực giống: Lý lịch cần có số hiệu cá thể, tính biệt, ngày sinh, tên chủ nuôi gia súc hoặc tên trang trại nuôi gia súc và sức sản xuất của ông, bà, bố, mẹ. Mỗi cá thể thuộc các loại trên được cấp riêng một giấy xác nhận lý lịch giống.
- Đối với cái giống: Có thể cùng chung 1 bộ hồ sơ, song cần ghi rõ các thông tin về số hiệu cá thể, tính biệt, ngày sinh, tên chủ nuôi gia súc hoặc tên trang trại nuôi gia súc, sức sản xuất của bố, mẹ cho từng cá thể trong bộ hồ sơ đó;
- Hồ sơ lý lịch giống của ngựa, cừu và dê giống phải được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu (có chữ ký của Hội, hoặc Hiệp hội hoặc đơn vị có chức năng xác nhận và chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng con giống). Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao chứng thực kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của đơn vị nhập khẩu. Trong trường hợp nộp trực tiếp, hồ sơ là bản sao chụp đồng thời phải xuất trình bản chính để đối chiếu;
3.3. Đối với lừa và la: Không có trong Danh Mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT ngày 01/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
3.4. Đối với lợn:
a. Về công tác quản lý giống lợn tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, thường quản lý từng cá thể. Mỗi cá thể đều có lý lịch riêng do cơ sở giống lập ra để theo dõi từ khi cai sữa đến khi loại thải. Trên lý lịch từng cá thể đều có thông tin bắt buộc: (1) Tên giống và số hiệu của cá thể đó; (2) Tên giống và số hiệu của lợn bố, mẹ sinh ra cá thể đó.
b. Để xác định lợn giống nào đó là giống thuần, có thể xác định qua lý lịch và căn cứ vào tên giống của cá thể, tên giống của lợn bố và tên giống của lợn mẹ là trùng khớp (giống nhau).
c. Trong hệ thống giống lợn tại Việt Nam và các nước trên thế giới thường phân ra làm 3 cấp giống: giống cụ kỵ (viết tắt là GGP); giống ông bà (viết tắt là GP); giống bố mẹ (viết tắt là PS). Cụ thể:
- Đàn giống GGP: là đàn giống thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn tạo, nuôi dưỡng để sản xuất ra đàn giống GP;
- Đàn giống GP: là đàn giống nhân từ đàn giống GGP để sản xuất ra đàn giống PS;
- Đàn giống PS: là đàn giống GP để sản xuất ra giống thương phẩm.
Để xác định là đàn lợn giống dùng để nhân giống có thể căn cứ trên hồ sơ hoặc lý lịch giống có ghi là GGP, GP hoặc PS.
d. Thực chất một số quốc gia mà Việt Nam thường xuyên nhập khẩu giống lợn cũng có các tổ chức chứng nhận chất lượng cho các cá thể lợn giống (tại Mỹ: Hiệp hội giống lợn Hoa Kỳ; tại Canada: Trung tâm quốc gia về cải tiến di truyền giống lợn;...). Tuy nhiên, việc chứng nhận chất lượng chỉ tập trung các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát dục và giá trị ước tính của cá thể lợn đó (không xác nhận “giống thuần chủng để nhân giống”).
e. Để xác định lợn giống thuần chủng và lợn giống để nhân giống khi nhập khẩu về Việt Nam, cần căn cứ trong hóa đơn mua/bán hoặc lý lịch kèm theo con giống đó được thể hiện là giống cụ kỵ (GGP) hoặc giống ông bà (GP) hoặc giống bố mẹ (PS). Theo đó:
- Hóa đơn mua/bán: là bản gốc có xác nhận của người đại diện hợp pháp của các bên có liên quan.
- Lý lịch con giống: là bản gốc và tên cơ sở giống trên lý lịch con giống đó phải phù hợp tại giấy xác nhận nguồn gốc (C/O) của tổ chức hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.